Chúa Nhật XXIII - Thường Niên - Năm B
HÃY MỞ RA
Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC 

Thưa anh chị em,

Phụng vụ lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Thiên Chúa quyền năng thể hiện tình yêu thương trên nhân loại, đặc biệt đối với những người đau yếu bệnh tật.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia báo trước một thời đại ân sủng, "thời đại khi Đấng Thiên Sai đến Ngài sẽ mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai và miệng lưỡi người câm sẽ reo hò"(Is. 35, 5-6).

Lời tiên báo đó được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu qua trang Tin mừng Chúa nhật thứ 23 mùa thường niên hôm nay. Đức Giêsu như vị lương y cao tay giàu lòng thương xót, Ngài đã chữa lành người câm điếc ngay trong lãnh thổ miền Thập tỉnh, miền của dân ngoại, miền bị ma qủy thống trị, điều đó chứng tỏ ơn cứu độ mang tính phổ quát. Chúa quan tâm đến vùng ngoại biên, và thương xót họ như bao  dân tộc khác.

Thiên Chúa ban cho con người có miệng để nói và đôi tai để nghe. Thế thì, chúng ta có thường cám ơn Chúa về hai chi thể này không? Bởi lẽ lời nói để chuyển tải tư tưởng. Tai nghe là thu nhận những thông tin và âm thanh. Những người khuyết tật thật đáng thương, vì họ không nghe, không nói, không thấy được như chúng ta. Chúa ban cho chúng ta miệng lưỡi để ca tụng Chúa, để nói những lời xây dựng yêu thương, và chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, ấy thế mà trong danh mục xưng tội hằng tháng, có những người không thể thiếu câu: Thưa cha, con có tội nói hành nói xấu người khác”. Chúa ban cho chúng ta đôi tai là để lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe lời dạy bảo của cha mẹ, thầy cô... Lắng nghe những điều hay lẽ phải. Thế nhưng, dường như chúng ta dễ thích nghe những chuyện không hay không tốt về người khác.

Nhiều người trong chúng ta rất thính tai nhưng không biết lắng nghe những điều cần nghe. Có miệng lưỡi rất tốt nhưng không biết nói những điều đáng nói. Tục ngữ ca dao có câu: "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Nếu điếc thể lý là một điều đáng thương, thì điếc tâm lý còn đáng thương hơn biết dường nào. Chẳng hạn như khi đã có thành kiến với ai đó, thì dường như chúng ta không muốn nghe, không quan tâm đến những lời người ấy nói. Người ấy có nói hay đến đâu đi nữa, thì cũng cho là dở. Người ấy có nói tốt đến cỡ nào, thì chúng ta cũng bỏ ngoài tai.

Vậy để lắng nghe Lời Chúa, mở tai chưa đủ, mà còn phải mở lòng ra nữa. Bao lâu tâm hồn còn đóng kín, không nhạy bén trước những lời mời gọi yêu thương của Chúa. Không khiêm tốn đón nhận những lời chỉ bảo đàng lành, thì tai chúng ta chẳng khác nào như người điếc mà thôi.

Ngày hôm nay, người ta nói nhiều qua điện thoại. Nói nhiều trên loa phóng thanh. Nói nhiều nơi chợ búa hay học đường, nhưng lại ít dành thời giờ nói chuyện với nhau trong đời sống chung và trong mái ấm gia đình.

Người ta ca múa nhạc kịch thật hấp dẫn. Bình luận chương trình thời sự rất hay, nhưng khi cử hành phụng vụ họ lại thụ động không muốn mở miệng ra, để cùng đọc kinh, cùng hát với nhau những lời ca tụng tạ ơn Chúa.

Có những cha mẹ vì mãi mê cơm áo gạo tiền, nên ít dành thời giờ lắng nghe con cái và lắng nghe nhau. Vì thế, nhiều gia đình trở nên xào xáo bất hòa, cha mẹ nặng lời với nhau. Anh chị em không còn trật tự trên dưới, không nhường nhịn nhau.

 Vì không muốn lắng nghe, mà đôi khi cha mẹ đã vô tình biến con cái trở thành kẻ cô đơn ngay trong gia đình. Cho nên, có những đứa con nó đi tìm người khác có thể nghe và cảm thông với nó hơn. Thế nhưng, có những bạn trẻ ngày nay sống như giả điếc làm ngơ, không lắng nghe những lời dạy bảo của cha mẹ, để ngoài tai những lời của đấng sinh thành. Nhiều người giống như bị câm vì không biết chào hỏi, không có thói quen nói lời xin lỗi và cám ơn. Từ đó trong gia đình, hay trong đời sống chung, dẫn đến tình trạng sống vô tâm, vô cảm với người bên cạnh.

Anh chị em  thân mến,

Thiên Chúa ban cho chúng ta có hai lỗ tai nhưng chỉ có một cái miệng. Vì thế, thánh Giacôbê tông đồ khuyên nhủ:"Anh em hãy năng nghe, nhưng đừng hay nói. Ai cho mình đạo đức mà không biết kiềm chế miệng lưỡi, là kẻ tự dối lòng mình" (Gc 1,19.26).

Xem ra xã hội nào cũng có người câm, người điếc cần được Chúa chữa lành. Cần được Chúa mở tai để nghe những lời Chúa dạy. Cần được Chúa mở miệng để nói những lời xây dựng yêu thương. Cần được khai thông tâm hồn để lắng nghe và cảm thông với nhau. Cần được Chúa nói vào trong tâm hồn "Epphata". “Hãy mở ra” mở tấm lòng yêu thương mà đến với tha nhân.

Chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa đã cho chúng ta có miệng lưỡi để ca tụng Chúa và nói với nhau những lời yêu thương. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta có đôi tai để lắng nghe Lời Chúa, và nghe những lời dạy bảo của những Đấng thay mặt Chúa, nghe những lời hay ý đẹp của người khác.

Xin cho Lời Chúa và Thánh Thể của Ngài đụng chạm đến đôi tai và miệng lưỡi của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta được ơn chữa lành những chứng bệnh câm điếc về phần thiêng liêng, giúp chúng ta biết nghe Lời Chúa.

Để rồi, chúng ta nói với Chúa bằng những lời chúc tụng, cảm tạ tri ân, và mạnh dạn nói về Chúa những lời yêu thương chân thành cho những người trong môi trường mình đang sống, và trong các mối tương quan với nhau. Amen.