Chúa Nhật XXV - Thường Niên - Năm B
GIÁ TRỊ
SƯU TẦM

Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Để minh họa cho bài học này, sau đó Đức Giêsu đưa ra hình ảnh một em bé. Hình ảnh của một em bé đối với bất cứ người nào nhìn, cũng thấy dễ thương. Cho nên khi thấy một em bé, ai cũng muốn bồng ẵm, muốn ôm hôn, muốn cho nó ăn bánh, ăn kẹo. Tại sao người ta thương em bé và muốn cho nó đủ thứ như vậy? Có phải tại nó giỏi giang, tại nó giúp cho người ta được việc này việc nọ không? Thưa hoàn toàn không, đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết là gì, chưa giúp ích được gì. Nhưng người ta thường nói chỉ vì người ta thương nó, thế thôi. Một tình thương hoàn toàn vô vụ lợi. Người ta cho nó cái này cái nọ, cũng không phải để trả ơn nó hay để mong nó làm gì giúp mình. Cũng chỉ vì thương mà phục vụ thôi. Chúa dùng hình ảnh em bé để minh họa cho bài học phục vụ trên kia: chúng ta cũng phải cư xử với mọi người theo kiểu chúng ta cư xử với một em bé: hết lòng yêu thương phục vụ một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Người nào biết phục vụ kẻ khác như thế thì là phục vụ Chúa, và mới xứng đáng làm môn đệ Chúa.

Chúng ta hãy nhớ bài học của Chúa: giá trị con người không tùy vào địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

- Trong một gia đình, ai là người lớn nhất? Có phải là người cha, người chồng không? Bề ngoài là như vậy. Nhưng đối với Chúa thì chưa chắc. Người cha ấy, người chồng ấy nếu chỉ biết có ra lệnh bảo người này người nọ làm mọi việc, nếu chỉ biết ngồi đó mà chê món này dở, cái bàn này lau chưa sạch, nhà cửa này lộn xộn lung tung;

Nếu chỉ biết ăn no rồi đi chơi, chỉ biết có nhậu nhẹt và để mặc vợ con làm tất cả, thì đó chính là kẻ nhỏ nhất trong nhà, nhỏ hơn cả vợ mình, nhỏ hơn cả con mình. Bởi vì người chồng người cha ấy là một người vô ích.

- Trong một khu xóm cũng vậy, trong một cơ quan cũng vậy, trong một họ đạo cũng vậy. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Chúa, thì kẻ lớn nhất không hẳn là người có địa vị cao nhất, không hẳn đó là ông trưởng xóm, không hẳn đó là ông giám đốc, không hẳn đó là ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ. Mà rất có thể kẻ được Chúa xét là lớn lại chính là một người mà ít ai để ý tới, người đó không có chức có quyền nào, người đó âm thầm ít nói, nói ít mà làm nhiều; luôn luôn chu toàn nhiệm vụ mình, luôn tìm cách giúp ích cho người khác.

- Thí dụ như linh mục Jean Marie Vianney. Cha là một người vừa kém thông minh và vừa có tư cách cục mịch như một người nhà quê. Sau nhiều năm học ở chủng viện, Vianney thi không đủ điểm nên đáng lẽ bị loại. Nhưng người ta chỉ thương tình mà cho đậu vớt và được phong chức linh mục. Vì thấy cha quá kém cõi. Đức Giám mục đưa cha đi làm cha sở một họ đạo nhỏ xíu ở miền quê mà giáo dân đã bỏ đạo gần hết, đó là họ Ars. Thế nhưng cha Vianney đã tận dụng tất cả các khả năng và sức lực Chúa ban để hết lòng phục vụ họ đạo. Mỗi ngày cha chỉ nghỉ ngơi 3, 4 tiếng đồng hồ. Nhưng ngồi tòa giải tội thì liên miên, có khi tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha không có giờ nấu cơm, nên chỉ nấu một nồi khoai lớn để ăn dần cho suốt một tuần lễ. Dần dần cả họ Ars trở lại, thành một họ đạo sốt sắng sống gương mẫu. Giáo dân từ các họ khác cũng đến đó để dự lễ, để nghe giảng, để xưng tội. Có cả các tu sĩ, các linh mục, Giám mục từ khắp nơi đến để nhờ cha giúp đỡ về mặt linh hồn. Sau này người viết tiểu sử của cha đã nhận định: Nếu cả Giáo Hội nước Pháp mà có được chỉ một vài linh mục như cha Vianney thôi thì cả nước Pháp đã nên thánh. Đó mới là người lớn thật mặc dù chỉ là một linh mục học kém, một cha sở nhà quê, bởi vì sức phục vụ của cha thật là lớn.

Bài học của Chúa Giêsu hôm nay thật là dễ hiểu, nhưng lại khó thực hành.

Ai muốn làm lớn thì phải hạ mình phục vụ mọi người như một kẻ đầy tớ.

Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà là do khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.