Chúa Nhật XXI - Thường Niên - Năm B
VỪA VỪA THÔI CHỨ
Guy Morin

Đó là tiếng kêu người ta thốt ra khi không còn kiên nhẫn được nữa. Hồi nhỏ, khi chúng ta cãi lộn nhau dữ dội, cha mẹ chúng ta hết kiên nhẫn nổi và quát: “vừa vừa thôi chứ!”. Những lời như thể biểu lộ sự phản đối. Người ta cảm thấy bị tấn công bởi những điều thái quá nơi kẻ khác như nói năng, hoạt động, đòi hỏi quá mức. Đây là dấu hiệu cho hay đã tới cùng tận chịu đựng rồi, gần giống như phải chịu những tiếng ồn làm nức tai nhức óc. Trong Tin Mừng, các môn đệ nói một câu tương tự: “Lời này chướng tai quá!”. Các ông bực bội, bị tấn công bởi điều các ông xem như là thái quá trong lời lẽ của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đối diện với những hạn chế.

Sau diễn từ về Bánh hằng sống, trong đó Chúa Giêsu tuyên bố Ngài từ trời mà đến và Ngài sẽ ban thịt Ngài làm của ăn, nhiều môn đệ thấy những lời này là không thể chịu nổi. Vì, vốn là con ông Giuse, mà Ngài tự xưng mình từ trời xuống. Điều này vượt quá mức chịu đựng. Các ông không dám la hét phản đối, nhưng các ông lẩm bẩm chống lại Ngài. Chúa Giêsu đã đẩy họ đến mức tận cùng của sự chịu đựng. Có một giới hạn cho những gì các ông có thể chấp nhận được.

Chúa Giêsu sẽ phản ứng thế nào? Ngài có giữ vững lập trường hay là Ngài sẽ tìm cách giảm nhẹ lời nói của mình khi bảo rằng người ta đã hiểu lầm Ngài? Câu trả lời của Ngài thật tế nhị: Ngài không rút lại những lời Ngài đã nói, nhưng Ngài mời gọi các môn đệ của Ngài nhìn xa hơn và cho các ông thấy thái độ cần phải có. Ngài nói về việc Ngài lên trời: “Và nếu các con thấy Con Người lên nơi Ngài ở trước kia thì sao?”. Như thể Ngài muốn nói: “Khi các con nhìn thấy Ta lên Trời lúc đó các con sẽ hiểu rằng Ta từ trời xuống và điều đó sẽ không còn là cớ vấp phạm cho các con nữa”. Ngài yêu cầu các ông nhìn xa hơn tình hình hiện tại đang thử thách các ông và làm cho các ông vấp ngã. Sau đó, Chúa Giêsu gợi ý cho các ông về cách giải quyết: Đừng xét đoán Ngài theo xác thịt, theo dáng vẻ bên ngoài và những tiêu chuẩn của loài người, nhưng theo Thần Khí, tức là tin vào lời Ngài nói: “Những lời Thầy nói với các con là Thần Khí và sự sống”. Từ những dấu chỉ mà họ đã nhìn thấy: Phép lạ hóa bánh, việc đi trên mặt biển, Chúa Giêsu thúc giục các môn đệ tin lời Ngài cách vô điều kiện. Thật quá tầm mức các ông. Các ông quyết định không đi theo Ngài nữa.

Nhóm Mười Hai vô điều kiện.

“Các con cũng muốn bỏ đi nữa không?”. Chúa Giêsu không muốn gây áp lực trên Nhóm Mười Hai hoặc thu hút lòng thương hại của các ông. Chúa đòi hỏi nơi các ông một quyết định của ý chí, một lời tuyên xưng ý định của các ông. Phêrô nhân danh những anh em khác trả lời một cách vô điều kiện, không đặt một giới hạn nào cho sự gắn bó của mình: “Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai?”. Câu hỏi này là một sự khẳng định mạnh mẽ niềm thán phục của ông đối với Chúa Giêsu: “Chúng con không có ai xứng đáng hơn Thầy để theo cả. Không có sự lựa chọn nào khác đáng giá cả. Chỉ mình Thầy mới mang lại cho cuộc đời chúng con một ý nghĩa mà thôi”.

Phêrô đưa ra những lý do của việc lựa chọn vô điều kiện này, đó là lời của Chúa Giêsu và căn tính của Ngài. Quả thật, nếu Nhóm Mười Hai gắn bó với Ngài, là vì Ngài có những lời ban sự sống đời đời. Những môn đệ bỏ đi nhận thấy những lời này quá đòi hỏi và các ông cảm thấy không thể sống nhờ chúng được. Tuân giữ những lời này sẽ thực sự khó mà sống được. Đối với Nhóm Mười Hai thì ngược hẳn lại. Hơn nữa, nhờ lắng nghe Chúa Giêsu các ông mới nhận ra được căn tính của Ngài, các ông đã nhận ra được Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa: “Về phần chúng con, chúng con tin và chúng con đã biết…”. Đức tin đi trước việc hiểu biết. Các ông tin để hiểu, trong lúc những người bỏ đi muốn hiểu trước đã, vì họ không tin tưởng nơi Chúa Giêsu. Như vậy, Nhóm Mười Hai đã nhận ra nơi Chúa Giêsu một con người mà Thiên Chúa đã thánh hóa để thi hành một sứ vụ như các ngôn sứ ở Israel, trong lúc những người kia chỉ nhìn thấy nơi Ngài “Con ông Giuse mà chúng tôi biết cha mẹ” (c.42). Đức tin dẫn đưa Nhóm Mười Hai đến chỗ nhận ra ý định của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu.

Trở thành những kẻ vô điều kiện.

Cũng như các môn đệ, chúng ta có thể trải qua thử thách về đức tin. Cuộc sống sẽ mang đến cho ta những thử thách này: “Thất bại cá nhân, bệnh tật, bất công, vấn đề đói kém. Thiên Chúa làm gì vậy? Chúng ta không hiểu và chúng ta bị cám dỗ buông thả hết. Chúa Giêsu nhắc lại với chúng ta “Các con có muốn bỏ đi không?”. Lúc đó chúng ta được mời gọi trở thành những kẻ vô điều kiện của Chúa Giêsu, làm một bước nhảy vọt trong đức tin.

Thánh Thể tưởng niệm Chúa Giêsu trong tư cách là Đấng vô điều kiện của Chúa Cha: “Không theo ý con, nhưng theo ý Cha”. Theo mức độ chúng ta tin vô điều kiện, Thánh Thể cũng tưởng niệm chúng ta nữa.