Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B
SỐNG TIN MỪNG PHỤC SINH
                Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Các sách Tin Mừng và sách Tông đồ công vụ ghi lại sau Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, thì Ngài hiện ra ít nhất 18 lần với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như:

    Ngài hiện ra với bà Mađalenna bà tưởng là người làm vườn, nên không nhận ra Chúa. Ngài hiện ra với hai môn đệ đi làng Emmau, như khách bộ hành chưa từng quen biết, hai ông không nhận ra Ngài. Ngài hiện ra với các tông đồ trên biển hồ Tibêria, lúc các ông đi đánh cá, với dáng vẻ như người xa lạ.

Chúa hiện ra, không phải lúc họ cầu nguyện trong thánh đường, mà là hiện ra trong mọi sinh hoạt thường ngày. Chúa hiện ra, không phải dung mạo sáng chói của Đấng Phục sinh, nhưng tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Chúa là bằng chứng trong cuộc thương khó.

 Bà Mađalenna nhận ra Chúa phục sinh là do yêu mến Chúa thúc đẩy, ngay từ sáng sớm bà đi ra mồ xức dầu thơm cho Chúa.

 Hai môn đệ đi làng Emmau "mời Chúa ở lại" dùng bữa tối, họ nhận ra Chúa phục sinh qua cử chỉ bẻ bánh. Các Tông đồ nhận ra Chúa sống lại, khi Chúa cùng ăn bánh và cá nướng với họ trên bờ biển.

 Chúa Kitô hôm qua hôm nay và ngày mai cũng là một. Ngày nay Ngài vẫn đến với chúng ta trong từng thánh lễ, khi dùng tay vị linh mục dâng lời chúc tụng bẻ ra vào trao cho chúng ta. Nhưng chúng ta có mời Chúa ở lại không? Ngài vẫn đến với chúng ta qua lời của Ngài, nhưng lòng chúng ta có sốt sắng lên như hai môn đệ đi làng Emmau năm xưa không?

 Ngài đến trong những người chúng ta gặp gỡ. Ngài đến qua sự tận tụy lao động mồ hôi đổi lấy bát cơm của người cha. Ngài vẫn đến qua tấm lòng phục vụ âm thầm của người mẹ. Ngài ẩn mình trong những người ăn xin nghèo đói bên vệ đường. Điều quan trọng là chúng ta có dùng ánh mắt đức tin để nhận ra Ngài hay không thôi.

 Chúa Kitô Phục sinh thường tỏ mình ra qua cử chỉ trao ban. Cho nên, ai càng mở rộng tâm hồn và đôi tay chia sẻ, người ấy càng dễ dàng nhận ra Chúa Phục sinh.

 Cử chỉ bẻ bánh và cá nướng trao cho các môn đệ năm xưa, gợi lên cho chúng ta Thánh lễ cũng là một bữa ăn. Ngày nay, Chúa Kitô phục sinh vẫn tiếp tục dùng đôi tay linh mục bẻ tấm bánh là mình thánh Ngài trao ban cho chúng ta. Ngài dùng môi miệng linh mục chúc bình an cho chúng ta, để nhắc lại ngày xưa mỗi lần hiện ra, Chúa đều chúc bình an cho các môn đệ.

Anh chị em thân mến,

 Ngày nay chúng ta tin vào Chúa Kitô phục sinh, không chỉ dựa vào ngôi mộ trống mà còn dựa vào lời chứng của các tông đồ. Lời chứng mà một nhà tư tưởng nói rằng: Những người đã dám sống dám chết cho điều họ rao giảng, thì lời chứng đó mới có giá trị.

 Thật vậy, các tông đồ hầu hết đã làm chứng cho Đức Kitô phục sinh bằng cái chết đẫm máu của mình, cho dẫu bị cấm cản và bị bách hại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tại nhà ông Cornêliô ở Xêdarê, thánh Phêrô tuyên bố: “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 39-41). Vì thế, Giáo hội được hình thành và phát triển đến ngày hôm nay là nhờ đức tin và lời chứng của các tông đồ truyền lại.

Ngày nay, Hội Thánh cần có những người dám sống, dám làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh. Cuộc sống làm chứng cho Chúa ngày nay là một hình thức tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống, nhưng đòi chúng ta phải chọn Chúa trong từng công việc qua từng phút giây của cuộc sống.

Hình thức tử đạo ngày nay không đòi chúng ta đổ máu như các thánh tông đồ năm xưa, nhưng đòi chúng ta làm chứng cho Chúa bằng cách chết đi cho ý riêng, chết đi cho những đam mê tật xấu, chết đi cho những gì chúng ta làm Chúa không hài lòng.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã chết đi và sống lại để tái sinh chúng con trong ơn làm con Chúa. Xin cho chúng con biết loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến. Amen.