Chúa Nhật XXVII - Thường Niên - Năm B |
ĐỨC GIÊSU GIẢI THÍCH LỀ LUẬT VỚI UY QUYỀN |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Chủ đề ly dị là chủ đề nóng bỏng của mọi thời, vào thời Chúa Giêsu, chủ đề này được tranh luận giữa các bậc thầy do thái. Người ta thấy có hai trường phái danh tiếng, trường phái của Hillel vốn chủ trương khá tự do, chấp nhận nhiều lý do cho phép chồng có thể ly dị vợ, ngược lại trường phái của thầy Shammai thì nghiêm ngặt hơn, chỉ chấp nhận một số lý do hạn chế cho phép ly dị. Hơn nữa, theo luật do thái, chỉ có người đàn ông có quyền ly dị vợ, thì lập trường của thầy Shammai lại bênh vực quyền lợi của người đàn bà. Vì thế, khi những người biệt phái đặt câu hỏi với Chúa Giêsu có được phép ly dị vợ mình không thì họ vốn đã thực hành việc ly dị theo luật Môisen, và họ đặt câu hỏi với Chúa Giêsu chỉ là để thử người. Bẩy mà họ giăng ra rất rõ ràng, và tùy vào câu trả lời của Chúa Giêsu mà người ta sẽ qui kết cho người theo chủ trương nghiêm ngặt hay chủ trường dễ dãi. Câu trả lời của Chúa Giêsu đi ngược lại luật Môisen và vượt trên luật Môisen. Người tỏ ra là Đấng giải thích lề luật một cách mới mẻ và đầy uy quyền. Người mời gọi những người biệt phái đọc lại bản văn Sáng thế ký là bản văn luật cổ thời hơn cả để họ thấy được ý nghĩa ban đầu của Thiên Chúa tạo dựng. Bản văn Sáng thế ký cho thấy hình ảnh hai người nam nữ, Ađam và Evà được tạo dựng với phái tính của họ, đều là hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa. Sự cao cả của họ là ở chỗ họ là hình ảnh của Thiên Chúa với sự khác biệt phái tính, họ được tạo dựng hướng về nhau và sống với nhau theo ý định nguyên thủy của Thiên Chúa: cả hai người kết hợp nên một xác thịt. Hai người nam nữ có ơn gọi tạo lập nên một gia đình, một đời sống chung có tình yêu và liên hệ phái tính theo dự định nguyên thủy của Thiên Chúa. Tin mừng Marcô còn xen vào chủ đề ly dị là giáo huấn của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Chúa Giêsu biết các môn đệ của mình vốn đang tranh luận với nhau xem ai là người lớn hơn trong Nước Thiên Chúa. Người muốn sửa dạy các ông và cho các ông thấy một kiểu mẫu mới mẻ hơn của Nước Thiên Chúa, hoàn toàn không theo lối đánh giá của người đời. Khi người ta đưa các trẻ nhỏ đến với Chúa Giêsu để người chúc lành cho chúng, trong khi các môn đệ lại khiển trách, thì Chúa Giêsu phật ý với thái độ của các môn đệ, người nói với các ông: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với thầy, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng”. Chúa Giêsu đã có những dấu yêu thương đối với các trẻ nhỏ, người ôm chúng và ban phúc lành cho chúng. Một trong những nguyên nhân có thể giải thích thái độ không thiện cảm của các môn đệ đối với các trẻ nhỏ là bởi vì các trẻ nhỏ chưa biết lề luật Môisen. Vì chưa biết lề luật nên người ta đối xử với chúng như những kẻ sống ngoài lề luật, hạng đàn bà hay những nô lệ. Chúa Giêsu đã tỏ những dấu trìu mến đối với các em, người muốn các môn đệ của mình cũng học được những tâm tình và thái độ mà các trẻ em có một cách tự nhiên như là bé nhỏ, khiêm tốn, tin tưởng và phó thác. Trẻ em phải sống nương nhờ vào cha mẹ cách tự nhiên, trẻ em bị loại trừ không được kính trọng ở trong xã hội, thì các môn đệ của người cũng cần phải bỏ những thái độ tự cao tự đại và cạnh tranh hơn thua để có thể đón nhận Nước Thiên Chúa với thái độ phù hợp hơn như là khiêm tốn, phục vụ và phó thác khiêm nhường. Cả hai trường hợp, hôn nhân và thái độ xứng đáng với Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã trả lại giá trị đúng cho những tương quan giữa con người đối với nhau như vợ chồng và thái độ khiêm tốn phục vụ giữa mọi người. Cả hai tình huống, người đều cho thấy những lệch lạc sai trái của con người, làm mất đi sự trong sáng của dự định ban đầu của Thiên Chúa do bởi lòng trí cứng cỏi của mình. Chính lòng trí cứng cỏi của con người làm cho tương quan vợ chồng vốn tốt đẹp theo dự định ban đầu khi tạo dựng của Thiên Chúa đã trở nên lệch hướng làm cho loài người trở nên ganh ghét nhau và loại trừ nhau. Cũng chính thái độ cứng cỏi của loài người làm cho mọi người tranh giành hơn thua nhau, không biết khiêm nhường hạ mình phục vụ. Trong bức thư gửi tín hữu do thái, tác giả đã cho thấy thái độ tự hạ thẳm sâu của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của người mà nhờ đó người đã đạt tới vinh quang danh dự của Đấng cứu độ theo dự định của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là mẫu mực của mọi người, Đấng thánh hóa mọi người, Người đã khiêm nhường tự hạ để trở nên anh em của mọi người. Người đã tự hạ thẳm sâu đến độ chết trên thập giá và Thiên Chúa đã tôn vinh người, ban tặng cho người mọi vinh quang và danh dự : “Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên Thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người”. Tác giả rất nhấn mạnh đến sự tự hạ thẳm sâu của Đức Giêsu qua cuộc khổ nạn của người và nhờ sự tự hạ này mà người đã đạt đến vinh quang của sự Phục sinh mà Thiên Chúa ban tặng cho người để rồi người đem lại ơn cứu độ cho nhiều người. Suy tư của tác giả tập trung vào mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giêsu và mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm khổ nạn này. Sự tự hạ thẳm sâu của Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn là nguyên nhân của ơn cứu độ cho nhiều người, vì Người chết thay cho mọi người. Chính Thiên Chúa là cùng đích của mọi người và mọi loài đã làm cho Đức Giêsu được nên hoàn hảo. Nhờ cuộc thương khó mà Đức Giêsu đã can đảm đón nhận đã hoàn tất thánh ý quan phòng của Thiên Chúa là làm cho người nên Đấng cứu độ của mọi người để dẫn đưa mọi người vào trong vinh quang Thiên Chúa. |