Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm B
ĐỨC TIN - KHOA HỌC
Sưu tầm

“Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”

 Kính thưa

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ hai lần cách nhau một tuần. Một lần hiện ra ngay chính chiều ngày sống lại, mà không có mặt ông Tôma, còn lần sau thì có mặt ông Tôma. Mục đích Ngài hiện ra là làm cho các môn đệ tin rằng Ngài đã sống lại thật và chính các ông là những chứng nhân, để sau này củng cố đức tin cho những người khác. Ngài hiện ra với toàn thể con người phục sinh của Ngài, cho các ông xem thấy tay chân và cạnh sườn, ăn uống trước mặt các ông.

           Rất tiếc trong khi Chúa Giêsu hiện ra lần thứ nhất không có mặt ông Tôma. Các ông thuật lại cho Tôma việc Chúa đã hiện ra và quả quyết rằng:”Chúng tôi đã xem thấy Chúa rồi”. Nhưng Tôma, con người đa nghi và thực nghiệm, trả lời:”Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. 

          Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, có mặt ông Tôma, để tiếp tục củng cố lòng tin cho các ông, đặc biệt với ông Tôma. Đức Giêsu âu yếm nhìn Tôma và nói:”Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin”.  Tôma xúc động thưa với Chúa trong hối hận:”Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con”.  Tôma đã tin và ông trở thành chứng nhân sống động cho Chúa Phục sinh, củng cố niềm tin cho chúng ta. 

Nhiều người cho rằng, Tôma là con người có đầu óc cụ thể, thích tìm hiểu, thích kiểm nghiệm, giống như những nhà khoa học  thực nghiệm hôm nay : những gì thấy và hiểu được thì mới tin. 

Ông chỉ tin ở tai nghe mắt thấy, chân tay chạm vào được.  Nói cách khác, điều làm cho ông tin phải có bằng chứng. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông, xét theo phương diện tự nhiên, thì không sai.  Nhưng trong lãnh vực siêu nhiên thì không đúng.

Thực sự trong đời sống hằng ngày, Ở gia đình,  cha mẹ dạy chúng ta nhiều điều mà ta vẫn tin. Ở trường học, thầy dạy truyền đạt cho chúng ta biết bao nhiêu kiến thức, ta chưa hề biết, có khi không hiểu nữa, thế mà ta vẫn tin, không thắc mắc gì. Có những bài ta không tin có thể gây nên mất mạng, thí dụ ta đâu có nhìn thấy điện, ta chỉ biết có điện truyền qua khi bóng đèn sáng, chiếc quạt quay.

Có một câu chuyện kể rằng

Một bác học người Pháp muốn làm một cuộc nghiên cứu trong sa mạc. Ông chọn mấy người Ả rập làm hướng dẫn viên. Một buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, một người trong nhóm dẫn đường trải tấm thảm xuống cát và ngồi lên đó trong dáng điệu trầm tư. Thấy thế nhà bác học buộc miệng hỏi:

- “Các ngươi làm gì thế?”

- “Dạ, tôi cầu nguyện,” người kia trả lời.

- “Cầu nguyện à, thời buổi này mà còn cầu nguyện sao? Vậy ra anh vẫn còn tin có Thiên Chúa? … Mà anh đã nhìn thấy Chúa chưa?” Nhà bác học như muốn bắt bẻ.

- “Dạ chưa.”

- “Vậy anh đã nghe Chúa nói chưa?”

- “Dạ chưa.”

- “Vậy anh đã sờ chạm vào Chúa chưa?”

- “Dạ chưa,” người hướng dẫn kiên nhẫn trả lời. 

- “Nếu thế thì anh thật là một gã điên khi tin vào một Thiên Chúa mà chưa bao giờ thấy, không bao giờ nghe, và cũng chẳng bao giờ đụng chạm được.”

Sau đó mọi người vào lều nghỉ đêm. Sáng hôm sau, trước khi hừng đông, nhà thông thái vừa bước ra khỏi lều đã vội kêu lên:

- “Ồ, này mọi người ơi: Tối hôm qua đã có một con lạc đà đi ngang qua nơi này!”

Mấy người Ả rập, hôm qua bị hạch hỏi, trợn mắt kinh ngạc:

- “Vậy chứ ngài đã nhìn thấy con lạc đà đó đi ngang qua đây sao ?”

- “Không,” nhà thông thái tự đắc trả lời.

- “Vậy chứ ngài đã đụng chạm vào nó à?”

- “Không.”

- “Vậy chứ ngài nghe thấy tiếng kêu của nó à?”

- “Không.” 

Người hướng dẫn reo lên:

- “Thế thì ngài cũng là một kẻ điên khi tin rằng có một con lạc đà đã đi ngang qua khu vực chúng ta ở, khi mắt ngài không thấy, tai ngài không nghe, và tay ngài không đụng chạm đến.”

Nhà thông thái đáp lại:

- “Nhưng ta biết được có con lạc đã ấy là nhờ những dấu chân của nó còn để lại trên mặt cát kìa.”

Ngay lúc đó mặt trời hừng đông bắt đầu mọc lên, toả muôn tia sáng rực rỡ. Người hướng dẫn liền chỉ tay về phía mặt trời và nói: “Thế thì tôi cũng nhìn vào dấu vết là mặt trời kia để quả quyết có một Thiên Chúa đang đi qua cuộc đời tôi.”

Ngày nay không ít người đã dựa vào những khám phá của khoa học để tuyên bố không có Thiên Chúa, mà chỉ con người mới là chúa của vũ trụ. Và niềm tin vào Thiên Chúa đang bị khoa học gạt ra ngoài. Thế nhưng, cùng lúc đó lại có rất nhiều người khác, nhờ những khám phá của khoa học, đã nhìn thấy nhiều điều siêu việt trong thế giới này, mà trí khôn con người chỉ mới vén mở được một phần sự thật it ỏi. thí dụ như vân tay trên một diện tích rất nhỏ bé, mà cả tỉ tỉ người vẫn khác nhau, ai là tác giả, có chủ ý vẽ vân tay khác nhau cho từng người, để dù nhiều chính quyền chủ trương không tin có Thiên Chúa, mà vẫn phải dùng bản quyền siêu phàm này, để cai trị an ninh, khi chúng ta đi làm giấy chứng minh. Hoặc từng mẩu da của từng người đều có mã số khi thử ADN. Ai mặc định ra như thế nếu đó không phải là một Đấng siêu việt trên tất cả, Đấng mà chúng ta gọi là Thiên Chúa.

Đối tượng của khoa học chỉ là sự vật để con người kiểm nghiệm tìm xem chúng thế nào, Nhà khoa học chỉ tin vào những gì được suy diễn một cách logic, để đem ra một kết luận xác thực.

Đối tượng của đức tin chính là Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải mình ra. Những ai biết mở lòng ra để đón nhận sứ điệp của Ngài, thì sẽ tìm gặp được ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Nếu biết dấn bước vào trong con đường Ngài chỉ dạy, mở lòng ra yêu mến Ngài, người đó sẽ xác tín cảm nghiệm được là mình đang sống trong chân lý.

Kính thưa

Thời đại của chúng ta hôm nay, là một thời đại thực dụng, dường như con người thờ ơ với tất cả những gì là thánh thiêng cao cả, chai lỳ với tất cả những gì là sự xấu và sự dữ, ích kỷ và tham vọng thống trị ở mọi nơi, làm sự sống con người bị đe dọa ở mọi chỗ, chém giết nhau thật man rợ.

Thế giới tục hoá đã biến con người thành một mặt hàng có thể ngả giá rao bán đại trà nơi các đường phố.

Thế giới tục hoá đã đánh mất sự linh thánh nơi con người, dẫn đến tình trạng sống buông thả trong những quan hệ bất chính, trong những đam mê lầm lạc, cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập.

Nhưng lòng thương xót của Chúa vẫn tuôn đổ những thác nguồn yêu thương, như người cha nhân hậu mong đứa con hoang đàng trở về với những lời tha thứ vô điều kiện.

Thánh tâm Chúa Giê su từ trên thập giá, đã để cho lưỡi đòng đâm thâu qua, một vết thương cuối cùng, vỡ toác ra, để máu và nước chảy ra đến cạn kiệt, chứng tỏ tình yêu con người

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, đã đặt tên cho Chúa nhật hôm nay, Chúa nhật II sau lễ Chúa Phục sinh, là Chúa nhật của Lòng Thương Xót Chúa, Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina, vị tông đò của lòng Chúa thương xót.

Xin cho chúng ta biết đáp lại tình thương vô cùng của  Chúa, bằng đời sống tuyên xưng Chúa đã chết và sống lại vì chúng ta.

Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, lạy thánh nữ Faustina, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con, xin cho chúng con được cùng với các thánh, hướng nhìn về Ðấng đã chết và sống lại vì chúng con, cho chúng con biết luôn lặp lời nguyện : “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê su, xin thương xót con và toàn thế giới.” Amen.