Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm B
CHỨNG TÍCH LÒNG THƯƠNG XÓT
                   Lm, Gioan M. Nguyễn Thiên khải, CMC

Thưa anh chị em,

Ngày 30/4 năm 2000, thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ Kính Lòng Chúa thương xót vào Chúa nhật II Phục sinh, nhắc lại biến cố Đức Giêsu hiện ra tỏ cho thánh Tôma thấy những thương tích nơi thân mình của Chúa, nhất là cạnh sườn bị đâm thâu trào ra nước và máu suối nguồn ân sủng. Giáo hội coi đây là nguồn gốc phát sinh ra các Bí tích, nhất là Bí tích hòa giải nơi mà con người lãnh nhận được ơn tha thứ do lòng Chúa thương xót. 

Tin mừng Gioan ghi lại, tám ngày sau, Đức Giêsu hiện đến với các môn đệ trong một căn phòng cửa  đóng kín. Sau khi chúc bình an cho các ông, thì Chúa gọi riêng Tôma và bảo: "Tôma! Hãy xỏ ngón tay con vào lỗ đinh, hãy thọc bàn tay con vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin". Thế thì, tại sao Đức Giêsu không tỏ cho các môn đệ thấy hào quang sáng chói của Đấng phục sinh, mà lại tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Ngài?

Giả như Đức Giêsu hiện ra với một dung mạo sáng láng như biến hình trên núi Tabor, thì e rằng các ông tưởng rằng một vị thần linh nào đó hay là ma, nhưng ở đây Đức Giêsu tỏ cho các ông thấy những thương tích nơi thân mình của Ngài là bằng chứng trong cuộc thương khó, Thầy đã bị đánh đòn, bị đóng đinh, bị lưỡi đòng đâm thấu cạnh sườn, Thầy đã chết, nhưng  nay Thầy sống lại đến với các con đây, chứ không phải ma đâu, các con đừng sợ!".

Chúng ta thấy những lần Chúa hiện đến gặp gỡ, không hề thấy Chúa trách mắng các môn đệ sao hèn nhát bỏ Thầy trong cuộc thương khó, mà chỉ trao ban bình an cho các môn đệ, biến các ông từ những người nhút nhát trở nên những chứng nhân của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa cho các ông nhìn thấy những vết tích của cuộc thương khó và nói với các ông: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Ngài thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21- 23).

 Đức Giêsu phục sinh ban cho các môn đệ năng quyền “tha thứ tội lỗi” để diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương nơi bàn tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua.

Ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục tận hưởng lòng thương xót tuôn trào từ Trái Tim Chúa, nguồn mạch không bao giờ vơi cạn. Từ Thánh Tâm Chúa, phát ra hai luồng sáng, và Chúa giải thích cho thánh nữ Faustina biết. Màu đỏ tượng trưng cho máu chảy ra từ trái tim Cha, để nuôi sống linh hồn con người. Màu trắng tượng trưng cho nước tẩy sạch tội lỗi nhân loại.

    Anh chị em thân mến,

Mỗi lần cử hành Thánh lễ là cử hành lòng Chúa thương xót. Trong giây phút linh thiêng vị linh mục cầm tấm bánh trong tay và đọc: "Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Rồi cầm chén thánh đọc: Này là chén máu Thầy, máu đổ ra cho các con, để nhiều người được tha tội".

Như vậy, lòng thương xót của Chúa vẫn còn tiếp diễn khi bị nộp vì chúng ta. Khi đổ máu ra cho chúng ta để được ơn tha tội.

 Trong cuốn nhật ký, Đức Giêsu nhắn nhủ chị Faustina  thế này: "Cùng với việc tôn vinh lòng thương xót của Ta, con hãy thực hiện lòng thương xót phát xuất từ tình yêu Cha dành cho con, con đừng chạy trốn những công việc của lòng thương xót". Có nghĩa là Chúa muốn nhắn nhủ hai điều:

1/ Cảm nghiệm lòng Chúa thương xót

Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi của con người cản trở, nhưng vẫn đong đầy cho những ai đến với Ngài. Lòng thương xót của Chúa vẫn xoa dịu những ai đang bất an bất ổn vì tội lỗi. Lòng thương xót ấy vẫn đang chữa lành những ai đang đau khổ bệnh tật tâm hồn cũng như thể xác.

Những ai nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, thì mới cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót. Bởi vì, không tội lỗi nào mà Chúa không tha thứ. Không virút nào mà Ngài không chữa lành. Không nỗi buồn nào mà Ngài không an ủi. Bởi vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 

2/ Sống chứng nhân lòng Chúa thương xót

Đức Giêsu nói với thánh nữ Faustina: “Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ. Con hãy phổ biến việc tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật. Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, Ta sẽ không để họ hư mất đời đời. Con hãy là chứng nhân lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi, mọi lúc. Chắc chắn Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy là một Faustina cho xã hội, đang đối diện với cơn đại dịch Covid 19.

 Trong cơn đại dịch này, thế giới đang cần những chứng nhân lòng Chúa thương xót. Vậy mỗi người hãy tạo cho mình những sáng kiến yêu thương đầy lòng thương xót, biết quan tâm nâng đỡ nhau, cùng chung tay chung lòng chung sức bằng lời cầu nguyện, cùng với nghĩa cử yêu thương, cụ thể là chia cơm xẻ áo cho những người kém may mắn, trên tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, vì tất cả mọi người đều anh em với nhau con cùng một Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Amen.