Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm B
UY QUYỀN
SƯU TẦM

Ngày 25 tháng 2 năm 1986, Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos và phu nhân Imelda bỏ xứ ra đi đến Hawaii với 22 thùng đựng toàn giấy bạc Phi trị giá 1 triệu 7 trăm ngàn Mỹ kim. Ngay sau đó dân chúng biểu tình đã tràn ngập vào dinh điện Malacanang, nơi làm việc và cư ngụ của ông Marcos trong 20 năm làm tổng thống. Đó là một lâu đài sang trọng và lộng lẫy. Có một phòng ngủ thật rộng lớn, gồm đầy đủ những dụng cụ ăn chơi giải trí. Riêng bồn tắm bên trong phòng ngủ của bà Imelda, cựu hoa hậu, vợ ông Marcos, dài 3 mét, xung quanh lát kính phản chiếu, với một bình nước hoa 4 lít được chế tạo tại Paris mang nhãn hiệu “Đệ nhất phu nhân”. Những phòng chứa quần áo sang trọng của bà to lớn như cửa tiệm Bloomingdale ở Mỹ, với 3000 đôi giầy đủ kiểu, đủ mầu, 3000 chiếc quần lót mới tinh, trên 100 chiếc ví da hiệu Gucci, và 100 đôi găng tay da. Ngoài ra người ta còn tìm thấy một cái hóa đơn của tiệm kim hoàn ở Paris là 2 triệu Mỹ kim, một cái hóa đơn 107 ngàn đôla của một chiếc áo dạ vũ và 6 chiếc áo bằng tơ lụa. Các hóa đơn nhét đầy các hộc tủ, cái nào cũng hàng ngàn, hàng trăm đôla.

Nước Phi Luật Tân có tỷ lệ là 70/o dân chúng sống trong nghèo đói, với lợi tức mỗi đầu người là 200 đôla một tháng. Trong khi đó tài sản của ông Marcos có khắp nơi trên thế giới trị giá là 10 tỷ Mỹ kim, gấp 3 lần ngân sách quốc gia. Tài sản của ông gồm tiền mặt, kim cương, chương mục ngân hàng, nhà cửa, đất đai, cổ phần đầu tư, nhiều nhất là ở Thụy Sĩ, Pháp, Anh và Mỹ. Làm tổng thống trong một đất nước nghèo khổ, với số lương là 5,700 Mỹ kim một năm, vậy mà ông Marcos sống như một ông vua dầu lửa Ả Rập thì tiền bạc đó lấy ở đâu ra?

Do đó, ông Marcos cương quyết không chịu rời chiếc ghế tổng thống! Ông Trần văn Giàu, nhà sử học của đảng Cộng Sản Việt Nam đã nói một câu thắm thía: “Cái đít con người ta có trí nhớ. Nó nhớ tới cái ghế!”

Quyền hành đi đôi với lợi lộc để kết thành quyền lợi. Vì nắm quyền thì có lợi, nên người ta cứ mãi ham mê quyền hành! Phản ảnh thực trạng xã hội Việt Nam, bạn Bùi Xuân Dũng đã chia sẻ bài thơ “Khi Sếp Xây Nhà” trên báo Tuổi Trẻ Cười như sau:

   Được tin sếp sắp xây nhà,

Ai cũng muốn “giúp” bởi là chỗ “thân”.

   Công ty xa xí nghiệp gần,

Xi măng, sắt thép… cho quân chở về.

   Điều thêm mấy chục thợ nề,

Ưu tiên toàn chọn tay nghề bậc cao.

   Nhà xong “khách sạn năm sao”,

Chi phí thế nào, sếp cũng không hay.

   Công trình “chìa khóa trao tay”.

Sếp xem ngày tốt dọn ngay khỏi chờ.

   Ngắm nhà dân mới rỉ lời,

“Ngôi nhà tình nghĩa” quê tôi đó mà!

Phúc Âm hôm nay, cũng diễn tả quyền hành của Chúa Giêsu, nhưng đó không phải là thứ quyền hành trần gian.

1. Quyền của Chúa Giêsu là quyền giảng dạy Thánh Kinh, Lời Chúa, và gây dựng Vương Quốc Thiên Chúa nơi các tâm hồn: “Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền”.

Phúc Âm của thánh Máccô đã được viết vào khoảng giữa những năm 60 và 65 cho những tín hữu gốc Do Thái, không phải ở Juđêa, mà ở Rôma. Cũng trong thời gian này hoàng đế Nêrô bắt đầu đi tìm những người Kitô hữu ở Rôma để bắt bớ. Khởi đầu cho cuộc bách hại đạo Kitô giáo kéo dài khoảng hai thế kỷ rưỡi, từ năm 64 tới năm 313. Nếu chúng ta đặt mình vào trường hợp một người gốc Do Thái đang sinh sống ở Rôma, nhưng tin vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ phải đối diện với những lựa chọn quyết liệt. Theo ai và vâng lời ai? Quyền của ai trên hết? Quyền của các thầy Rabbi Do Thái? Quyền của hoàng đế Nêrô? Hay quyền của Chúa Giêsu Kitô? Sự lựa chọn có ý nghĩa gì cho chúng ta hôm nay?

Lựa chọn rồi quyết định, tuân giữ lời Chúa Giêsu dạy, sẵn sàng chịu thiệt thòi, bắt bớ, phải sống trốn tránh nơi các hang hầm mộ – catacomb – ở Rôma như các tín hữu Kitô giáo thời sơ khai, không phải là chuyện dễ! Họ là những vị thánh đã sống lời Chúa cách can đảm, trung thành tùng phục dưới quyền cai trị của Chúa Giêsu giữa những thử thách bắt bớ của chính quyền trần gian!

Có một câu chuyện kể về những người Do Thái sống ở Ba Lan trong một ngôi làng rất xa xôi hẻo lánh đã nhiều năm không có một người thợ sửa đồng hồ nào ghé qua. Sau một thời gian, những chiếc đồng hồ trong làng đều bị hỏng, mỗi cái chạy mỗi giờ khác nhau. Đa số những người dân làng đã buông xuôi, không thèm lên giây thiều những chiếc đồng hồ vô dụng nữa. Sau cùng, có một người thợ sửa đồng hồ tình cờ đã đi ngang qua ghé vào thăm làng. Dân chúng bèn mang những chiếc đồng hồ đến cho ông sửa dùm. Nhưng những chiếc đồng hồ của họ đã bị sét rỉ, bị ăn mòn vì lâu năm không dùng đến, không thể sửa lại được nữa, trừ ra một chiếc đồng hồ mà người chủ của nó đã kiên trì lên giây thiều mỗi ngày. Mặc dù ông biết rằng nó không chạy đúng giờ, ông vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có một người thợ sửa đồng hồ ghé qua làng.

Người tín hữu trung thành cũng giống như người chủ chiếc đồng hồ này. Qua lời cầu nguyện, việc thờ phượng, đọc Thánh Kinh và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta có thể giữ vững tinh thần. Mặc dù đôi khi chúng ta không chắc chắn được phương hướng rõ rệt Thiên Chúa muốn định cho cuộc sống của mình. Trong những hoàn cảnh khó khăn và thử thách đó, Thiên Chúa vẫn hiện diện và hoạt động để bẻ gẫy những nỗ lực của ma quỷ cố gắng làm cho Ngài mờ nhạt đi.

2. Quyền của Chúa Giêsu có sức mạnh xua đuổi ma quỷ và chữa lành. Quỷ dữ nhận ra Chúa Giêsu là ai và phải thét lên vì khiếp sợ: “Tôi biết ông là ai: là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” “Hãy im đi, và ra khỏi người này”.

Xưa kia, khi bắt đầu mở rộng hệ thống xa lộ đường sá, có một nhân viên vẽ địa đồ của chính phủ mang dụng cụ đo ngắm tới một nông trại. Anh gọi điện thoại cho người nông dân và xin phép đi vào nông trại, ruộng vườn của ông để đo đạc và vẽ họa đồ. Người nông dân này từ chối không cho phép vì sợ rằng hệ thống xa lộ sẽ đi qua miếng đất của mình. Trong khi anh vẽ địa đồ xuất trình giấy tờ là nhân viên của chính phủ và khăng khăng cho mình có quyền vào bất cứ nơi nào trên khắp nước để thi hành nhiệm vụ. Phải đương đầu với nhân viên của chính phủ, người nông dân bèn chịu thua, ra mở cổng cho vào. Sau đó ông đi đến cuối nông trại và mở thêm một cái cổng khác, cổng chuồng bò điên dữ tợn nhất trong trại. Nhìn thấy con bò to lớn, dữ tợn đang cắm đầu xông vào mình, anh nhân viên địa đồ bèn vứt mọi dụng cụ, cắm đầu chạy thục mạng. Còn người nông dân thì cười đắc thắng và nói: “Có giỏi thì trình giấy tờ ra cho nó xem! Chỉ cho nó thấy cái quyền bính của mình đi!”

Trong tiếng Hy Lạp, chữ “quyền bính” – “authority” – là “exousia”, chữ “sức mạnh” – power” – là “dunamis”. Quyền bính và sức mạnh có những ý nghĩa khác nhau. Anh công nhân vẽ địa đồ trong câu chuyện ở trên, có quyền nhưng không có sức mạnh đối với con bò hung dữ. Nhưng trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta biết rằng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền và có sức mạnh xua đuổi ma quỷ và tẩy trừ tội lỗi để cứu chuộc loài người. Ngài tha tội và chữa lành thương tích trong tâm hồn chúng ta.

Một linh mục linh hướng khóa Cursillo, ba ngày học hội Kitô giáo, kể lại tâm sự của một khóa sinh trẻ, học thức cao với văn bằng Tiến sĩ. Câu chuyện đời của chàng quả thật rất đặc biệt. Suốt đời chàng nỗ lực theo đuổi rất thành công những việc học hành, nghề nghiệp, thể thao và nghệ thuật. Nhưng chàng vẫn cảm thấy trống rỗng. Cho dù theo đuổi bất cứ công việc gì thì cũng chỉ là những nỗ lực cố gắng lấp đầy cái lỗ trống to lớn trong tâm hồn mình mà thôi. Những thành công không làm chàng cảm thấy thoải mái hơn. Đến với khóa học chàng cảm thấy như đang đi tìm một điều gì đó sâu kín trong tâm hồn mà chàng đang khao khát.

Rồi vị linh mục đã chia sẻ chính cuộc đời của mình cho chàng nghe, những đổ vỡ và thất bại. Hoàn cảnh thì khác nhau, nhưng cùng một tâm trạng. Mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để học được cách chấp nhận Chúa Giêsu như một niềm hy vọng duy nhất cho cuộc đời, một niềm vui duy nhất trong cuộc sống. Lúc đầu ngài cũng cảm thấy rằng việc theo chân Chúa Giêsu là việc khùng điên. Nhưng rồi sau đó ngài cảm thấy tâm hồn được bình an. Đây cũng chính là điều chàng đang muốn có, sự bình an. Khi kết thúc khóa học chàng đã công khai công bố Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ của mình với một lòng xác tín mạnh mẽ và cảm động. Chàng đã chia sẻ công khai với mọi khóa sinh khác rằng: “Chỉ có Chúa Giêsu mới có quyền ban cho tôi một ý nghĩa của cuộc sống và chữa lành các thương tích đổ vỡ trong tâm hồn tôi”.

Phúc Âm của Chúa Giêsu luôn luôn là Tin Mừng. Nhưng trước khi cảm nhận được sự vui mừng thực sự của nó, chúng ta sẽ cảm thấy rất khó chịu. Không “vui mừng” tí nào cả! Để tìm thấy được ý nghĩa của Tin Mừng, để cảm nghiệm được ơn chữa lành đối với những đổ vỡ trong đời, chúng ta phải thực sự hoàn toàn quy phục dưới quyền bính của Chúa Giêsu.

Nhưng để đến được với Chúa Giêsu, những bước chân ban đầu thật khó khăn, không phải là việc tự nhiên dễ làm. Vì con người chúng ta ai cũng mang sẵn bản tính thích nổi loạn, và ương ngạnh. Chỉ nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta mới có đủ can đảm trở về quy phục dưới quyền bính và sức mạnh của Chúa Giêsu, đồng thời cũng nhận ra ý nghĩa của cuộc đời mình. Và nguồn vui hạnh phúc thực sự chỉ đến với chúng ta qua Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh của chúng ta mà thôi.