Chúa Nhật XXIV - Thường Niên - Năm B
THẦY LÀ ĐỨC KITÔ
                         Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC   

Thưa anh chị em,

Trong những tháng ngày cuối cùng sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu muốn làm một cuộc trắc nghiệm hỏi xem các môn đệ dân chúng hiểu gì về Ngài. Người ta nói Thầy là ai? Và các ông trả lời: "Người thì bảo là Gioan tẩy giả; kẻ khác lại bảo là Êlia hay một ngôn sứ nào đó..." (Mc 8,28). Qua những câu trả lời trên cho chúng ta thấy rằng, dân chúng rất mơ hồ không nhận ra sứ mạng của Đức Giêsu.

Lý do dân chúng không nhận ra là vì họ cứ tưởng Đấng Cứu thế sẽ uy nghi từ trên trời cao ngự đến, nhưng ai ngờ Ngài được sinh ra bởi một trinh nữ làng quê dưới đất.

Người ta cứ tưởng Đấng Thiên sai phải cư ngụ trong lâu đài sang trọng dành cho các bậc vua chúa, nhưng không ngờ Ngài lại sinh ra trong hang bò lừa thiếu thốn nghèo hèn.

Người ta cứ tưởng Đấng Cứu độ trần gian phải oai phong lẫm liệt, nhưng có ai ngờ Ngài rất đổi khiêm nhường giàu lòng xót thương.

Người ta cứ tưởng Đấng Mêsia đến đánh đông dẹp tây, đập tan quân thù, đưa nước Do thái lên hàng bá chủ thế giới, nhưng không ngờ Ngài chịu thua thiệt hết mọi người, bị hành hạ, sỉ nhục, bị kết án tử như một phạm nhân.

Người ta cứ tưởng Đấng Cứu thế là vị vua có kẻ hầu người hạ, nhưng không ngờ chính Ngài lại quỳ gối xuống hầu hạ, rửa chân cho các môn đệ. Cho nên, dân chúng không hiểu gì về sứ mạng của Đức Giêsu.

 Đến lượt Chúa hỏi các môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?". Phêrô đại diện cho nhóm 12 trả lời: "Thầy là Đức Kitô" (Mc 8, 29). Câu trả lời của Phêrô thật chính xác, làm Chúa rất hài lòng. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà Phêrô nói được như thế, nhưng là nhờ ơn trên mặc khải cho ông.  

          Phần thứ hai của bài Tin mừng, Đức Giêsu mời gọi: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo. Vì chưng, "Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sống muôn đời " (Mc 8, 34-35).

Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất, nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải là dễ. Vì không phải cứ thu vào là được và buông ra là mất, nhưng trái lại, nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều.

Đó là qui luật tất yếu trong hành trình đi theo Chúa, nên Chúa mời gọi: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Thế nhưng, trước khi Đức Giêsu mời gọi chúng ta từ bỏ đi theo Ngài, thì Ngài đã theo chúng ta trước rồi.

Ngài từ bỏ trời cao hạ mình xuống đất thấp để theo chúng ta. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa nhập thể làm người để theo chúng ta. Từ bỏ ý riêng, xin vâng thánh ý Chúa Cha, hiến mình trên cây thập giá để theo chúng ta. Và theo chúng ta đến cùng, khi Ngài hủy mình ra không ngự trong tấm bánh, trở nên lương thực Thần linh nuôi sống hồn chúng ta.

Và trước khi Đức Giêsu mời gọi chúng ta vác thập giá đi theo Ngài, thì Ngài đã vác trước rồi. Ngài không chỉ vác thập giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, mà còn là thập giá trải dài suốt cả cuộc đời Ngài. Thập giá bởi kiếp sống nghèo. Thập giá bị người đời ngược đãi. Thập giá do môn đệ phản bội. Thập giá bị dân chúng loại trừ. Thập giá bởi tội lỗi nhân loại đè nặng trên vai, nên nhiều lần Chúa ngã quỵ xuống đất, nhưng rồi Ngài tiếp tục đứng lên vác đi cho đến đỉnh đồi Calvê, sau đó lại mở ra con đường phục sinh vinh hiển.

Anh chị em thân mến,

Đức Giêsu đã đi con đường từ bỏ, con đường thập giá để cứu độ chúng ta. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta ai muốn làm môn đệ của Ngài, thì cũng phải đi theo con đường từ bỏ như Ngài đã đi. Đức Giêsu không đòi chúng ta từ bỏ những điều vĩ đại lớn lao, nhưng Ngài thích chúng ta từ bỏ những cái nho nhỏ ngay trong đời sống thường ngày.

Chẳng hạn như: vì giãn cách xã hội, chúng ta không được đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, mà ở nhà tham dự thánh lễ Online, đó là một chút từ bỏ. Không tập trung nhậu nhẹt, bài bạc, hút chích là một chút từ bỏ. Kìm hãm miệng lưỡi không nói hành nói xấu hay phê bình người khác, cũng là một chút từ bỏ.

Rồi Chúa không bảo chúng ta đi tìm thánh giá, nhưng Ngài nói: ai muốn theo Ta hãy vác lấy thánh giá mình mà theo. Mỗi người một thánh giá, mỗi ngày một thánh giá, Thiên Chúa không bao giờ đặt thánh giá quá nặng trên vai chúng ta đâu!

Ngày xưa Chúa hỏi các môn đệ: Người ta bảo Thầy là ai? Ngày nay, Chúa cũng muốn hỏi mỗi người chúng ta bảo Chúa là ai! Chúa muốn chúng ta hãy trả lời không phải trong sách vở, nhưng bằng kinh nghiệm sống đức tin của mình. Có nghĩa là: Chúa Giêsu có thực sự là Đấng Cứu Thế trong tâm hồn, trong gia đình tôi hay không? Nhiều gia đình lập bàn thờ treo tượng ảnh Chúa trong nhà, để chứng minh mình là người Công giáo, nhưng ít khi đọc kinh cầu nguyện chung trong gia đình.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: Một khi bạn có lòng yêu mến Chúa thật sự, bạn sẽ tìm được nhiều giờ để cầu nguyện sống gắn bó với Ngài. Cũng giống như Phêrô ngày xưa một khi tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô”, thì ngài sống cho lời tuyên xưng ấy bằng cách theo sát Đức Kitô, gắn bó với  Thầy Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng.

Xin Chúa giúp chúng ta mạnh dạn tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, tin tưởng phó thác vào Ngài là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta. Xin cho chúng ta can đảm vác thập giá hằng ngày bước theo Chúa, để rồi Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đạt tới hạnh phúc nước trời mai sau. Amen.