Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B
KHÔNG SỐNG TRƯỚC MẶT CHÚA,
MÀ SỐNG TRONG CHÚA
Lương Thực Ngày Chúa Nhật

Đoạn Phúc Âm này trích ở bài giảng thứ hai của Chúa trong bữa Tiệc ly –Và cần được đặt vào trong bầu khí thánh lễ tạ ơn, tâm điểm của Tiệc ly. Việc Chúa làm phép và tiến dâng rượu khiến ta nhớ đến dụ ngôn cây nho. Cựu Ước từng dùng cây nho để chỉ dân Chúa. Ở đây Chúa muốn cho người ta biết Chúa thực hiện trong Người một tập hợp gồm ơn tuyển chọn, sự quan phòng chiếu cố và phương thế cứu rỗi –mà thời xưa người ta gán cho dân Chúa. Tư tưởng chính của đoạn văn tập trung vào thực tại cảu sự kết hợp, ngay từ dưới thế, gữa người Kitô hữu và Đức Kitô. Kitô hữu không sống trước mặt Đức Kitô, nhưng sống trong Đức Kitô. Ta ghi nhận, trong đoạn văn ngắn này, từ ngữ “trong Ta” được thánh chép sử dùng tới 5 lần.

1) Kitô hữu được nối mạch với Đức Kitô giống như cành nho được tháp vào gốc nho. Không có Đức Kitô thì người Kitô hữu chẳng là gì hết. Nhờ Đức Kitô mà người tín hữu được sống, có được nhựa sống, và khả năng kết trái. Có thể trên gốc nho nảy ra một cành không theo quy luật thiên nhiên về cây giống –nó chỉ tốt cành tốt lá mà không cho quả. Nhà trồng nho gọi nó là “giống tham ăn”, chặt và liệng đi. Phải chăng có thể có những người lãnh nhiệm vụ rao giảng Phúc Âm mà không sinh hoa kết quả? Thưa có, đấy là những kẻ không quan tâm sống nhờ vào Chúa, vẫn rao giảng Phúc Âm theo lối riêng. Thánh Inhaxiô thành Antiôchia, ở thế kỷ thứ hai, từng nhận xét: “Hãy đề phòng những cục bướu có hại trên thân nho, chúng không do Đức Giêsu Kitô chăm bón, vì chúng không được Chúa Cha vun trồng. Những cục u bướu đó là hình bóng những kẻ nào xưng mình là thuộc về Giáo Hội và Phúc Âm mà thật sự không sống hiệp thông với Đức Giêsu Kitô”.

2) Nhành nào sinh quả, Cha Ta tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn. Nhìn vào cung cách Thiên Chúa dẫn dắt người tín hữu ngay thật, chúng ta thấy tất cả được sắp đặt sao cho nhiều hoa sai quả –quả đây là sự thành toàn số mệnh theo thánh ý Chúa. Sống trong Đức Kitô, người tín hữu được nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy và gương mẫu Chúa, bằng lời Chúa, ân sủng nội tâm và Mình Máu Thánh Người. Tuy vậy vẫn có thể xảy ra điều này: do một sự quá dồi dào tư tưởng, quá nhiều dự định, một sự thiếu sáng suốt, một tật nguyền tâm thần –một sự yếu đuối của ý chí v,v… bỗng nhiên nổi lên trong người đó sự lầm lạc này hoặc sự bất trung nọ. Chính vào lúc đó, nhắm vào quả đang lớn cần được gìn giữ cho tới lúc chín, Chúa ra tay xén tìm lòng trí người đó, thanh luyện y, loại bỏ những cành thừa chẳng ích lợi gì vì tranh chiếm sinh lực cần cho cây sống. Tất nhiên là đau xót, nhưng tránh được, vì đây là quy tắc cuộc chơi. Trung kiên trong đức tin và thanh khiết trong sự ngay lành –cả hai đem lại những thực nghiệm đau khổ.

Lại nữa, làm sao người ta có thể ở trong Đức Kitô mà lại không theo Chúa trên đường hy sinh được? Muốn hái quả kỳ diệu của sự sống lại thì phải làm cuộc vượt qua bằng thập giá. Thập giá Chúa chính là sự lột bỏ trơ trụi cực độ của Chúa. thập giá của chúng ta là sự thanh luyện cực độ. Nếu đôi khi chúng ta cảm tháy như thể Chúa Cha tỉa xén trong xác thịt, trong linh hồn, trong trái tim chúng ta, những lúc đó chúng ta hãy cố thu hút nhiều hơn nữa chất sống từ Đức Kitô, hãy dũng cảm vì lời hứa của những trái đang chờ chín.