Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm B
CƠN TỨC GIẬN
SƯU TẦM

Bối cảnh Tin Mừng mô tả về một Đức Giêsu đang nóng giận, với cây roi trong tay. Hình ảnh này của Đức Giêsu không phù hợp với hình ảnh quen thuộc một Đức Giêsu hiền lành và tươi cười. Dường như điều này vượt xa tính cách mà chúng ta biết về Đức Giêsu trong những bài Tin Mừng còn lại, đến nỗi khiến chúng ta xua đuổi hình ảnh đó. Điều này chứng tỏ cho chúng ta rằng tính cách của Đức Giêsu có một khía cạnh khác. Tất nhiên, Đức Giêsu là một người hiền dịu. Nhưng điều đó không có nghĩa là Người yếu đuối. Khi cơ hội đòi hỏi, Người có thể rất mạnh mẽ và rất quyết đoán.

Lại nữa, chúng ta bị sốc khi nhận thấy Đức Giêsu không chỉ tức giận, mà còn hung dữ nữa. Và Người còn sử dụng một hình thức như thể là bạo lực. Chúng ta đã từng được dạy dỗ rằng tất cả mọi cơn nóng giận đều xấu xa cả. Nhưng tự thân sự tức giận chỉ là một cảm giác, vì thế, nó không tốt và cũng chẳng xấu về mặt luân lý.

Quả thật cơn nóng giận là một điều nguy hiểm, có thể khiến cho chúng ta có những lời nói hoặc hành động mà chúng ta sẽ phải hối tiếc sau này. Nhưng tức giận cũng có thể là một điều tốt đẹp. Nó có thể thúc đẩy chúng ta chấn chỉnh lại ngay tức khắc những điều sai trái tỏ tường. Có những lúc chúng ta cần phải tức giận. Chúng ta nên tức giận trước một tình huống bất công. Tức giận có thể là một cách diễn tả tình yêu thương.

Chúng ta phải nhìn vào những điều khiến cho chúng ta tức giận. Người ta nói rằng bạn có thể đo lường được mức độ tâm hồn của một con người, qua mức độ các sự việc làm cho người đó tức giận. Hầu hết cơn nóng giận của chúng ta đều do động cơ là quyền lợi cá nhân, và chúng ta thường tức giận về những điều vặt vãnh.

Một người đàn ông sống tại vùng ngoại ô của một ngôi làng. Cách nhà ông ta khoảng độ hơn 10 mét, có trồng một cây chanh lớn. Cây chanh này là ranh giới của ngôi làng. Tuy nhiên, nó đang bắt đầu già cỗi. Rõ ràng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nó gãy đổ. Mỗi khi có bão táp, người đàn ông đó đều sợ hãi cho ngôi nhà và mạng sống của mình. Ngày kia, không thể chịu đựng sự căng thẳng lâu hơn nữa, ông ta đốn hạ cây chanh xuống. Ông tin chắc rằng dân làng sẽ hiểu cho ông. Nhưng ông đã lầm: Một người nói “Ông thật xấu hổ, khi đã cắt bỏ một thân cây tuyệt đẹp như vậy”.

Một người khác nói “Ông đã tước đoạt của dân làng một phần gia sản”. Tuy là một cách ngoài lề, nhưng cách thế dân làng nổi nóng khi ý riêng của họ bị đe dọa thật đáng ngạc nhiên. Nhưng khi sở thích của những người hàng xóm bị đe dọa, thì rất ít khi họ nổi nóng.

Đức Giêsu không tức giận vì lý do cá nhân. Cơn nóng giận của Người xuất phát từ tình yêu của Người đối với Thiên Chúa và đối với mọi người. Hành động của Người tại đền thờ phải được coi như một sự phản đối lại việc thương mại hóa tôn giáo và báng bổ thần thánh của đền thờ. Nhưng điều này còn sâu xa hơn.

Trước hết, Người chống đối việc người Do thái không hoàn tất sứ vụ quốc tế đối với nhân loại. Tôn giáo đã trở nên chật hẹp, theo chủ nghĩa dân tộc và mang tính cách độc quyền. Thiên Chúa có ý muốn cho đền thờ trở thành một ngôi nhà cầu nguyện “cho tất cả mọi quốc gia”, nhưng lại trở thành một nơi được bảo vệ một cách ích kỷ, dành riêng cho dân Do thái. Đức Giêsu muốn hủy bỏ khái niệm độc quyền. Ơn Cứu Độ không chỉ dành riêng cho người Do thái, mà còn dành cho tất cả mọi dân tộc.

Thứ hai, Người tấn công vào chính bản chất thờ phượng của người Do thái. Với các lễ nghi và hiến tế súc vật, toàn bộ cách thờ phượng của đền thờ không còn phù hợp nữa, và không thể làm được gì để đưa con người đến với Thiên Chúa. Người đã thay thế lối thờ phượng với hiến tế hy sinh bằng lối thờ phượng trong tinh thần. Việc thờ phượng đòi hỏi nơi chúng ta rất nhiều điều, hơn là chỉ biết dâng lên Thiên Chúa các đồ vật, và biểu diễn một số lễ nghi. Điều mà Thiên Chúa muốn hơn hết, đó là thái độ thờ phượng trong cuộc sống của chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta biến ngôi nhà này thành một ngôi nhà cầu nguyện, vui tươi và hợp nhất. Và xin cho những việc chúng ta thực hiện ở đây giúp chúng ta biết thờ phượng Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.