Chúa Nhật XXV - Thường Niên - Năm B
KHUÔN MẶT MỘT CON TRẺ
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux

LẦN THỨ HAI LOAN BÁO VỀ CUỘC KHỔ NẠN (9,29-32)

Điểm khởi hành của Chúa Giêsu không được xác định rõ. Tuy nhiên ghi chú địa lý lần trước cho thấy Ngài đang hiện đang ở miền cực bắc xứ Phalestin tức miền Cêsarê Phillipphê (8,27). Như thế là Chúa Giêsu băng ngang khắp miền Gialilê với các môn đệ Ngài (c. 30a) theo hướng bắc – nam. Ngài đang thực hiện điều mà người ta thường gọi là “cuộc tiến về Giêrusalem”. Giống như Matthêu và Luca, Maccô chỉ ghi nhận một hành trình duy nhất của Chúa Giêsu tiến về Giuđê và thủ đô Israel (9.30-11,1). Cuộc hành trình tối hậu này sẽ dẫn Chúa Giêsu tới định mệnh đẫm máu của Ngài. Nhưng Ngài “không muốn cho thiên hạ biết” (c.30b). Luôn luôn quy luật “bí mật Mêsia” được nêu ra. Quần chúng Galilê đã nhận được từ Chúa Giêsu những lời nói và phép lạ minh chứng đầy đủ về sứ mệnh Mêsia của Ngài. Thế mà họ đã không hoán cải. Giờ đây Chúa Giêsu phải cống hiến hoàn toàn cho việc dạy dỗ các môn đệ Ngài để, nếu có thể, dẫn dắt họ đón nhận viễn cảnh một Đấng Mêsia bị dân tộc mình ruồng bỏ (c.31a).

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các bạn hữu mình về cuộc khổ nạn. Ngài sử dụng lại các từ ngữ hầu như y hệt lần trước (x. 8,31). “Con Người” sẽ bị “nộp vào tay người ta. Động từ “nộp” dùng ở đây có nghĩa rất mạnh. Ngài sẽ bị ai nộp? Về sau Maccô sẽ xác nhận rõ những người nào sẽ bị nộp Chúa Giêsu để đưa Ngài đến cái chết: đó là Giuđa (14,10), các thượng tế (15,1) và Philatô (15,15). Tuy nhiên, ở đây hình thức động từ nằm ở thể thụ động: Chúa Giêsu sẽ “bị nộp”. Đây là một cách thức rất thông dụng dân Do Thái thường dùng để chỉ Thiên Chúa là tác nhân mà tránh không nêu danh Người ra vì lòng tôn kính. Cần phải nhớ kỹ rằng: Cái chết của Chúa Giêsu có thể quy trách cho những kẻ tội lỗi gây ra trong lịch sử. Các Kitô hữu cắt nghĩa “điều chướng kỳ” này bằng cách cho thấy nó nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đây là điều mà công thức đột ngột được dùng trong lần loan báo đầu tiên muốn đề cập: con người “phải” chịu khổ và chết (8,31). Cũng như lần trước, lần này lời hứa Phục sinh thêm vào ngay sau đó (c.31b) cũng chẳng an ủi được các môn đệ trước viễn cảnh đớn đau của cái chết. Các bạn hữu của Chúa Giêsu vẫn khư khư chẳng hiểu gì lời giáo huấn của Thày mình (c. 32). Đây là chủ đề về “sự ngu muội” của các môn đệ trước nỗ lực liên lỷ của Chúa Giêsu nhằm dẫn dắt họ hiểu ra được định mệnh của Ngài. Như chúng ta từng thấy, Phêrô đã biểu lộ sự phản kháng thực sự trước lời loan báo về cái chết của Chúa Giêsu (x. 8,32). Lần này, sự “khép lòng” của các môn đệ được ghi nhận qua nỗi sợ hãi không dám “hỏi Ngài”, họ tránh né mọi cuộc trao đổi với Ngài về những thử thách đang chờ đợi Ngài. Như thế, độc giả có thể hiểu được rằng quả thực là khó khăn khi phải trực diện với cái chết.

VẤN ĐỀ ĐỊA LÝ TRONG PHÚC ÂM MACCÔ

Tác giả Phúc Âm đã đóng khung cuộc đời Chúa Giêsu trong môt ranh giới rất đơn giản ở đó người ta thấy lộ rõ ra hai cực: Galilê và Giêrusalem. Thực thế, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan (1,9). Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của mình ở Galilê, nằm ở mạn bắc xứ Palestin (1,14-9,29). Chỉ mãi về sau Ngài mới băng ngang Galiê theo hướng nam để “lên” Giêrusalem, thủ phủ xứ Giuđêa (9,30). Chính ở đó Ngài sẽ đương đầu với các nhà cầm quyền tôn giáo của dân tộc mình để rồi trải qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh (11,10-16,8).

Lộ trình theo sát đường kẻ kiểu này chắc chắn là sản phẩm của một sự “khái quát hóa”, bởi vì theo như Phúc Âm của Gioan cho biết, sứ vụ của Đấng Mêsia trải dài trên hoặc ba năm. Chắc hẳn Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem nhiều lần theo như tập tục vào các dịp lễ của người Do Thái (x. Ga 5,1; 7,2; 10,22; 12,12).

Như thế, nơi Phúc Âm Maccô, địa lý đã được dùng để “phục vụ” cho một ý đồ cao siêu. Quả thực đối với Maccô, Galilê và Giêrusalem là hai địa danh đối kháng nhau, mỗi nơi mang một ý nghĩa riêng biệt. Galilê là nơi Chúa mở đầu sứ vụ và đồng thời là nơi Chúa thi hành sứ vụ, rao giảng cho dân ngoại. Từ thời Cựu Ước, thành phố mạn bắc này từng chịu nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang. Chỉ danh xưng của nó cũng nói lên được điều này: đây là một “khu vực thuộc các dân tộc” chen vai thích cánh với nhau (Is 8,23). Vậy mà chính tại Galilê Chúa Giêsu đã được dưỡng nuôi (ở Nadaret: Lc 4,16). Tại đây Ngài đã khai mạc sứ vụ (1,14). Ngài đã thiết lập ở Caphanaum và bên bờ hồ Tibêria, căn cứ hoạt động và giảng dạy của Ngài (1,16; 2,1.13; 4,1). Ở phần đầu Phúc Âm, người ta thấy đoàn lũ dân chúng Galilê hồ hởi đón nghe và theo dõi các phép lạ Chúa Giêsu ban phát cho họ.

Tuy nhiên, từ chỗ đó, Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ Ngài vượt qua các biên giới. Ngài cùng họ vượt hồ Tibêria, từ bờ bên mạn tây thuộc Do Thái đi qua bờ mạn đông thuộc dân ngoại. Với hành vi lặp đi lặp lại này, Ngài không ngừng kêu mời họ mở rộng tầm nhìn để mang Tin Mừng đến với đám dân ngoại (xem toàn bộ từ 4,35-5,20). Càng bành trướng sứ vụ Chúa Giêsu càng gia tăng việc di chuyển đến những vùng không thuộc dân Do Thái chẳng hạn vùng Phênixi (hiện là Liban), vùng Tirô và Siđon (7,24.31a) hay vùng Thập Tỉnh, hiện nay là Giocđani (7,31b).

Qua việc thực hiện các chuyến đi ngắn hoặc dài nơi vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu muốn tập cho các bạn hữu mình quen với tư tưởng rằng Ngài không chỉ là Đấng Mêsia của dân Do Thái mà còn của dân ngoại nữa. Các vị hữu trách tương lai của Giáo Hội phải ý thức rằng Chúa Giêsu mang đến ơn cứu độ phổ quát. Đây chính là ý nghĩa lần hóa bánh ra nhiều lần thứ hai được Chúa Giêsu thực hiện ở mạn đông sông Giocđan (8,1-9), nơi đây Chúa Giêsu đã mở ra bàn tiệc Lời Ngài và ân sủng Ngài cho một dân tộc bên ngoài dân riêng của Chúa. Cũng không phải tình cờ mà ngay tại Betsaiđa, vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu đã mở mắt cho một người mù (8,22-26), hành vi này được ví như khúc nhạc dạo đầu cho sự khám phá ra thân thế Ngài (điều này được thực hiện ở Cêsarê Philipphê, giữa vùng đất dân ngoại: 8,27-29). Như thế không nên ngạc nhiên tại sao ngay khi vừa sống lại, Chúa Giêsu đã bảo các bạn hữu mình đến gặp Ngài “ở Galilê” là nơi Ngài đang chờ họ để sai họ theo chân Ngài ra đi mang Tin Mừng cho toàn thế giới (16,7-8.15).

Đối nghịch với Galilê, Maccô đã biến Giêrusalem, thủ đô của Do Thái, thành một cực khép kín và chống lại Chúa Giêsu. Ngay từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, nhóm luật sĩ và Biệt phái “đến từ Giêrusalem” đã tố cáo là Ngài bị Satan nhập (3,22) nào là Ngài để các môn đệ mình vi phạm các truyền thống cổ xưa (7,1). Chính tại Giêrusalem, trung tâm đức tin Do Thái Chúa Giêsu sắp phải đương đầu gay gắt nhất với đám thủ lĩnh tôn giáo của dân riêng Chúa (11,1-12,40). Cũng chính ở đó Ngài sẽ bị bắt, bị xét xử, bị kết án tử hình và bị hành hình do lời xúi giục của các vị cầm quyền Do Thái cao cấp nhất (14,1-15,47).

Như thế vấn đề địa lý trong Phúc Âm Maccô chứa đựng một bài học sâu sắc: là người theo Chúa Giêsu, các Kitô hữu không được để cho Phúc Âm bị đóng khung trong bất cứ loại thành “Giêrusalem” nào! Họ phải luôn luôn liên kết với Đấng Phục Sinh là Đấng từ bờ hồ Tibêria đã mời gọi họ “ra khơi”. Bởi vì “trong Chúa Kitô không còn phân biệt ai là Do Thái, ai là Hy Lạp nữa” (Thư Phaolô gởi tín hữu Galat 3,28). Ơn cứu độ phải được mang đi từ Giêrusalem và từ Galilê đến tận cùng thế giới.

THEO CHÚA GIÊSU NHƯ THẾ NÀO: CƯ XỬ VỚI TRẺ EM (9,33-37)

Mỗi lần Chúa Giêsu loan báo rõ ràng về cuộc khổ nạn của Ngài (8,31; 9,31) Maccô đều nhấn mạnh đến sự “ngu muội” không hiểu của các môn đệ (8,32; 9,32). Sau đó, Maccô cho thấy Chúa Giêsu cố gắng nhồi nhét vào đầu óc của bạn hữu mình một bài học thích hợp với chủ đề Ngài nêu: muốn bước theo Ngài họ phải trung thành tự hạ như Ngài. Chúa Giêsu đã thực hiện việc dạy dỗ họ về chủ đề này sau lần loan báo thứ nhất về cái chết của Ngài (x.8,34-9,1). Và giờ đây Ngài lại tiếp tục dạy dỗ họ sau lần loan báo thứ hai.

Tác giả Phúc Âm gợi cho thấy đây là thời gian được chọn lựa đặc biệt để thầy trò trao đổi (c.33). Chúa Giêsu và các bạn Ngài về lại khu vực khởi đầu công việc dạy dỗ, ở tại Caphanaum và tại căn nhà cũ (x.2,1-2). Đây là nơi lý tưởng để tiến hành việc dạy dỗ riêng các môn đệ, xa đám đông ồn ào, về chủ đề mới mẻ nhưng khó khăn liên quan đến Đấng Mêsia “Tôi Tớ”. Với tư cách vị Đạo Sư sành sỏi, Chúa Giêsu khởi đầu bằng việc hỏi các môn đệ về đối tượng những “cuộc tranh luận” của họ trong lúc đi đường. Người ta đều biết rằng trong lối giáo dục của các kinh sư Do Thái, việc tranh luận đóng một vai trò quan trọng. Điều mà trong lúc đi đường các môn đệ tranh luận với nhau mang nhiều ý nghĩa. Nghe Chúa Giêsu hỏi, họ im lặng không trả lời. Thực ra họ đã tranh nhau xem ai là người “lớn” nhất (c.34). Maccô thú nhận là các vị này cảm thấy xấu hổ. Họ không dám thú nhận là đang lo tranh giành nhau danh vọng trong lúc Thầy mình thì đang tiến về một tương lai đầy khiêm hạ. Quả là tương phản rõ ràng!

Chúa Giêsu thấy mình có bổn phận can thiệp để tránh cho các môn đệ mình khuynh hướng đua đòi chay theo quyền lực. Ngài cho họ một bài học sống động (c.35a). Maccô diễn tả cho thấy Chúa Giêsu ngồi xuống để biểu lộ cung cách một vị Sư Phụ mà các đệ tử phải chú tâm lắng nghe. Đây là tư thế của người giảng dạy đầy uy quyền (x.4,1). Ngài quy tụ “ nhóm Mười Hai” lại. Lối nói này hiếm khi được Maccô sử dụng(3,14; 6,7). Và khi sử dụng nó Maccô muốn nói rằng các tông đồ là những vị hữu trách tương lai của Giáo Hội. Chúa Giêsu nói với họ một cách hoàn toàn rõ ràng (c.35b). Đại khái trong lời ngỏ với các vị thủ lãnh tương lai của dân Chúa, Chúa Giêsu đã đảo ngược trật tự thông thường của phẩm trật nhân loại. Muốn làm đầu thì phải làm cuối mọi người, muốn chỉ huy thì phải làm “tôi tớ tất cả”. Nghịch lý này rõ ràng chỉ có ý nghĩa qua tấm gương Chúa Giêsu biểu lộ nơi thân thể và sứ mệnh của Ngài. Là Đấng Thủ Lãnh, Ngài đã đặt mình vào vị trí rốt hết để phục vụ mọi người. Sứ điệp của Ngài liệu có được người ta nghe không? Chúa Giêsu tin rằng cần phải minh hoạ lời Ngài nói bằng một cử chỉ có ý nghĩa. Ngài đặt một em bé vào giữa họ rồi ôm lấy em (c.36a). cử chỉ này tạo ra một ảnh hưởng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa đám môn đệ rồi ôm hôn nó: tất cả điều này đi ngược với tập tục đương thời. Xã hội thời xưa không quan tâm đặc biệt đến trẻ em. Ngược lại, trẻ em không được người lớn đối xử như là những “nhân vật” còn non trẻ, người ta thường xem chúng là những sinh vật vô nghĩa. Chúng mà biết nói năng, lý luận gì cho ra trò. Thậm chí họ còn thường xua đuổi, khai trừ chúng ra khỏi cộng đồng tôn giáo vì cho rằng chúng ngu dốt không biết lề luật.

Như thế Chúa Giêsu đã thực hiện hành động phục hồi mang hai chiều kích (con người và tôn giáo) khi Ngài đặt đứa bé – tiêu biểu một hạng người bị khai trừ – vào giữa đám bạn hữu Ngài. Và Ngài nhấn mạnh hành động này bằng một lời nói nặng trĩu ý nghĩa (c.37a). Cộng đoàn Kitô hữu sẽ phải nhớ tới lời này. Nhân danh Chúa Giêsu tiếp nhận một đứa trẻ – ở đây tượng trưng cho kẻ nghèo khó vào mọi kẻ bị khai trừ – chính là tiếp nhận chính Chúa Giêsu. Đây là câu trả lời đầy kinh ngạc Chúa Giêsu dùng để đáp lại câu hỏi được các môn đệ tranh cãi nhau trong lúc đi đường: “Ai là kẻ cao trọng nhất?”. Việc đua đòi danh vọng đã trở nên sỗ sàng đối với những kẻ bước theo Chúa Giêsu vào lúc Ngài đang đi trên con đường khiêm hạ dẫn đến đau khổ và cái chết. Trở nên “tôi tớ” mọi người, mở rộng vòng đai khép kín của Giáo Hội đến tận những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất chính là “sứ vụ” Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ Ngài. Để nhấn mạnh thêm bài học trang trọng này Chúa Giêsu đã kết luận bằng một từ nói về “Sự tiếp đón” (c.37b): Chúa Giêsu chính là sứ giả của Thiên Chúa. Đón nhận Ngài trong bản thân những kẻ bé nhỏ chính là đón nhận chính Thiên Chúa. Thiên Chúa mang khuôn mặt một con trẻ, đó là sứ điệp bất ngờ, rất tân kỳ của trang Phúc Âm khả ái này.