Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm B
YÊU NHƯ CHÚA
SƯU TẦM

“Con chim trước khi chết thì cất tiếng hót bi thương; con người trước khi chết thì lời nói rất chân thật”. Điều này chúng ta có thể lấy Chúa Giêsu làm bằng chứng. Trong bữa tiệc ly, trước khi ra đi chịu chết, Chúa đã nói với các môn đệ những lời tâm huyết rất chân thật và cũng là những chỉ thị cuối cùng của Ngài. Một trong những chỉ thị ấy coi như bao hàm mọi chỉ thị khác là “anh em hãy yêu thương nhau” trong bài Tin Mừng hôm nay.

Luật cũ trong Cựu ước dạy: “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình”. Nghĩa là lấy bản thân mỗi người làm tiêu chuẩn: tôi yêu bản thân tôi thế nào thì tôi cũng hãy yêu người khác như vậy. Đó là mức yêu thương cao độ lắm rồi, nhưng vẫn còn giới hạn và chưa loại trừ được hết những động lực vị kỷ. Vì thế, Chúa Giêsu đã đưa ra những đòi hỏi mới về tình yêu thương, và Ngài đưa tình yêu thương đó lên tột đỉnh mà không ai trong loài người dám nghĩ tới. Đó là Ngài dạy: hãy yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Chúng ta không chỉ lấy chính mình làm tiêu chuẩn: yêu người như mình, mà phải lấy Chúa làm tiêu chuẩn và kiểu mẫu; yêu người như Chúa yêu. Chúng ta phải yêu như Ngài đã yêu.

Chúa đã yêu như thế nào? Cả cuộc đời của Ngài, Ngài đã yêu thương tất cả mọi người và mỗi người một cách thiết thực và yêu thương cho đến cùng. Ngài không để ai về tay không mỗi khi họ đến với Ngài: người mù được sáng, kẻ què đi được, người điếc nghe được, người câm nói được, người mẹ mất con được lại con, người chị mất em được lại em, thậm chí đám cưới đang lúng túng vì thiếu rượu cũng được Ngài cho rượu tràn trề. Ngài quan tâm cả tới nỗi mệt nhọc của môn đệ và đưa họ đi nghỉ dưỡng sức. Ngài quan tâm tới những yếu đuối của họ để sửa dạy và nâng đỡ. Tình yêu của Ngài thiết thực như một người mẹ hiền săn sóc con cái.

Có những người xem ra không xứng đáng cho Ngài yêu thương, thế mà Ngài vẫn quan tâm đến họ. Những cô gái điếm cũng có giá trị đối với Ngài. Với những người sống ngoài lề xã hội, những người mà không một ai thèm để ý tới, thì Ngài đã nhìn nhận họ và chuyện trò với họ. Tất cả mọi người trước mắt Ngài đều rất quan trọng. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương, cả trong những lúc gặp hiểm nguy. Và cuối cùng, Ngài đã hy sinh đến chết, vì Ngài không muốn và không thể cắt đứt sự yêu thương, đúng như Ngài đã nói: “Tình yêu cao quý nhất là chết cho người mình yêu”.

Tình yêu của Chúa cao đẹp quá, cao quí quá và Chúa bảo chúng ta hãy yêu như Ngài. Thật khó quá, nhưng Chúa truyền chúng ta phải thực hiện bao nhiêu có thể. Xin hãy nhớ câu chuyện cùng lời khuyên sau đây và cố gắng thực hiện: trong một lớp học kia,một thầy giáo bất ngờ ra bài làm cho các học sinh như sau: “Từ nay đến cuối tuần, mỗi em hãy tìm quan sát một loại hoa tầm thường nở bên vệ đường hay ngoài đồng nội. Những bông hoa không được ai để ý và đặt tên cho đàng hoàng, nhưng chỉ được gọi bằng một tên chung là “hoa dại”. Không có giá trị gì cả”. Cả lớp học hăng say thực hiện điều thầy giáo muốn. Mỗi em cầm theo một cái kính lúp để quan sát thật kỹ những bông hoa dại. Sau đó từng em đã mô tả những nét đẹp của những bông hoa dại mà các em đã quan sát; và cả lớp đều công nhận: những bông hoa dại bị khinh thường đều có những vẻ đẹp riêng tuyệt vời không ngờ được.

Cuối cùng, thầy giáo lên tiếng kết luận: “Các em đã có kinh nghiệm rồi đó. Nếu chúng ta chú ý quan sát, và dành thời giờ để quan sát đi quan sát lại, thì cả vật tầm thường nhất như bông hoa dại kia cũng sẽ xuất hiện vẻ đẹp trước mắt chúng ta. Ap dụng vào mối tương quan giữa người với người, các em hãy nhớ điều này: mỗi người là một kỳ công tuyệt đẹp của Đấng Tạo Hóa. Nét đẹp của mỗi người khác nhau mà chúng ta không thể quan sát cho hết được. Thế nhưng, mỗi người chúng ta không có thời giờ dành cho nhau để tìm hiểu nhau, chúng ta chỉ biết nhau một cách hời hợt bên ngoài. Chúng ta chỉ nhớ ghi nhận những tật xấu, những khuyết điểm, những lỗi lầm… mà quên đi hay không muốn nhìn đến cái hay cái đẹp nơi người chúng ta gặp. Chúng ta không thể có tất cả những gì, những ai chúng ta thích, nhưng hãy yêu thích những gì chúng ta có; hãy yêu mến những ai chúng ta gặp hằng ngày”.

Ước chi những lời nhận định của thầy giáo trên đây thức tỉnh mỗi người chúng ta về mối tương quan của mình đối với anh chị em chung quanh: chúng ta có dành đủ thời giờ để tìm hiểu và nhận ra những điều tốt nơi anh chị em chung quanh hay không? Có phải vì năng gặp mỗi ngày mà chúng ta có thái độ coi thường, không biết tôn trọng không? Có phải vì khó khăn này nọ mà chúng ta không để ý tới hay thờ ơ đối với anh chị em sống quanh chúng ta không? Có phải vì một điều gì đó mà chúng ta né tránh và phủ nhận điều cao đẹp của họ không?