Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm B
SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Niềm vui và hạnh phúc bình an cùng sứ mạng rao giảng Tin mừng Chúa Phục sinh mà Chúa Giêsu Phục sinh đem lại cho các môn đệ thực là lớn lao. Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá và chôn táng trong mộ hôm qua không vĩnh viễn xa cách các môn đệ mà người đã Phục sinh vinh quang và hiện đến rạng rỡ với các ông. Ngôi mộ không thể giữ mãi Chúa Giêsu mà người đã bước ra khỏi mộ vinh quang mạnh mẽ và đến với các môn đệ. Niềm vui thực là ngỡ ngàng và lớn lao. Trong khi tâm trạng của các môn đệ còn sợ hãi vì những sự kiện khổ nạn thập giá vừa mới xảy ra, các ông còn co ro trong căn phòng đóng kín cửa vì sợ những người do thái, thì Chúa Giêsu đã hiện đến đứng giữa các ông và nói : « Bình an cho các con ». Lời chúc bình an vẫn là lời chào chúc thân quen của thầy Giêsu giờ đây lại trở về, và các môn đệ được tiếp xúc với thầy một cách mới mẻ, cũng là thầy Giêsu như ngày nào, nhưng nay đã Phục sinh vinh quang và lời chào bình an của Chúa Giêsu còn kèm theo những cử chỉ thân tình : người cho các ông xem tay và cạnh sườn của người, và nhất là người ban tặng Thánh Thần cùng với lời sai đi : « Bình an cho các con, như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ».

          Sự hiện diện của Chúa Phục sinh thực là mới mẻ, vì người có thể đến với các môn đệ, người tỏ mình cho các ông được xem thấy người, người không còn bị giới hạn bởi những điều kiện vật lý của thế giới con người nữa. Người tỏ mình cho các môn đệ, hiện đến với thân xác của người, người chỉ cho các ông xem những vết thương, vết đinh và vết lưỡi đòng. Vẫn là thầy Giêsu của hôm qua nhưng giờ đây đã phục sinh. Không phải là chuyện tưởng tượng mà là sự Phục sinh vinh quang với thân xác đã được biến đổi. Thập giá và cuộc khổ nạn là giờ vinh quang của người như lời người đã báo trước với các môn đệ nhiều lần, giờ người được tôn vinh và bước vào sự Sống lại của đời sống vĩnh cửu. Vì thế lời chúc bình an của người giờ đây là lời chúc hiệu quả, đó là ân sủng của ơn cứu độ, ân sủng ban tặng niềm vui bình an, sức mạnh và sứ vụ rao giảng. Người thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ cũng chính là Thánh Thần của người, Thánh Thần mà người vẫn hằng được chia sẻ với Chúa Cha cùng với lời sai đi : « Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ».

          Việc Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc báo cho các môn đệ là người không còn chết nữa mà hướng đến sứ vụ được sai đi và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh và công bố ơn cứu độ cho mọi người. « Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ». Chúc Phục sinh hiện đến trao ban sứ vụ cho các môn đệ. Sứ vụ này có nền tảng vững chắc từ Chúa Cha. Chúa Cha là Đấng đã sai Đức Giêsu thế nào, thì giờ đây thầy Giêsu cũng sai các môn đệ của người như vậy, cùng với sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa. Các ngài được sai đi để tiếp nối công việc thầy Giêsu, các ngài lãnh nhận Thánh Thần của Thiên Chúa, các ngài sẽ nói lời tha thứ và cầm buộc như chính thầy Giêsu đã nói lời tha thứ cho các tội nhân. Như thầy Giêsu đã lãnh nhận Thánh Thần và đã hoạt động đầy quyền năng thế nào, thì các môn đệ cũng lãnh nhận Thánh Thần và được sai đi đầy quyền năng. Các ngài có quyền tha tội, thanh tẩy tội lỗi của người khác với quyền năng Thánh Thần của Đấng Phục sinh. Thánh Thần của Đấng Phục sinh hiện diện trong những hoạt động và lời nói của các ngài đến độ khi các ngài tha thứ tội lỗi cho người khác hay cầm buộc tội lỗi của họ, thì chính Thiên Chúa cũng cầm buộc và tha thứ. Ân sủng của Chúa Giêsu Phục sinh tuôn trào qua hoạt động Thánh Thần của người nơi các môn đệ là những người đã tin và theo thầy Giêsu.

          Tôma là một khuôn mặt tông đồ không có lòng tin vào sự Phục sinh của thầy Giêsu. Trong khi các môn đệ khác đã bắt đầu sống trong niềm vui của sự Phục sinh thì Tôma vẫn như đứng bên lề mọi diễn biến, không muốn cùng chia sẻ niềm vui Phục sinh với các bạn đồng môn khác của mình, thái độ của ông là thái độ muốn điều gì cũng phải rõ ràng, trung thực, không tưởng tượng hay giả tạo để rồi sai lầm. Chúa Giêsu lại hiện ra một tuần sau và thỏa mãn những đòi hỏi của ông, và Tôma đã tìm lại được lòng tin vào thầy Giêsu Phục sinh. Ông đã nói lên lời tuyên xưng mạnh mẽ : « Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi ». Lời tuyên xưng của Tôma được xem như đỉnh cao của toàn bộ Tin mừng, tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Tôma đã có khoảng khắc cứng lòng tin, nhưng rồi ông đã tìm lại được lòng tin khi được chính Chúa Phục sinh tỏ mình ra cho ông. Thái độ của Tôma không phải là mẫu mực, mà Chúa Giêsu còn mời gọi mọi người hãy có một thái độ mới mẻ đứng trước sự Phục sinh. Phục sinh là hồng ân sự sống của Thiên Chúa mời gọi con người bước vào tương quan chân thực và thân mật với Chúa Giêsu, vượt qua những giới hạn của những đòi hỏi duy lý để tin tưởng và đón nhận bình an và Thánh Thần : « Phúc cho những ai không thầy mà tin ». Thấy mà tin là điều bình thường, nhưng không thấy mà tin mới là điều cần thiết và đòi hỏi hơn. Tôma như muốn bảo vệ cho quan điểm của mình là phải thấy mới tin, nhưng Tin mừng Gioan muốn nhấn mạnh lòng tin không đơn thuần phải là thấy với thái độ thực nghiệm thỏa mãn mòi đỏi hỏi khả giác, lòng tin còn dựa vào lời rao giảng của thầy Giêsu vào lời chứng của Thánh Kinh cũng như lời chứng của các tông đồ đệ khác hơn là chỉ đóng kín trong những đòi hỏi chủ quan của mình.

          Cộng đoàn các Giáo hội đầu tiên là cộng đoàn mới, được sinh ra từ lòng tin vào sự Phục sinh của Đức Giêsu và lời rao giảng của các tông đồ. Cộng đoàn này trở nên mẫu mực của mọi cộng đoàn Giáo hội. Mọi người đều hợp nhất trong lòng tin và thực hành lòng bác ái. Mọi người yêu thương nhau và chia sẻ mọi sự làm của chung đến độ không ai túng thiếu điều gì. Tình bác ái của các ngài đậm đà đến mức độ mọi người đều được yêu thương, và mọi người đều sốt sắng chia sẻ của cải của mình cho mọi người. Lòng tin vào Chúa Phục sinh phải thực sự biến đổi mỗi người, làm cho chúng ta biết mạnh mẽ thực hành các giới răn của Thiên Chúa. Thánh Gioan luôn nối kết lòng tin của người tín hữu và đời sống luân lý. Đời sống luân lý này có nền tảng là giới răn của Thiên Chúa và lòng tin không phải chỉ là tình cảm nồng nhiệt mà còn phải được biểu lộ trong đời sống, hiện tại hóa nơi những việc làm và chọn lựa của mỗi người. Chính khi đó, người tín hữu là những người tin vào Chúa Giêsu Phục sinh là Đấng đã chiến thắng thế gian bằng chính cái chết đẫm máu của người trên thập giá : « cứ dầu này chúng ta nhận biết chúng ta là con cái Thiên Chúa là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn của người ».

          Lòng tin luôn vượt quá những gì chúng ta có thể chứng minh. Lòng tin vào Chúa Giêsu Phục sinh mời gọi chúng ta phải dấn thân tin tưởng và hoán cải để có thể gặp được Đấng Phục sinh vẫn đang hiện diện trong đời sống mỗi người chúng ta. Đấng Phục sinh vẫn hiện diện với mỗi người và đồng hành với mỗi người trong những khó khăn vất vả của cuộc đời. Thách đố của tin mừng Phục sinh mời gọi chúng ta ra khỏi sự đóng kín và sợ hãi của mình để tin tưởng và dấn thân theo Chúc Phục sinh cùng với cộng đoàn Giáo hội.