Chúa Nhật IX - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
ĐỒNG HÀNH
SƯU TẦM

Đôi khi người ta cũng cần ở một mình, bởi vì linh hồn đòi hỏi sự cô tịch, để giữ được tính cách cá nhân của nó. Nhưng chúng ta không thể sống cô đơn được. Chúng ta sẽ hóa điên. Sự thật là: rõ ràng chúng ta lệ thuộc vào nhau. Trong cuộc sống của mình, chúng ta cần đến người khác – để nâng đỡ, xác nhận, khích lệ, đồng hành với chúng ta. Họ nuôi dưỡng và hỗ trợ chúng ta theo hàng trăm cách thức khác nhau. Và tất nhiên, chúng ta cũng nuôi dưỡng họ nữa.

Ngày nay, con người được giáo dục theo chủ nghĩa cá nhân, hậu quả là người ta cảm thấy đời sống cộng đồng là khó khăn. Trong thế giới hiện nay, có nhiều nỗi cô đơn. Nhiều người đang kêu gào một người bạn, một người đồng hành, theo nghĩa thuộc về nhau.

Từ ngữ “bạn đồng hành” là một từ ngữ rất hay. Nó xuất phát từ tiếng Latinh: cum, nghĩa là cùng với, và panis, nghĩa là bánh. Như vậy, hiểu theo từng chữ, “bạn đồng hành” nghĩa là một người nào đó mà chúng ta chia sẻ bánh. Không phải bất cứ ai bạn cũng mời vào uống trà với bạn. Đó phải là một người có quan hệ với bạn. Và mối quan hệ này được đào sâu thêm, nhờ việc chia sẻ đồ ăn và thức uống với nhau.

Khi có người nào mời chúng ta tới bàn của họ, là họ hiến tặng chúng ta một thứ gì đó còn nhiều hơn là thức ăn. Họ hiến tặng chúng ta sự tin tưởng, đón nhận và tình bạn. Chúng ta cảm thấy được tôn trọng. Câu chuyện là một phần lớn của thức ăn. Sau đó, chúng ta cảm thấy được nuôi dưỡng, không phải chỉ về mặt thể xác, nhưng còn về mặt tinh thần và tâm hồn nữa.

Phép Thánh Thể chính là bữa ăn mà chúng ta chia sẻ với nhau, để tưởng nhớ Chúa và vâng theo lời truyền dạy của Người. Đức Giêsu làm cho chúng ta trở thành những người đồng hành và bạn bè của Người, bằng cách mời gọi chúng ta đến chia sẻ thức ăn đã được hiến thánh của Phép Thánh Thể. Và trong khi làm như vậy, chúng ta trở thành những người đồng hành và bạn bè của nhau. Nhưng điều này có xảy ra được không?

Ngày nay, người ta có thể ngồi trong xe hơi để tham dự thánh lễ, và sau đó, ra đi, mà không hề có quan hệ với bất cứ ai. Một người như thế nói rằng mình đã thực sự và chân thành tham dự thánh lễ không? Chúng ta đã được gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng liệu chúng ta có gặp gỡ các Kitô hữu đồng chí hướng với chúng ta, những người lân cận của chúng ta không? Có hai chân lý được kết nối với nhau – chúng ta được hiệp thông với Đức Giêsu, để có thể hiệp thông với người khác.

Người ta có thể bị đổ vỡ, mà không một người nào biết đến, không một ai quan tâm cả. Việc xây dựng cộng đoàn không gay go như vậy. Chỉ cần sự thân thiện bình thường mà thôi. Bước đầu tiên là phải trở nên quen biết với nhau.

Nếu chúng ta có thể đi vào căn phòng, nơi Đức Giêsu cùng ăn Bữa Tiệc Ly với các tông đồ của Người, thì ngay tức khắc, chúng ta sẽ cảm thấy được mối quan hệ đó. Ở đây, có một nhóm người đang ngồi chung quanh một cái bàn, để chia sẻ bữa ăn với nhau. Đôi khi, trong các nhà thờ của chúng ta, người ta ngồi càng xa nhau càng tốt. Tại sao như vậy? Dường như người ta miễn cưỡng trong việc gặp gỡ nhau. Và nếu không gặp gỡ nhau, thì chúng ta không thể chia sẻ được với nhau. Điều mà chúng ta đem đến cho nhau ở đây, thì chúng ta sẽ được nhận lại gấp trăm. Nhưng nếu không biết cho nhau, thì chúng ta sẽ chẳng nhận được gì cả.

Chúng ta cần đến Đức Kitô – đó là điều rõ ràng. Nhưng chúng ta cũng cần đến nhau nữa. Trong thế giới ngày nay, để trở thành một người có lòng tin, hoặc chỉ là một người có đời sống tinh thần mà thôi, thì có thể đó là một công việc cô độc. Đây là một nơi mà cộng đoàn gia nhập vào. Chúng ta là một cộng đoàn của những kẻ tin, niềm tin chung của mọi người củng cố cho niềm tin của mỗi cá nhân.

Những Kitô hữu tiên khởi nâng đỡ nhau. Họ tha thứ cho những sự xúc phạm đến nhau, chia sẻ tài sản cho nhau, và tăng cường tinh thần cộng đoàn. Sự chia sẻ tạo ra mối quan hệ, và mối quan hệ đưa đến sự chia sẻ. Phép Thánh Thể là trung tâm của tất cả mọi sự. Chính Phép Thánh Thể nối kết mọi người với nhau, và đem đến cho họ khả năng để hiến tặng cho nhau một cách thức phục vụ đầy yêu thương.