Chúa Nhật CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG - Năm B
NIỀM VUI BỞI CHÚA THÁNH THẦN
Achille Degeest

Hôm nay chúng ta hãy dừng lại ở câu: “Các môn đệ được đầy tràn vui mừng”. Các ông vui mừng vì giữa lúc hoang mang lại thấy Chúa và việc ấy đã khiến các ông tìm lại niềm cậy trông. Các ông đã đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu. Thập giá đã khiến các ông bàng hoàng kinh khiếp; và nay Chúa Giêsu lại hiện ra sống động. Niềm hy vọng của các ông được bảo toàn và củng cố. Vì thế niềm vui các ông bao la. Dịp này nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa Thánh Thần do Chúa Giêsu ban là Thánh Thần của vui mừng.

1) Phúc Âm mở đầu bằng một mầu nhiệm vui mừng Chúa Thánh Thần, từ khởi đầu cuộc sống nhân loại của Chúa Giêsu tạo ra hai lần bộc lộ niềm vui: Isave, chị họ Đức Maria, thốt lên tiếng vui mừng vì mẹ Đấng Cứu Thế đến thăm bà; Đức Maria hát lên nỗi vui sướng của mình trong kinh Magnificat. Sau đó không lâu, các thiên thần loan báo cho các mục đồng một Trẻ Thơ sinh ra, sẽ khiến cho toàn dân hân hoan… Thánh sử Gioan sau lại nói rằng cụ tổ Abraham đã nhảy mừng khi nghĩ đến ngày xuất hiện hoa quả của Thánh Thần. Cụ đã thấy và đã vui mừng (Ga 8, 5-6). Chúng ta có vui mừng niềm vui của kinh Magnificat, vì Chúa Thánh Thần do đức tin vào Đức Kitô nảy sinh trong chúng ta hay không? Ngược lại, chúng ta thử tưởng tượng nỗi buồn và u uất vô cùng, nếu chẳng may thiếu mất lòng tin vào Đức Kitô.

2) Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy lãnh nhận Thánh Thần. Làm như thế Ngài thực thi một lời hứa Ngài đã báo trước cho các môn đệ sẽ có một lúc các ông sẽ không còn thấy Ngài. Đó là thời thất vọng, khóc lóc và buồn sầu. Nhưng nỗi buồn sẽ mau biến thành niềm vui: Ta sẽ gặp lại các con, tâm hồn chúng con sẽ vui mừng, vì niềm vui các con lúc ấy không ai có thể lấy đi được (Ga 16,22). Có phải giới hạn ý nghĩa lời nói ấy của Chúa Giêsu vào giai đoạn gặp gỡ trong những lần hiện ra hay không? Không, Chúa nghĩ đến sự hiện diện liên tục của Ngài trong Giáo Hội nhờ tác động của Thánh Thần. Thời của Giáo Hội là thời của niềm vui mặc dù cũng là thời tiếp tục Thánh Giá. Chúng ta có vui mừng vì nghĩ rằng nhờ Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu hiện diện trong đời sống chúng ta hay không?

3) Thánh Phaolô nói về niềm vui từ Chúa Thánh Thần đến (1Tx 1,6). Niềm vui ấy là niềm vui của cậy trông và bác ái. Có thể trong cuộc sống riêng của chúng ta và trong cuộc sống với người khác, chúng ta mắc ảo tưởng, ít nhiều chán nản, thoái chí. Chúng ta cần sống trong Thánh Thần bác ái. Biết rằng mình được yêu mến, chúng ta hãy vui mừng. Quả thực tình yêu Thiên Chúa không bao giờ thất vọng vì chúng ta. Về phía chúng ta, đừng bao giờ nản chí yêu thương anh em chúng ta. Niềm cậy trông hoà hợp với đức bác ái trong lòng chúng ta khởi đầu một con sông hân hoan do Chúa Thánh Thần khơi nguồn.