Chúa Nhật I Phục Sinh - Năm B

ĐỨC GIÊSU NAGIARÉT
BỊ ĐÓNG ĐINH, NGƯỜI ĐÃ CHỖI DẬY RỒI

Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.

1) Bên kia bóng tối, ánh sáng ngày mới đang bừng lên

Anh sao mai xuất hiện đã đánh dấu ngày Sabát, ngày lễ nghỉ thánh, chính thức chấm dứt. Cuộc sống đã sớm trở lại với nhịp sống bình thường, các tiệm buôn đã mở cửa. Bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê - ba bà này "đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi người còn ở Galilê" (15,41), đã có mặt khi Đức Giêsu bị đóng đinh (15,40), và khi Người được chôn cất -đã có thể đi mua dầu thơm "để ướp xác Đức Giêsu", mà chắc không phải là theo cách thức người Ai cập, nhưng theo tục lệ của người Do thái: ướp xác bằng dầu thơm.

"Các bà ra mộ”, đến chỗ hẹn của cái chết. Nhưng bằng những hình ảnh biểu tượng khác nhau: "Sáng tinh sương”, "lúc mặt trời hé mọc" trình thuật đã báo trước một cuộc tạo dựng mới rồi. Bóng tối của sự chết sắp bị đẩy lui nhường chỗ cho ánh sáng của một ngày mới, cho một khởi sự mới của vũ trụ; đó là "ngày đầu tuần" của một công trình tạo dựng mới, ngày ấy chẳng bao lâu nữa sẽ được gọi là Chúa nhật, tiếng latinh là "dies dominica”, Ngày Chúa phục sinh.

Dọc đường đến mộ, khi nghĩ đến tảng đá lớn chắn cửa mồ, các bà cảm thấy lo âu. Nỗi lo âu ấy là chuyện rất bình thường, vả chăng còn là khá muộn màng: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây”, bởi vì các bà biết rằng "tảng đá ấy lớn lắm" chỉ với sức lực của hai hoặc ba người đàn ông mới có thể lăn nổi tảng đá ấy. Tảng đá càng lớn, thì càng gây ngạc nhiên lớn hơn cho các bà sau này.

- Các bà ngạc nhiên trước hết vì "thấy tảng đá đã lăn ra một bên rồi”, điều không thể nào làm được đối với các bà. Các nhà chú giải muốn lưu ý ta về một chi tiết có tính khá soi sáng là: nguyên bản bằng tiếng Hy lạp dùng câu này ở thể thụ động (tảng đá đã được lăn ra một bên) nhằm "ám chỉ đó là hành động của Thiên Chúa mà không cần phải nói ra, còn sách bài đọc, thì rất tiếc là đã dịch câu đó ở thể bất định: "người ta đã lăn tảng đá rồi" (J.Hervieux, "L'evangile de Marc", Centurion, trang 233).

Rồi tiếp đến là một ngạc nhiên khác: "vào trong mồ, các bà thấy một người thanh niên (tiếng Hy lạp là "neaniskos") ngồi bên phải, mặc áo trắng”. Người ta nghĩ ngay đến "người thanh niên" (neanikos) được mô tả trong cảnh Chúa bị bắt; người thanh niên ấy chỉ khoác vỏn vẹn một "tấm vải gai" (tiếng Hy lạp là "sindona" có nghĩa là tấm vải liệm). Khi họ túm lấy anh, anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng. Đây là cách dùng biểu tượng để diễn tả việc Đức Giêsu phục sinh thoát khỏi tay những kẻ thù tưởng là đã bắt được Người và giam hãm Người trong cái chết (Maccô 14,50, J.Hervieux, O.C. trang 216-217).

+ "Người thanh niên" trong trình thuật "ngồi bên phải” đó là địa vị danh dự mà các Kitô hữu vốn dành cho Đức Kitô vinh hiển: "Người ngự bên hữu Đức Chúa Cha”

+ Người thanh niên ấy mặc áo trắng, giống như Đức Giêsu biến hình sáng láng trên núi, ít lâu sau khi loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh lần thứ nhất (9,3).

J.Hervieux nêu ý trước, rồi P.E Boismard cũng đồng tình: tất cả gần như khơi gợi một sự "xuất hiện" của Đức  Giêsu. Còn tác giả Maccô thì không nói ra điều này. (O.C. trang 234).

2. Bên kia nỗi sợ hãi là hướng mở ra với sứ mạng

Theo cách diễn tả sinh động của trình thuật, người thanh niên ấy không phải ở đó để làm gì. Nhưng là để nói lên một lời, để loan báo một Tin Vui, một Tin Mừng: "Các bà tìm Đức Giêsu Nagiaret, Đấng bi đóng đinh, chứ gì? người thanh niên ấy nói với ba phụ nữ. Người đã chỗi dậy rồi”.

Sứ điệp phục sinh chứa đựng trong mấy lời sau đây: "Đức Giêsu Nadarét  mà các bà đã đi theo trong thời gian Người  rao giảng ở Galilê, và đã thấy người chết tất tưởi trên thập giá, Đấng ấy nay đã sống lại: Người là Đấng-Hằng-Sống! Cũng chính sứ điệp ấy mà các tông đồ sẽ loan báo cho muôn dân sau này" (cf. Cv 2,22-36; 3,12-20; vv...).

Trước đây, ở phần đầu sách Tin Mừng Maccô (Phúc âm Chúa nhật V thường niên) ta được biết: sau một ngày bận rộn ở Caphácnaum, Đức Giêsu thức dậy sớm, đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Các môn đệ kéo nhau đi tìm Chúa. Khi gặp Người, các ông được bảo đi đến một ‘nơi khác’: "Thôi, chúng ta đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng Tin Mừng ở những nơi đó nữa”. Còn ở đây, ở phần kết của sách Tin Mừng Maccô, khi ngày mới đang lên, các môn đệ cũng lại nhận được sứ điệp, qua trung gian các phụ nữ, để đi đến một nơi khác: Người không còn ở đây nữa... Người sẽ đến Galilê trước các ông. Ở đó các ông sẽ được thấy Người, như Người đã nói với các ông nơi hẹn gặp này, nơi Người sẽ "đến trước" các ông ấy chính là miền Galilê, nơi tiêu biểu cho sự chung sống lẫn lộn giữa người Do thái và dân ngoại. Đức Giêsu đã chọn Galilê để khởi đầu sứ mạng rao giảng của mình (1, 14-15), nên nơi đây, trở thành biểu tượng cho việc khai mở sứ mạng phổ quát vậy. J. Hervieux kết luận: "Các môn đệ được mời gọi tập họp lại đàng sau Đức Giêsu phục sinh, để khởi sự một cuộc lên đường mới ra đi truyền giáo" (O.C trang 234).

- Được mời gọi đem tin này đến cho "các môn đệ Người và Phêrô”, khi vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, "run lẩy bẩy”. "Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ quá”? Trình thuật về biến cố Phục sinh kết thúc với những lời trên, và sách Tin Mừng Maccô cũng kết thúc một cách chân chất như vậy.

Tại sao có sự sợ hãi như vậy? Tại sao lại yên lặng chẳng nói gì như thế Chắc hẳn là do sự xúc động mãnh liệt và bất ngờ trước lời loan báo quá lạ lùng về việc phục sinh của Đấng bị đóng đinh. Nhưng nỗi sợ hãi không thốt lên lời này không thể ngăn cản các bà ra đi truyền lại sứ điệp, cũng như không thể ngăn cản các tông đồ rao truyền sứ điệp ấy cho đến tận cùng trái đất.

Theo P. Eboismard gợi ý, thì "Maccô coi các độc giả Tin Mừng của ngài là những người có đủ trí thông minh để hiểu, vậy thì ngài muốn truyền lại cho họ sứ điệp nào? Trong phần đầu sách Tin Mừng của ngài, thánh Maccô đã không ngần ngại mà còn lấy làm hứng thú nhấn mạnh đến sự ngớ ngẩn của các môn đệ vì các ông không sao hiểu biết được chân tính đích thực của Đức Giêsu. Ngay cả trường hợp ông Phêrô bất thình lình tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống cũng vậy. Đó chỉ là do Chúa tỏ cho ông biết mà thôi (...). Trong phần thứ hai của Tin Mừng cũng vậy, hết thảy các môn đệ không trừ một ai, kể cả ba người phụ nữ được coi như trung tín nhất, đều hoảng sợ và bỏ trốn cả (...). Thế nhưng các độc giả Tin Mừng của Maccô hẳn phải nhận thấy điều này, là sứ điệp của Đức Kitô được truyền lại cách trung thực "cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8) do chính những con người yếu đuối và khiếp nhược kia. Chính quyền năng của Thiên Chúa (hay của Đức Kitô phục sinh) đã phải tràn ngập tâm hồn các môn đệ để thông ban cho họ ơn can đảm và hiểu biết mà trước đây họ khiêm khuyết một cách thảm hại. Đó chính là sự lạ của Hội Thánh lúc mới khai sinh mà thánh Luca sẽ thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ. Còn Maccô thì để cho độc giả của mình tự hiểu, giống như ngài đã để cho độc giả tự hiểu rằng, nếu thánh Phêrô đã có thể nhận ra Đức Giêsu là Đấng Kitô thì chính là nhờ một sự can thiệp của Thiên Chúa vậy. (Xem "Jésus, un homme de Nazareth", Cerf, 1996, trang 176).