Chúa Nhật IX - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
CHUẨN BỊ CHO BỮA TIỆC LY
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux

Trình thuật này làm độc giả ngạc nhiên bởi vì được mô tả khá chính xác. Trước hết nó cho biết thời gian và ý nghĩa của bữa ăn tiệc ly Chúa Giêsu dùng chung với các môn đệ. Về thời gian, Maccô cũng như Matthêu (26,17-19) và Luca (22,7-13) cho rằng bữa tiệc của Chúa Giêsu xảy ra trùng hợp với bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, được tổ chức vào đêm trước lễ Vượt Qua (c.12a), và Chúa Giêsu cũng rất ít có được khả năng ăn mừng lễ Vượt Qua Do Thái. Bởi vì hôm sau, ngay chính lễ Vượt Qua, Ngài sẽ chết. Nhưng theo luật tòa án hồi bấy giờ, người ta không thể kêu án và xử án bất kỳ ai một khi lễ Vượt Qua đã bắt đầu. Về phương diện lịch sử, trình tự thời gian mà Gioan ghi lại có vẻ hợp lý hơn. Năm ấy, lễ Vượt Qua Do Thái xảy ra vào ngày thứ Bảy, ngày Sabbat (Ga 19,31). Chúa Giêsu bị đóng đinh vào trước hôm đó, ngày thứ sáu, vào giờ mà người ta cắt tiết chiên để ăn mừng lễ (Ga 18-28). Như thế, Chúa Giêsu dùng bữa tiệc ly cùng với các môn đệ vào ngày thứ Năm. Sự xê xích thời gian này rất quan trọng. Dù sao đi nữa, chính vì lễ đã quá gần nên mới có bữa tiệc này, và người ta nhận ra ngay là cả ba Tin Mừng nhất lãm đều biến bữa tiệc này thành tiệc Vượt Qua. Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu gắn liền với “lễ Vượt Qua mới”: việc giải thoát khỏi ách sự Ác và sự Chết-Phaolô là người đầu tiên có thể nói lên: “Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của ta, đã bị sát tế. Ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ… nhưng với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5,7-8)..

Bản tường thuật tiếp tục với một văn phong gần như kiểu chuyện “thần kỳ”. Các môn đệ hỏi Ngài về địa điểm dọn tiệc, Chúa Giêsu trả lời khá kỳ cục (c.13-15). Có hai điểm nổi bật trong đoạn này. Điểm thứ nhất là các môn đệ sẽ gặp một người đội vò nước. Lẽ thường thì chỉ có phụ nữ mới đi lấy nước. Như vậy, Chúa Giêsu đã mặc cho đặc điểm kỳ lạ này một dấu chỉ trù định trước. Điều kỳ cục thứ hai, đó là việc tìm được một căn phòng “đã sắp sẵn” cho bữa tiệc. Hình như Thiên Chúa đã quan phòng hết mọi sự, và Chúa Giêsu được coi như là một tiên tri biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra, biết từng chi tiết một. Làm sao giải thích điều này? Hầu chắc là Maccô đã được linh hứng khi viết những trang này, theo kiểu viết Kinh Thánh thông thường hồi đó. Trong sách Samuel thứ I, tiên tri Samuel đã thấy trước được những lần gặp gỡ (theo thánh ý Chúa) và chàng trai trẻ Saul. Những cuộc gặp gỡ này phải chứng tỏ được rằng Thiên Chúa đã chọn chàng trai trẻ này để làm vua Israel (1S 10,1-10). Cũng tương tự như thế, cuộc gặp gỡ được báo trước hai môn đệ với người đàn ông đội vò nước sẽ là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã quyết chọn Chúa Giêsu làm Vua - Mêsia. Đoạn này còn được xác quyết chắc chắn bằng một đoạn khác của Maccô: đoạn kể về việc Chúa Giêsu vào Giêrusalem (11,1-11). Ở đó, Chúa Giêsu cũng phái hai môn đệ đi trước để tìm gặp con lừa con. Biến cố này rõ rệt là mang tính chất Mêsia và lần nào thì sự việc cũng xảy ra y như những lời dặn dò trước cả. Mọi sự đều diễn ra phù hợp với nhận định tiên tri của Thầy (c.16).

Ta kết thúc đoạn này bằng cách lưu tâm đến việc lặp lại tới hai lần tính từ “Vượt Qua” (c.12b và 12d) và danh từ “vượt qua” (c. 14,16) là nhằm mục đích kêu mời độc giả chú trọng đến ý nghĩa tối hậu của bữa tiệc Chúa Giêsu sắp tham dự. Nó là dịp lễ mừng nhắc nhở lại việc ra khỏi Ai Cập, đồng thời chính là dịp loan báo sự chết và sống lại của Đấng Mêsia cứu thế.

THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ (14,22-26)

Có lẽ ai cũng muốn biết tường tận những việc xảy ra trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với các môn đệ. Nhưng thay vì tả lại dài dòng và đầy đủ chi tiết, Maccô cũng như Matthêu (26,26-29) và Luca (22,19-20) – đã kể lại vắn tắt và rất giản lược. Tựa như thế đó chỉ là một văn bản phụng vụ đã có sẵn. Ông chỉ dùng rất ít từ cô đọng để nêu lên ý nghĩa của các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong bữa tiệc Thánh đó.

Chúa Giêsu đã làm một cử điệu mang tính nghi thức rất quen thuộc đối với người Do Thái khi họ cử hành bữa tiệc mừng lễ (c.22). Như người cha trong gia đình chủ tọa bữa ăn, Ngài cầm lấy bánh và chúc tụng Thiên Chúa về những ơn phúc Người đã ban cho. Lời kinh “tán tụng” của người Do Thái không phải là một lời cầu chiếu lệ, trái lại rất trang trọng bởi vì qua đó dân Israel dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ Ngài đã giải thoát họ. Trong kinh Haggada mừng lễ Vượt Qua (nghi thức ăn mừng đại lễ Vượt Qua), người ta cũng đọc thấy “Ta mắc nợ này: là phải cảm tạ, ngợi khen (…) chúc tụng Đấng đã ban cho cha ông chúng ta và cả cho chúng ta hằng hà dấu chỉ. Ngài đã kéo ta ra khỏi ách nô lệ đến nơi tự do, từ cõi u sầu đến miền hoan lạc, từ chốn tan tác vào nơi vui vẻ, từ tối tăm ra ánh sáng và từ chỗ bị áp bức tới nơi giải phóng. Và trước nhan Ngài ta hãy hát lên bài ca mới Alleluia”. Sau khi đã hát xong lời nguyện, Chúa Giêsu bẻ bánh. Ngài phát cho các vị đồng bàn mỗi người một miếng và vừa phân phát, Ngài vừa nói: “Hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Trong tiếng Arain, ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng, tiếng “Mình” không phải chỉ nói riêng đến phần thân xác, mà là đến toàn bộ “con người” như thế Chúa Giêsu không chỉ ban phát thân xác của Ngài làm của ăn cho chúng ta – như kiểu giải thích duy vật của Tây phương. Ngài loan báo rằng toàn bộ thân mình của Ngài sẽ được giải thoát khỏi sự chết và ta sẽ được thông phần vào việc giải thoát ấy.

Ý nghĩa của món quà tặng này còn được Ngài làm rõ hơn ngay sau đó, qua cử chỉ và lời nói của Ngài khi cầm lấy chén. Ngài trịnh trọng tuyên bố: “Đây là Máu Thầy, máu để lập giao ước, đổ ra cho nhiều người” (c.23-24). Mọi lời nói ở đây đều cô đọng lạ thường. Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu nho lên, rồi chúc tụng “tạ ơn” Thiên Chúa một lần nữa. Chính từ ngữ Hy Lạp này đã phát sinh ra từ “cucharistic” (hành động tạ ơn) trong tiếng Pháp, rồi từ đó người ta dùng để chỉ về toàn bộ các nghi thức liên quan đến việc này. Khi đọc bản tường thuật trên đây, ta nên lưu ý đến sự kiện khó hiểu này, các tông đồ đã uống trước khi Chúa Giêsu loan báo ý nghĩa và làm phép. Những tiếng “Máu của Thầy” trong ngôn ngữ Do Thái có nghĩa là “cuộc đời Thầy” (Lv 17,14). Khi uống rượu đã được thánh hiến, các môn đệ không phải là đã uống Máu Người. Họ đâu có phải là những kẻ ăn thịt người. Họ thông phần với con người Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình trên thập giá (1Cr 11,17 - 34). Những lời Chúa Giêsu nói tiếp theo sau đó đã giải thích rất minh bạch ý nghĩa cái chết của Ngài. Máu Ngài đổ ra sẽ là “máu của giao ước”. Thuở xưa trên núi Sinai, Thiên Chúa đã kết ước với dân Israel, dân được tuyển chọn. Sau khi đọc lề luật của Thiên Chúa cho dân Israel nghe xong, Môsê đã ghi dấu giao ước đầu tiên này bằng máu của những bò tơ (Xh 24,3-8). Lúc này, qua cái chết của mình, Chúa Giêsu sẽ thiết lập điều mà Phaolô (1Cr 11,25) và Luca (22,20) gọi rất chính xác là giao ước “mới” giữa Thiên Chúa và toàn thể loài người. Thực vậy, Chúa Giêsu hiến mình chịu chết đã đem lại một ý nghĩa “cứu độ” và phổ quát. Máu Ngài “đổ ra cho nhiều người”. “Nhiều người” là một lối nói trong tiếng Do Thái để chỉ về toàn thể loài người và lối nói này đã ám chỉ chắc chắn đến người tôi tớ đau khổ sắp lãnh nhận cái chết để hòa giải các dân thiên hạ với Thiên Chúa như các tiên tri đã loan báo trước đó (Is 53,12).

Như thế, Chúa Giêsu đã nâng sự chết Ngài sắp phải chịu lên một tầm mức cứu độ phổ quát. Ngài hiến thân xác và mạng sống của mình để cứu chuộc thế giới. Rồi khi kết thúc bữa ăn, Thầy đã mở ra một viễn cảnh hạnh phúc (c.25). Ở đây, Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ chiến thắng sự chết. Ngài hứa hẹn Nước Chúa sẽ đến qua hình ảnh một bữa tiệc, ở đó rồi ra mọi người sẽ được ăn no uống đủ. Ở đó, “rượu mới” sẽ tuôn tràn cho mọi người, một khi sự chết đã bị tiêu diệt (chướng ngại vật tối hậu!) thì hết thảy mọi dân nước trên địa cầu này sẽ thông phần với Thiên Chúa hằng sống (Is 25,6-9).

Các cộng đoàn Kitô hữu đều có sử dụng đến các câu trích dẫn từ bản tường thuật trên. Maccô đã cho ta thấy rằng Chúa Giêsu đã thiết lập phép Thánh Thể. Đối với các Kitô hữu, bữa tiệc này đã được lập lại để “tưởng nhớ” sự chết và sự sống lại của Đấng Cứu Độ. Khi cùng nhau “bẻ bánh” và “uống rượu chúc tụng”, người Kitô hữu ý thức được họ phải loan truyền cho anh em biết đến các biến cố cứu độ này. Họ biết rằng bí tích này phải thực thi sống động mầu nhiệm Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Cũng như các anh em Do Thái cử hành lễ Vượt Qua thế nào, thì các môn đệ Chúa Giêsu cũng lập lại những lời nói, nghi lễ này thế ấy, đó là “từ thời nay tớ thời khác, khi con người ra khỏi đất Ai Cập, họ đã mắc nợ. Ta hãy chúc tụng Thiên Chúa chí thánh, Đấng không chỉ giải thoát cha ông chúng ta mà cả chúng ta nữa. Trong Ngài, chúng ta được cứu thoát!.

Bữa tiệc ly Chúa Giêsu dùng với nhóm Mười Hai kết thúc như mọi bữa tiệc khác của người Do Thái (c.25). Người ta hát phần thứ hai bài ca “Hallel”, trích từ Thánh Vịnh 115-118. Khi kết thúc bài ca tán tụng này, người ta hát “Alleluia”: “Hãy ca tụng Thiên Chúa”. Rồi Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên núi Cây Dầu. Đó là cách thầy trò dễ dàng tìm được nơi nương náu an toàn, tránh được các đe dọa đang rình rập họ ở trong thành.