Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm B
NHƯ ĐẤNG CÓ QUYỀN UY
Gợi ý bài giảng của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Chúng ta đang ở trong các tuần đầu mùa quanh năm, là phần "nhập đề" giới thiệu các nhân vật chính của Nước Trời, đặc biệt là Chúa Giêsu. Thánh lễ hôm nay đề cập tới thế giá và uy quyền của Chúa Kitô. Chúa Kitô là vị “Đại ngôn sứ " là Môisen đã nhân danh Thiên Chúa báo trước cho dân Israel. Người thực sự là Đấng Messia, nhân danh Thiên Chúa mà đến và chỉ nói những lời của Thiên Chúa mà thôi (Bài đọc 1) Sau này, Chúa Kitô đã tuyên bố đúng như thế (x. Ga 7,10-18). Bởi đó cần tuyệt đối nghe lời Người. Chúa Kitô còn là Đấng Thánh của Thiên Chúa, mang một cái gì của Thiên Chúa, nên không lạ gì mà khi Người ăn nói, giảng dạy, thì ai nấy đều kinh ngạc về giáo lý của Người "vì Người giảng dạy như Đấng có quyền uy" (Bài Tin mừng). Chính Chúa Giêsu từng nói với Nicôđêmô: "Đấng Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa" (Ga 3,34; x. Ga 14,10). Vì Chúa có uy quyền như vậy và lời Chúa mang một thế giá siêu việt, nên Giáo Hội mượn lời Thánh vịnh mà nhắc nhủ ta: "Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người và đừng cứng lòng nữa" đáp ca: Tv 94,8).

2. “Người ta kinh ngạc về giáo lý của người" (Mc1,22). Ngày nay thì ngược lại: vì nghe và đọc lời Chúa cách vô ý thức cùng bất kính, ta thấy nhàm chán và đôi khi còn ác cảm; đi lễ, gặp các bài đọc Thánh Kinh, các bài giảng hơi dài một chút là đã kêu ca, ngáp ruồi... Bởi đó, mỗi khi cảm thấy chán ngán Lời Chúa, hoặc dửng dưng với giáo lý của Người, thì cần phải xét lại nếp sống của ta, để gạt bỏ những ngăn trở những chướng ngại; đồng thời tạo cho tâm hồn có những tâm tình, khiêm tốn, đơn sơ, ngay thẳng, là những tâm tình rất cần cho việc đón nhận Lời và giáo lý của Chúa; sau cùng, cũng cần phải gắng công tìm hiểu, học hỏi, chứ không phải ngồi đó mà nghe qua, đợi chờ cách thụ động, ươn lười, vô bổ.

3. Bài Tin mừng hôm nay quả là một thánh lễ rút gọn:

c 21. tập họp. Dân chúng quyết định đi tìm Thiên Chúa và đến cùng Ngài, vì bấy lâu nay họ đã sống cách vô thần, xoay vần đổi hướng như chong chóng, bây giờ họ muốn đi tìm thứ hạnh phúc đích thực.

c 22: phung vụ Lời Chúa. Từ thời Abraham, Thiên Chúa đã ngỏ lời và luôn luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con người. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa lại dạy dỗ, giải thích...

c 23-24: dâng lễ. Để đáp lại lời đã nghe, con người thưa "xin vâng", tin vào lời Thiên Chúa phán và hiến dâng đời mình cho Ngài. Chúa Giêsu là Đấng duy nhất đã vâng lời Chúa Cha cho đến cùng và như thế đã dâng lên Cha hiến tế duy nhất đẹp lòng Cha. Ở đây người bị quỷ ám đang chiến đấu.

c 25-26: hiệp lễ. Trong khi dâng niềm tin này, lúc mà mọi hy vọng xem ra mất hút trong đêm tối (giải thoát khỏi Ai cập-tử Nạn), Thiên Chúa đã can thiệp và thực hiện kế đồ của ngài. Và quỷ ám đã ra khỏi người kia, để từ đây tâm hồn nên trong sạch.

c. 27-28: sai đi. Nhờ ơn bí tích, Kitô hữu sau khi trở nên người mới được Chúa Cha chúc phúc và Chúa Thánh Thần tuôn đổ ơn lành, trở về với cuộc sống thường nhật với mọi người và quyết dùng cả đời mình để loan láo Tin mừng hầu "danh tiếng Người đồn ra khắp mọi nơi".