Chúa Nhật XII - Thường Niên - Năm B
"SAO NHÁT THẾ?..."
Suy niệm của Lm. Nguyễn Ngọc Thế

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

* Vài hàng sơ lược

- Từ đoạn thánh kinh này Mc 4,35-41 đến 5,43, Mác-cô bắt đầu kể về những phép lạ của Chúa Giêsu. Qua đó những hành động quyền năng của Chúa được nêu bật. Vì vậy  mà sau đó người ta bắt đầu thắc mắc về Giêsu: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” (Mc 6, 2)

Ngoài ra, tất cả những phép lạ này đều có một khung cảnh chung, đó khung cảnh biển hồ Ga-li-lê-a. Và hình ảnh thuyền đều xuất hiện trong mỗi phép lạ (x. 4, 36.37; 5,2.18.21)

Một điều luôn được nhấn mạnh trong chuỗi phép lạ này. Đó là niềm tin tưởng. (x. 4, 40; 5. 34.36) Thêm vào đó có thể nhắc đến việc thiếu lòng tin trong 6,6. Ngoài ra, một thái độ đi đôi với niềm tin tưởng được nhắc lại 3 lần trong chuỗi phép lạ này. Đó là thái độ bái lạy, sụp xuống và phủ phục trước Đức Kitô (x. 5, 6.22.33) Điều này làm nổi bật sự “chào thua” của những quyền lực đe dọa trước Chúa Giêsu: quyền lực thiên nhiên (4, 35-42), quyền lực ma quỷ 5, 1-20, quyền lực của bệnh hoạn (5, 24-34) và quyền lực của sự chết (5, 21-23 và 35-43)

- Liên quan đến những đoạn thánh kinh về các dụ ngôn trước đó, chúng ta thấy đoạn thánh kinh này nối kết với đoạn 4,1, mở đầu cho các bài giảng với các dụ ngôn: “Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ”. Như vậy, khung cảnh biển hồ đức Giêsu giảng dạy vẫn là khung cảnh của câu chuyện phép lạ này, chỉ khác là giờ đây Giêsu lên thuyền và đi trên biển hồ. Ngoài ra, theo Adolf Pohl thì sau những bài giảng bằng lời nói của Giêsu, thì tiếp nối bằng những hành động của Ngài, để qua đó chứng thực về một Thiên Chúa không chỉ nói hay mà còn làm giỏi nữa. Lời nói và hành động đi đôi với nhau.

- Ngoài ra, khi đọc đoạn Thánh Kinh này, người ta có thể liên hệ ngay với đoạn thánh kinh ở Giona chương 1. Theo Rudfolf Pesch thì đoạn thánh kinh là câu chuyện kể lại câu chuyện của Giona, với sự phụ họa của thánh vịnh 107, 23-30. Mục đích chính là sự tuyên xưng: Giêsu lớn hơn tiên tri.

Ở đây, chúng ta có thể so sánh hai câu chuyện với nhau:

(a) Trong Giona 1, 4 ĐỨC CHÚA tung ra một cơn gió to trên biển. Còn ờ trong đoạn phúc âm của Mác-cô thì  gió bão đến như là quyền lực muốn chống lại Thiên Chúa.

(b) Trong Giona 1, 5 Giona đi ngủ vì không muốn tuân phục Thiên Chúa. Còn theo Mác-cô thì Giêsu ngủ vì mệt mỏi sau những ngày tuần phục Thiên Chúa làm việc phục vụ mọi người.

(c) Trong Giona 1, 14 mọi người trên tàu sợ hãi và kêu cầu Thiên Chúa. Còn ở Mác-cô thì chính Giêsu là Thiên Chúa đã lên tiếng.

(d) Trong Giona 1, 14 các người dân ngoại trên tàu có niềm tin vào Chúa, còn các môn đệ trong đoạn Mác-cô này lại là những người thiều niềm tin.

(e) Trong Giona 1, 15 Biển dừng cơn giận dữ, vì Giona đã vâng lời Chúa và đồng ý để người ta quăng xuống biển. Ở Mác-cô thì biển hồ và cuồng phong vâng lệnh Giêsu.

- Trong đoạn Thánh Kinh Mc 4, 35-41 này tích cách Kitô học và Giáo Hội học được nêu bật, trong khi những sự kiện lịch sử cụ thể không đóng vai trò quan trọng.

- Ngoài ra, theo Johannes Bours, trong câu chuyện mà Mác-cô kể lại ở trên, có hai câu hỏi đã đụng độ nhau. Câu hỏi đầy sợ hãi của các môn đệ đã gặp gỡ câu hỏi đầy trách cứ của Giêsu. Khi đọc câu chuyện này, tôi cảm nhận rằng, câu chuyện đang kể về chính cuộc đời của chúng ta. Và câu hỏi sống còn của các môn đệ cũng liên hệ đến chính câu hỏi sống còn của mỗi người chúng ta: Cái gì có thể chiến thắng sự sợ hãi? Ai là người mạnh hơn? Thần Dữ, kẻ muốn nhấn chìm chúng ta xuống biển sâu, hay là Đấng mà trong đoạn Thánh Kinh này đã nhắc đến: “Người thức dậy.”

- Biển hồ Genesareth được người Ả-rập gọi là “Ajn Allah” – Mắt của Chúa”. Biển hồ này theo Adolf Pohl, nằm 212 m dưới mặt nước biển và ba phía của biển hồ được bao bọc bởi ba vách núi cao đến 300 m. Và biển hồ này có khí hậu bán nhiệt đới. Giữa tháng 5 và tháng 6 nhiệt độ nóng đến 40 độ C. Sự điều hòa nhiệt độ nhờ luồng khí lạnh trong miền cao, kết hợp với nhiệt độ nóng nực ở trên biển hồ, có thể được những trận gió lớn kéo theo một cách bất ngờ, như Luca diễn tả: “Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy” (8,23). Vì sự bất ngờ không thể dự đoán trước của các trận cuồng phong tại biển hồ này, mà các ngư dân ở đây rất sợ hãi. Và để tránh sự bất ngờ này nên các con thuyền đều cố gắng hướng về phía đông, nơi mà các ngư dân qua  tiếng gió thổi, có thể đoán được xem có cuồng phong hay không.

* Suy niệm

- “35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”

“Hôm ấy, khi chiều đến”  Câu chuyện được bắt đầu như vậy. Chiều đến nghĩa là ngày sống từ từ chào tạm biệt, công việc từ từ được gác xuống, giờ đây là thời gian để nghỉ ngơi. Ngày sống vừa qua của Giêsu là một ngày làm việc miệt mài. Ngài đi giảng dạy ở ven Biển Hồ. Ngài đã giảng gì vậy? Đọc lại các đoạn trước đó, chúng ta nhận ra rằng, Giêsu đã giảng dậy nhiều dụ ngôn khác nhau: Dụ ngôn người gieo giống; dụ ngôn cái đèn và đấu đong, dụ ngôn hạt cải. Từ ở trên thuyền Giêsu đã giảng dạy những điều đó cho dân chúng. Giờ đây khi bóng dương từ từ ngả xuống, Giêsu cũng từ từ muốn ngả lưng, Ngài cũng cần giờ cho mình, cần giờ để nghỉ ngơi, để ngủ nữa chứ. Vì thế, các môn đệ đã chở thầy mình qua bờ bên kia. Trên thuyền Giêsu mệt nhoài đã thiếp ngủ. Theo sau thuyền của Giêsu là rất nhiều thuyền khác nữa.

- 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.

Giêsu bỏ đám đông ở lại mà không chia tay gì với họ, là dấu hiệu Ngài mệt mỏi lắm rồi. Điều này được chứng minh qua câu 38 qua sự thiếp ngủ của Chúa. Thuyền mà Giêsu đang ở sẵn trên đó theo Adolf Pohl thì chắc không nhỏ, vì trên đó có cả một nhóm người. Ngoài ra, có những thuyền khác theo Người. Động từ “theo với, ở với” trong Mác-cô luôn hướng về Giêsu (x. 1, 13; 2,19; 3, 14; 5, 18; 14,57). Điều này nói lên tương quan chặt chẽ với Chúa Giêsu. Không chỉ là nhóm 12 thôi, mà còn cả những môn đệ khác nữa (ss. 4, 10)

- 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.

Hôm ấy, khi chiều đến cũng còn là thời gian ánh dương từ từ lặn dần để nhường bước cho đêm đen.

Và đêm càng đen hơn nữa, khi những con thuyền lênh đênh trên mặt hồ bao la kia. Phải chăng đêm đen này như đang dẫn đời người vào trong cái vòng ma quái? Hay đêm đen kia đang như muốn nuốt chửng không chỉ ánh mặt trời, mà tất cả những con người đang ở trên thuyền kia, những con người mệt mỏi sau một ngày vất vả với công việc?

Không chỉ đen, mà thêm vào đó là một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Ở đây cần nhắc đến một yếu tố. Trong bản gốc của Hy-lạp, câu chuyện này được kể tiếp nối với nhau trong thì hiện tại và quá khứ. Ngoài ra,  chữ “Kai” trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “Và”, được nhắc đến tất cả 12 x. Theo Johannes Bours, thì điều đó làm cho câu chuyện ly kỳ hơn. Cái thảm cảnh trong câu chuyện theo đó được diễn tả thảm não hơn. Thêm vào đó, trong thời cổ đại, thì thần dữ luôn gắn liền với cuồng phong bão táp của biển khơi. Phải chăng đại dương là nơi chốn của thần dữ với sức mạnh tàn phá và nuốt chửng?

Vâng, sự ly kỳ và thảm não của câu chuyện trong Thánh Kinh bắt tôi phải dừng bước một chút, để lật lại những trang sách kể về các chuyến vượt biển của người Việt thân thương. Lênh đênh trên mặt biển chứ không phải là mặt hồ đâu. Đêm đen không chỉ làm đen cả bầu trời xanh ngát, mà còn làm đen cả bao tâm hồn chan chứa hy vọng, khi xuống thuyền ra đi. Rồi chiếc thuyền có lớn lao bao nhiêu đâu. Xăng dầu cũng đã gần cạn rồi. Thuyền nào chẳng may bị bọn hải tặc “ghé thăm” một lần hay nhiều lần, thì còn thê thảm hơn nữa. Có một số thuyền không chỉ đầy nước mà còn bị vỡ tan tành, giờ đây chỉ là những mảnh gỗ của thuyền, làm bè cho một vài thân xác mệt nhoài, lực đã tàn sức đã kiệt, thả cuộc đời trôi theo sóng, trôi theo biển, trôi theo bóng đen, mà không còn nhìn thấy một tia hy vọng, không còn nhận ra một bến bờ để tấp vô. Mà có bờ đâu để tấp để đậu. Phải làm sao đây? Không lẽ đứng chết chân một chỗ? Hay chấp nhận một cái chết thê thảm trong bóng đêm, trong lòng biển? Không, ít nhất cần phải hò hét! Nhưng “hò” thì ai “thưởng thức” và hét thì có ai nghe giữa đại dương mênh mông này không? Đó là câu hỏi của những con người đụng tới đường cùng của cuộc sống. Truớc đường cùng này, tôi cũng xin không chỉ dừng bước, mà với tất cả tấm lòng xin cầu nguyện cho bao người Việt đã qua đời trên biển cả. Xin Chúa thương nhìn đến và đón nhận tất cả vào Nước của Chúa.

Vâng, chúng con dù sao vẫn tin vào lòng nhân từ và ơn giải thoát của Chúa, như Chúa đã nói:

“1 Bấy giờ, giữa cơn bão táp, ĐỨC CHÚA lên tiếng trả lời ông Gióp như sau:

8 Cửa đại dương, ai ra tay khép lại

khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,

9 khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,

phủ sương mù làm tã che thân?

10 Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,

lại đặt vào nơi cửa đóng then cài;

11 rồi Ta phán: “Ngươi chỉ tới đây thôi,

chứ không được tiến xa hơn nữa,

đây là nơi các đợt sóng cao phải vỡ tan tành!” (Gióp 38, 1.8-11)

Dù tin đấy, nhưng không dậm chân tại chỗ. Niềm tin cũng cần biết tạo sáng kiến. Niềm tin cũng cần phải lên tiếng. Vâng, lên tiếng để đánh thức Chúa dậy. Một hành động tuyệt vời. Đến đường cùng rồi, vì thế cần phải đánh thức Ánh Dương, cần phải đánh thức Thiên Chúa đang ngủ dậy. Bóng đêm kia không thể mạnh hơn Ánh Sáng. Cuồng phong kia không thể mạnh hơn Thần Khí Thiên Chúa được. Cuồng phong và biển cả đều phải có ranh giới. Chúng phải ở đàng sau cánh cửa kia. Thiên Chúa chính là người không chỉ vạch ranh giới, không chỉ đặt then cài, mà Ngài còn là người có đủ quyền năng để gài then cửa.

- 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”

Và quyền năng của Thiên Chúa cũng được trao cho Giêsu, Người con dấu ái. Vì thế, các môn đệ đã đánh thức thầy: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”

Một câu hỏi chất chứa sợ hãi và âu lo, một câu hỏi mang chút trách cứ và hờn giận Thiên Chúa. Joachim Gnilka, một nhà chú giải thánh kinh đã cắt nghĩa rằng, câu hỏi của các môn đệ đã diễn tả thái độ sai lầm của họ: Khi gặp hiểm nguy họ chỉ nghĩ về mình và về sự an toàn của mình mà thôi. Một cách nào đó họ đã không chia sẻ nỗi hiểm nguy của họ với Thiên Chúa. Họ không để cho Thiên Chúa cùng gánh vác nỗi hiểm nguy của họ. Thái độ này được nhắc lại rất rõ ràng trong biến cố họ chạy trốn trước thánh giá tử nạn của Giêsu. Còn với Rudolf Pesch thì lòng yếu tin của các môn đệ nằm ở chỗ, là họ không hiểu được và chấp nhận được một Thiên Chúa ẩn mình. Và trên con đường thương khó, các ông cũng đã ngựa quen đường cũ, không hiểu được tại sao Giêsu thầy mình phải chịu bắt bớ, tra khảo, kết án và chết tất tưởi trên thập tự.

Đâu rồi niềm tin và sự cậy trông vào một Thiên Chúa đã sinh ra làm người nghèo khổ trong hang lừa, để chia sẻ và gánh vác với đời người những âu lo, những khổ đau? Đâu rồi sứ điệp và tin mừng Phục Sinh của một Giêsu chiến thắng sự chết? Giêsu đó, Thiên Chúa đó ngay từ đầu và mãi mãi nói với con người chúng ta rằng: “Đừng sợ!”

Hay sức mạnh của bóng đêm và sự đe dọa của cuồng phong bão táp đã làm tắt lịm đi chút ánh sáng của niềm tin, và chút hơi ấm của niềm hy vọng? Không, ngay từ ngày đầu tiên, khi Thiên Chúa sáng tạo con người, Thiên Chúa đã thấy rằng, hành động sáng tạo này là hành động tuyệt vời nhất. Còn tạo vật nào hơn con người mà Thiên Chúa yêu thương nữa. Vì thế, dù biển sâu hay cuồng phong, dù bão táp hay đêm đen, dù thần dữ hay lòng người gian dối, không có gì có thể làm cho tình yêu của Thiên Chúa phai nhòa.

Thiên Chúa vẫn hiện diện. “Emmanuel - Thiên Chúa luôn ở cùng với chúng ta”.

Ngay cả trong những đêm tăm tối nhất của cuộc sống, Ngài vẫn không hề bỏ mặc chúng ta một mình. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, Ngài vẫn luôn hiện diện với chúng ta. Và thậm chí, ngay cả trong đêm cuối đời, trong giây phút cô đơn hiu quạnh cuối cùng của cuộc sống, vốn dĩ không ai có thể đồng hành cùng với chúng ta, trong đêm cuối cùng trước giờ lâm tử đó, Thiên Chúa vẫn không hề từ bỏ chúng ta.... (Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI)

Lời của Đức Thánh Cha chất chứa niềm hy vọng. Niềm hy vọng này cũng chính là nguồn sống cho Alfred Delp, một linh mục dòng Tên bị phát xít Đức giam cầm trong ngục tù đen tối. Cha Alfred kể lại rằng: “Vào một buổi tối tôi cảm thấy tâm hồn mình chao đảo. Tôi bị hành hạ rất dã man và sau đó bị tống trở lại vào ngục. Những tên lính phát xít giải tôi vào ngục đã nói những lời như sau: “Như vậy là đêm nay mày không thể nhắm mắt được đâu. Mày sẽ cầu nguyện, nhưng không có một Thiên Chúa và cũng chẳng có một thiên thần nào đến, để cứu thoát mày. Phần chúng ta sẽ đánh một giấc ngon lành, và sáng sớm ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục hành hạ mày.’

Alfred kể tiếp: Thiên Chúa đã thử thách tôi. Giờ đây làm thế nào để có thể bền bỉ đứng vững được thôi. Tôi vẫn luôn tin tưởng vững vàng và hy vọng nơi Bàn Tay nhân từ, Bàn Tay đã đón nhận chúng ta và hướng dẫn chúng ta.... và Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi một không gian thật đẹp với sự bình tâm thẳm sâu. Tôi cảm thấy lúc này Chúa thật gần và thương tôi thật nhiều....Với tôi có những lúc thật là khó khăn. Tôi đã trải qua những giờ phút rất đau thương với nước mắt và máu. Nhưng tôi đã luôn luôn cố gắng đưa những giọt nước mắt và máu của mình vào trong hai hành động thật nhỏ bé, để nhờ đó có thể đứng vững được. Hai hành động đó là: Cầu Nguyện và Yêu Thương. Tất cả mọi hành động khác trong lúc đó đều sai cả.... Hôm nay là một ngày tồi tệ. Thiên Chúa như đang thử thách tôi , xem tôi có giữ những lời mà tôi đã từng xác tín không: Chỉ với Chúa thì cuộc sống mới tồn tại và phận người mới đứng vững được.

Giờ phút của Phêrô lại đến.  Gió bão và sóng lớn lại đe dọa... Phêrô bắt đầu run lẩy bẩy... Giờ đây mọi sự nằm trong bàn tay của Chúa... Ngài có nhiều cách để vực chúng ta dậy và dìu chúng ta tiếp tục tiến bước. Tôi đã thường cảm thấy điều này trong những tuần lễ thê thảm đầy sợ hãi và dài đằng đẵng. Tôi luôn hy vọng vào Thiên Chúa, và vào tình yêu cùng sự trung thành của Ngài...Tôi muốn đốt lên những ngọn lửa cho các bạn. Các bạn đã cùng đi với tôi trong những đêm đen của cuộc đời. Các bạn cũng đã từng bị gió bão và cuồng phong đe dọa, và các bạn đã đứng vững. Vai kề vai chúng ta cùng gánh vác chung với nhau nhé... Giữa đêm đen Ánh Sáng sẽ bừng lên!”

Hành động của Cha Alfred chắc chắn là một bài học thật quý giá cho chúng ta. Thực vậy, trên con thuyền của cuộc đời, chúng ta chỉ cần tin thôi. Chúng ta hãy cứ an tâm. Dù cho Giêsu có ngủ, nhưng ngủ ở đàng lái đấy! Và không chỉ ngủ ở đàng lái, mà theo Hans Urs von Balthasar, thì Giêsu còn nằm nghỉ trong lòng của Chúa Cha, Đấng canh giữ cuộc sống của Giêsu và sứ mạng của Giêsu, không bao giờ cho phép sức mạnh của thiên nhiên ảnh hưởng đến sứ mạng của Giêsu.

Nhưng sứ mạng của Giêsu là gì? Là yêu thương mọi người, là trao ban tình yêu của Cha cho mọi người, là chở che mọi người trước bao nỗi hiểm nguy, là giải thoát con người khỏi mọi nỗi sợ hãi, và đưa mọi người về với bờ bến của bình an, của hạnh phúc. Vâng, chúng ta hãy an tâm và đừng sợ, Giêsu luôn gìn giữ chúng ta, và không bao giờ để cho chúng ta mất đi. Như người mục tử nhân lành, chính Ngài chứ không ai khác sẽ che chở đoàn chiên trước thú dữ đang nhâm nhe đe dọa.

Vì thế, dù gió có lớn, bão có to đến mấy, thì Giêsu vẫn vững tay lái, vững mái chèo trên con thuyền của cuộc đời. Và dù Ngài đang ngủ, nhưng Ngài vẫn hiện diện. Dù vì mệt mỏi đang nghỉ ngơi, nhưng Ngài nghỉ ngơi trên con thuyền của chúng ta, của con người yếu đuối, chứ ngài không nằm nghỉ trên giường êm nệm ấm. Và kìa Ngài đã nghe tiếng kêu của các môn đệ.  Chúng ta hãy nhìn xem. Ngài đứng dậy. Rồi Giêsu làm gì? Ngài sẽ mắng các môn đệ chăng? Không, điều đầu tiên là:

- “39  Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.”

Tuyệt vời quá sức! Tuyệt vời như từ thuở xa xưa:

“Khi gặp bước ngặt nghèo, họ kêu lên cùng CHÚA,

Người đưa tay kéo họ ra khỏi cảnh gian truân.

Đổi phong ba thành gió thoảng nhẹ nhàng,

sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng,

họ vui sướng, vì trời yên bể lặng

và Chúa dẫn đưa về bờ bến mong chờ.” (Tv 107, 28-30)

Vâng, dù tiếng sóng có gầm vang, có thét lên đến long trời lở đất, thì cũng cần phải im tiếng đi, cần phải nhường bước cho Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, Đấng từ thuở đời đời luôn ở đó bên người con nhỏ yêu dấu của Ngài:

“Sóng nước đã gầm lên, lạy CHÚA,

sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào.

Sóng nước đã gầm lên, long trời lở đất.

Nhưng hơn hẳn tiếng nước ngàn trùng,

hơn hẳn sóng oai hùng ngoài biển cả,

CHÚA oai hùng ngự trị chốn cao xanh.” (Tv 93, 3-4)

Sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa đã làm cho biển phải câm lặng. Quyền năng này các môn đệ ngày xưa không thể hiểu được. Có lẽ chính vậy mà niềm tin của các ông còn nhỏ lắm. Và có lẽ Giêsu hiểu thấu được niềm tin của môn đệ mình, nên Ngài chỉ mắng:

- “40 Rồi Người bảo các ông: Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Ở đây một điều thú vị là, trước hết Giêsu ra lệnh cho biển phải im lặng, sau đó Ngài mới mắng các môn đệ. Vâng, ngài đã hiểu thấu sự sợ hãi của các ông, nên điều đầu tiên cần làm không phải là trách mắng người đang sợ hãi, mà ra tay giúp đỡ giải thoát họ ra khỏi sự sỡ hãi trước, sau đó muốn nói gì thì nói, muốn mắng gì thì cũng không sao.

Lời mắng các môn đệ nhát sợ được Giêsu lập lại nhiều lần khác (x. Mc 4, 13.40; 7,18; 8,17tt.21.33; 9, 19). Nhưng khi mắng các môn đệ như thế, Giêsu có ý chống lại sự nghi ngờ của các môn đệ vào chính Ngài, Thầy của họ, cũng như chống lại sự nhát sợ của người được chọn, người môn đệ Chúa. Như vậy lời mắng của Giêsu như là lời tỉnh thức giúp cho những ai theo Chúa cần dừng bước lại, để nhận ra sự yếu đuối rất hay nhát sợ của con người mình, và ý thức bám vào Chúa nhiều hơn. Vâng, ai càng bám vào Chúa và sống trong tình thân với Ngài, thì sẽ chẳng sợ gì, họ càng ngày càng bình tâm hơn. Một sự bình tâm tín thác và tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, đến nỗi không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả, và cái gì đúng theo thánh ý của Chúa mà thôi (ss. Sách Linh Thao số 23)

Điều thứ hai mà Giêsu mắng các môn đệ là việc yếu lòng tin của các ông. Về điều này chúng ta cũng thấy Máccô nhắc đến nhiều lần. Vâng, dù cho các ông đã theo Giêsu và ở với Người (ss. Mc 3, 14), dù cho mầu nhiệm Nước Trời đã được trao cho các ông (ss. Mc 4, 11), và giải nghĩa cho các ông cặn kẽ (ss. Mc 4, 34b), nhưng các ông vẫn chưa có lòng tin. Adolf Pohl chú ý chúng ta về từ ngữ “chưa có lòng tin”. Với từ ngữ này chúng ta có thể nhận ra rằng, sự chậm hiểu và thiếu lòng tin của các môn đệ là dấu hiệu của sự thiếu kinh nghiệm thiêng liêng về Thiên Chúa và về niềm tin.

Phải chăng niềm tin không chỉ là một món quà của Chúa ban tặng một lần là xong, mà niềm tin còn cần phải được chăm bón, cần phải được thử sức và tôi luyện, cần phải luôn luôn được lấy ra khỏi “kinh tin kính”, để đem vào cuộc sống, để nhìn lại và để rút ra thêm kinh nghiệm. Và cũng thật quan trọng, khi ý thức như Luca cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, con tin Chúa, nhưng xin Chúa tăng thêm lòng yếu tin của con.” Thực vậy, không ai dám nói rằng, khi tôi bước theo Chúa và trở thành môn đệ của Ngài, thì niềm tin của tôi vào Ngài đã vững vàng 100%, đến nỗi tôi không cần phải “vào nhà tập lại”, không cần phải đi tĩnh tâm năm, không cần phải cầu nguyện hằng ngày, không còn phải ra sức học hành và trau dồi Lời Chúa nữa.

Ai dám nghĩ như thế, thì thật là “tuyệt”, vì họ là con người hoàn hảo rồi. Mà đã hoàn hảo rồi thì đi tu để làm gì nữa? Vì vậy, thật hay từ ngữ “tu” của Việt Nam ta: Tu là để sửa chữa, để ngày ngày học biết tinh thần của Giêsu và ý thức sửa đổi bắt chước Giêsu mỗi ngày nhiều hơn một chút. Hay theo thiển ý của tôi, có thể nói theo kiểu của Linh Thao: Tu là một chuỗi ngày tập thể thao cho linh hồn của mình, bằng cách ngày ngày ý thức dọn dẹp và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc sống để mưu ích cho linh hồn mình (ss. Linh Thao số 1)

- 41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Sau khi chứng kiến quyền năng của Giêsu trên thiên nhiên, thì các môn đệ hoảng sợ. Ở đây, Adolf Pohl so sánh một điều rất hay. Trong câu 37 nói về một trận cuồng phong lớn. Và sau đó ở câu 39 là “biển lặng như tờ” nghĩa là sự thinh lặng lớn. Và ở câu 41 này thì các môn đệ “hoảng sợ”, nghĩa là nỗi sợ thật lớn. Như vậy, nỗi sợ thật lớn này không còn là sự nhát sợ mà Giêsu mắng các ông ở câu 40, mà là sự sợ hãi lớn trước sự mạc khải của Thiên Chúa. Sự sợ hãi này cũng là sự công nhận của con người nhỏ bé trước quyền năng phi thường của Thiên Chúa. Vâng, nỗi sợ lớn lao trước Thiên Chúa này không trói buộc con người lại, mà thúc đẩy con người biết ý thức phủ phục, biết ý thức tỏ lòng thờ lạy Chúa của mình, như trong Giona 1, 16: “Những người ấy sợ ĐỨC CHÚA, sợ lắm; họ dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA và khấn hứa.” Như vậy, trong sự sợ hãi này chứa đựng những điều thật tích cực: Tin tưởng và thờ lạy. Vâng, sau khi biển và cuồng phong đã phải tuân phục và bái lạy Thiên Chúa, thì giờ đây đến lượt con người chúng ta.

Nỗi sợ hãi lớn lao này cũng thúc đẩy con người đi vào trong giao động mới, đó là đi tìm căn tính của Đức Kitô: Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? Theo R. Pesch thì những ai chứng kiến cảnh tưởng này chỉ có thể trả lời rằng:  Đấng mà cả gió và biển phải tuân lệnh thì lớn hơn tiên tri Giona. Ngài hành động với sức mạnh của chính Gia-vê Thiên Chúa. Ngài là Đấng lớn hơn cả sức mạnh và bạo lực của hỗn mang. Phần bạn và tôi, chúng ta hãy luôn để câu hỏi này đi với mình trong cuộc đời: “Đức Kitô là ai đối với tôi vậy?” Chắc chắn rằng, mỗi thời điểm câu trả lời sẽ khác, vì kinh nghiệm về niềm tin và về Giêsu của chúng ta cũng sẽ khác đi và dồi dào hơn.