Chúa Nhật XXVII - Thường Niên - Năm B
CHUNG THỦY TRONG HÔN NHÂN
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP

         

          Mọi người phải công nhận gia đình là nền tảng của xã hội. Nếu nền tảng gia đình không vững chắc thì lâu đài xã hội có nguy cơ sụp đổ.  Ngày nay nền tảng gia đình đang bị lung lay do những cuộc đổ vỡ, phản bội, nói đúng, hơn là do những cuộc ly dị xẩy ra hằng ngày. Thực ra chế độ đa thê và ly dị đã có từ xưa trong xã hội, nhưng nó được đặt lại cho dân Chúa từ thời ông Maisen. Chính ông đã cho phép hợp thức hóa, qui định luật và làm thành thủ tục. Luật này vẫn còn tồn tại cho tới thời Chúa Giêsu .

 

          Luật tuy đã có đấy, nhưng người biệt phái muốn Chúa Giêsu phải xác định rõ ràng xem người đàn ông có được phép rẫy vợ không, có ý gài bẫy Chúa, để Ngài phải trả lời và trả lời thế nào cũng gặp nguy hiểm. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời có hay không mà chỉ dùng Kinh Thánh để nhắc nhở cho người ta  phải trở về nguồn gốc ý định đầu tiên của Thiên Chúa khi dựng nên loài người :”Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,6).

 

          Ngày nay, Giáo hội vẫn trung thành với giáo lý của Chúa Giêsu và luôn khẳng định đặc tính “vĩnh viễn” của hôn nhân Công giáo. Không ai có quyền hủy bỏ giao ước hôn nhân hợp pháp vì đây là luật của Chúa. Luật bất ly dị xem ra là một luật khắt khe và khó khả thi, nhưng với ơn Chúa trợ giúp chúng ta có thể thực hiện được, và nhờ đó Giáo hội cũng như xã hội càng thêm vững chắc, gia đình dễ tìm được hạnh phúc.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          Bài đọc 1 : St 2,18-24.

 

          Trong bài đọc 1, tác giả sách Sáng thế nói với chúng ta về nguồn gốc cặp vợ chồng đầu tiên trong nhân loại : chính Thiên Chúa đã tạo dựng người nam người nữ, bổ túc cho nhau để trong hôn nhân, họ tạo thành một cặp vợ chồng bền vững. Chúng ta có thể rút ra được mấy tư tưởng        -           - Người nam sống một mình cô đơn cần phải có người khác để chia sẻ.

- Thiên Chúa dựng cho người nam một người nữ làm trợ tá tương xứng.

- Người nữ trợ tá này có quyền bình đẳng với người nam.

- Người nam và người nữ kết hợp với nhau, gắn bó với nhau thành một xương một thịt.

 

Bài đọc 2 : Dt 2,9-11.

 

          Tác giả thư gửi tín hữu Do thái nhằm tôn vinh chức tư tế của Đức Kitô : Ngài là vị tư tế hoàn hảo. Để thực hiện chương trình của Thiên Chúa, Ngài đã hạ mình xuống làm người chịu nạn chịu chết, bị hạ xuống thua kém các thiên thần một thời gian ngắn, nhưng qua việc Phục sinh, Ngài lại được nâng lên và trở thành vị lãnh đạo thập toàn.

 

          Nếu các Kitô hữu cùng kết hợp với cuộc khổ nạn của Ngài thì Ngài cho phép mọi người được dự phần vinh quang của Ngài.

 

          Bài Tin Mừng : Mc 10,2-16.

 

          Bài Tin mừng hôm nay được chia thành hai phần :

 

a)   Về vấn đề ly dị :

 

           Có người biệt phái đến phỏng vấn Chúa Giêsu về vấn đề ly dị có ý gài bẫy Ngài, bởi vì luật Maisen đã cho ly dị, còn Chúa Giêsu thì lại kết án.

 

          Về vấn đề ly dị thì có hai trường phái đối nghịch nhau :  phái tự do và phái bảo thủ.  Phái tự  tự do thì cho rằng có thể ly dị vì bất cứ lý do gì  dù rất tầm thường. Còn phái bảo thủ thì khắt khe hơn, chỉ dược ly dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy chủ trương khác nhau, nhưng hai phái này có một điểm chung  là cho phép ly dị.

 

          Sau khi giải thích tại sao Maisen đã phải dàn xếp như vậy, Chúa Giêsu lớn tiếng tuyên bố cần phải tái lập cho hôn nhân được sự trong sáng nguyên thủy : “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.

 

          b) Thái độ đối với trẻ con.

 

- Người Do thái có thói quen đem trẻ nhỏ đến cho những người có uy tín đặt tay chúc lành cho chúng.  Thấy Chúa Giêsu là bậc Thầy nhân hậu có nhiều uy tín, họ đã đem trẻ nhỏ đến để Ngài chúc lành cho chúng.

- Các môn đệ tỏ ra khó chịu, muốn đuổi chúng đi vì chúng là những kẻ bắng nhắng, hay quấy rầy người lớn.

- Nhưng Chúa Giêsu ngăn cản các ông và dạy cho các ông một bài học là mở rộng vòng tay  đón tiếp tất cả mọi người, không loại trừ bất cứ ai.

- Nhân dịp này, Chúa cũng bảo người lớn phải có tâm hồn như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước Trời.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

                                                Chung thủy trong Hôn nhân

1.    Theo ý định của Thiên Chúa.

 

Theo sách Sáng thế, Thiên Chúa đã dựng nên con người là Adong giống hình ảnh Chúa, cho làm chủ mọi công trình tạo dựng của Ngài, nhưng Ngài thấy “con người ở một mình không tốt” nên từ cạnh sườn của Adong Thiên Chúa đã dựng nên cho ông  “một trợ tá tương xứng với ông”.  Thiên Chúa đã giới thiệu Evà cho ông và ông đã phải thích thú kêu lên :”Đây là xương bởi xương tôi, và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là đàn bà (Ishsah) vì bởi đàn ông (Ish) mà ra”(St 2,23).

 

          Hai nguyên tổ là những tạo vật do Thiên Chúa dựïng nên giống hình ảnh Ngài và do một tình thương đặc biệt, Ngài cho hai người phối hợp với nhau trở nên một xương một thịt, bởi vì “người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình và hai người sẽ nên một xương một thịt”(St 2,24).

 

          Như vậy, ý định của Thiên Chúa  là sáng tạo một người nam và một người nữ để thành một huyết nhục  là khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ.  Hiệu quả của khế ước này là sự trở nên làm một với nhau.  Điều này chứng tỏ việc ly dị là phủ nhận khế ước tình yêu giữa nam và nữ, đồng thời  cũng nói lên sự bất phục tùng ý định của Thiên Chúa. Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu duy nhất và chung thủy :”Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”(Mt 19,6).

 

2.    Luật thời Maisen.

 

a)   Luật trong sách Đệ nhị luật :

 

          Luật ly dị của người Do thái vốn bắt nguồn từ Đệ nhị luật 24,1. Đoạn sách này là nền tảng của toàn thể vấn đề. Câu ấy chép :”Khi một người nam cưới vợ, nếu nàng chẳng được ơn trước mặt chàng, bởi chàng thấy nơi nàng một xấu hổ nào, thì chàng được viết một tờ ly dị, trao vào tay nàng và đuổi khỏi nhà mình”(Đnl 24,1).

 

          Thoạt tiên, tờ ly dị vợ rất đơn giản. Nó được viết như sau :”Đây là tờ giấy tôi viết để ly dị cho ra khỏi nhà và cho (nàng) được tự do, có thể lấy ai tùy ý”. Về sau tờ giấy ly dị  được viết lại kỹ lưỡng và trau chuốt hơn.

 

          Vào thời Tân ước, chứng từ này phải do một rabbi có tài năng thảo ra. Sau đó,  nó còn phải được một hội đồng gồm 3 rabbi phê chuẩn, rồi được lưu trữ ở Tòa Aùn Tối cao. Nhưng nói chung  thì việc ly dị vợ hết sức dễ dàng và hoàn toàn do ý muốn của người đàn ông.

 

          b) Hai trường phái cắt nghĩa luật.

 

          Maisen phần lớn chỉ lấy lại “luật theo tục lê” của thời ông, mà thời đó chế độ đa thê và ly dị đã nằm trong truyền thống có cơ sở vững chắc. Vì không thể làm hơn được, ông đã cố sửa chữa những sở thích tùy tiện bằng cách “hợp thức hóa”,”qui định” và thiết lập một “thủ tục”. Ôâng muốn giới hạn sự ác bằng cách buộc phải theo thủ tục rõ ràng.  Nhưng cũng như mọi luật lệ, luật này có thể được áp dụng rộng rãi hay là ngược lại.

 

          Vấn đề then chốt thực sự là việc giải thích luật pháp dựa theo chương 24,1 trong sách Đệ nhị luật. Câu ấy qui định người đàn ông có thể ly dị vợ nếu có một “xấu hổ”.  Vậy họ phải giải nghĩa câu này thế nào ? Trong vấn đề này chúng ta thấy có hai trường phái đối nghịch nhau : trường phái bảo thủ và trường phái tự do.

 

          * Trường pháo bảo thủ (Rabbi Shammai) : giải thích hết sức khắt khe : xấu hổ là ngoại tình và chỉ có ngoại tình (tà dâm) mà thôi.

 

          * Trường phái tự do (Rabbi Hille) : phái này cắt nghĩa rất rộng rãi. Họ bảo nó có nghĩa là nếu người vợ làm hỏng đĩa đồ ăn, la cà ngoài phố, trò truyện với đàn ông lạ, nói hỗn với bà con bạn bè của chồng gần bên chồng… là đáng xấu hổ.

 

          Thậm chí Rabbi Akiaba còn đi rất xa để giải thích câu “nếu nàng chẳng được ơn trước mặt chàng” là nếu người đàn ông thấy có người đàn bà nào đẹp hơn vợ mình.

 

          Sở dĩ có vấn đề được đặt ra ở đây là theo luật Do thái, phụ nữ vốn bị xem như một đồ vật. Phụ nữ không có quyền lợi pháp định, hoàn toàn bị đặt dưới quyền sử dụng của đàn ông làm chủ trong gia đình. Hậu quả là người đàn ông có thể ly dị vợ bất cứ vì lý do gì, trong khi hầu như có rất ít lý do để người phụ nữ được phép ly dị. Cùng lắm, người vợ chỉ có thể xin chồng ly dị mình mà thôi.  Phụ nữ bị chồng ly dị dầu có thuận ý hay không, nhưng đàn ông thì có thể  tự ý ly dị vợ. Chỉ có lý do để một người phụ nữ được quyền xin ly dị chồng là khi người chồng mắc bệnh phung, hoặc khi người ấy xâm phạm tiết hạnh một trinh nữ, hoặc khi người chồng cáo gian vợ phạm tội trước khi kết hôn với nhau.

 

Truyện : ly dị nơi bộ lạc Babira.

 

          Bộ lạc Babira bên Phi châu là nơi người chồng ly dị dễ dàng nhất với vợ.

          Người chồng chỉ việc đợi lúc ban đêm, đặt trước túp lều của vợ mình một bình dầu nhỏ và một chiếc gậy (gậy chống để đi cho đỡ mỏi) là sáng dậy người vợ hiểu ngay rằng người chồng đã ly dị với mình.

          Chiếc gậy để lại cho vợ có nghĩa là : bà hãy đi tìm người khác mà nương tựa. Còn lọ dầu nhỏ là theo một phong tục cổ truyền.

 

          3. Vấn nạn đặït ra cho Chúa Giêsu.

 

          Vấn đề được đặt ra là luật pháp cho phép ly dị đã rõ ràng như vậy rồi, tại sao những người biệt phái lại hỏi Chúa Giêsu :”chồng có được phép rẫy vợ không” ?  Đó là câu hỏi đầy ác ý, có ý gài bẫy Ngài.  Họ đặt ra câu hỏi ấy để bắt bí Chúa Giêsu : dù Chúa trả lời như thế nào đi nữa, thì Ngài cũng phải lãnh chịu một phần công luận, vì đây là vấn đề nóng bỏng và chạm đến những gì thâm sâu nhất của con người.  Không ai có thể trung lập trước câu hỏi, vì phải chấp nhận tình trạng này hay tình trạng kia một cách cụ thể.

 

          Thật vậy, người biệt phái đã thử thách Chúa Giêsu một cách thâm độc ghê gớm. Hỏi Chúa Giêsu : Chồng có được phép ly dị vợ mình không ?  Họ hỏi câu này ngay trong đất của Hêrôđê Antipas. Ôâng vua này mới ly dị vợ để lấy Hêrôđia, vợ của anh mình là Philipphê I. Gioan Tiền hô đã cảnh cáo vua và dã bị chặt đầu.  Nếu Chúa Giêsu phản đối luật ly dị, thì sẽ bị chặt đầu như Gioan, và đồng thời nghịch lại với Maisen. Nếu Chúa Giêsu đồng ý cho ly dị, thì lại trái ngược với Gioan và dân chúng sẽ phản đối vì dân chúng rất tôn kính Gioan.

 

          4. Chúa giải quyết vấn đề.

 

          Nhưng Chúa Giêsu không rơi vào cạm bẫy của họ. Ngài trả lời bằng một câu hỏi :”Thế ông Maisen đã truyền dạy các ông điều gi” ?  Khi dùng từ ngữ truyền dạy, Ngài buộc những lời chất vấn phải nhìn nhận công khai, đó không phải là một “lệnh truyền” của Maisen mà chỉ là một “nhân nhượng” vì lý do nhân đạo. Họ thú nhận : ông Maisen đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.

 

          Thực ra, luật này (Đnl 24,1) chỉ cấm lấy lại một người đàn bà đã bị rẫy và nói đến việc viết tờ ly dị, chứ không có chỗ luật nào nói rõ việc được phép ly dị… Chính các biệt phái cũng phải công nhận rằng Maisen cho phép viết tờ ly dị chứ không ra lệnh phải làm việc này (GM B. Nguyễn sơn Lâm,  Lời Chúa các Chúa nhật năm B, tr 422).

 

          Phần Chúa Giêsu, Ngài luôn luôn đứng về phía Thiên Chúa,  nhưng Ngài đã trưng Kinh Thánh để trả lời :”Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, và cả hai sẽ thành nên một xương một thịt… Sự gì Thiên Chúa phối hợp loài người không được phân ly”.

          Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, thương yêu nhau chí thân chí thiết đến nỗi nên cùng một xương một thịt, hợp nhất với nhau nên một.  Người Đông phương diễn tả sự hiệp nhất đó bằng một hình tròn, trong đó có âm có dương. Aâm là nữ, dương là nam, hình tròn chỉ sự toàn hảo, toàn thiện, toàn mỹ. Aâm dương hòa hợp vơi nhau hoàn hảo như thế gọi là thái hòa. Hòa tới tột độ gọi là thái cực. Nhờ sự hòa hợp đó sinh ra bốn mùa xuân hạ thu đông gọi là tứ tượng. Bốn mùa xoay vần, đắp đổi nhau làm cho muôn loài, muôn vật được phát triển, sinh sôi nảy nở, lớn lên, xanh tốt, trưởng thành, kết trái, rồi lại trở về cội nguồn hoàn hảo, toàn thiện, toàn mỹ.

 

          Hình tròn thái hòa âm dương không có góc cạnh gẫy góc, không có khuyết điểm, phân chia, thật hoàn toàn tốt đẹp diễn tả được ý nghĩa hôn nhân mà Thiên Chúa đã thiết lập như Ngài đã nói :”Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta, như họa hình Ta” (St 1,28).

                             (Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 190)

 

II. HÔN NHÂN THỜI CHÚNG TA.

 

          1. Thực trạng các gia đình thời nay.

 

          Lịch sử con người đầy rẫy những cuộc chia tay, đổ vỡ, phản bội. Từ thời Maisen dân chúng đã đòi ly dị, rồi đến Đavít chiếm đoạt vợ Uria, sang vua Hêrôđê ly dị vợ để cưới nàng Hêrôđia. Cứ thế tiếp tục cho đến ngày nay. Theo thống kê vào tháng 12/1989 tại các nước Phương Tây, cứ hai đôi hôn nhân thì có một đôi ly dị và hệ quả là 1/3 trẻ em sống như trẻ mồ côi.

          Trong tiệc cưới người ta thường chúc cô dâu chú rể nhiều điều tốt lành, nhưng có một lời chúc mà người ta dùng nhiều nhất là “Trăm năn hạnh phúc”. Cầu mong hạnh phúc thì ai cũng muốn, nhưng để có được hạnh phúc quả thật không dễ chút nào. Bởi hôn nhân không phải là chuyện tháng ngày, mà là chuyện cả một đời. Rất cần có sự keo sơn, chung thủy, nhẫn nhục và tha thứ cho nhau.

 

          Hiệp nhất trong hôn nhân  phải là sự hiệp nhất trọn vẹn cả tâm hồn lẫn thể xác.  Có thể nói hôn nhân  chính là cuộc đời “3 in 1” : hai trong một.

 

          Người ta thường nói :”Vợ chồng như đũa có đôi” để minh họa cho sự hiệp nhất, gắn bó, nương tựa giữa hai vợ chồng :

 

                                      Thà rằng chiếu lác có đôi

                             Chẳng hơn chăn gấm lẻ loi một mình.

 

          Có một câu thơ khá phổ biến, như một điệp khúc dễ thương :”Mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai”. Trước đây, vợ chồng thường xưng hô với nhau :”Mình ơi mình”, còn ngày nay, các bạn trẻ lại thi vị gọi người bạn đời là “Một nửa của tôi ơi” !

 

          Lý tưởng thì vậy đấy nhưng thực tế thì thật là chua chát. Người ta không ngại ngùng chặt phăng cái nửa mình mà quăng đi nơi khác. Vì tình, vì tiền, vì chức quyền, danh vọng, vì tính tình khác biệt… người ta có thể xé toạc cái giao ước hôn nhân mà bỏ vào thùng rác. Lúc này giao ước còn có nghĩa gì đâu !  Lúc này người ta cho phản bội là một việc bình thường nên mới thẳng thừng nói với nhau :

                                      Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi,

                                      Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

                                                   (Thế Lữ)

         

3.    Lý do của việc ly dị.

 

Theo tài liệu của Ủy Ban Tòa thánh chuyên trách về gia đình, chúng ta thấy tài liệu viết :”Con người và gia đình hiện nay sống trong một xã hội “bị động”, nghĩa là thiếu lý tưởng, muốn làm gì thì làm, bị tục hóa và là nơi mà sự giải thoát mình được thực hiện bằng nhiều cách, mà một trong những cách đó là dùng ma túy… Thời đại chúng ta đề cao tự do, một thứ tự do  không còn được coi là tích cực hướng về sự thiện, mà là thoát ly  khỏi mọi điều kiện cản ngăn mỗi người làm theo ý riêng mình…

 

          Người ta ca tụng chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa ích kỷ” (Tập Du désespoir à l’espérance, L.E. Vatican, 1992).

 

          Vì muốn theo chủ nghĩa thực dụng ích kỷ để thỏa mãn những khoái lạc thể xác, người ta không còn tôn trọng hôn nhân theo truyền thống nữa mà thích theo hôn nhân tự do.  Loại hôn nhân này chẳng có phép đời, cũng chẳng có phép đạo. Tại Pháp, năm 1975 loại hôn nhân tự do là 445.000 trường hợp. Đến ăm 1982 loại trường hợp tự do đã tăng lên gấp đôi tức là 809.000 đôi.

 

4.    Phải củng cố lại tình yêu gia đình.

 

          Chúng ta phải đổi mới và làm tươi trẻ lại tình yêu hôn nhân như người ta nói :”Hãy rửa tội cho tình yêu mỗi buổi sáng và hãy cưới lại nhau mỗi ngày”. Trong bài đọc 2, tác giả thư Do thái đã nhấn mạnh đến sự khắng khít giữa Đức Kitô và loài người trong mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Đức Kitô đã không để lại cho chúng ta  một tấm gương khắng khít hòa hợp và hiệp nhất đó sao ?  Ngài đang kêu gọi chúng ta  không những kết hợp bất khả ly với Ngài mà còn với nhau nữa. Ngài muốn khuyến khích riêng các gia đình đang gặp khó khăn đó.

 

          Thiên Chúa dựng nên chúng ta để yêu thương – nhận và cho tình yêu. Tuy nhiên, khả năng yêu thương  không phải là một vật mà Ngài ban cho đôi lứa trong ngày hôn lễ cùng với mọi quà tặng khác. Tình yêu là một điều mà người ta phải học biết. Hành trình thực sự mà đôi vợ chồng mới cưới phải thực hiện, không còn là cuộc hành trình cô độc, mà là cuộc hành trình đi từ tính ích kỷ đến tình yêu.

 

          Không có gì thách thức tình yêu bằng hôn nhân, cũng không có gì đem lại cho tình yêu cơ hội trưởng thành bằng hôn nhân. Nó đòi hỏi phải có nhiều sự trưởng thành. Theo kinh nghiệm, chúng ta thấy những con cá vàng trong chậu hòa hợp với nhau dễ dàng. Nhưng bạn hãy đem hai người đến sống chung thì ít lâu sau họ sẽ có vấn đề. Khi hai người kết hôn, họ đem đến hôn nhân sức mạnh và sự yếu đuối, tình yêu và thù hận, va chạm và tổn thương, hy vọng và sợ hãi.

 

          Tuy nhiên, những khó khăn mà họ gặp có thể là những cơ hội để họ trưởng thành. Khi đã khắc phục được vài cơn bão tố thì mối tương quan trở nên sâu sắc.

 

          Đứng trước tình trạng bi đát của các gia đình, Hội đồng Giám mục Pháp đưa ra một đường lối khả thi để xây dựng cuộc sống gia đình :”Để xem xét mục vụ về bí tích hôn nhân, chúng ta phải thực sự quan tâm đến những điều kiện thực tế hiện nay của đời sống lứa đôi : cuộc sống tạm bợ, bấp bênh về tương lai, bất ổn về đời sống lứa đôi không ngừng gia tăng, đổi thay của thân phận phụ nữ, những vấn đề do việc  điều hòa sinh sản đạt ra.  Khi để ý đến những điều kiện này, ta có thể trình bầy những đòi hỏi của Tin Mừng về hôn nhân như một đường lối khả thi để xây dựng đời sống lứa đôi và gia đình.  Một đường lối khả thi, nghĩa là đi theo nó, đôi vợ chồng không bị bỏ rơi, nhưng,  nhờ sự nâng đỡ của một nhóm hay một cộng  đoàn Kitô hữu, chính họ được mời gọi để hiểu rằng  Lời Đức Kitô dạy về tình yêu nhân loại đáp ứng được điều sâu thẳm nhất, mà cũng mỏng giòn nhất nơi con người”(Fiches dominicailes, năm B, tr 295).

 

5.    Cầu nguyện cho gia đình hiệp nhất.

 

          Người ta thường nói :”Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, dù con người có nỗ lực đến đâu cũng không đạt tới kết quả mong muốn nếu không có ơn Chúa trợ giúp vì Ngài đã nói :”Không có Thầy các con không làm được gì”, nhưng Ngài cũng nói :”Hãy xin thì sẽ được”, do đó, chúng ta phải nỗ lực cầu nguyện nhiều để gia đình được hiệp nhất, tránh được sự đổ vỡ đang rình rập.

 

          Để có đượcnhững tâm tình đó, chúng ta hãy đọc lại đoạn kết bài giảng của Đức Cha B. Nguyễn sơn Lâm :”Mầu nhiệm Thánh Thể của Người mà chúng ta cử hành bây giờ thật sự nói lên điều này. Đức Kitô chấp nhận sự chết là hình phạt của mọi người để đưa mọi người lên phúc vinh quang. Người kêu gọi chúng ta mật thiết kết hợp với Người. Và đồng thời Người sẽ thêm cho chúng ta  sức mạnh kết hợp với nhau như các chi thể trong một thân thể. Với ơn của Người, chúng ta sẽ lướt thắng mọi khó khăn trong tương giao xã hội và đặc biệt trong quan hệ gia đình, để khi mến Chúa nhiều, chúng ta cũng đoàn kết yêu thương nhau nhiều, không phải chỉ bằng cảm tình và lời nói hoặc lời cầu nguyện, mà bằng việc làm, hy sinh, cố gắng. Và chúng ta sẽ thấy đời người thật đáng sống khi có ơn Chúa.

 

Truyện :  Chiếc ghế quì.

 

          Một phụ nữ Đức đến xin tòa ly dị, vì ông chồng quá say sưa, chửi mắng, đập phá. Vị chánh án là ông Windthorst, một nhân vật thời danh của Giáo hội Đức. Vị chánh án hỏi :

- Lúc chồng bà say sưa, chửi mắng, đập phá, bà đối xử thế nào ?

Bà trả lời :

- Thưa ngài, dĩ nhiên là tôi phải gây sấm sét giông tố đối lại.

Vị chánh án ôn tồn bảo :

          - Tôi thấy hình như trong nhà bà thiếu một việc cần thiết để gây hòa bình, đó là chiếc ghế quì. Bà hãy về sắm chiếc ghế quì.  Rồi mỗi lần ông chồng trở về say sưa, chửi bới, đập phá, bà hãy mau mắn quì vào ghế đó và thay vì nói với chồng, bà hãy nói với Chúa.

          Bà này về làm đúng theo lời chỉ bảo. Ít lâu sau bà trở lại, sung sướng báo tin cho cho vị chánh án hay :”Môn thuốc ghế quì thật là linh nghiệm”.