Chúa Nhật XXV - Thường Niên - Năm B
LÀM ĐẦY TỚ CHO MỌI NGƯỜI
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Trên trường đời, học hỏi để tự thay đổi, để tự huấn luyện bản thân là điều cần thiết. Học hỏi bằng lắng nghe người khác và nhất là lắng nghe Lời Chúa với lòng chân thành để lần hồi biết sửa đổi chính mình, để thực tập nhân đức, biết khiêm nhường phục vụ. Tự bản tính con người dễ nghiêng chiều theo đường xấu, dễ trở nên ác độc và phê phán làm hại người khác. Bài đọc thứ nhất từ sách Khôn ngoan cho thấy âm mưu của những người gian ác, không biết chân thành lắng nghe để sửa đổi, trái lại âm mưu để làm hại người công chính. Dù người công chính không làm gì chống họ, nhưng những kẻ ác độc này lại lấy việc người công chính sống và hành động ngay thẳng như một lời phê phán và khiển trách họ. Thay vì thành tâm sửa đổi những lỗi lầm của chính mình, những kẻ gian ác lại còn âm mưu bàn tính với nhau để làm hại người công chính. Hình ảnh người công chính bị những người gian ác âm mưu làm hại người  nhắc nhớ cái chết của các tiên tri và nhất là báo trước cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là điều mà Chúa Giêsu bận tâm giải thích cho các môn đệ về vận mệnh của người, Đấng cứu thế bị loại trừ, bị giết chết.

          Bài Phúc âm theo thánh Marcô thuật lại hành trình Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường đi ngang qua miền Galilêa cách âm thầm kín đáo không để cho ai biết. Sau một thời gian hoạt động và rao giảng ở Galillêa, Chúa Giêsu đã thực hành nhiều phép lạ, đã rao giảng về Nước Thiên Chúa, hoạt động này đã đủ để những người ở Galilêa hiểu người là Đấng cứu thế. Giờ đây, người tập trung vào việc huấn luyện cho các môn đệ nhiều hơn nhằm dẫn đưa các môn đệ đến chỗ nhận thức sâu sắc về căn tính Đấng cứu thế của người là Đấng cứu thế bị loại trừ, bị giết chết: “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba người sẽ sống lại”. Đây là lần thứ hai mà Chúa Giêsu lại nhấn mạnh cho các môn đệ hiểu về vận mệnh Đấng cứu thế bị khai trừ của người với những lời như lần trước: con người sẽ bị nộp vào tay người đời. Động từ được nói đến là “trao nộp”. Nhưng ai sẽ trao nộp người. Thánh sử Marcô sẽ cho biết những kẻ trao nộp người chính là Giuđa, các thượng tế, Philatô. Nhưng ở đây, động từ được dùng ở thời thụ động: “bị trao nộp” được hiểu theo nghĩa thể thụ động thần linh. Chính Thiên Chúa là chủ thể của hành động, nhưng không nói rõ ra vì lý do kính trọng. Cái chết của Chúa Giêsu, dù được qui gán cho những người đã lên án và giết Chúa trong lịch sử cụ thể, nhưng cái chết này không phải chỉ là một tình huống đơn giản xảy ra trong lịch sử. Giáo hội, qua giảng huấn của các tông đồ, đã hiểu rằng cái chết này, cớ vấp phạm đối với những người do thái, điều điên rồ đối với những người hy lạp, lại phát xuất từ dự định mầu nhiệm của Thiên Chúa Cha. Đó chính là điều được diễn tả qua lời loan báo của Chúa Giêsu: “Con người phải chịu đau khổ và bị giết chết”. Chính Chúa Giêsu luôn hiểu, dù hoàn cảnh xảy ra như thế nào, mọi sự xảy đến cho người đều không ngoài thánh ý của Chúa Cha, và người vẫn luôn hướng theo thánh ý của Chúa Cha mà người tiến bước. Trong khi đó, thái độ của các môn đệ lại luôn chậm hiểu những điều Chúa Giêsu dạy dỗ nhắc nhở họ. Các ông tỏ ra đóng kín, không mau mắn đón nhận mạc khải của thầy. Các ông sợ hãi không dám hỏi thầy để hiểu rõ ý nghĩa những thử thách và đau khổ mà thầy sẽ gánh chịu. Về phần Chúa Giêsu, người luôn cố gắng để huấn luyện các môn đệ đón nhận một nhận thức mới mẻ và rất quyết định về vận mệnh cứu thế của người.

          Sau đó, các ngài trở về nhà ở Carpharnaum. Khung cảnh có vẻ như thuận lợi vì cách xa dân chúng, để Chúa Giêsu có điều kiện để ở riêng với các môn đệ và có thể huấn luyện các ông nhiều hơn. Người hỏi các ông xem dọc đường các ông đã tranh luận gì. Người cũng khởi đầu bằng một phương pháp rất sư phạm là hỏi xem các môn đệ đã tranh luận gì. Các môn đệ thinh lặng bởi vì dọc đường các ông đã tranh luận xem ai là người lớn nhất, một chủ đề nghịch lại với lời dạy khiêm nhường phục vụ của thầy. Thánh sử Marcô đã trình bày rất trang trọng cử chỉ và thái độ của Chúa Giêsu: người ngồi xuống, gọi mười hai vị lại và dạy cho họ. Ngồi giảng dạy là tư thế của người thầy giảng dạy với uy quyền, đồng thời gọi nhóm mười hai lại với người nhằm muốn nói giáo huấn mà người sắp dạy các ông là giáo huấn quan trọng người muốn dành riêng cho các ông là nhóm mười hai sẽ giữ vai trò lãnh đạo các cộng đoàn tương lai. Người đảo lộn trật tự thường tình của con người bằng cách đặt người lớn hơn hết phải là người phục vụ mọi người, và người biết trở nên nhỏ bé để phục vụ mọi người sẽ là người được kể lớn hơn hết giữa mọi người. Và để minh họa cho lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã bồng một trẻ nhỏ, đặt em ở giữa và nhắc nhở các môn đệ. Cử chỉ ôm một em nhỏ, đặt em nhỏ ở giữa có nghĩa quan trọng. Theo tập tục của người xưa, họ thường không quan tâm đến vai trò của các trẻ em, mà ngược lại người ta coi thường các trẻ em. Ngay cả người ta vẫn có thói quen loại trừ các trẻ em bởi vì các em không biết lề luật. Thái độ của Chúa Giêsu thực khác thường, người đặt em nhỏ là thành phần bị loại trừ, một cách rất âu yếm ở giữa các môn đệ và nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Đây quả là câu trả lời rất lạ thường của thầy Giêsu đối với vấn đề mà các môn đệ đang tranh luận : ai là người lớn nhất, bởi vì tranh luận xem ai là người lớn nhất trong khi thầy của mình đang cố gắng để theo con đường khiêm nhường phục vụ bằng cách đón nhận đau khổ và cái chết là điều vô nghĩa. Chúa Giêsu mở rộng viễn tượng cho các môn đệ bằng cách đưa các môn đệ đến một thái độ mới: tiếp đón những người bị loại trừ và khinh dễ, thay vì nhốt kín mình trong việc tìm kiếm những danh lợi cho riêng mình. Chúa Giêsu là người được Thiên Chúa sai đến, đón tiếp người chính là đón tiếp chính Thiên Chúa, nhưng để đón tiếp người, người ta phải can đảm để đón tiếp những người bị loại trừ trong cộng đoàn, đó là câu trả lời quyết định cho vấn nạn mà các môn đệ đang theo đuổi xem ai là người lớn nhất. Người lớn nhất quả là người biết phục vụ trong khiêm nhường cởi mở.