Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm B
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY - B
Lm Giuse Đinh tất Quý

“Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông”.

(Mc 9,2)

Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay có nhiều tên gọi:

Người thì gọi là Chúa Nhật Chúa biến hình

Người thì gọi là Chúa Nhật Chúa hiển dung.

Gọi là Chúa Nhật Chúa biến hình hay Chúa Nhật Chúa hiển dung... đàng nào cũng có lý.

Riêng đối với cha, cha thích gọi là Chúa Nhật Chúa biến hình và hiển dung. Chúng con có thấy cha tham làm không. Lý do cha chọn như thế vì có gọi như thế mới diễn tả được hết những gì câu chuyện hôm nay muốn diễn tả. Bây giờ chúng con nghe cha giải thích.

1. Biến hình

Thế nào là biến hình chúng con? Cha xin mượn câu chuyện này để chúng con hiểu.

Đã có lần cha nói với chúng con về bức tranh rất nổi tiếng của nhà danh họa Leonardo da Vinci. Bức tranh Bữa tiệc ly giữa Chúa Giêsu và 12 Tông Đồ trong bữa ăn sau hết. Sau khi đã vẽ xong 10 Tông Đồ, Leonard de Vinci muốn đi tìm một khuôn mặt thật dịu dàng và nhân từ, đẹp đẽ, để làm mẫu cho ông vẽ Chúa Giêsu. Thật là may mắn làm sao một hôm ông dự thánh lễ ở một nhà thờ kia, ông thấy trong đám thanh niên hát lễ, có Pietro Bandenelli, một thanh niên có nét mặt khôi ngô phi thường. Sau một hồi nói truyện trao đổi, người thanh niên này đã bằng lòng theo ông về chỗ ông làm việc để làm mẫu cho ông vẽ. Cặm cụi vẽ xong, họa sĩ đem treo ở xưởng, và ai hỏi mua ông cũng không bán.

Sau đó hai năm, họa sĩ lại băn khoăn vì đã mất nhiều thời gian mà chưa tìm ra được người nào có nét mặt cứng cỏi và xấu xí tượng trưng cho khuôn mặt của Giuda. Ông vào một ngõ hẻm, thì gặp một người bẫn thỉu, xấu xa, xốc xếch, giơ tay xin ông bố thí. Ông nghĩ bụng, dầu có đi hết các phố chợ, có lẽ cũng chẳng gặp ai xấu hơn chàng này. Ông bảo chàng đứng dậy đi theo về nhà để ông vẽ cho xong bức ảnh kia, bức ảnh còn thiếu Giuda nữa là xong.

Khi bước vào nhà, trông thấy bức tranh, chàng tự nhiên khóc lên. Chủ nhà cũng như mọi người trong phòng đều ngạc nhiên không hiểu lý do. Người ta gặng hỏi, chàng trỏ tay lên bức ảnh và nói:

- Ông quên tôi rồi sao? Cách đây hai năm, tôi đã được ông mời đến đây để làm mẫu cho ông vẽ. Khi ấy tôi đẹp đẽ, đã được ông ca tụng và lấy làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu. Nhưng sau đó tôi đã nhẹ dạ theo chúng bạn, tôi đâm ra chơi bời, sa đọa; ngày nay trong cảnh túng thiếu, bị các bạn và anh em bỏ rơi, tôi chỉ còn trông cậy vào đức ái của ông mà thôi.

Đây đúng là một cuộc biến hình đáng ghê sợ. Từ một khuôn mặt được làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu đã trở thành khuôn mặt được dùng làm mẫu để vẽ Giuđa chúng con thấy có sợ không!

2. Hiển dung

Thế nào là hiển dung chúng con? Hiển dung là làm lộ ra nhũng gì bị che khuất, bị giấu kín. Cha mượn câu chuyện này cho chúng con hiểu.

Hồi đó, hoàng đế Sabat cai trị vương quốc Ba Tư và rất được toàn dân mến phục. Nhà vua thường cải trang như một thường dân để tiếp xúc với dân chúng. Một hôm, nhà vua cải trang như một nhân công nghèo khổ lần mò các bậc thang để xuống tận dưới hầm tối của lâu đài, là nơi cư ngụ của một cụ già chuyên lo việc củi lửa sưởi ấm cho cả lâu đài. Giường ngủ của cụ là đống tro tàn và lương thực hàng ngày là mẩu bánh mì đen với ly nước lã. Nhà vua đến ngồi bên cạnh cụ già và bắt đầu gợi chuyện. Đến bữa ăn, cụ già mời nhà vua chia sẻ mẩu bánh mì khô cứng thấm mềm trong ly nước lã. Cả hai cùng ăn và tiếp tục chuyện trò thân mật.

Nhà vua động lòng thương cụ già và từ ngày đó, nhà vua nhiều lần cải trang để đến thăm cụ. Riêng cụ già, tuy không biết lý lịch của người đến thăm mình là ai, nhưng vẫn tiếp tục đáp trả cử chỉ nhân đạo của nhà vua. Sau cùng, nhà vua tự nhủ: ta sẽ tỏ lộ cho cụ già này biết ta là ai, để xem ông ta sẽ xin ta điều gì. Ít hôm sau, nhà vua xuống hầm tối thăm cụ già trong y phục sang trọng và nói:

-                     Bấy lâu nay có lẽ ông tưởng ta chỉ là một công nhân nghèo khổ như ông, nhưng nay ta nói thật ta là vua, ta rất quý mến tình bạn của ông, vậy ông muốn gì, cứ nói, ta sẽ ban.

Nhà vua tưởng cụ già sẽ xin tiền bạc hoặc ân huệ, nhưng ông chỉ ngồi yên lặng. Tưởng cụ già không hiểu mình nói gì, nhà vua cắt nghĩa thêm.

-                     Có lẽ ông chưa hiểu rằng ta là vua, ta có thể làm cho ông lên giàu sang, danh vọng.

Cụ già cúi đầu đáp:

-                     Tâu hoàng thượng, con đã hiểu tấm lòng của hoàng thượng trong những lần đến hầm tối này để thăm con và không ngần ngại chia sẻ với con mẩu bánh mì đen và ly nước lạnh. Đó là món quà cao quý nhất rồi, con không muốn gì hơn nữa, con chỉ xin một điều là hoàng thượng đừng bao giờ lấy lại món quà quý giá ấy bao lâu con còn sống trong cảnh cô đơn nghèo khổ này.

Chúng con biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng khi xuống thế làm người Chúa đã giấu không để ai biết điều đó ngay. Chúa cho người ta biết nhưng biết từ từ. Hôm nay thì Chúa tỏ ra cho ba Tông Đồ “ruột” của Chúa được biết trước. Dù vậy khi từ trên núi đi xuống Chúa vẫn nói với các ông đừng cho ai biết việc này cho tới khi Chúa muốn.

3. Chúa Giêsu biến hình

Việc Chúa biến hình hôm nay cũng tương tự như thế. Chúa làm biến đi cái con người hằng ngày đang có của mình. Đồng thời Chúa để lộ ra hình ảnh đích thực của một Thiên Chúa của Ngài mà Ngài đã giấu đi khi mặc lấy thân phận một con người. Các Tông Đồ được cùng đi theo Chúa đã phải ngất ngây trước hình ảnh kỳ diệu tuyệt với này.

Cha hỏi chúng con khi thực hiện cuộc biến hành và hiển dung này Chúa muốn gì nơi chúng ta?

Lời của Thiên Chúa Cha từ trời phán: “Hãy vâng nghe lời Người”.

Nhưng vâng nghe để làm gì nếu không phải là để chúng ta cố gắng làm biến đi con người tầm thường của mình để cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình được hiển lộ ra.

Cha John Diamond một nhà giảng thuyết nổi tiếng bên Mỹ có kể lại câu chuyện này: “Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên đi lên trước cửa Thiên Đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng hỏi vọng ra: “Ai đó” - Linh hồn trả lời: “Con đây ạ”.

Cửa vẫn đóng.

Sau đó linh hồn lại trở về với đời sống ở trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa Thiên Đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ bên trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn: “Dạ chính con đây”.

Cửa vẫn đóng.

Linh hồn lại phải trở về trần thế... mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi là con đường nào. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang phô trương, hay tự mãn, hay ghen ghét. Phải  làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để làm cho con người của mình dần dần được giống Thiên Chúa là Cha ở trên trời.

Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời... lại gõ cửa... lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra: “Ai đó?”.

Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp lại ngay: “Dạ thưa chính Chúa đấy ạ”.

Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên Đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào Thiên Đàng.