Chúa Nhật XX - Thường Niên - Năm B
THỊT VÀ MÁU NGÀI
Chú giải của William Barclay

Đối với phần đông chúng ta, đây là một đoạn khó hiểu. Đoạn này được trình bày phát biểu bằng một ngôn ngữ và chuyển động trong một thế giới tư tưởng hoàn toàn xa lạ với chúng ta, có thể là quái dị và thô kệch nữa. Nhưng chúng ta phải nhớ điều này, với thế giới thời cổ, nó vốn vận hành giữa những tư tưởng quen thuộc, những ý niệm có từ thời ấu trĩ của loài người.

 

Các ý niệm trong đoạn sách này vốn hoàn toàn bình thường đối với bất cứ ai đã quen với việc dâng tế lễ đời xưa. Ngày xưa, khi dùng sinh tế, lễ vật ít khi được thiêu hủy trọn vẹn, thường chỉ thiêu một phần tượng trưng nơi bàn thờ, tuy toàn thể con vật được dâng lên cho vị thần. Một phần thịt được chia cho các thầy tế lễ kể như thù lao cho họ, một phần khác được chia cho người dâng lễ vật để người ấy tổ chức bữa tiệc thiết đãi bạn bè mình ngay trong khuôn viên Đền Thờ. Trong bữa tiệc ấy, vị thần cũng được xem như một vị khách. Hơn nữa, khi thịt đã dâng cho thần rồi, người ta nghĩ thần đã nhập vào đó, cho nên khi người ta ăn thịt ấy, là ăn vị thần của mình. Sau khi dự một bữa tiệc như thế, họ tin rằng họ đã được tràn trề vị thần ấy. Họ hoàn toàn tin từ lúc ấy, trong người họ có sức sống sinh động của vị thần. Ta có thể nghĩ đó là thờ ngẫu tượng, là ảo tưởng viễn vông, nhưng với một số người khác thì đoạn sách này chẳng có gì khó hiểu cả.

 

Hơn nữa trong thế giới thời ấy, có thứ tôn giáo sống động, đó là các tôn giáo thần bí. Một điều đáng nói mà các tôn giáo thần bí ấy cung ứng được, là sự thông hiệp và ngay đến sự đồng hóa với vị thần nào đó. Cách thức thực hiện việc đó như sau. Tất cả các tôn giáo thần bí chủ yếu đều là những vở kịch đam mê. Có nhiều chuyện kể về một vài vị thần đã sống và chịu đau khổ khủng khiếp, đã chết rồi sống lại. Câu chuyện được dựng lên thành một vở kích cảm động, nhưng trước khi xem vở kịch ấy, người nhập giáo phải trải qua một lớp tập huấn lâu dài về ý nghĩa tiềm ẩn sau câu chuyện. Người ấy phải trải qua đủ thứ lễ nghi thanh tẩy, phải qua một thời gian dài kiêng cữ mọi liên hệ tính dục. Khi vở kịch về đam mê được trình diễn thì mọi sự đều được dàn xếp nhằm tạo bầu không khí dễ gây cảm xúc cao độ, người ta tính toán rất kỹ mức độ ánh sáng, có mùi hương trầm kích thích, có nhạc kích động, có kinh kệ kỳ bí, mọi sự đều nhằm tạo cho người mới nhập giáo một cảm xúc và khát vọng cao độ mà người ấy chưa từng biết trước đó. Nếu muốn, chúng ta có thể gọi là ảo giác, là sự kết hợp giữa thôi miên với tự kỷ ám thị – thái độ sẵn sàng chờ đợi một cái gì xảy ra. Và điều xảy ra đó là được đồng hóa với vị thần. Khi người mới nhập giáo được chuẩn bị sẵn sàng xem diễn kịch, thì người ấy trở thành một với vị thần. Người ấy chia sẻ những âu lo, đau khổ, sự chết và sống lại. Người ấy với vị thần vĩnh viễn trở thành một, do đó, người ấy sẽ được an toàn khi còn sống và lúc đã chết.

 

Có một số câu nói và kinh cầu nguyện của các tôn giáo thần bí nghe thật hay. Trong huyền thoại về Mithra, người mới nhập giáo cầu nguyện rằng: “Xin hãy ở với linh hồn tôi, xin đừng bỏ tôi, để tôi bắt đầu được sống với thần linh và thân linh sẽ cứ ở mãi trong tôi”. Trong huyền thoại về Hermes, người mới theo đạo nói: “Tôi biết thần Hermes, và Ngài biết tôi, tôi là Ngài, và Ngài là tôi”. Cũng trong huyền thoại đó, có một bài cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa Hermes, xin hãy đến trong tôi, như những con trẻ đến với lòng các bà mẹ vậy”. Trong huyền thoại về Iris, người thờ phượng nói: “Thần Orisis thật sự sống mãi thế nào, thì nguyện mọi kẻ thờ phượng Ngài cũng được sống thể ấy. Thần Orisis quả thật là không hề chết thể nào, nguyện người theo Ngài cũng sẽ không chết nữa”.

 

Chúng ta cần nhớ rằng những người thời cổ biết rõ mọi sự về sự phấn đấu, chờ đợi, mơ ước được đồng hóa với thần của họ, được phúc nhận vị thần ngự trong mình và nghe được vị thần mình. Họ không hề đọc những câu như “ăn thịt và uống máu Chúa Kitô” theo nghĩa đen một cách sống sượng và đáng sợ. Họ đã biết ít nhiều về kinh nghiệm kết hợp không thể mô tả được, một sự kết hợp mật thiết hơn bất cứ sự kết hợp nào trên thế gian. Đó là loại ngôn ngữ mà người thời cổ hiểu được, và chính chúng ta cũng hiểu được.

 

Cũng cần nhớ ở đây Gioan lại làm điều ông vẫn làm. Ông không cố gắng đưa nguyên văn lời Chúa Giêsu đã nói. Bảy mươi năm suy nghĩ về những gì Chúa Giêsu đã nói và bây giờ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, ông đưa ra ý nghĩa bên trong lời ấy. Ông không kể lại từng chữ từng tiếng, vì nếu thế, chỉ là công việc của trí nhớ. Nhưng ông kể lại phần ý nghĩa cốt lõi của những lời ấy, tức là phần bởi Thánh Thần soi sáng.

 

Bây giờ chúng ta tìm xem Chúa Giêsu muốn nói điều gì, và Gioan hiểu thế nào từ những lời lẽ ấy như thế. Có hai cách để khảo sát đoạn này.

 

1. Có thể hiểu theo một ý nghĩa hết sức tổng quát, Chúa Giêsu nói về việc ăn thịt và uống máu Ngài. Thịt của Chúa Giêsu là nhân tính trọn vẹn đầy đủ của Ngài. Trong thư 1 Ga, đúng là tác giả đã phẫn nộ khi viết “Phàm Thần Khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng đã đến và trở nên người phàm thì Thần Khí đó là bởi Thiên Chúa, còn Thần Khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu thì chẳng phải bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2-3). Thật vậy, Thần Khí nào phủ nhận Đức Giêsu lấy xác phàm mà đến là thần của Antichrist. Gioan muốn nhấn mạnh là chúng ta phải bám lấy, không bao giờ buông rơi phần nhân tính trọn vẹn của Chúa Giêsu. Chúa vốn có thịt xương giống như chúng ta. Điều ấy có nghĩa là gì? Như chúng ta đã thấy, Chúa Giêsu là tâm trí của Thiên Chúa trở thành con người. Có nghĩa là nơi Chúa Giêsu chúng ta thấy Thiên Chúa mặc lấy sự sống như con người đối diện với hoàn cảnh con người, phấn đấu với các vấn đề của loài người, tranh chiến với những cám dỗ của con người, giải quyết các mối liên hệ giữa loài người chúng ta.

 

Dường như Chúa Giêsu đã nói: “Hãy lấy tư tưởng về nhân tính của Ta mà nuôi dưỡng tâm trí linh hồn các ngươi. Khi các ngươi chán nản hay thất vọng, quá mệt mỏi với đời sống mà ngã quỵ, chán đời và chán sống thì hãy nhớ Ta đã từng lấy đời sống các ngươi với tất cả những nỗi gian nan mà khoác vào mình Ta”. Như thế đời sống và thân xác sẽ mặc lấy vinh quang vì đã được Thiên Chúa chạm đến. Chúa Giêsu đã thần hóa thân xác chúng ta bằng cách mặc nó lên chính Ngài, đó là niềm tin quan trọng của các học giả Kitô giáo chính thống Hy Lạp. Ăn thịt Chúa Kitô là nuôi dưỡng tư tưởng bằng nhân tính Ngài, cho đến chừng nào nhân tính của bạn được tăng cường, được tẩy sạch để trở thành thuần khiết và được Ngài chiếu sáng cho.

Chúa Giêsu dạy chúng ta uống máu Ngài. Tư tưởng Do Thái cho rằng máu tiêu biểu cho sự sống. Thật dễ hiểu tại sao Ngài bảo vậy. Một vết thương làm máu chảy ra tức là sự sống bị giảm đi. Với người Do Thái máu thuộc về Thiên Chúa. Đó là lý do cho đến ngày nay, người Do Thái chẳng bao giờ ăn một con vật còn máu bên trong. “Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống nghĩa là có máu” (St 9,4). “Các ngươi chớ ăn máu nó, phải đổ máu trên đất như vậy” (Đnl 15,23). Bây giờ chúng ta mới hiểu điều Chúa Giêsu dạy bảo: “Các ngươi phải uống máu Ta, phải nhận lấy sự sống của Ta là sự sống Thiên Chúa”. Khi Chúa Giêsu phán dạy phải uống máu Ngài, là Ngài dạy chúng ta phải nhận láy sự sống của Ngài vào trong mình.

Như thế có nghĩa gì? Xin minh họa như sau: Đây là tủ sách của tôi, trong đó có một cuốn sách mà tôi chưa hề đọc. Dù cho quyển sách có quý và bổ ích đến thế nào, mà nếu tôi không đọc đến nó thì nó vẫn ở ngoài tôi. Nhưng một ngày kia, tôi lấy nó ra đọc, tôi cảm thấy hồi hộp, lôi cuốn và rung cảm. Câu chuyện đó thôi thúc tôi, những dòng chữ quan trọng được ghi khắc vào tâm trí tôi. Bây giờ lúc cần, tôi có thể lấy những điều kỳ diệu đó từ bên trong, hồi tưởng lại, suy gẫm nó, bồi dưỡng tâm trí mình. Trước kia, cuốn sách vốn ở ngoài tôi, nằm trên kệ sách. Bây giờ, nó thâm nhập vào tôi, tôi có thể lấy nó để nuôi mình. Những kinh nghiệm từng trải trong đời cũng vậy. Chúng vẫn ở ngoài ta cho đến khi chúng ta nhận lấy cho riêng mình.

Với Chúa Giêsu cũng vậy. Bao lâu Ngài còn là một nhân vật trong sách, thì Ngài vẫn ở ngoài ta, nhưng một khi Ngài đã vào lòng chúng ta, thì Ngài ở trong chúng ta, chúng ta được nuôi dưỡng bằng sự sống, sức mạnh và sự sinh động do Ngài ban. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải uống máu của Ngài. Ngài phán: “Các ngươi phải lãnh nhận sự sống của Ta, đưa vào bên trong các ngươi. Phải thôi nghĩ về Ta như một nhân vật trong sách hay một đề tài thảo luận thần học, mà phải nhận lấy Ta vào trong các ngươi, và các ngươi vào trong Ta, lúc ấy, các ngươi sẽ có sự sống và đó là sự sống thật”. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói khi Ngài đề cập đến việc chúng ta ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta. Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài, là dạy chúng ta hãy nhận lấy nhân tính của Ngài để nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn ta, hãy bồi dưỡng đời sống mình bằng sự sống của Ngài cho đến khi chúng ta được thấm nhuần, tràn ngập, đầy dẫy sự sống của Thiên Chúa.

 

2. Nhưng Gioan còn muốn nói nhiều hơn, Gioan cũng nghĩ đến Bữa Ăn Tối của Chúa, là Tiệc Thánh. Chúa Giêsu phán: “Nếu các ngươi muốn có sự sống, hãy đến ngồi vào bàn ăn để ăn miếng bánh đã bị bẻ ra, uống chén rượu đã được đổ ra, để bởi ân huệ của Thiên Chúa, các ngươi được tiếp xúc với tình yêu và sự sống của Chúa Giêsu cách sống động”. Gioan nói với mọi người: “Các bạn không thể có được đầy dẫy diệu kỳ của đời sống Kitô hữu, trừ phi các bạn đến ngồi vào bàn tiệc yêu thương này”. Nhưng Gioan không hề kể lại câu chuyện về Bữa Ăn Tối cuối cùng, đây là điều vô cùng lạ lùng trong quan điểm của ông. Ông đưa ra lời giáo huấn về Tiệc Thánh, không phải trong phần tường thuật câu chuyện ở phòng cao, mà trong câu chuyện một bữa ăn ngoài trời trên sườn đồi gần Bétxaiđa Guilia, bên bờ hồ Galilê xanh biếc.

Chúng ta không có gì nghi ngờ về những điều Gioan muốn nói. Ông muốn nói với Kitô hữu chân chính điều này, là mỗi bữa ăn đều trở thành Thánh Lễ. Có thể nói không quá đáng rằng một số người đã lạm dụng Thánh Lễ trong Hội Thánh, khiến nó trở thành một thứ bùa phép ma thuật, hoặc ngụ ý rằng Tiệc Thánh là nơi duy nhất chúng ta có thể đến gần Chúa Kitô Phục Sinh. Gioan thật tình chủ trương mỗi bữa ăn, dù là trong gia đình hèn hạ nhất hay trong cung điện cao sang, dưới bầu trời với bãi cỏ xanh làm thảm, cũng đều là một Tiệc Thánh. Gioan không giới hạn sự hiện diện của Chúa Kitô trong khung cảnh giáo đường hay một buổi lễ có kinh kệ theo đúng nghi thức. Ông nói: “Trong bất cứ bữa ăn nào, các bạn cũng lại thấy bánh chỉ về nhân tính của Thầy, rượu nho chỉ về máu vốn là sự sống”. Trong tư tưởng của Gioan, tại bàn ăn qua loa ngoài bờ biển hay trên sườn đồi, tất cả đều giống nhau ở chỗ, trong tất cả các bữa ăn đó chúng ta đều có thể nếm, chạm đến và cầm lấy bánh với rượu nho đem chúng ta đến gần Chúa Kitô. Kitô giáo sẽ thật nghèo nàn, nếu Chúa Kitô bị giới hạn trong các nhà thờ. Gioan tin rằng chúng ta có thể tìm gặp Chúa Kitô bất cứ ở đâu, vì trong thế giới có sự hiện diện của Ngài khắp nơi. Không phải ông làm giảm giá trị Tiệc Thánh, nhưng ông mở rộng ra để chúng ta có thể tìm gặp Chúa Kitô tại bàn Tiệc Thánh trong nhà thờ, rồi đi ra để cùng gặp Ngài ở bất cứ nơi nào mà con người họp lại để vui hưởng các ân huệ của Ngài.