Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm B

CÁM DỖ TRONG HOANG ĐỊA (1,12-13)

Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux

Khác nào một tia sáng lóe rạng, trình thuật phép rửa vừa chấm dứt, Maccô liền cho ta thấy Chúa Giêsu tiến vào một cảnh vực tối tăm. “Thánh Thần liền thúc đẩy Người vào hoang địa”. Chúng ta cần nhờ chính Thánh Thần của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu vừa lãnh nhận lại lôi kéo Ngài vào hoang địa. Hoang địa nào? Có lẽ là hoang địa Giuđê, nơi ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện (1,4). Nhưng vấn nạn chính yếu là: tại sao lại vào hoang địa? Hậu cảnh của việc đổi đời này ta gặp thấy trong lịch sử Israel, nhân cuộc Xuất hành. Khi ra khỏi Ai Cập, người Do Thái tiến vào hoang địa Sinai. Và ở đó họ đã gặp những thử thách cam go về lòng trung thành với Thiên Chúa (x. Xh 16,1-4; 17,1-17). Về phần mình, chết được thúc đẩy làm lại tiến trình thiêng liêng của dân Thiên Chúa. Việc Ngài đem dìm mình trong nước sông Giođan nhắc lại cuộc dân Israel băng qua Biển Đỏ (Xh 13,17-14,31). Được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa, Chúa Giêsu gặp lại nơi đó những “cám dỗ mà Israel xưa kia đã phải chịu trong hoang địa Sinai. Như vậy, khác nào một Môsê mới, Chúa Giêsu hoàn tất cuộc Xuất hành mới: nơi bản thân trung tín của Ngài đã hình thành dân mới của Thiên Chúa.

“Người ở đó bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ (c.13a), nửa câu ngắn ngủi này rất có ý nghĩa. Đúng là một nhắc nhở về việc Chúa Giêsu cũng chịu cám dỗ như Israel xưa kia. Con số “bốn mươi” làm ta liên tưởng thời gian người Do Thái lưu lạc trong hoang địa (Đnl 8,2). Nhất là, như Maccô nhấn mạnh, Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ trong đó, Satan xưng danh mà Thánh Kinh (từ thời Gióp, G 1,6) gán cho tên thù bí nhiệm, kẻ chống đối việc thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa. Ta sẽ thấy Chúa Giêsu đối đầu với hắn trong các vụ trừ quỷ sau này (x.3,22-23). Ở đây, Maccô là tác giả Tin Mừng duy nhất giữ kín nội những cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu (x.Mt 4,1-11 và Lc 4,1-13). Từ đó Maccô mời gọi độc giả tìm coi lại những cám dỗ mà Chúa Giêsu đã gặp trong suốt thời gian Ngài thi hành sứ vụ. Ta thấy nhiều lần Ngài đã bị khuyến dụ dùng quyền năng Thiên Chúa nơi mình để thiết lập Vương Quốc một cách huy hoàng đắc thắng (x.8,11-13.31-33; 12,13; 14,38; 15,29-32). Trong mỗi dịp có thể biểu lộ thần tính huy hoàng như thế, Chúa Giêsu đều tỏ ra khiêm tốn suy phục Chúa Cha. Như vậy không phải là ngẫu nhiên khi Maccô kết thúc trình thuật ngắn ngủi này bằng cách cho ta thấy Chúa Giêsu chiến thắng trước quyền lực của thần Dữ.

“Người sống giữa loài dã thú…” (c.13b). Ở một nơi đặc biệt nguy hiểm, sự gần gũi giữa con người và thú hoang nói đây làm ta nghĩ tới cảnh thân thiện của thời đại “Mêsia” đã được Isaia mô tả: “Chó sói ở với chiên, beo xám bên cạnh dê con, bê với sư tử được nuôi chung một chuồng, và một em bé dẫn chúng đi chăn” (11,6).

“Và các thiên sứ hầu hạ Người” (c. 13b). Câu này muốn nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Như vậy, Đấng Mêsia được coi như Con Người mới, sống trong mối giao hảo toàn vẹn với đất trời. Câu kết này của phần nhập đề nói lên một ngụ ý sâu xa. Ở chính nơi, tức hoang địa, mà Israel đã thất trung với Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu, vị mục tử dân mới của Thiên Chúa sẽ trọn vẹn trung thành.

Qua những hoạt cảnh nối tiếp nhau tuy vắn gọn nhưng giàu ý nghĩa, toàn thể đoạn văn 1,2-13 làm ta có cảm tưởng như đó là khúc mở màn, khi buổi hòa tấu chưa khởi sự, dàn nhạc tuần tự chơi những điệu chính mà các nghệ sĩ độc tấu và ca đoàn sẽ lặp lại và khai triển qua suốt buổi trình diễn. Lời mở đầu này giống như một “bản liệt kê các chủ đề của toàn bộ cuốn Tin Mừng. Nốt chủ âm đã được xướng lên. Buổi trình diễn có thể bắt đầu.

TIN MỪNG CỦA THIÊN CHÚA (1,14-15)

Hai câu này khác nào một “bản tóm lược”: một cái nhìn bao quát về sứ vụ của Chúa Giêsu như sẽ diễn ra các trình thuật tiếp theo. Maccô đặt Chúa Giêsu trong khuôn khổ những sinh hoạt chính yếu của Ngài tóm lược sứ vụ của Ngài cách thật cô đọng.

Mọi từ trong đoạn văn đều đáng quan tâm (c.14a). Chúng được cân nhắc cẩn thận. Trước hết ta được cho hay rằng Chúa Giêsu chỉ khởi đầu sứ vụ khi Gioan chấm dứt sứ vụ của ông và bị bắt giam. Như vậy là có một mối tương quan giữa sứ vụ của hai người. Maccô không nói Chúa Giêsu từ hoang địa Giuđa trở về (1,12). Không một chuyển tiếp nào cả, ông cho thấy ngay Chúa Giêsu đi tới Galilê. Đó là tỉnh miền Bắc xứ Palestin, nơi Chúa Giêsu sinh trưởng (x. Lc 4,14-16). Nhưng nhất là vì danh xưng Do Thái của nó, “Galilê” là “miền đất ngoại bang” (Is 8,23). Từ nhiều thế kỷ đây là ngã ba đường của các dân tộc. Vì những đoàn quân ngoại quốc và các thương gia đều phải qua lại nơi này, nên Galilê là vùng đất chung đụng từ xưa giữa những người Do Thái và dân ngoại. Trong Tin Mừng Maccô, Chúa Giêsu sẽ coi vùng đất này như một trung tâm “truyền giáo” tuyệt hảo. Vì ranh giới của miền này không rõ ràng nên người Israel dễ có liên hệ với những vùng đất dân ngoại bao quanh: phía bắc có Tia và Siđon, Syrô-Phênêci (bây giờ là Libăng), phía nam có miền Thập tỉnh (bây giờ là Gioocđani). Khi coi Galilê là địa bàn hoạt động chính của Chúa Giêsu, Maccô muốn nhấn mạnh rằng lời ngôn sứ mang tính phổ quát về Đấng Mêsia trong Isaia đã ứng nghiệm: “Dân đi trong bóng tối đã nhận thấy ánh sáng rạng ngời, trên dân cư của xứ sở một luồng sáng đã bừng lên” (Is 8,23-9,1).

Trong miền đất Galilê này, Chúa Giêsu khởi sự “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (c. 14b). Đó là lời loan báo ơn cứu độ “đến” từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu mang theo với Ngài “Tin Mừng” này (1,1). Các độc giả của Maccô hiểu rất rõ diễn ngữ “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Đó là nhiệm vụ các Tông đồ đã lãnh nhận sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh (1Tx 2,8). Nhiệm vụ này là làm cho mọi người biết rằng Chúa Giêsu đã tỏ mình ra là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa được các ngôn sứ loan báo. Chính Ngài là “Đấng Cứu độ trần gian” (Ga 4,42).

Tiếp theo, Maccô tóm lược trong hai câu đề tài căn bản trong lời công bố của Chúa Giêsu. Trước hết loan báo rằng giờ thi hành sứ vụ đã đến (c. 15a), nơi các Kitô hữu tiên khởi, thành ngữ “thời kỳ đã mãn” đã trở thành cổ điển. Nó có nghĩa là khi Chúa Giêsu đến là “thời gian đã đầy đủ (Gl 4,4). Ý muốn cứu độ của Thiên Chúa đã hoàn thành nơi Chúa Giêsu: Ngài là Đấng Mêsia đã đến để đưa lịch sử tới hồi chung cuộc “Nước Thiên Chúa đã đến gần” cũng là một xác tín của Thánh Kinh. Từ ngày thoát khỏi cảnh lưu đày ở Babilon, Israel đặt tất cả hy vọng vào việc Thiên Chúa đích thân ngự đến và việc thiết lập Vương Quốc Ngài trên mọi dân tộc. Nơi các ngôn sứ lòng mong đợi này càng khẩn thiết hơn (Mi 4,7; So 3,15b; Za 14,9 v.v…). Với Chúa Giêsu, Thiên Chúa hiện diện đang đích thân hoạt động. Vương Quốc Ngài đã gần kề (Mt 12,28b).

Và Maccô kết thúc bản tóm tắt sứ điệp của Chúa Giêsu bằng cách đặt nơi miệng Ngài một lời kêu gọi cấp bách phải hoán cải để đón nhận trong đức tin biến cố hân hoan này (c.15b). Hoán cải –theo sát tiếng Hy Lạp- có nghĩa là “thay đổi não trạng”. Việc biến đổi này, một biến đổi cốt yếu nơi con người để trở lại với Thiên Chúa, cũng chính là nền tảng trong lời giảng dạy của các ngôn sứ (Am 4,6-12). Ở đây, Chúa Giêsu lặp lại một điểm nòng cốt trong sứ điệp của Gioan Tẩy Giả (1,4). Nhưng cùng với sự hoán cải cần phải có “niềm tin” vào Tin Mừng. Đó cũng là lời mời gọi của các Tông đồ khi lần đầu tiên các ngài công bố sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh. Phaolô đã làm thế ở Ephêsô: “Tôi kêu nài những người Do Thái và Hy Lạp trở lại với Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu” (Cv 21,21).

Không phải là ngẫu nhiên, nếu ở đây Maccô nhấn mạnh tới mối liên tục giữa sứ vụ của Giáo Hội và sứ vụ của Chúa Giêsu. Giữa hai sứ vụ này là cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Người loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa lại trở nên chính đối tượng của lời loan báo. Điều này không thể không gây ấn tượng nơi độc giả.