Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B
NHƯ CÀNH NHO GẮN LIỀN VỚI CÂY NHO
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Hình ảnh vườn nho và cây nho là những hình ảnh thân quen và hàm súc ý nghĩa trong Thánh Kinh để nói về tương quan giữa Thiên Chúa và Israel dân ngài. Israel đã từng được gọi là vườn nho của Thiên Chúa, vườn nho mà ngài yêu thương và chăm sóc và đặt biết bao kỳ vọng (Is 5,1-7). Cách gọi vườn nho là một cách gọi thân mật, yêu thương chăm sóc và cũng hàm chứa trong đó những đòi hỏi của tình yêu. Vườn nho gợi lên tình yêu vì trái nho ngon ngọt, là hình ảnh cao quí của tình yêu, vì sự sống mạnh mẽ của cây nho và trái nho gợi lên hình ảnh sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn ban tặng cho các môn đệ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này, và hơn nữa, người tự ví mình là cây nho đích thực, cha người là người trồng nho và các môn đệ là các cành nho được tỉa gọt cần phải gắn liền với thân nho là chính người để sinh được nhiều hoa trái. Đây là sự thực hiện cụ thể của những gì đã được báo trước qua các sách Tiên tri Isaia 5,1-7; Giêrêmia 5,10. Các môn đệ và những thế hệ các tín hữu tương lai là những người mà Chúa Giêsu muốn nhắm tới trong bài dụ ngôn này, họ là những cành nho gắn liền với cây nho đích thực là Chúa Giêsu.

          Mang nhiều hoa trái là điều Chúa Giêsu đòi hỏi và ước mong nơi người môn đệ, điều này chỉ thực hiện được nhờ việc người môn đệ biết gắn liền với thầy Giêsu như cành nho gắn liền với cây nho. Sự gắn bó này là điều kiện thiết yếu để cây nho thông truyền cho cành nho sức sống mạnh mẽ làm cho nó mang được nhiều hoa trái, nếu không cành nho vô dụng phải bị chặt đi và ném vào lửa. Đây là thái độ gắn bó của người môn đệ với thầy trong tình yêu và lòng tin tưởng phó thác và được cụ thể hóa bằng việc giữ những giới răn tình yêu của thầy. Chúa Giêsu nói đến việc Cha là người trồng nho chăm sóc cắt tỉa cho các cành nho được sinh hoa trái: cắt bỏ những cành không sinh trái và tỉa cho những cành sinh trái được xum xuê hơn. Chúa Giêsu vẫn qui cho Cha là Đấng lôi kéo những người môn đệ đến với mình, Chúa Cha thúc đẩy bên trong tâm hồn để cho nhiều người môn đệ biết giữ những lời Chúa Giêsu. Trong mọi việc Chúa Giêsu làm, người hằng qui về ý muốn của Cha, người nhìn thấy thánh ý của Cha và đó là động lực cho hành động của người. Nếu người hiểu mình là cây nho thì Cha là người trồng nho và các môn đệ là cành nho, bởi vì người không thể là cây nho nếu Cha không là người trồng nho, và các môn đệ cũng thế, không thể là cành nho sinh nhiều hoa trái nếu không được gắn bó với người và không được Cha cắt tỉa. Vì thế người nhìn thấy dấu ấn của Cha hoạt động nơi người môn đệ. Người không bao giờ tách rời khỏi ý muốn của Cha trong hành động của mình nên người hiểu rằng sở dĩ người môn đệ có được nhiều hoa trái tốt đẹp đó là nhờ Cha thúc đẩy trong họ làm cho họ biết gắn bó và đến với người. Người luôn hợp nhất với Cha trong hành động nơi người môn đệ, Người  luôn hợp nhất với Chúa Cha và nhờ đó công việc của người đạt được hiệu quả thì về phần người môn đệ, họ cũng cần phải luôn hợp nhất với người là cây nho đích thực để công việc của họ được hiệu quả. Gắn bó với thầy Giêsu cũng là ở lại trong thầy. Đây là sự kết hợp thân mật nên một trong cùng sự sống, sự kết hợp được hiện tại hóa cụ thể bằng việc giữ các giới răn của thầy Giêsu. Việc giữ các giới răn tình yêu là dấu chứng chắc chắn của việc ở lại trong thầy Giêsu. Nhờ sự kết hợp này là giữ các giới răn của thầy Giêsu người môn đệ được ở tận nơi nguồn sung mãn của sự sống, người môn đệ được đón nhận trọn vẹn vào trong sự hợp nhất của đời sống thần linh và nhờ đó lời cầu nguyện của họ được đón nhận vì họ không phải là những người xa lạ mà là những người đã thực sự sống trong đời sống thần linh, hợp nhất với Chúa Con để rồi nhờ đó mà được hợp nhất với Chúa Cha trong nguồn sự sống đích thực.

          Các tông đồ và thế hệ các môn đệ và tín hữu đầu tiên là những người gắn liền với Chúa Giêsu, các ngài đã bắt đầu thực hiện cách cụ thể những gì Chúa Giêsu đã nói trước qua hình ảnh cây nho và cành nho. Saolô và Barnaba là những người đã tin tưởng và gắn bó với thầy Giêsu. Họ mạnh dạn đến với các tông đồ và các tín hữu khác. Họ tìm cách hợp nhất trong lời rao giảng với các tông đồ của Chúa Giêsu và các tín hữu. Barnaba không ngần ngại làm chứng cho Saolô trước các tông đồ khác và các tông đồ đã tin tưởng đón nhận Saolô. Từ một người nhiệt thành bắt bớ các Kitô hữu trở thành người nhiệt thành làm chứng cho Chúa Giêsu. Hiệu quả của hoạt động tông đồ của Phaolô là do bởi ông đã biết tin tưởng và gắn bó với thầy Giêsu. Thánh Gioan cũng thế, ông là người nhận thức đời sống thiêng liêng phong phú nơi người tín hữu là thế hệ tiếp nối của các môn đệ, họ được dẫn đưa vào sự sống mới của thầy Giêsu, họ được mời gọi thực hành giới răn tình yêu cách chân thật. Vì thế Gioan đã luôn nhắc nhở các tín hữu hãy thực hành giới răn yêu thương của thầy Giêsu : “anh em đừng yêu thương trên đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương chân thật và bằng việc làm”. Thánh Gioan là người môn đệ đã biết gắn liền với cây nho bằng cách thực hành giới răn tình yêu của thầy một cách mạnh mẽ. Ông đã cảm nghiệm hiệu quả của đời sống mới này và bắt đầu huấn luyện cho những thế hệ mới biết trọng tâm của đời sống Kitô hữu của họ. Trọng tâm này không hệ tại một đời sống hời hợt bên ngoài mà được tập trung ở điều cốt yêú nhất là tin vào thầy Giêsu và thực hiện giới răn yêu thương của người. Chính Thánh Thần của Thiên Chúa được đổ vào lòng người tín hữu làm cho họ bắt đầu sống giới răn yêu thương này, cụ thể đối với các anh chị em tín hữu khác và lan tỏa cho mọi người. Người tín hữu cũng bắt đầu cảm nghiệm những đau khổ và thất bại trong đời sống như những tỉa gọt mà Chúa Cha uốn nắn họ nhiều hơn làm cho họ sống phù hợp hơn với những lời rao giảng của thầy Giêsu; họ bắt đầu biết từ bỏ những tính hư tật xấu và dấn thân để yêu thương và kính trọng các anh chị em của mình.