Chúa Nhật VI Thường Niên - Năm B
LÒNG TỪ ÁI
SƯU TẦM

Trong Kinh Thánh qua các thời kỳ, người ta tin rằng căn bệnh phong hủi rất hay lây nhiễm. Vì lý do đó, những người phong hủi bị bắt buộc phải sống bên ngoài cộng đồng. Người ta biết đến họ như là những người không thể đụng chạm vào được. Sự hiện hữu của họ quả thật là lạnh lùng, cô độc. Họ phải sống xa cách với mái nhà, gia đình và bạn bè của họ. Họ là những con người đã từng hòa mình trong cuộc sống, thế mà hiện nay, họ không là gì cả. Cuộc đời của họ là một cái chết sống động. Người ta tin rằng họ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Người ta cho rằng họ không chỉ là những kẻ bệnh hoạn, mà còn không tinh sạch nữa. Người đàn ông đang tiến lại gần Đức Giêsu chính là loại người đó. Anh ta không được xuất hiện trước công chúng, mà không rung chuông, hoặc không la to lên báo hiệu, để cho mọi người cảnh giác. Anh ta có nguy cơ bị xua đuổi bằng những cục đá. Nhưng anh ta quyết định đi gặp một người, mà anh ta tin rằng sẽ không xua đuổi anh.

Đức Giêsu nhìn thấy người phong hủi đang lại gần, và cho phép anh ta tiến thẳng đến với Người. Liệu Người có đụng chạm vào người phong hủi này không? Nếu Người sờ tay vào người phong hủi, thì Người sẽ nói gì? Nếu Người không sờ tay vào người phong hủi, thì Người sẽ nói gì? Nhận thấy tình trạng bi đát của anh ta, Đức Giêsu đã động lòng thương, Người tiến lại gần và sờ vào anh. Đây là một hành động biểu tượng, chắc chắn sẽ gây sốc cho những người xem. (Người ta nhận thấy ở bắc Ailen, thậm chí ngay cả một cái bắt tay đơn giản, cũng có thể gây rắc rối). Khi đụng chạm vào người phong hủi, thì Đức Giêsu đã tự biến mình thành một người không tinh sạch. Hầu hết mọi người trong chúng ta đều e ngại người đau yếu và người nghèo khổ. Chúng ta có thể cho người ăn xin một vài đồng lẻ, nhưng chắc chắn chúng ta không hề có tương quan gì đối với họ. tuy nhiên, chúng ta lại thích được đụng chạm vào. Chúng ta cảm thấy vinh dự, khi được một nhân vật quan trọng nào đó bắt tay, hoặc vỗ vào lưng chúng ta.

Chắc hẳn là sự tiếp xúc về mặt thể lý tạo cho mọi người, đặc biệt là những người đau yếu và bị thương tật, một cảm giác nồng ấm và vui tươi. Chính khi đụng chạm vào người khác, chúng ta cảm nhận được một cách chính xác về người đó. Đức Giêsu đã đụng chạm vào những người phong hủi, tội lỗi, đau yếu và kẻ chết.

Bạn hãy thử tưởng tượng xem người phong hủi cảm thấy sung sướng đến thế nào, khi Đức Giêsu đụng chạm vào người anh ta. Trước hết, anh ta cảm thấy mình là một con người. Thân xác của anh ta đã bị tổn thương sâu xa hơn – do cảm giác rằng mình bị tất cả mọi người, kể ac Thiên Chúa, xua đuổi và bỏ rơi. Bằng cách đụng chạm vào anh ta, Đức Giêsu đã chữa lành tinh thần bị tổn thương của anh ta. Thế rồi người phong hủi nói “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Đức Giêsu đáp: “Tất nhiên là tôi muốn”. Và Người đã chữa lành cho anh. Bây giờ, anh được chữa lành cả về thân xác nữa, hoàn toàn được lành lặn.

Nơi người y bác sĩ, lòng từ ái hầu như là một điều quan trọng nhất đối với một bệnh nhân. Khi người ta xuất viện sau một cuộc phẫu thuật hoặc một cơn bệnh, một trong những điều mà người ta luôn phê bình, đó là về cách cư xử của các bác sỹ và y tá.

Đức Giêsu yêu cầu người phong hủi im lặng về việc chữa bệnh của Người. Nhưng người này lại loan báo đi khắp mọi nơi về điều mà Đức Giêsu đã làm cho anh ta. Và anh ta không chỉ nói về sự kiện Đức Giêsu chữa lành cho anh, nhưng anh ta còn nói về tấm lòng từ ái và sự tôn trọng thật đáng kinh ngạc, mà Người đã cư xử với anh.

Đức Giêsu đưa bàn tay đầy yêu thương và chữa lành về phía một người hạ đẳng. Người thách đố chúng ta – những kẻ đi theo Người – trong việc tiếp cận với những con người mà ngày nay xã hội ruồng bỏ: các tù nhân, những người nghiện ma túy, những lữ khách, các nạn nhân Aids…

Những điều mà người ta có thể làm cho người khác thật đáng kinh ngạc. Người ta có thể nhen nhúm lại niềm hy vọng, mang đến niềm vui sống, thông truyền cảm hứng cho những kế hoạch tương lai, phục hồi lòng tự trọng và tự hào. Thậm chí người ta còn có thể phản ánh một cách lờ mờ về lòng từ ái vô biên của Thiên Chúa nữa.