Chúa Nhật XV - Thường Niên - Năm B
NGƯỜI SAI HỌ ĐI
SƯU TẦM

Đức Giêsu sai các tông đồ ra đi. Kitô giáo luôn là thế. Nó không bao giờ giữ lại điều gì cho mình. Nó luôn bao hàm sự vươn tới những người khác. Nếu không có yếu tố này, không còn là Kitô giáo nữa. Và điều đó nhiều lần được chứng tỏ bằng sự sẵn sàng hy sinh của mỗi người.

Cho tới lúc đó, các tông đồ ở với Đức Giêsu. Suốt thời gian qua, Người đã giáo huấn họ. Nhưng Người đã chọn họ cho một sứ mạng – giúp truyền bá Tin mừng về nước Thiên Chúa. Đã đến lúc họ phải góp phần vào công việc ấy. Người sai họ đi từng hai người một để họ có thể nâng đỡ nhau và học làm việc với những người khác. Người ban cho họ quyền nói và hành động nhân danh Người.

Hãy nhớ rằng đó chỉ là sứ mạng tạm thời, ngắn hạn và giới hạn trong các thị trấn và làng mạc Do thái. Sứ vụ sau cùng, khi họ được sai đến toàn thế giới, vẫn còn trong tương lai.

Sứ vụ của họ trước tiên là một sứ vụ tâm linh – rao giảng sự sám hối và nước Thiên Chúa đã đến trong thế giới. Nhưng sứ vụ ấy cũng liên quan đến việc chữa lành thể chất và tinh thần. Nó cho thấy Kitô giáo quan tâm đến hạnh phúc tinh thần và vật chất của con người. Nói cách khác, nó quan tâm đến con người toàn diện.

Họ không mang theo những vật chất để cho người ta. Trong bất cứ trường hợp nào, họ không thể có được những thứ ấy. Nếu việc truyền giáo gắn sứ điệp với những quà tặng vật chất luôn luôn là điều nguy hiểm. Bởi lẽ người ta có thể chấp nhận sứ điệp với những lý do sai lầm. Sứ điệp của họ phải tự nó tỏa sáng giá trị xứng đáng, và phải được chấp nhận chủ yếu bởi những lý do tinh thần.

Về những trang bị cá nhân, họ chỉ được mang những cái hoàn toàn cần thiết – dép và gậy. Về lương thực và chỗ ở, họ phải trông cậy vào lòng hiếu khách của những người mà họ được sai đến. Thật vậy, điều đó có nghĩa là trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng bằng cách ấy, dân chúng sẽ cảm thấy họ cũng tặng lại một điều gì đó. Sẽ có một sự chia sẻ. Điều này tốt cho các thừa sai: họ cần dân chúng nơi họ được sai đến. Và cũng tốt cho dân ở nơi truyền giáo: tốt cho nhân phẩm của họ, và cũng để khuyến khích lòng quảng đại của họ.

Các thừa sai phải làm chứng về đức nghèo khó bằng sự từ bỏ những của cải vật chất. Và họ phải chứng tỏ sự liên đới với người nghèo bằng cách liên kết trong các cuộc đấu tranh của họ và chia sẻ sự nghèo khó với họ. Nhiệm vụ chính của họ là rao giảng sứ điệp. Nhưng họ không thể kiểm soát, điều khiển sự đáp ứng của dân và cũng không nên làm như thế. Họ phải tôn trọng tự do của người được rao giảng. Và họ phải chờ đợi có người sẽ khước từ nó.

Nếu sự rao giảng của họ bị chối bỏ, họ chỉ được phản ứng với một cử chỉ tượng trưng, phủi bụi dính ở chân. Đây là một hành động có tính tượng trưng cao đối với người Do thái trong thời đó. Dân chúng sẽ hiểu rõ ý nghĩa của hành động đó. Nó có nghĩa là các tông đồ sẽ đoạn giao với họ hoàn toàn và kể từ đó coi họ như người ngoại giáo. Tuy nhiên, cũng có nghĩa như một cữ chỉ quan tâm. Mục đích của nó là làm cho họ nghĩ lại về những điều mà các tông đồ đã đem đến cho họ và những hậu quả của việc khước từ. Nó cho thấy số phận của những người khước từ quà tặng của Thiên Chúa.

Đoạn Tin Mừng này rất thích hợp với chúng ta. Tin Mừng vẫn cần được rao giảng và cần có những người chấp nhận nó. Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn còn thích hợp cho các thừa sai hôm nay. Dù những điều kiện đã thay đổi, những nguyên tắc căn bản những giữ nguyên. Những điều kiện ấy thách đố những người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng và những người được rao giảng – Nó cho thấy tầm quan trọng của việc cởi mở tâm hồn để đón nhận lời Chúa.

Tất cả chúng ta đều gặp một thách đố lớn là phải trở thành các môn đệ hoạt động, chứ không phải là các môn đệ thụ động; không chỉ là những người đón nhận mà còn là những người ban phát. Không phải là cành cây khô hoặc gốc nho chết mà là những cành cây sống và trĩu quả.

Chúng ta thấy A mốt đã được kêu gọi bỏ công việc bình thường để đi rao giảng sứ điệp (Bài đọc 1). Mười hai tông đồ cũng thế. Không phải chỉ một số ít chúng ta được kêu gọi rao giảng Tin Mừng ngày nay. Nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm nhân chứng cho Tin Mừng. Chúng ta làm điều đó chủ yếu bằng cách sống Tin Mừng – bằng cách làm môn đệ của Đức Kitô trong thực tế cũng như trên danh nghĩa.