Chúa Nhật XXVI - Thường Niên - Năm B |
HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU |
Lm Thiên Ngọc , CMC |
“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con” (Mc 9,40) Thưa các bạn thân mến, Tin Mừng Chúa Nhật 26 B hôm nay thuật lại một sự kiện khá lạ lùng. Đó là khi Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành bao bệnh hoạn cùng xua trừ nhiều quỷ dữ, thì cũng có kẻ nhân danh Người mà trừ quỷ, nhưng lạ thay, lại không cùng đoàn với các môn đệ Người! Tông đồ Gioan với lòng nóng nảy nhiệt thành đã ngăn cấm người đó. Nhưng Chúa Giêsu dạy rằng đừng ngăn cấm họ, vì chẳng có ai nhân danh Thầy mà trừ quỷ và làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Rõ ràng là chưa có sự hợp nhất giữa những người tin vào Thầy Giêsu lúc bấy giờ, vậy mà họ vẫn nhân danh Thầy Giêsu mà trừ được quỷ và làm phép lạ! Phải chăng họ không thích ai đó trong nhóm các tông đồ, nên đứng ngoài nhóm và “làm ăn” riêng? Lạ nữa, hình như là Thầy Giêsu vẫn có những môn đệ “ngoài luồng”, và Người vẫn yêu mến họ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế cùng quyền làm các phép lạ. Phải chăng Chúa Giêsu cho phép sự bất đồng chia rẽ của những người tin vào Ngài? Tuy có một tấm lòng bao dung quảng đại với các môn đệ gần kề hay xa xa, nhưng chắc rằng Thầy Giêsu không hề muốn sự phân ly chia rẽ. Lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Ngài rất rõ ràng và đầy khát khao mạnh mẽ: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta, như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (Ga 17,20-23). Nhìn lại lịch sử, trong những ngày đầu của Hội Thánh sơ khai, thánh Phêrô đã giảng rằng bất cứ ai kính sợ Chúa và thực hành sự công chính đều được Người đoái thương (x.Cv 10,34-35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Người muốn quy tụ lại thành một dân riêng, để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện (x. LG 9). Thế nhưng, ngay từ thuở sơ khai, trong Hội Thánh duy nhất này đã xuất hiện ít nhiều rạn nứt, chia bè phái, mà thánh Phaolô đã nặng lời quở trách là đáng lên án (x.1Cor 1,11). Trong các thời đại sau, xuất hiện nhiều phân rẽ trầm trọng hơn, và nhiều cộng đoàn đáng kể đã tách ra khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, mà đôi khi “do lỗi của những người thuộc cả hai bên” (UR 3). Những cuộc đoạn tuyệt do rối đạo, bội giáo, ly giáo ấy đã gây nên một vết thương trầm trọng và đau nhức xót xa cho toàn Hội Thánh. Ngày nay, tấm áo Hội Thánh vẫn còn bị xé ra, và đang cần nối kết chữa lành. Hội Thánh Công Giáo xác tín sâu xa rằng chính Hội Thánh Công Giáo là “phương thế cứu rỗi chung” (UR 3), vì “có trọn vẹn chân lý mà Chúa Kitô mạc khải và có đầy đủ mọi phương tiện cứu rỗi” (UR 4), là thân thể duy nhất của Chúa Kitô ở trần gian, nên “tất cả những ai thuộc về Dân Chúa một cách nào đó, đều phải tháp nhập vào” (UR 3). Vì thế, Hội Thánh đã cổ động việc tái lập sự hiệp nhất giữa toàn thể các Kitô hữu. Chính Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong tất cả các môn đệ Chúa Kitô lòng ước muốn và hành động để làm cho mọi người hiệp nhất với nhau trong bình an, thành một đoàn chiên duy nhất dưới quyền một vị chủ chăn duy nhất, theo cách thức Chúa Kitô đã vạch ra” (LG 15 ; RM 29). Để cộng tác vào việc xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn và trong Giáo Hội, Chúa Giêsu đã dạy tất cả các môn đệ đầu tiên, ngoài sự cầu nguyện, phải có tấm lòng bao dung và tôn trọng trước những khác biệt nơi người khác, miễn sao họ thực hành việc thiện: “Ai chẳng chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta. Ai cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, kẻ ấy sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,40-41). Sau nữa, để vun đắp cho sự hiệp nhất, Chúa Giêsu dạy những người tin vào danh Ngài phải tránh gương xấu: “Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” (c 42). Để tránh gương xấu, Chúa Giêsu dạy mọi người phải dứt khoát với dịp tội, với những căn cớ làm chúng ta vấp ngã (c 43.45-48). Khi sạch tội, con người sẽ hiệp nhất với Thiên Chúa và nên một với nhau cách dễ dàng. Một trong những yếu tố đầy hy vọng để tái lập sự hiệp nhất Kitô giáo, đó là Đức Maria cũng đã được tôn kính nơi những anh em Kitô hữu không thuộc Hội Thánh Công Giáo. Công Đồng Vaticanô II đã trân trọng ghi nhận điều ấy với niềm vui sâu xa: “Thánh Công Đồng rất vui mừng và được an ủi, vì trong những anh em ly khai không thiếu những anh em dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Mẹ đáng được” (LG 69 ; RM 29). Chắc chắn rằng, vì mọi người yêu mến Chúa Kitô đều yêu mến Mẹ của Ngài, mà nơi Mẹ, Đấng Tối Cao đã làm những sự trọng đại (x.Lc 1,49), nên Mẹ Maria “sẽ trở thành điểm trung gian gặp gỡ để đi đến hiệp nhất” (MC 32, 33). Đức Maria đã “chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi khích lệ cho dân Chúa trên đường lữ hành” (LG 68), xin Mẹ thúc giục con cái thanh tẩy và canh tân tình huynh đệ, để “dấu ấn Chúa Kitô chiếu rạng ngời trên khuôn mặt Hội Thánh” (LG 15).
CHÚ THÍCH LG : Lumen Gentium, Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, CĐ Vaticanô II. UR : Unitatis Redintegratio, Sắc lệnh Hiệp Nhất, CĐ Vaticanô II. MC : Marialis Cultus, Tông huấn Tôn Sùng Đức Maria, Đức Phaolô VI. RM : Redemptoris Mater, Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Gioan Phaolô II. |
|