Chúa Nhật IX - Năm B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
GIAO ƯỚC ĐỔ RA VÌ MUÔN NGƯỜI
Chú giải của Noel Quesson

Hôm ấy nhằm ngày thứ nhất trong tuần bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.

Đức Giêsu đã bị “hành quyết” vào một ngày thứ sáu, rất có thể năm ba mươi hay ba muơi ba, vào lúc những con chiên được giết để mừng lễ Vượt qua trong khuôn viên đền Thánh (Ga 19,14).

Nhưng người ta không biết rõ Chúa Giêsu đã theo lịch nào để dùng bữa ăn cuối cùng của Người. Điều chắc chắn là Người đã mặc cho bữa ăn này một đặc tính “vượt qua”.

Lễ Vượt Qua là một lễ lớn của người Do Thái: Người ta ăn mừng cuộc “giải phóng”. Trong một bữa ăn cổ truyền được tổ chức tại nhà, trong gia đình, người cha phải giáo huấn con cái mình nhớ lại việc tổ tiên của họ đã được giải thoát khỏi ách nô lệ như thế nào. Vì thế, dân Do Thái luôn ý thức mình là một dân tộc “nguyên là nô lệ” nhưng bấy giờ được “tự do! Chúa đã can thiệp, ủng hộ sự nổi lên của họ chống lại kẻ áp bức, giúp họ ra khỏi đất Ai Cập, để vào miền đất hứa.

Mỗi năm tại Nagiarét, Đức Giêsu cùng với Thánh Giuse và Đức Maria, đã cử hành bữa tiệc mừng lễ này. Người đã thuộc lòng mọi diễn tiến theo nghi thức trong bữa ăn: Bánh miến, rượu nho, thịt chiên, rau đắng, kinh nguyện, thánh vịnh. Nhưng tối hôm đó, Người sẽ cho bữa ăn cổ truyền này một nội dung mới! Hôm nay chính người là đấng giải phóng!

Đó là lễ vượt qua! Công cuộc giải phóng! Một bữa tiệc mừng, một bữa ăn giải thoát dân khỏi ách nô lệ .

Chúng ta quá coi thường điều đó! Các Thánh lễ của chúng ta có nguy cơ bị nhạt nhẽo và nhàm chán lặp đi lặp lại biết bao Thánh lễ xem ra có phần bi thảm! Điều quan trọng là trước hết chúng ta phải lo lắng “cử hành những buổi lễ” và “tôn trọng các nghi thức”! Chúng ta có hay quên rằng mình luôn luôn cần phải được “giải phóng” và “cứu rỗi không”. Thưa quý ông bà, vâng quý ông bà vẫn còn là những “nô lệ”. Quý vị hãy xét kỹ lại cuộc đời của mình và hãy tỏ ra sáng suốt. Hãy ý thức tất cả những gì đang xiềng xích quý vị, lúc bấy giờ quý vị sẽ xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con dọn bữa ăn lễ vượt qua cho Thầy, bữa ăn giải phóng ở đâu?”. Vâng xin Chúa giải phóng chúng con thoát khỏi tội lỗi và sự chết.

Người liền sai hai môn đệ đi mà dặn họ: “Các anh đi vào thành, rồi sẽ gặp một người mang vò nước, cứ đi theo người đó.”

Bầu khí lúc bấy giờ trở nên nặng nề. Đức Giêsu là một người bị săn đuổi. Những lãnh tụ Do Thái đã quyết định giết hại người. Vì thế Đức Giêsu làm như ra tín hiệu cách kín đáo. Ngừơi có bạn hữu, nhưng phải liên hệ cách vụng trộm. Người đã chuẩn bị tất cả – tôi hình dung ra hai môn đệ đang đi theo người mang vò nước – cái chết của đức Giêsu, việc Người rời khỏi thế giới này, phải chăng đối với chính người trước tiên, là một việc vượt qua, một cuộc giải thoát. Đó là “Lễ vượt qua của Chúa”: người sẽ được giải thoát.

Người đó vào nhà nào, các anh đi theo và thưa với chủ: “Thầy hỏi ông dành cho Thầy phòng nào để ăn lễ vượt qua với các môn đệ?”. Ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, sẵn sàng đầy đủ tiện nghi. Các anh dọn tiệc cho chúng ta ở đó.

Đức Giêsu đã tiên liệu tất cả. Người cảm thấy tầm quan trọng. Chính Người là chủ mời. Dó là “bữa ăn của Người”. Lát nữa, chính Người sẽ là chủ toạ. Những môn đệ là “khách được mời”.

Người dùng quyền sắp đặt và chuẩn bị. Chúng ta ngạc nhiên vì sự quan trọng của chi tiết này. Đúng vậy, ngày nay, bất cứ một buổi lễ nào cũng phải được chuẩn bị. Chúng ta hằng nghĩ đến những buổi lễ tại làng thôn hay trong khu xóm, những bữa ăn mừng rước lễ lần đầu, lễ đính hôn hay kết hôn. Chúng ta rất muốn buổi lễ được thành công, và như thế chúng ta phải rất cực nhọc.

Còn những Thánh lễ của chúng ta thì sao? Chúng ta có chuẩn bị tử tế không? Biết bao Thánh lễ đã được cử hành cách vội vã, đọc cho qua lần, cử hành cho mau xong. Như Đức Giêsu chúng ta cần quyết định biến các Thánh lễ của chúng ta thành buổi lễ thực sự, cần dành thời giờ để “chuẩn bị", và trước hết phải đến đúng giờ và nếu cần, hãy lập lại những bài Thánh ca trước khi cử hành Thánh Thể, như phần cốt yếu của buổi lễ. Đức Giêsu, tối hôm ấy đã chuẩn bị tất cả để cho buổi lễ được tốt đẹp và trang trọng.

Hai môn đệ ra đi - Vào đến thành các ông thấy mọi sự y như người đã nói, và các ông dọn tiệc vượt qua.

Thánh Máccô nhấn mạnh về điểm này. Ngài muốn đề cao uỷ quyền và vẻ nghiêm trọng của Đức Giêsu. Người đã tiên liệu tất cả, Người đã quyết định tất cả. Người là "Chúa”, không ai chối cãi được. Đức Giêsu biết rằng đó là buổi hội họp cuối cùng của Người với các bạn hữu, "giờ" đã nghiêm trọng rồi: Thánh Gioan sẽ nói là "giờ" của Người". Việc gì đã xảy ra? Chúng ta được đưa vào một hồi kịch quan trọng, biến cố sắp xảy ra... sẽ thay đổi lịch sử của hành tinh, của nhân loại. Cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu là sự giải phóng thế gian tội lỗi.

Khi tôi đi dự lễ Chúa Nhật, tư tưởng của tôi như thế nào? Tôi chuẩn bị tâm hồn ra sao? Đó có phải là một “biến cố" trong tuần sống của tôi không? Tất cả có hội tụ và hướng về đó không? Hay đó chỉ là một thời gian nhỏ bị "đánh cắp" cách lén lút trong những công việc quan trọng khác của tôi? Một thứ "dấu ngoặc"?

Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy tấm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ

Chúng ta có 4 trình thuật về cảnh này. Thánh Maccô, Thánh Luca, Thánh Matthêu và Thánh Phaolô (I Cr 11, 23-25). Bốn trình thuật này đều như nhau về điểm cốt yếu, nhưng trình bày cho chúng ta những công thức khác nhau trước những "lời" Chúa phán. Đức Giêsu đã không quá câu nệ là nghi lễ, và cả Giáo Hội tiên khởi cũng thế. Điều quan trọng là phải lưu ý sự kiện hiển nhiên này để giải thoát chúng ta khỏi một quan niệm, “duy vật" về các bí tích, cứ như là Người dính liền với những từ ngữ, theo kiểu phù thủy - Thực ra người ta không biết rõ "từng chữ" Đức Giêsu đã nói tối hôm đó như thế nào - Bốn trình thuật không phải là những phóng sự, mà là những bản văn phụng vụ khác nhau. Đã được dùng trong những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Người ta có thể đoan chắc rằng những cộng đoàn đó, vì gần với biến cố vừa qua, đã tôn trọng ý định và cả những công thức của Đức Giêsu.

Trước tiên chúng ta cần tưởng tượng những "cử chỉ" của Đức Giêsu. Người "cầm lấy" bánh? Tôi thấy tay Người đưa ra với lấy chiếc bánh trên bàn. Tôi nhìn tay của Người, cầm chiếc bánh không men, "một thứ bánh của người nghèo mạt", vì tại Ai Cập, tổ tiên chúng ta đã không có thì giờ để cho lèn men. Người "đọc lời chúc tụng" đó là lời tạ ơn. Về chén rượu Thánh Máccô dùng chữ "Eueharitèsas" có nghĩa là "đang khi tạ ơn", do đó có từ Thánh Thể. Tôi lắng nghe Đức Giêsu cầu nguyện, nói lời "tạ ơn" Chúa Cha, trong thái độ vui mừng. Tôi ngắm nhìn dung nhan Đức Giêsu, khi Người nói chuyện với Chúa Cha. Chúng ta có thể quên được Thánh lễ là một lễ Tạ ơn sao?

Người "bẻ bánh", cử chỉ này không phải là mới lạ. Người cha trong gia đình cũng làm cử chỉ này để phân phát phần cho mỗi người, nhưng cử chỉ tượng trưng này rất đẹp: Mọi người đều ăn cùng một tấm bánh. Điều này nhấn mạnh việc "đồng bàn mà sẽ thành một ý lực trong những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Thánh lễ là một thách thức muốn bứng tận gốc rễ những khuynh hướng vị kỷ của chúng ta. Nếu ta vẫn giữ những bức tường ngăn cách mà Đức Giêsu đã phá đổ, thì chúng ta đã nhạo báng Mình thánh Chúa vậy (Pr 2,14). Tôi nhìn Đức Giêsu bẻ bánh. Họ đã nhận ra Người qua cách bẻ bánh" Người "trao" bánh này. Khi tôi rước lễ, tôi có ý thức được rằng chính Đức Giêsu đưa miếng bánh cho tôi không? Đó là cử chỉ thánh thiêng và đầy ý nghĩa huyền bí. Lạy Chúa, đây là tay chúng con đưa ra để đón Chúa!

Và Người nói: "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy".

Sau nhiều thế kỷ, tranh cãi, mà trong thời gian đó từ trên đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau, nhiều cộng đoàn họp lại thành Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội năm 1974, đã đồng ý về bản văn chung sau đây: "Bữa ăn bánh miến và rượu nho này là một bí tích, dấu chỉ hữu hiệu và quả quyết sự hiện diện của chính Đức Kitô, Người đã hy sinh mạng sống mình cho tất cả loài người và đã tự hiến thân mình làm bánh hằng sống. Vì lẽ đó, bữa tiệc Thánh Thể là Bí tích Mình và Máu Thánh của Đức Kitô. Bí tích của sự hiện diện thực sự của Người. Chính Thánh Thần trong Thánh Thể cho Đức Kitô thực sự và hiến thân trong bánh và rượu. Khi đọc lời truyền phép. Dĩ nhiên chúng ta luôn đứng trước một mầu nhiệm. Thánh Thomas Aquino, nhà thần học vĩ đại về Bí tích Thánh Thể ở thời Trung cổ đã viết: "Sự hiện diện thực sự" này không có nghĩa là giới hạn Đức Kitô ở trong bánh và rượu mà thôi hay gây ra một sự biến đổi vật lý hóa học nào của những chất này. Tất cả những vẻ bên ngoài vẫn không thay đổi (Tổng luận thần học cuốn III 76/3-5. 77/5-8).

Con người thời nay cần phải lặp lại những chân lý cổ truyền này. Thánh lễ về "Lễ Mừng kính Thiên Chúa" đã được Thánh Thomas Aquino soạn ở Orvieto vào năm 1264. Cùng với toàn thể Giáo Hội tiên khởi, Thánh Thomas “đã tin” nhưng không theo một cách đơn giản. Thánh Phaolô phải chăng là người đầu tiên đã nói rằng, cần phải có đức tin mới "nhận thấy được Mình và Máu Thánh Chúa sao?" (1 Cr 11,23-29).

Vâng, lạy Chúa, chúng con xin tin!

Người lại cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ và tất cả đều uống. Người bảo họ: "Đây là Máu Thầy, Máu để lập Giao ước đổ ra vì muôn người”.

Đó là bản dịch chính xác đoạn văn Hy Lạp của Thánh Maccô. Đức Giêsu biết người sắp chết, và chết cách nào. Người thế chỗ cho con chiên vượt qua (mà người ta không nói đến tí nào trong bữa ăn vượt qua này, trong khi món này là chính trong nghi lễ Israel). Ở đây Đức Giêsu làm cho ta nhớ đến người tôi tớ của Đức Giavê (đã hy sinh mạng sống của mình cho muôn dân) (Is 53,11). Đó là một "Giao ước". Thiên Chúa trở nên một thực tại duy nhất với nhân loại, một người trong "đồng minh". Và điều này đã được định nghĩa với những gì là mật thiết và sống động nhất trong chúng ta; "Máu”.

Thầy bảo thật anh em: "Chẳng bao giờ Thầy còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày được uống thứ rượu mới trong nước Thiên Chúa". Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ đi lên núi Ôliu.