Chúa Nhật XIII - Thường Niên - Năm B
QUYỀN NĂNG
SƯU TẦM

Ông Giaia, ông trưởng hội đường đến gặp Đức Giêsu để xin Người chữa lành cho đứa con gái mười hai tuổi của ông. Mặc dù cô bé còn sống, nhưng giống như người đàn bà bị băng huyết rõ ràng không một quyền lực trần gian nào còn giúp được cô bé. Lời cầu xin của cha cô bé chứng tỏ rằng ông tin Đức Giêsu có một quyền lực siêu nhiên, đó là quyền lực chữa lành.

Đức Giêsu lập tức khởi hành đi đến nhà ông Giaia. Nhưng khi Người còn đi trên đường các người nhà ông trưởng hội đường đến báo tin con gái ông đã chết, và họ gợi ý không nên làm phiền Đức Giêsu nữa. Thực ra họ muốn nói rằng ngay cả quyền lực của Đức Giêsu không thể thắng nổi sự chết. Chúng ta thấy cùng một thái độ tuyệt vọng ấy được diễn tả trong sự than khóc của những người đưa đám.

Nhưng Đức Giêsu không biết đến những lời của các người nhà đưa tin. Người quở trách và sau cùng đuổi họ ra ngoài. Niềm hy vọng trong sáng của Người tương phản rõ rệt với sự tuyệt vọng của những người ở xung quanh Người. Người thuyết phục ông trưởng hội đường Giaia phải có đức tin để tin rằng cả cái chết của con gái nhỏ của ông không nằm ngoài quyền lực của Người. “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.

Đức Giêsu vào phòng của cô bé cùng với cha mẹ và ba người môn đệ. Rồi Người cầm lấy tay em bé và nói: “Này bé, Thầy truyền cho con hãy đứng dậy”. Lập tức cô bé đứng dậy và đi lại được. Đức Giêsu bảo họ cho cô bé ăn. Có một sự dịu dàng và cảm động trong cảnh tượng ấy. Đức Giêsu bày tỏ tình yêu thương của Người đối với cô gái nhỏ và cha mẹ của cô bé. Chúng ta phải làm gì từ câu chuyện này? Chúng ta phải hỏi các Kitô hữu tiên khởi đã làm gì. Họ cũng chịu đau khổ vì bệnh tật và các thành viên trong cộng đoàn của họ đã qua đời.

Đối với Maccô và các độc giả của ông, câu chuyện là một biểu lộ quyền năng của Chúa Phục sinh chiến thắng chính sự chết. Đức Giêsu làm cho cô bé đã chết đứng dậy bởi vì Người là “Sự sống lại và là sự sống”. Tin vào Đức Giêsu có thể biến đổi đời sống và là chiến thắng trên cái chết. Đó là ý nghĩa câu chuyện này đối với các Kitô hữu tiên khởi.

Đối với những người tin Đức Giêsu, cái chết chỉ là một giấc ngủ mà Người có thể và sẽ đánh thức họ dậy. Trong trường hợp của hầu hết các Kitô hữu, sự đánh thức này sẽ không xảy ra trong đời này, nhưng trong thế giới sẽ đến. Vì thế các Kitô hữu tiên khởi đã mô tả người chết “đang ngủ” bởi vì họ tin rằng một ngày kia họ sẽ được đánh thức dậy, cũng như người đang ngủ được đánh thức. Các Kitô hữu đầu tiên đã dùng từ koimeterion để chỉ nơi an táng và có nghĩa là “nơi nằm ngủ”. Từ chữ koimeterion về sau xuất hiện chữ “cemetery” trong tiếng Anh. Cả hai câu chuyện Tin Mừng cho thấy khi không còn hy vọng, xét về mặt nhân tính thì quyền năng của Thiên Chúa có thể chiến thắng bệnh tật và cả sự chết, Maccô nói với chúng ta rằng quyền năng ấy hiện diện trong Đức Giêsu.