Chúa Nhật XII - Thường Niên - Năm B
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN - B
        Lm Giuse Đinh tất Quý

"Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?"(Mc 4,41)

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là một câu chuyện thật đẹp. Đẹp nơi hình ảnh và đẹp trong ý nghĩa. Trong câu chuyện này chúng ta thấy đâu là một niềm tin mạnh và đâu là một niềm tin yếu.

Các Tông đồ đã sống một thời gian khá dài bên Chúa Giêsu. Được Ngài dạy dỗ và được chứng kiến những việc Ngài làm, chắc hẳn các ông nghĩ rằng mình đã có một đức tin vững chắc. Nhưng chẳng bao lâu chỉ một cơn bão ngoài biển đã đủ làm các ông nhận ra rằng lòng tin đó còn rất non nớt, chưa được tôi luyện.

Trong cơn bão các ông hoảng sợ đến thất vọng mặc dầu có Chúa Giêsu cùng ở trong thuyền. Chúa Giêsu phải lên tiếng  quở trách: "Sao mà sợ hãi dến thế, các con không có đức tin ư?"

1. ĐỨC TIN CẦN ĐƯỢC THỬ THÁCH

Người ta thường nói: tư cách thật của một con người chỉ được bộc lộ thật khi gặp gian nan. Lúc bình thường thì ai cũng như ai, khó thấy được tư cách ấy. Điều này rất đúng.

Trong Thánh Kinh có hai trường hợp nổi bật nhất về sự thử thách của Thiên Chúa: trường hợp thứ nhất là việc Thiên Chúa thử thách ông Abraham khi ra lệnh cho ông đem con một mình là Isaac lên núi tế lễ Ngài. Trước khi Thiên Chúa thực hiện lời hứa, Ngài muốn con người tin tưởng phó thác vào Ngài, muốn con người huấn luyện ý chí của mình tùng phục thánh ý Ngài.

Trường hợp thứ hai được kể lại trong sách ông Gióp, Thiên Chúa đã dùng sự đau khổ, hoạn nạn để thử thách lòng tin của ông Gióp. Thiên Chúa cho phép những đau khổ, hoạn nạn xảy ra để thanh luyện lòng tin của con người đối với Ngài.

Đức tin của mỗi người cũng thế. Muốn biết ai vững vàng trong đức tin phải đợi tới lúc đức tin đó chịu thử thách. Lúc bình an vô sự tin vào Chúa tương đối không phải là khó. Vì không khó nên không thế lượng định được phẩm chất của đức tin. Khó khăn, trở ngại là một thứ "kiểm tra chất lượng'. Có kiểm tra thì mới thấy cái gì tốt cái gì xấu, cái gì thật cái gì giả

Có lẽ kinh nghiệm bản thân chúng ta cũng thấy như vậy.

Khi mọi sự êm xuôi chúng ta giữ đạo rất phấn khởi, sốt sắng. Chúng ta đến nhà thờ đông vui, dự lễ rước lễ sốt sắng, ca hát say sưa, xin lễ tạ ơn. Nhưng khi tai họa xảy đến, chẳng hạn làm bệnh, gặp tai nạn, mất của, làm ăn thất bại, không được mình xin, lòng tin dễ bị lung lay, nhạt dần. Khi Chúa đòi hỏi một hy sinh lớn để trung thành với Ngài chưa chắc gì chúng ta đã đủ can đảm chọn Chúa, mặc dầu chúng ta vẫn quả quyết mình yêu Chúa hết lòng. Nói rằng hết lòng nhưng thực ra lòng đã hết.

Đặc biệt lúc còn nhỏ chưa bước chân vào đời để phải đương đầu với những cám dỗ và gương xấu của nó, giữ đạo là  chuyện tự nhiên, không gặp khó khăn. Con đường theo Chúa xem ra thuận lợi, rộng rãi thênh thang. Nhưng một khi lớn  lên bước vào đời, phải va chạm với thực tế, lúc đó mới thấy Tin mừng của Chúa Giêsu khắt khe, nặng nề, khó chấp nhận. Vì thế nhiều tín hữu lúc còn nhỏ thật trong trắng tốt lành, nhưng càng lớn lên càng lảng xa đời Kitô hữu, chỉ còn  giữ một vài tập quán tôn giáo nào đó, sống bên lề Giáo hội. Cũng có những trường hợp bỏ cuộc.

Chính những lúc đó mới thấy lòng tin còn yếu kém biết bao và câu hỏi của Chúa Giêsu lại được đặt ra đúng lúc : "Các con không có đức tin ư ".

2. TRUỞNG THÀNH NHỜ THỬ THÁCH

Ông Nietzche đã định nghĩa "một người lý tưởng" là: "Người khi bị định mạng thử thách, không những đã tỏ ra xuất chúng, mà thường còn thích tìm khó khăn và những trở lực để đương đầu"

Quả thực gian lao thử thách luôn cần thiết cho sự trưởng thành của đức tin. Thử thách có thể gây tai hại, làm sụp đổ những đức tin yếu kém, giống như cơn giông làm gẫy những cành cây mục rỗng. Nhưng đây lại là điều kiện để  trưởng thành. Chúng là những trắc nghiệm cần thiết về nhiều mặt. Chúng giúp chúng ta nhận ra sự non nớt của mình để chúng ta khiêm tốn, để phòng suy thoái và phấn đấu vươn lên. Chúng là phương thế tôi luyện chúng ta thêm vững mạnh và trưởng thành từng bước.

Tại Roma có một ngôi thánh đường cổ tên là Dominus sub aquis, nghĩa là "Chúa ở dưới nước"... Du khách đến Roma thường đến viếng thăm ngôi thánh đường này, vì phía trên bàn thờ có một tượng Thánh Giá rất đặc biệt: bất cứ ai đến quì trước tượng thánh giá và cầu nguyện với tất cả thành tâm đều nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu...

Người ta kể lại rằng tác giả của tượng Thánh Giá bằng cẩm thạch này đã mất rất nhiều năm mới hoàn thành được tác phẩm. Hơn hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông lại cho kéo xuống và đập phá đi vì ông cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn... Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình một lần thứ ba. Nhưng chính lúc ông miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách nhất. Nhiều người ganh tỵ nên tìm cách hạ uy tín của ông. Vợ con ông qua đời trong những hoàn cảnh thật đau thương. Người nghệ sĩ chỉ còn biết kêu cầu xin Cha giúp ông chịu đựng được mọi gian lao thử thách.

Ai cũng tưởng rằng cơn thử thách đã khiến ông bỏ cuộc. Trái lại, ông càng miệt mài chú tâm vào công trình. Người nghệ sĩ dồn tất cả niềm đau của mình lên khuôn mặt của Đức Kitô. Bức tượng của Chúa Giêsu trên thập giá không còn phải là một phiến đá lạnh lùng, xa lạ, mà đã trở thành niềm đau đậm nét của một tâm hồn. Bức tượng đã trở nên sống động và có sức thu hút do chính tâm tình mà người nghệ sĩ đã muốn tháp nhập vào đó.

Không thể trưởng thành nếu không tôi luyện. Một người đã quen đi nắng, đi gió, đi mưa... nhất định trở nên dầy dạn, có sức đề kháng cao, không còn hơi một chút là bị cảm cúm, nhức đầu, chóng mặt, hoặc nhiễm trùng, nhiễm độc. Một  đức tin như vậy có nhiều chất thép.

Trong khi đức tin chịu trắc nghiệm như thế, chúng ta vẫn có thể vững tâm. Bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện ở bên ta trong mọi thử thách, cũng như xưa Ngài ngồi chung thuyền với các Tông đồ trong cơn bão.

Có thể Ngài chỉ hiện diện cách kín đáo nên chúng ta khó  nhận ra Ngài. Nhưng kín đáo như vậy cũng có mặt hay. Kín đáo như vậy để xem chúng ta chống đỡ tới mức nào, tự tôi luyện mình ra sao. Nếu thấy cuộc trắc nghiệm vượt quá sức chúng ta thì Ngài sẽ lên tiếng, can thiệp, làm sóng gió im lặng, trả lại cho chúng ta, cũng như cho các Tông đồ xưa, hy vọng và bình an.

3. Xin được kết thúc bằng một câu truyện nhỏ. Câu truyện có tên thật hay: "Bí quyết của cuộc đời". Câu truyện được đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày thứ ba 20/7/2004.

Một cậu bé hỏi một người  đàn ông lớn tuổi:

- Thưa ông, cháu biết ông là người rất uyên bác. Cháu muốn ông chỉ cho cháu bí quyết của cuộc đời…..

Người đàn ông đáp:

- Ta đã suy nghĩ về điều này suốt cả cuộc đời mình. Theo ta, bí quyết ấy có thể tóm gọn trong bốn từ.

Thứ nhất là suy nghĩ. Suy nghĩ về những giá trị mà cháu muốn sống cho cuộc đời mình.

Thứ hai là tin tưởng. Tin tưởng vào bản thân mình, dựa trên những suy nghĩ chín chắn về những giá trị mà mình sẽ sống.

Thứ ba là ước mơ. Ước mơ về những điều có thể, dựa trên niềm tin vào bản thân và niềm tin vào những giá trị đã lựa chọn.

Cuối cùng là dám làm. Là dám thử thách, dám đương đầu với cuộc sống, dám chấp nhận mạo hiểm để biến những giấc mơ của mình thành sự thật, dựa trên niềm tin vào bản thân và những giá trị sống đã chọn”.

Vâng, Walter E. Disney đã nói như thế với một cậu bé: suy nghĩ, tin tưởng, ước mơ và dám làm.