Chúa Nhật XVI - Thường Niên - Năm B |
NGHỈ NGƠI |
SƯU TẦM |
Sau hơn một tháng trời vâng lời Chúa ra đi truyền giáo, các môn đệ trở về vui mừng báo cáo cho Chúa biết kết quả những việc đã làm. Chúa chia sẻ niềm vui với các môn đệ và nhận thấy các ông có vẻ thấm mệt, nên Chúa bảo: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Một lời khuyên thật ý nghĩa và cần thiết. Chúng ta phải công nhận Chúa Giêsu rất hiểu tâm lý con người. Bởi vì làm việc nhiều rồi thì dĩ nhiên mệt mỏi, nên cần phải nghỉ ngơi đôi chút để lấy lại nghị lực, rồi mới có thể tiếp tục làm việc được. Đó là điều dễ hiểu thôi. Anh chị em hãy nghĩ xem: có khi nào người ta bắt con ngựa chạy suốt ngày đêm, hết ngày đêm này qua ngày đêm khác không? Làm vậy người chủ sẽ được lợi lộc nhiều, nhưng chắc chắn không được lâu dài vì con ngựa sẽ chết yểu. Con ngựa mạnh hơn chúng ta nhiều, nhưng chúng ta cao quí hơn con ngựa nhiều. Vậy tại sao chúng ta cho nó thì giờ nghỉ ngơi sau một thời gian hoạt động để nó thảnh thơi ung dung gặm cỏ, mà chúng ta lại bắt chính mình vất vả, bù đầu mãi trong công việc? tại sao chúng ta quí trọng sức khỏe của con ngựa mà quên sức khỏe của mình? Làm bất cứ công việc gì cũng vậy mà không biết nghỉ ngơi thì kết quả cũng kém và không tốt đẹp. Chúng ta hay quên chúng ta có thể xác, nó là một bộ máy rất tinh vi, rất mỏng manh, chỉ được sử dụng theo một chừng mực nào đó thôi. Còn tinh thần, tự bản chất, không biết mệt, nhưng vì làm việc tùy thuộc vào thể xác, nên cũng mệt với thể xác. Nếu chúng ta bắt thần kinh chúng ta lúc nào cũng căng thẳng như giây đàn, thì nếu chúng ta không chết yểu, chắc làm việc cũng không đắc lực bao nhiêu. Vì thế, nghỉ ngơi sau khi làm việc mệt nhọc là điều quan trọng và cần thiết. Nghỉ ngơi có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Chúng ta ai cũng kinh nghiệm điều này: mỗi khi đi đâu xa về hoặc sau khi làm việc mệt nhọc, chúng ta muốn nghỉ ngơi một chút cho thoải mái, chứ chưa cần ăn uống. Hơn nữa, nghỉ ngơi còn được coi là liều thuốc bổ tự nhiên không tốn tiền, nên người ta còn khuyên phải biết nghỉ ngơi trước khi mệt mỏi nữa. Chúng ta cần nghỉ ngơi, nghỉ ngơi vậy thôi, và cả nghỉ ngơi trong Chúa nữa. Anh chị em thử nghĩ xem: có phải cuộc đời chúng ta và hầu hết thời giờ của chúng ta bị công việc làm ăn, nghề nghiệp hoặc những công việc linh tinh, không tên tuổi, chiếm hết không? Ban ngày làm việc, tối về lại nghĩ đến việc làm: mở mắt ra đã làm, đã bắt đầu rộn rã với mọi thứ việc. Chúng ta ngày nay khác hẳn với các cụ cha ông chúng ta ngày xưa: ngoài những công việc cấp bách ra, các cụ không còn thấy việc gì bắt buộc phải lưu tâm tới vấn đề thời gian. Các cụ làm việc tuy vất vả, nhưng vẫn thong dong thoải mái. Cứ sáng ngày, thấy mặt trời ló dạng là đi làm. Chiều tối thì ngồi lại với nhau uống trà, thưởng trăng, nói chuyện phiếm. Chúng ta bây giờ thì khác hẳn. Nhịp sống được đo đắn cẩn thận bằng cái mà chúng ta gọi là đồng hồ. Ai cũng đeo ở tay một chiếc đồng hồ, lâu lâu lại nhìn vào, lo lắng, sốt ruột. Khi ở sở làm thì sốt ruột trông cho mau được về. Về nhà thì sốt ruột đi làm việc này việc khác. Người ta có cảm tưởng cuộc sống là một chiếc đèn cù, lửa đốt lên là bắt đầu chạy, chạy tưng bừng, rộn ràng, vội vã và chạy vòng tròn, nghĩa là ngày nào cũng thế, cũng những việc ấy, cũng những vất vả ấy, cũng nhọc mệt ấy… Có khi chúng ta làm việc đến quên mình và có thể quên cả Chúa luôn. Vì thế, có người đã nói rằng: khuyết điểm lớn nhất của thời đại văn minh tiến bộ ngày nay, cách riêng ở thành phố, là không biết nghệ thuật nghỉ. Người ta luôn luôn đứng núi này trông núi nọ. Làm việc này chưa xong đã thèm làm việc khác. Chúng ta chỉ sống về tương lai mà không biết sống cho hiện tại. Tâm hồn chúng ta bị xâu xé, dằn vặt, kích thích bởi muôn thứ nhu cầu. Cho nên, thời nay chúng ta thấy có nhiều người mắc những chứng bệnh: mất ngủ, nhức đầu, đau tim, đau thần kinh, nhiều người bị áp huyết cao, và hình như có nhiều người mát, tưng tửng, dở dở, ương ương, khùng khùng nữa… Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy bảo chúng ta: không những chúng ta phải hăng say làm việc, làm việc hết mình, nhưng cũng phải biết dành thời giờ để nghỉ ngơi nữa. Như thế, chúng ta sẽ được khỏe mạnh hơn, phấn khởi hơn, yêu đời hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng: đã đành làm việc rồi thì cũng phải có lúc nghỉ. Nhưng giờ nghỉ đi sau giờ làm việc chứ không đi sau sự lười biếng. Chỉ có những người đã làm việc mới cần nghỉ. Ai không làm việc mà cũng nghỉ là một người lười. Vì vậy, “Hãy nghỉ ngơi đôi chút” như Chúa Giêsu nói, không phải là một việc hao phí thời giờ. Trái lại, đó là một lối bồi dưỡng tinh thần: nghỉ ngơi để cho thể xác và tinh thần được thư giãn, khỏe mạnh, tỉnh táo, sáng suốt hơn. Cho nên, người biết nghỉ là người có triết lý vừa sâu xa vừa thực tế, hiểu rõ chân giá trị của cuộc sống và ý nghĩa thâm thúy của đời người. |