Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B
ĐAU KHỔ
SƯU TẦM

“Chớ thì Đức Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang”. Đức Kitô đã đi con đường đau khổ để tiến tới vinh quang, đã đi con đường thập giá để tiến tới Phục sinh. Là môn đệ của Ngài, chúng ta cũng không có một con đường nào khác ngoài con đường đau khổ và thập giá, nếu như chúng ta muốn được cứu độ.

Đúng thế, đã là người thì ai cũng phải đau khổ và thập giá không bao giờ thiếu vắng trong cuộc đời chúng ta. Người xưa đã nói:

- Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,

Đời có vui sao chẳng cười khì.

Giáo lý nhà Phật thì diễn tả thân phận con người như một cánh bèo trôi dạt trên bể khổ.

Vậy thì đâu là những nguyên nhân gây nên đau khổ?

Trước hết, đau khổ có thể là bởi thiên nhiên.

Chẳng hạn như lụt lội, bão táp, hạn hán, mất mùa… Bất kỳ ở đâu và bất kỳ thời buổi nào cũng có. Khoa học và kỹ thuật chỉ làm giảm đi phần nào, chứ không thể chặn đứng được tất cả.

Tiếp đến đau khổ có thể do lòng gian tham độc ác của con người.

Đau khổ có thể do bởi người khác, chẳng hạn như bỏ vạ cáo gian, ăn trộm ăn cắp mà gây nên. Đau khổ còn có thể do bởi chính bản thân mình, chẳng hạn vì đam mê cờ bạc, rượu chè chơi bời mà sinh ra nghèo túng bệnh tật, vì bất cẩn trong lời nói và trong việc làm mà sinh ra tai nạn.

Và sau cùng đau khổ cũng có thể do chính Thiên Chúa.

Sở dĩ như vậy vì Ngài muốn thử thách để con người chúng ta được trưởng thành và đem lại những lợi ích siêu nhiên, như tục ngữ cũng đã bảo:

- Lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Hay như một câu danh ngôn đã bảo:

- Khi yêu thương ai chúng ta thường trao tặng họ những bông hồng, còn Thiên Chúa khi yêu thương ai, Ngài thường gửi đến cho họ những đau khổ và thử thách.

Đúng theo kiểu:

- Yêu cho roi cho vọt,

Ghét cho ngọt cho bùi.

Hẳn rằng trong chúng ta chẳng ai muốn cho mình bị đau khổ, chính Chúa Giêsu trong vườn cây dầu cũng đã cầu nguyện:

- Lạy Cha xin cất chén đắng này cho con, nhưng không theo ý con, một theo ý Cha mà thôi.

Tuy nhiên nhiều khi chúng ta đã đề phòng cẩn thận mà vẫn không tránh khỏi tai ương. Trong những trường hợp như thế, chúng ta chỉ còn một cách, đó là cúi đầu chấp nhận. Nhưng làm thế nào để dễ dàng chấp nhận, để tìm được niềm an ủi trong những giờ phút đen tối ấy?

Trước hết hãy nhớ rằng không phải chỉ có một mình chúng ta bị đau khổ. Đang lúc chúng ta bị thử thách thì cũng có biết bao nhiêu người bị đau khổ.

Hãy vào một bệnh viện, giữa những tiếng rên la, chúng ta cảm thấy mình còn được hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều.

Nhất là hãy nhìn lên thập giá, chúng ta sẽ thấy chính Chúa Giêsu đã đau khổ trước chúng ta và hơn chúng ta bội phần.

Khi phải đối mặt với những đau khổ, nếu chúng ta hậm hực tức tối, thì đau khổ vẫn phải chịu mà chẳng đem lại lợi ích chi cả, nó còn là nguyên nhân gây nên những tội lỗi khác nữa.

Trái lại, nếu chúng ta can đảm chấp nhận và nhất là chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, thì những đau khổ ấy sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta. Biết đâu, nhờ những đau khổ mà chúng ta sẽ ăn năn sám hối mà quay trở về cùng Thiên Chúa.

Đau khổ là một lưỡi kéo của người thợ, cắt tỉa những cành cây để nhờ đó chúng sẽ được sai trái hơn. Đau khổ là như một nhát búa của người nghệ sĩ đập xuống cuộc đời chúng ta để biến nó trở nên một tác phẩm nghệ thuật.

Đau khổ là như một lưỡi cày, xới tung tâm hồn chúng ta để nó trở nên màu mỡ và dễ dàng hấp thụ ơn sủng của Thiên Chúa.

Đức Kitô đã đi con đường thập giá để tiến tới Phục sinh, thì chúng ta cũng vậy, muốn tiến tới vinh quang, chúng ta cũng phải tôi luyện trong đau khổ.