Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B
Ở TRONG CHÚA
SƯU TẦM

Đoạn Tin Mừng vừa nghe cho chúng ta thấy về mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và những kẻ theo Ngài. Đây là một mối quan hệ mật thiết đến độ cả hai trở nên như một, vì mang cùng một sức sống. Mối quan hệ này đã được Chúa Giêsu diễn tả bằng hình ảnh cây nho và ngành nho như lời Ngài đã phán: Thầy là cây nho các con là ngành nho. Từ hình ảnh này chúng ta rút ra được mấy điểm suy nghĩ.

Điểm thứ nhất đó là Chúa Giêsu và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống: Các con hãy ở trong Thầy và Thầy ở trong các con. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu nhờ bí tích Rửa Tội, qua đó chúng ta được thanh tẩy trong cái chết, chết cho tội lỗi và trong sự sống lại với cuộc sống mới của Ngài. Người Kitô hữu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, còn có nghĩa là được nắm giữ một vai trò sống động trong chương trình cứu độ của Chúa. Như thế mối quan hệ này được đặt nền tảng trên sự trung tín và thương yêu.

Điểm thứ hai được Chúa Giêsu nhấn mạnh, đó là ngành nho phải sinh trái. Một ngành nho không sinh trái, mặc dù vẫn còn dính vào thân cây nho, thì cũng chỉ là một ngành nho đã chết, và một ngày kia sẽ bị cắt tỉa mà quẳng vào lửa.

Hình ảnh này có thể đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, bởi vì đâu cần phải đợi đến khi bị liệt vào hạng khô khan nguội lạnh hay phạm những tội tầy đình mới bị cắt ra khỏi cộng đoàn của Chúa. Không sinh trái, đã có nghĩa là không còn ở trong Chúa, không còn liền thân với Chúa. Như vậy sức sống từ Chúa trao ban chỉ có thể là sức sống, chỉ có thể là động lực làm sinh hoa kết trái. Và do đó, chỉ có hai trạng thái: sinh trái hay không sinh trái mà thôi, chứ chẳng có trạng thái thứ ba, được hiểu theo nghĩa là cầm hơi, cầm chừng.

Người Kitô hữu trở thành môn đệ Chúa bằng chính việc sinh nhiều trái chứ không phải bằng lời nói hay những nghi thức nào khác. Nhưng thế nào là sinh trái? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong bài đọc thứ hai, trích thư của thánh Gioan tông đồ: Ai giữ các giới răn của Chúa thì ở trong Ngài và Ngài ở trong họ. Và đây là giới răn của Chúa: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Ngài là Đức Kitô, và phải thương yêu nhau. Vẫn theo thánh Gioan thì chúng ta đừng yêu nhau bằng lời nói và miệng lưỡng, nhưng bằng việc làm và chân thật.

Như thế chúng ta có thể hiểu được rằng sinh trái có nghĩa là yêu thương, và yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem lại hạnh phúc cho người khác.

Trái nho chính là những hành động bác ái yêu thương, thế nhưng chúng ta đã thực sự là những ngành nho sinh nhiều trái hay chưa?