Chúa Nhật XXVI - Thường Niên - Năm B |
GƯƠNG XẤU VÀ DỊP TỘI |
Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC |
Thưa anh chị em, Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe tóm lại hai điều Chúa muốn dạy: Thứ nhất, đừng làm cớ cho người khác vấp phạm. Thứ hai, phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho mình phạm tội. Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều văn minh tiến bộ, nhưng cũng không thiếu những gương mù gương xấu. Gương xấu làn tràn trong môi trường không lành mạnh. Gương xấu ví như hòn đá lớn đặt giữa lối đi làm cho người đi đường vấp ngã. Như thế rất tai hại, không những làm cho mình phạm tội mà còn làm tổn thương đến người khác nữa. Ngay trong Hội Thánh cũng không thiếu những hình thức gương xấu, khiến cho một số tín hữu bất mãn bỏ đạo. Cha mẹ không làm gương sáng nên con cái mất niềm tin. Thầy cô giáo dạy học chạy theo thành tích làm cho học trò thiếu tín nhiệm. Những gia đình trẻ gây đổ vỡ chia ly, khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu… Chúa Giêsu tỏ ra rất nặng lời đối với những ai làm gương xấu: “Thà buộc cối đá vào cổ ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42). Và Chúa Giêsu còn cho biết: “Những ai làm phúc cho người khác dù chỉ là một ly nước lã thôi, nhưng vì lòng yêu mến Chúa, thì Ngài sẽ ghi công trọng thưởng cho” (Mc 9,41). Ngược lại, nếu người nào làm gương mù gương xấu, làm cớ cho người khác phạm tội, thì Chúa sẽ tính tội người ấy. Tiếp đến, Chúa Giêsu dạy phải loại bỏ mọi nguyên nhân làm cho mình phạm tội, vì tội lỗi sẽ làm cho mình mất hưởng hạnh phúc Nước Trời mai sau. Để dễ hiểu hơn Chúa Giêsu đưa ra một dẫn chứng cụ thể: mỗi chi thể của con người đều quan trọng. Chẳng hạn như: tay, chân, tai, mắt, nhưng nếu phải mất một tay, một chân, một mắt mà còn được vào Nước trời, còn hơn đầy đủ bộ phận mà phải sa hỏa ngục. Vì như một phần nào của thân thể bị đau bệnh, không hy vọng chữa khỏi, như bị ung thư chẳng hạn: gây nguy hiểm cho thân thể và đe dọa đến sinh mạng, thì bác sĩ phải giải phẫu, cắt loại bỏ phần thân thể đó đi. Làm như thế sẽ bảo đảm được mạng sống, đó là chuyện thông thường trong y khoa. Cuộc sống đức tin chúng ta cũng vậy, nếu tay chân, tai mắt... nên cớ cho mình phạm tội, có nguy cơ đánh mất phần rỗi linh hồn, thì hãy nên đánh đổi. Nói rõ hơn, khi Chúa nói chặt tay, chặt chân hay móc mắt, không có nghĩa là chặt tay, chặt chân hay móc mắt thể lý, mà là hãy lánh xa dịp tội. Mắt có thể hiểu là cha mẹ, hay những người lớn tuổi. Tay có thể hiểu là anh chị em, bạn bè thân hữu. Nếu cha mẹ hay những người lớn tuổi gây dịp tội cho người trẻ, làm cớ cho chúng ta phạm tội, thì bằng mọi giá, chúng ta phải dứt lìa với những người đó, cho dù có bị mất lòng. Vì thà được lòng Thiên Chúa còn hơn được lòng người thế gian. Hay khi chúng ta làm bạn với ai đó, lần nào đi chơi với người ấy, chúng ta cũng dễ phạm tội lỗi giới răn Chúa; làm những điều trái với lương tâm, thì chúng ta phải cắt đứt ngay tình bạn đó, cho dù tổn thương tình nghĩa với nhau. Vì thà chịu đau khổ một thời gian trên chốn dương gian, còn hơn phải chịu khổ hình nơi chốn luyện tội. Chúng ta nên nhớ rằng: mục đích chúng ta sống ở trần gian này chẳng những nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là cha chúng ta, và thương yêu mọi người như anh em, nhưng còn phải cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp trong môi trường mình đang sống, để ngày sau được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Xây dựng một xã hội tốt đẹp là chúng ta nên làm gương sáng; làm những điều hữu ích cho xã hội, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, thế hệ con cháu của chúng ta. Đồng thời đối với bản thân, chúng ta cũng nên lánh xa những dịp tội, lánh xa những cơ hội làm chúng ta dễ phạm tội mất lòng Chúa. Vì thế, tất cả những gì chúng ta có như: danh vọng chức quyền, bạn bè thân hữu, nghề nghiệp của cải... là những nhu cầu cần phải có trong cuộc sống. Nhưng nếu những nhu cầu ấy nên duyên cớ đưa đẩy chúng ta dễ phạm tội, đánh mất ơn Thánh sủng, thì chúng ta hãy cương quyết từ bỏ, dù có phải thiệt thòi đến đâu đi nữa, vì như lời Chúa nói: “ Nếu lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?” (Mt, 16, 26). Tất cả chúng ta được sống trong ơn gọi làm người, ơn gọi làm con Chúa, mục đích để làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và mưu ích cho các linh hồn. Vì thế, chúng ta cần sống tình liên đới với nhau trong cách ứng xử tốt lành, để xây dựng một nền văn minh tình thương, làm cho thế giới này ngày nên tốt đẹp hơn, như lòng Chúa ước mong. Amen. |