Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B
CHÚA GIÊSU, NGƯỜI CÔNG GIÁO ĐẦU TIÊN
Achille Degeest

Thánh sử Marcô trình bày cùng chúng ta Chúa Giêsu đang thi hành chức vụ như: loan báo Nước Trời, chữa kẻ bệnh tật, trừ ma quỷ, cầu nguyện. Cảnh tượng được mô tả hôm nay nhấn mạnh cho ta thấy Chúa Giêsu lo lắng dấn thân vào cuộc đời bình thường của con người đến thế nào. Người mới giảng dạy ở Nhà Hội là nơi thường để hội họp xong Người lại mau mắn theo Phêrô và Anrê về nhà họ. Phêrô biết có chuyện không hay trong nhà mình, song điều đó cũng không ngăn cản Chúa cứ đến.Chúa chữa lành cho nhạc mẫu Phêrô. Chúa dùng bữa mà chính tay bà đã dọn. Vào buổi chiều, hẳn là vào lúc mà ngày Sa-ba chấm dứt, Người chữa lành cho nhiều bệnh nhân được mang tới. Người biểu dương quyền năng Người trên sự dữ bằng cách đẩy lui bệnh tật và xua đuổi tà thần. Người lưu lại nhà Phêrô và Anrê để qua đêm, nhưng sau khi đã chia sẻ những thực tế tầm thường ấy của đời sống nhân loại, Chúa đã thức dậy trước bình minh để hoàn toàn chìm đắm vào sự thân mật của Chúa Cha. Người trở về nguồn. Người không giây phút nào mất liên lạc với Cha Người. Người trở lại cùng với loài người, với những tư tưởng và ý muốn của Chúa Cha. Người không để bị lôi cuốn đến chỗ sa lầy, vào những kêu gọi tức thời và ích kỷ của những người ở Caphanaum. Người không hề rời khỏi tầm mắt những kích thước của sứ mạng mình. Ngoài Caphanaum, Người rảo qua khắp hết miền Galilê, trong lúc đợi chờ sai môn đệ đi khắp cùng thế giới. Chúng ta hãy lưu tâm đến hai câu nhỏ, song gợi ý trong bài này.

1) Tiến lại gần, Người cầm lấy tay bà. Thánh sử Marcô ghi rõ chi tiết này, khi nói đến việc Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu của Phêrô. Qua cung cách xử sự ấy của Chúa Giêsu, người ta có thể nhận ra nỗi quan tâm của Chúa, muốn gần gũi với con người. Tự biết mình là Con Thiên Chúa, Người rất có thể, tự đàng xa, chữa mọi bệnh tật, tiêu diệt tội lỗi, thanh tẩy con người sạch mọi sự dữ. Vậy mà, Chúa đã làm gì? Chúa cầm lấy tay loài người. Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô, không chỉ để cho các nguyên nhân siêu việt thi hành vai trò mà Người đã trang bị từ đầu. Cư xử với con người, con người trong nhân cách riêng và như phần tử của cộng đoàn nhân loại rộng lớn, Thiên Chúa đã nắm lấy tay con người; Chúa Giêsu là Con Người tuyệt hảo, là Con Người của Thiên Chúa Con nhập thể, đã đến để cứu chữa nhân loại bằng cách “cầm lấy tay” từng người, bất luận họ ở trình độ lương tâm và kiến thức nào. Không một con người nào, dầu là sơ khai đến mấy, mà không được chính Đức Kitô chú ý riêng. Con Thiên Chúa tự mặc lấy nhân tính để chiếm đoạt được nhân loại, Người tự cho mình đôi tay để cầm lấy từng người. Trong giây phút chúng ta đang lâm cơn bị cám dỗ, phạm tội, buồn phiền, thất vọng, chúng ta có nghĩ tới bàn tay nào đó, đang giơ ra để nâng đỡ không?

2) Chúng ta hãy đi đến khắp mọi nơi để Ta cũng rao giảng ở đó nữa, bởi chính vì mục đích đó mà Ta được sinh ra. Chúa Giêsu, từ Thiên Chúa mà ra, không để cho mình bị giam hãm trong thực thể này hay thực thể nọ. Chức vụ Người thi hành tại Caphanaum đã đem đến cho Người nhiều cảm tình nồng nhiệt. Người ta bao vây Người, người ta muốn chiếm đoạt Người. Nhưng Chúa Giêsu đã tự tháo gỡ. Tại sao vậy? Tại vì con người của Chúa bị hai chiều kích vô biên lôi cuốn. Trước hết là kích thước vô biên của Chúa Cha, sau là chiều kích vô biên sâu thẳm của nhân loại. Người kitô hữu đừng quá sở noi gương ấy của Chúa Giêsu một cách nghiêm túc. Chính đó là nguồn gốc tinh thần công giáo. Chúng ta là công giáo trong tư tưởng của mình, khi mà chúng ta từ chối không để cho trí óc của mình bị giam hãm trong một hệ thống tư tưởng nào, dầu cho đó là một nền thần học thật hấp dẫn. Vì trí óc con người thật hữu hạn, nó bị bó buộc suy tư trong lòng một hệ thống này hay hệ thống nọ, nhưng tinh thần công giáo ngăn cản nó khỏi bị giam cầm trong đó. Người ta được phổ quát trong hành động, khi nào người ta lo giữ mình luôn được tự do, nghĩa là luôn luôn sẵn sàng cho Thiên Chúa, ngay cả bên trong những cam kết của mình. Chúng ta là công giáo trong việc tông đồ này hay việc tông đồ nọ, khi người ta biết lo liên kết nó với “nơi khác”, tức là đời sống của toàn Giáo Hội. Nguồn gốc tinh thần công giáo là sự hướng lòng mình, vừa lên với Thiên Chúa vô tận lại vừa về với nhân loại vô biên, chính là đức ái thần linh vậy.