Chúa Nhật XXII - Thường Niên - Năm B
BÊN TRONG TÂM HỒN
Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” (Mc 7,6)

Thưa các bạn thân mến,

Có một vấn đề quan trọng mà các tiền nhân Do Thái vẫn luôn muốn hỏi: “Lạy Chúa, ai sẽ được cư ngụ trên núi thánh Chúa?” (Tv 14,1a). Quả vậy, đây là mối quan tâm hàng đầu của người Do Thái khi được Chúa cho cư ngụ trong Đất Hứa, cư ngụ trên núi thánh Sion hay thành Giêrusalem, nơi được kể là diễm phúc vì là nơi Thiên Chúa ngự giữa Dân Người.

Tuy nhiên, được cư ngụ trên núi thánh Chúa, không chỉ hiểu nghĩa đen là Đất Hứa, là thành thánh Giêrusalem, nhưng còn được hiểu sâu xa hơn, chính là thiên đàng vĩnh phúc, nơi mà mọi người khát vọng hướng về, như niềm tin của bao người: "lá rụng về cội". Quả là vẫn có những câu hỏi trong thẳm sâu tâm hồn con người: “Tôi sống ở đời này để làm gì?”, “Chết rồi sẽ đi đâu?”,… Chắc hẳn không ai mà không muốn một cái kết tốt đẹp, hạnh phúc và hạnh phúc trường tồn.

Vì thế, không để cho con người chờ đợi lâu, tác giả Thánh Vịnh đã giới thiệu những đối tượng sau sẽ được vào cư ngụ trên núi thánh Chúa hay thiên đàng. Đó là những người “sống thanh liêm và thực thi công chính, trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống”; là người “không làm ác hại đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận, nhưng kính yêu những ai tôn sợ Chúa”; là người “dẫu thề điều gì bất lợi thì cũng không thay đổi, không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương” (Tv 14,2-5). Những điểm ấy được kể trong lề luật và huấn lệnh mà Thiên Chúa dạy bảo dân Israel phải thi hành, nhờ đó họ được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ (x.Đnl 4,1). Việc dân Israel tuân giữ như vậy được kể là sự khôn ngoan và sáng suốt trước mặt muôn dân, vì không một dân tộc nào được thần linh ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa ở bên cạnh họ, dạy dỗ họ và nhậm lời khi họ kêu cầu Người (x.Đnl 1,7).

Nhưng con người lại cũng dễ có nguy cơ cho rằng chỉ cần làm những điều luật dạy bảo đảm sẽ được kể là người công chính, nhất định sẽ được hạnh phúc Nước Trời. Đó là công khó của tôi nên tôi đáng được thưởng! Cũng từ đó, người ta không lưu tâm đến bên trong tâm hồn mà chỉ lưu tâm đến bề ngoài, đến hình thức. Sự trống rỗng từ từ xuất hiện. Bên trong tâm hồn có thể “đầy tư tưởng ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tỵ, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng” (Mc 7,21-22), còn bên ngoài thì chỉ cần giữ tập tục rửa tay trước khi ăn, tắm rửa khi ở nơi công cộng về, rửa chén rửa bình rửa các đồ đồng,.. hay giữ những tập tục khác, là ổn!?! Sự giả hình, giả dối đã dần dần thò đuôi! Đúng như lời tiên tri Isaia mà Thầy Giêsu đã trích dẫn trong trang Tin Mừng Chúa Nhật 22 năm B: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta” (Mc 7,6). 

Nói tới đây chúng ta nhớ lại lời của thánh Phaolô tông đồ khi bảo rằng bao lâu còn niên thiếu chúng ta còn cần người giám hộ, nhưng khi trưởng thành rồi thì không cần người giám hộ nữa (x.Gal 4,1-3). Theo giáo huấn của thánh Phaolô, đức tin vào Chúa Giêsu Kitô mang lại sự tự do thiêng liêng giúp các tín hữu khỏi những ràng buộc của luật Môsê, hay nói chính xác, lề luật là người giám hộ trung tín tốt lành và có mục đích dẫn chúng ta đến đức tin: tin vào Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Nhưng tin vào Chúa Giêsu thì không chỉ là “tin về” - thuộc kiến thức lĩnh hội, mà là “tin vào” - thuộc về hành vi của ân sủng, lý trí và con tim. Tin vào Đức Kitô là bước theo Người, dõi theo gương mẫu của Người, phó thác cuộc đời cho Người, là sống nhờ Người với Người và trong Người. Lề luật dẫn chúng ta đến tin vào Chúa Kitô, và khi đã tin, chúng ta sẽ thực hành giới luật Chúa với hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn của mình.

Thoảng có lần chúng ta nghe nhận xét: người Công giáo chỉ giỏi giữ Đạo chứ không truyền Đạo! Phải chăng người ta muốn nói rằng chúng ta chỉ sống Đạo hình thức, chứ chưa sâu xa bên trong là yêu mến và ước ao mãnh liệt cho Chúa được tôn vinh? Nói vậy là Đạo chỉ mới chạm tới da thôi, chứ chưa vào máu thịt. Trong cuốn Đường Hy Vọng, Vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có lần báo động rằng nhiều khi chúng ta chỉ là Công Giáo trên giấy tờ! Chẳng phải có khi chúng ta cũng nghĩ rằng tôi đi dự lễ Chúa Nhật là đủ rồi! Trong khi đó, tình yêu không bao giờ cho như vậy là đủ! Phải thêm hơn bao nhiêu có thể chứ, vì mức độ của tình yêu là không mức độ! Để sửa chữa điều tồi tệ này, thánh Giacôbê tông đồ đã chỉ cho chúng ta cách thức: “Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy khiêm tốn lãnh nhận lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,21-22). Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta được mời gọi yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa tận thâm tâm. Sống thân tình với Chúa là sự thờ phượng đích thực Chúa yêu thích và mong đợi nơi chúng ta.

Thưa các bạn quý mến,

“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự Trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người muốn sinh chúng ta ra bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật” (Gc 1,17-18). Xin Đức Maria củng cố niềm tin yêu và hy vọng của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, để chúng ta thoát khỏi sự hời hợt nhạt nhẽo giả tạo, hầu bắt đầu một giai đoạn mới với một tinh thần mới và tâm hồn mới: sống thật sự thân tình yêu thương và phụng sự Chúa, bên trong tâm hồn cũng như bên ngoài hơn mãi.