“Người ấy làm việc gì cũng tốt đẹp
cả:
Người làm cho kẻ điếc nghe được, và
kẻ câm nói được” (Mc 7,37)
Thưa các bạn thân mến,
Tin Mừng Chúa Nhật 23 năm
B thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người vừa câm vừa điếc khi
Ngài và các môn đệ đến miền Thập Tỉnh. Gặp anh ta, Ngài đã phán:
Effetha, nghĩa là: Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như được
tháo gỡ và anh ta nghe được nói được rõ ràng. Chúa Giêsu cấm họ không
được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, tiếng đồn càng lan ra
(x.Mc 7,31-37).
Miền Thập Tỉnh nằm ở phía
đông nam hồ Galilê bên Israel, gồm mười thành phố (Decapolis: tiếng Hy
Lạp deka là mười, polis là thành phố), chịu ảnh hưởng của nền văn
hóa Hy Lạp. Miền Thập Tỉnh nầy không là một liên minh chính thức hay
một thực thể chính trị, nhưng cùng chung ngôn ngữ, văn hóa và hoàn cảnh
chính trị. Đây là miền của đa phần dân ngoại. Do đó, phép lạ chữa lành
người câm điếc của Chúa Giêsu có một tiếng vang rất lớn và lay động lòng
người ngoại giáo. Miền Thập Tỉnh vốn ở dưới quyền lực của bóng tối, dưới
ách thống trị của Satan. Đã từ lâu, họ khát khao được giải thoát, được
chân lý soi sáng cho cuộc đời. Chính Chúa Giêsu đã đến với họ để đem lại
ý nghĩa cho cuộc đời qua sự giáo huấn và những phép lạ. Vì thế, sau khi
chứng kiến người câm điếc được lành, dân miền Thập Tỉnh hết sức thán
phục và tôn vinh Chúa Giêsu: “Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả:
Người làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” (Mt 7,37).
Nhìn lại, thế giới chúng
ta đang sống hôm nay đau khổ về nhiều mặt. Nhiều sự dữ thể lý đang hoành
hành khắp mọi miền thế giới như bệnh tật, bão tố, động đất, cháy rừng,
hạn hán... Chiến tranh kéo dài gây muôn vàn tang thương ở Ucrine và dải
Gaza, nội chiến ở Miến Điện,
khủng bố, bạo lực ở nhiều
nơi,… Có lẽ chúng ta đều thấy sự tác hại khôn lường của chúng mà sức
riêng con người vô phương tránh thoát. Cho nên, trông đợi và khát mong
những sự tốt đẹp bình an hạnh phúc đến với nhân loại khổ đau này là diều
mà ai nấy hằng mong.
Chính Thầy Giêsu là Đấng
Cứu Thế muôn dân trông đợi. Người đã tìm đến chúng ta để nâng đỡ và chữa
lành, như ngôn sứ Isaia loan báo: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can
đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính
Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi. Bấy giờ mắt người mù sáng lên, tai
người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, người câm
sẽ nói được. Vì nước sẽ lên nơi hoang địa, và suối suối nước sẽ chảy nơi
đồng vắng. Đất khô cạn sẽ trở thành ao hồ, và hoang địa sẽ trở nên suối
nước” (Is 35,4-7).
Người câm và điếc đã được
chữa lành, thực tại đó gợi lên trong chúng ta nhiều ý nghĩa. Người điếc
ấy nghe được khi Chúa đặt tay vào lỗ tai anh ta. Trong cuộc sống lâu
nay, có khi chúng ta chưa thể hay không nghe tiếng Chúa, chưa nghe lời
Chúa. Lời Chúa có thể vào tai, nhưng có khi mình không tích cực đón
nhận, chỉ nghe qua mà không suy niệm trong lòng, không để lời Chúa tác
động tâm ngôn hành mình, hoặc có khi bỏ qua vì lời ấy đi ngược với tính
tự nhiên, khó chấp nhận. Chúng ta cần xin ơn được mở tai mở lòng đón
tiếp, để lời Chúa nên ánh sáng chỉ đường. Điều đó có nghĩa là chúng ta
tìm thánh ý Chúa qua Lời Ngài, qua những biến cố,.. và thực hành, chứ
không nghe suông mà lừa dối mình, như thánh Giacôbê nhắc nhở.
Xin Chúa cũng mở đôi tai
của chúng ta để có thể nghe thấy tiếng của tha nhân. Có khi đó là tiếng
kêu cứu vì họ đang cần chúng ta giúp đỡ. Có khi là tiếng nói của sự thật
để kêu mời chúng ta chỉnh đốn. Có khi là tiếng gọi phục vụ để chúng ta
dấn thân. Có khi là tiếng nói của khiêm nhường để chúng ta hạ mình. Có
khi là tiếng gọi của nội tâm để chúng ta bước vào cuộc đối thoại trầm
lắng với Thiên Chúa.
Sau nữa, người câm nói
được rõ ràng khi Chúa truyền “Hãy mở ra!”. Cuộc sống của chúng ta
có khi cũng giống người câm, vì đâu có thường xuyên trò chuyện với Chúa,
hay không thường xuyên nói lời tốt đẹp có ích cho tha nhân. Chúng ta có
mở miệng để ca khen Thiên Chúa khi gặp những điều tốt đẹp nơi thiên
nhiên hay nơi con người? Có cất tiếng tạ ơn Người mỗi khi nhận được sự
lành và có tạ ơn Người cả khi gặp đau khổ? Chúng ta có mở miệng để nói
lời cảm tạ ai đó mỗi khi họ giúp mình, đối xử tốt với mình? Chúng ta có
năng xin lỗi mỗi khi lỗi lầm xúc phạm đến ai đó? Chúng ta có dùng lời
nói nâng đỡ đồng hành với người đang đau khổ sầu buồn hay hoang mang lo
lắng? “Lạy Chúa Trời xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”
(Tv 50, 17).
Đến đây, chúng ta thấy
Thánh Vịnh Đáp Ca ngày lễ gợi lên cung cách và hành xử của Thiên Chúa để
mọi người noi theo: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức,
cho người đói được cơm ăn, cứu gỡ những người tù tội, mở mắt kẻ đui mù,
giải thoát người bị khòm lưng khuất phục, nâng đỡ người mồ côi quả phụ,
yêu quý các bậc hiền nhân, làm rối loạn đường nẻo kẻ ác nhân và che chở
những khách kiều cư.
(x.Tv 145,7-10). Như vậy,
Thiên Chúa chọn đứng về kẻ nghèo phận hèn để thi ân giáng phúc và Ngài
cũng mời gọi mọi người suy nghĩ, hành xử đầy bác ái yêu thương. Vì thế,
Thư thánh Giacôbê
Tông đồ nhắc nhở rằng chúng ta là những người tin vào Chúa Giêsu Kitô
vinh hiển, nên đừng thiên vị kẻ giàu người nghèo. Không phải Thiên Chúa
chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin họ trở nên giàu có
và được hưởng Nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao? (x.Gc
2,1-5).
“Lạy Chúa,
nhờ sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, xin
giải thoát con!
Nhờ sự hiện diện toàn thắng của Chúa,
xin giải thoát con khỏi cái thế giới ham
mê vui thú tội lỗi.
Nhờ sự hiện diện yêu thương của Chúa,
xin giải thoát con khỏi tính ích kỷ và
khép kín.
Nhờ sự hiện diện tinh tuyền của Chúa,
xin giải thoát con khỏi tất cả những tư
tưởng và ước muốn ô uế.
Nhờ sự hiện diện chiếu tỏa lòng nhân
lành của Chúa,
xin giải thoát con khỏi sự cay nghiệt
trong những xét đoán và thái độ sống của
con.
Nhờ sự hiện diện êm đềm an bình của
Chúa,
xin giải thoát con khỏi vũ bão của những
dục tình.
Nhờ sự hiện diện niềm nở của Chúa,
xin giải thoát con khỏi ác tính và cứng
cỏi.
Nhờ sự hiện diện trung thành của Chúa,
xin giải thoát con khỏi tính hay thay
đổi và bất trung.
Nhờ sự hiện diện bảo toàn và vững bền
của Chúa,
xin giải thoát con khỏi sự mỏng dòn và
tính yếu đuối.
Nhờ sự hiện diện cảnh tỉnh của Chúa,
xin giải thoát con khỏi những điều bất
cẩn và nhẹ dạ.
Nhờ sự hiện diện chiêm ngắm của Chúa,
xin giải thoát con khỏi những chao động
và chia trí.
Để giải thoát con,
xin Chúa thấm nhập sự hiện diện sâu đậm
của Chúa vào trong con,
cho đến tận cùng trái tim con”.
(Cầu nguyện trước Thánh Thể, Jean Galot
SJ) |