Chúa Nhật XXVII - Thường Niên - Năm B |
LẬP LUẬT VÀ ÁP DỤNG LUẬT |
Suy niệm của JKN |
Tính sư phạm và nhân bản của Thiên Chúa trong việc lập luật và áp dụng luật Câu hỏi gợi ý: 1. Tại sao luật Môsê lại cho phép vợ chồng ly dị (x. Mt 5,31; Đnl 24,1) còn Đức Giêsu thì không? Luật Môsê có phải là luật của Thiên Chúa không? Phải giải thích sao về sự mâu thuẫn giữa hai thứ luật đều cùng là luật của Thiên Chúa cả? 2. Thiên Chúa coi hạnh phúc của con người quan trọng hơn luật của Ngài, hay ngược lại? Ngài lập luật để con người hạnh phúc, hay dựng nên con người để tuân theo luật Ngài? Luật lệ và con người, cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện? 3. Khi áp dụng luật Chúa cho người khác, ta nên có thái độ nào? cứng nhắc hay mềm dẻo? nên vì luật Chúa hay vì hạnh phúc con người hơn? Suy tư gợi ý: 1. Bối cảnh của bài Tin Mừng Các người Pharisêu hỏi Đức Giêsu về vấn đề ly dị không phải vì họ thắc mắc cần được giải đáp, mà vì muốn gài bẫy Ngài. Nếu Ngài đồng ý với việc ly dị, thì Ngài tỏ ra cùng lập trường với người Pharisêu. Và như vậy người Pharisêu có thêm một đồng minh rất có uy tín về vấn đề này để chống lại chủ trương đối lập. Còn nếu Ngài không đồng ý, thì nhiều người trong đám đông không chấp nhận. Quan trọng hơn nữa, Ngài sẽ bị vua Hêrốt thù ghét, vì Ngài tỏ ra cùng phe với Gioan Tẩy giả, là người lên án ông về tội ngoại tình và đã bị ông giết chết (Mc 6,17-28). Đây cũng là điều mà bọn Pharisêu mong muốn cho Ngài. Vì thế, Ngài trả lời thế nào cũng đều có lợi cho họ. Nhưng Đức Giêsu đã lợi dụng cái bẫy này để mặc khải nền tảng của hôn nhân theo kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa là vợ chồng phải «nhất phu nhất phụ», đồng thời chỉ ra sự sai trái trong chủ trương của người Pharisêu. Người Pharisêu dựa vào câu Kinh Thánh sau đây để biện minh cho sự ly dị: «Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà» (Đnl 24,1). Đức Giêsu đã nhắc đến luật này trong Cựu Ước và đưa ra luật mới ngược lại: «Luật (Môsê) dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình» (Mt 5,31-32). 2. Bài học về tính sư phạm của Thiên Chúa Ngài chủ trương khác với Môsê, nhưng Ngài không đả kích hay chê bai Môsê, mà cho rằng Môsê đã thích ứng với sự yếu đuối của con người: «Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông». Vì: nếu ra luật mà người ta yếu đuối quá không thể giữ được, thì lúc đó luật chỉ gây nên mặc cảm tội lỗi. Như vậy, thay vì luật nâng đỡ con người, thì lại đạp họ xuống. Nghĩa là luật trở nên gánh nặng không thể vác nổi cho con người, khiến họ thất vọng đối với sự công chính và quay về hướng tội lỗi. Vì thế, trong trường hợp đó, tốt hơn là luật chưa nên đòi hỏi đúng mức. Do đó, luật Môsê đã tỏ ra nhân nhượng với sự yếu đuối của con người. Thánh Phaolô chủ trương: «Nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội» (Rm 5,13); và «tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật» (1Cr 15,56). Bởi luật được lập nên vì con người, chứ không ngược lại (x. Mc 2,27). Đó là quan niệm rất nhân bản về lề luật. Nhưng khi con người đạt được một trình độ tâm linh cao hơn, thì Đức Giêsu đã nâng cấp lề luật lên một bậc để đưa con người lên mức độ thánh thiện và hoàn hảo cao hơn, hợp lý hơn, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa hơn. Điều này cho chúng ta thấy tính sư phạm của Thiên Chúa. Lề luật, giao ước, mặc khải hay những điều Thiên Chúa dạy dỗ con người không thể là những gì bất biến, mặc dù Thiên Chúa thì bất biến. Tất cả những thứ ấy không phải vì Thiên Chúa nhưng vì con người, mà con người thì biến đổi, nên chúng phải thích ứng sao cho phù hợp với con người. Khi trình độ hay hoàn cảnh của con người thay đổi, thì lề luật, cũng như những mặc khải hay những điều dạy dỗ của Thiên Chúa đã có trước đó lâu năm sẽ phải thay đổi cho thích ứng với con người thời đại, đồng thời phù hợp với «đạo» là nguyên lý không thay đổi của Thiên Chúa hơn. Không thể lấy lề luật cũ áp dụng cho con người mới được: lề luật cũ, mặc khải cũ, giao ước cũ phù hợp với con người cũ (thời xưa) chứ không phù hợp với con người mới (thời nay). Vì thế, cần phải có lề luật mới, mặc khải mới, giao ước mới để phù hợp với con người mới. Thánh Phaolô có nói đến sự lỗi thời của các giao ước, khi đã có một giao ước mới đến thay thế: «Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sẽ tan biến đi» (Dt 8,13). Bất kỳ giao ước nào, lề luật nào, mặc khải nào đang hiện hành đều được coi là tuyệt đối, bất biến, muôn đời không thay đổi. Có như thế con người mới đủ xác tín để thực hành. Nhưng khi có giao ước, lề luật, mặc khải mới, thì những thứ cũ đều bị coi là lỗi thời, không phải theo nữa. Cụ thể là luật Môsê mà người Do Thái xưa coi là tuyệt đối và bất biến, đã trở nên lỗi thời và được thay thế bởi luật của Đức Giêsu. Và đương nhiên luật của Đức Giêsu cũng là luật cho con người chứ không phải cho Thiên Chúa. 3. Hãy «vì con người, chứ không phải vì lề luật» Đức Giêsu đã cho thấy kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa là: «Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly». Đấy là nguyên lý của Thiên Chúa cho hạnh phúc con người, ai sống theo như vậy thì sẽ được hạnh phúc. Thật vậy, trong đời sống vợ chồng, tình yêu và sự hòa hợp là hai yếu tố quan trọng để đời sống hôn nhân được hạnh phúc. Tình yêu cũng là một yếu tố thuận lợi cho sự hòa hợp và ngược lại. Tuy nhiên, thiếu một trong hai thì đời sống hôn nhân không thể hạnh phúc. Dẫu vậy, tình yêu là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng chỉ có tình yêu đích thực mới đem lại hạnh phúc, mà tình yêu chân thực tất yếu phải là tình yêu duy nhất và chung thủy. Một nhà tâm lý nói: «Đã yêu rồi, lại còn yêu người khác nữa, thì không phải là tình yêu chân thật. Đã yêu, nhưng sau đó lại không yêu nữa, cũng không phải là tình yêu chân thật». Vì thế, hôn nhân Kitô giáo đòi hỏi hai phối ngẫu một tình yêu đích thực, nghĩa là tình yêu duy nhất và trọn đời. Điều đó thật hợp lý và phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Và Giáo Hội không chấp nhận ly dị là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc áp dụng luật của Thiên Chúa cũng như luật Giáo Hội thiết tưởng không nên cứng ngắc. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy: chính Thiên Chúa - qua luật Môsê - cũng đã nhân nhượng sự yếu đuối của con người. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa chỉ dựng nên có một người nam và một người nữ, nghĩa là ngay từ đầu, trong kế hoạch của Thiên Chúa, đã có luật «nhất phu nhất phụ» rồi. Nhưng trong luật Môsê, Ngài đã tạm thời chấp nhận việc ly dị, chỉ vì tâm linh của con người còn quá thấp kém, không thể giữ nổi: «Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông». Như thế ta thấy mặc dù Thiên Chúa là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng rất là nhân bản, Ngài thông cảm với những yếu đuối của con người, và Ngài đã tỏ ra chú trọng đến hạnh phúc của con người nhiều hơn cả việc đòi hỏi con người phải theo đúng kế hoạch của Ngài. Ngài đặt nặng hạnh phúc của con người hơn cả lề luật của Ngài: bởi lề luật được lập nên vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì lề luật (x. Mc 2,27). Lề luật dù có thánh thiêng tới đâu cũng là vì con người, nhằm phục vụ cho lợi ích hay hạnh phúc của con người, chứ không ngược lại. Lề luật là phương tiện, nhưng con người mới là mục đích. Con người thánh thiêng hơn các lề luật rất nhiều, cho dù lề luật có do chính Thiên Chúa lập nên đi nữa, vì «con người là hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26.27; 9,6), chứ lề luật không phải là hình ảnh của Ngài, dù là luật do chính Ngài thiết lập. Vì thế, các mục tử, khi áp dụng luật Chúa cho giáo dân của mình, thiết tưởng cũng phải biết sử dụng quyền mà Chúa trao: «Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy» (Mt 16,19; 18,18). Chúa trao cho mình cả hai quyền, nhưng nhiều khi mình chỉ chuyên sử dụng có một quyền, chỉ biết «cầm buộc» mà không biết «tháo cởi». Tội nghiệp cho giáo dân ngu dốt của mình! Xin hãy cân nhắc một cách sáng suốt giữa hai sức nặng cần phải tôn trọng: hạnh phúc của con người và luật của Thiên Chúa. Có những trường hợp phải hy sinh luật Chúa cho hạnh phúc của con người! Trong ngôn ngữ dân gian có câu: «Nếu đất không chịu trời, thì trời nhiều khi đành phải chịu đất». Đó cũng là sự mềm dẻo trong việc áp dụng luật cho người khác, một đặc tính phải có của tình thương. Thiên Chúa còn mềm dẻo và nhân nhượng trong việc áp dụng luật đối với con người, tại sao con người lại quá hà khắc với nhau? Cầu nguyện Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng con người thánh thiêng hơn lề luật, và lề luật được lập nên vì hạnh phúc của con người. Lề luật chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Xin đừng để con quá «vị luật» đến nỗi lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh con người cho việc áp dụng lề luật. Xin cho con biết nhân ái và bao dung khi áp dụng luật Chúa cho tha nhân. |