Chúa Nhật XXIV - Thường Niên - Năm B
BƯỚC THEO CHÚA KITÔ
     Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mc 8,29)

Thưa các bạn thân mến,

Trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Tin Mừng thuật lại khá nhiều nhận xét đánh giá về Ngài của người đương thời. Những nhận xét ấy thật là đủ màu sắc. Kìa, người đồng hương với ít nhiều khinh dễ gọi Ngài là “con bác thợ mộc”, hay là “anh thợ mộc”. Nọ, đám ác ý bảo Ngài “kẻ bị quỷ ám”, hay “nhờ tướng quỷ Belzebus mà trừ quỷ”. Đây, ít nhiều thân nhân buột miệng bảo Ngài “bị mất trí”, điên nặng. Kia, tốp Biệt phái khinh bỉ gọi Ngài là “đồng bọn của quân thu thuế và phường tội lỗi”. Lại nữa, cả đến nhóm đệ tử ruột có lúc gọi Ngài là “ma” chứ không phải là người! v.v…

Tuy nhiên, Tin Mừng Chúa Nhật 24 năm B hôm nay thuật lại một câu tuyên xưng đức tin thật đáng giá của tông đồ Phêrô. Số là sau khi Chúa Giêsu nghe biết hầu hết người ta nghĩ Ngài là một tiên tri như bao tiên tri, thì Ngài đã quay nhìn các tông đồ và hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô, đại diện cho các tông đồ, đã mau mắn trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Câu trả lời này làm cho Chúa Giêsu hết sức hài lòng (x.Mc 8,27-35).

Tại sao lời tuyên xưng ấy lại làm cho Thầy Giêsu yêu thích?

Theo nguyên ngữ La Tinh và Hy Lạp, Kitô (Christus, Christos) nghĩa là “đấng được xức dầu” mà tiếng Do Thái gọi là Messia, nghĩa là Đấng Thiên Sai. Ai được xức dầu? Là các vua, các tiên tri và các tư tế.  Nhưng lúc này dường như Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh sứ mạng tư tế của mình, nên sau khi nghe tông đồ Phêrô tiên xưng, Ngài bắt đầu dạy các ông phải ghi nhớ rằng: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ, sẽ bị các kỳ lão các trưởng tế các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (c 31).

Vị tư tế nào cũng có nhiệm vụ hiến dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Các tư tế trong Cựu ước cũng như thời Chúa Giêsu đều hiến dâng chiên bò trong những ngày đại lễ của đạo Do Thái. Họ phải hiến dâng nhiều lần theo phiên trong suốt thời gian tại chức, để thay dân tôn thờ Thiên Chúa, xin ơn tha tội cho mình và cho dân. Còn Chúa Giêsu, Ngài chính là vị Thượng Tế cao cả đặc biệt, chỉ hiến dâng một lần là đủ vì Ngài hiến dâng chính mình trên đồi Canvê, trong cuộc khổ nạn đem lại ơn tha thứ và phúc trường sinh cho nhân loại.

Sứ mạng cứu thế của Đức Kitô nói lên sự đau khổ của Ngài. Bài đọc một trích sách tiên tri Isaia nói về người tôi tớ đau khổ đó: “Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi” (Is 50,5-6). Đó chính là hình ảnh nói trước về Chúa Kitô, đến thế gian, chịu sỉ nhục trong cuộc Thương Khó và hiến dâng chính thân xác mình trên Thánh giá, để thực thi thánh ý yêu thương cứu độ của Thiên Chúa.

Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến ta. Nhưng để cứu độ ta, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của ta. Vì vậy, Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ đi vào con đường của Ngài: con đường thập giá. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8,29). Hẳn ở đâu, lúc nào, ngày nào, chúng ta cũng luôn có thập giá để gánh lấy, để nhờ đó mà thành toàn. Thập giá trong cuộc đời thật khó chấp nhận, khó vác nếu ta chỉ dựa vào sức mình. Nhưng nó sẽ không quá dễ sợ, quá khó đối với những ai có lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28).

Thưa các bạn quý mến,

Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu Kitô trên con đường thánh giá. Đi trên con đường này, chúng ta sẽ phải gặp nhiều thách đố. Nhưng, mọi sự đều sinh ích cho chúng ta nếu chúng ta nghiệm ra thánh ý yêu thương của Thiên Chúa nơi đó. Với những ai có tâm hồn nội tâm, sẽ luôn xác tín rằng qua đau khổ sẽ đạt tới vinh quang, vì được thông phần với vinh quang của Chúa Giêsu Kitô.

Nài xin Đức Mẹ Sầu Bi giúp chúng ta cùng Mẹ bước theo Chúa Kitô trên mọi nẻo đường. Xin cho tâm hồn Mẹ Maria ở trong chúng ta để chúng ta yêu mến Chúa, và xin cho tinh thần Mẹ ở trong chúng ta để chúng ta bước theo Chúa Giêsu mỗi ngày hầu chu toàn thánh ý Thiên Chúa.