Chúa Nhật Lễ Thánh Gia - Năm B
MÁI NHÀ LÝ TƯỞNG
SƯU TẦM

Những biến cố chung quanh việc thụ thai và sự ra đời của Đức Giêsu đánh dấu rằng Người là một con trẻ đặc biệt, với một vận mệnh duy nhất. Thông qua Người, lời hứa đối với ông Apbraham sẽ được nên trọn. Người sẽ trở thành niềm hy vọng và an ủi của dân Israen, và là ánh sáng cho các dân tộc. Nhưng Tin Mừng cũng nói về sự khước từ Đức Giêsu, một sự khước từ sẽ gây ra một lưỡi gươm đâm thấu qua trái tim của Đức Maria. Cha mẹ chia sẻ niềm vui và nỗi đau khổ của con cái họ, và ngược lại.

Không có lý do gì để tin rằng Đức Maria và thánh Giuse hiểu biết rõ ràng trọn vẹn hoặc về vận mệnh vĩ đại của Con Trẻ Giêsu. Tuy nhiên, khi đón nhận Người vào trong cuộc đời của mình, và nuôi dưỡng Người trong lòng tin và tình yêu thương, các ngài đã góp phần trong việc giúp đỡ Người nhận ra vận mệnh của mình. Tin Mừng cho thấy rằng tại nhà Nagiarét, các ngài đã tạo ra một bầu khí mà trong đó, Đức Giêsu có thể phát triển đến khi trưởng thành.

Mỗi đứa con đều là một quà tặng của Thiên Chúa. Và mỗi đứa con đều có một vận mệnh duy nhất. Nhưng vận mệnh đó còn ẩn giấu đối với cha mẹ. Họ thắc mắc không biết con cái họ sẽ trở thành gì. Một cách tự nhiên, họ mong muốn điều tốt đẹp nhất cho chúng. Nhưng tất cả điều mà họ có thể làm được, đó là khai mở cho chúng trên con đường đời của chúng. Vượt lên trên tất cả, họ phải cẩn thận để không ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa đối với con cái.

Cha mẹ nên cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn con cái của mình theo những chọn lựa mà chúng thực hiện. Nếu chúng ta phải hoàn tất điều mà Thiên Chúa muốn chúng ta hoàn tất, thì tất cả chúng ta đều cần sự hướng dẫn của Người.

Nói một cách lý tưởng, gia đình phải là một cộng đoàn yêu thương nhỏ bé. Bầu khí trong gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Bầu khí đó được xác định do phẩm chất của các mối tương quan. Cha mẹ và con cái đều đóng góp vào việc tạo ra bầu khí đó.

Cuộc sống gia đình mang rất nhiều thử thách. Gia đình không chỉ biết tiếp nhận; mà còn phải biết cống hiến nữa. Những mối dây liên kết trong gia đình làm cho chúng ta được phong phú, nhưng cũng ràng buộc chúng ta. Chúng lôi kéo theo những ràng buộc của trách nhiệm và tình yêu thương.


 

5. Dâng Chúa trong đền thờ - R. Gutzwiller

Thánh Luca không nói gì cho chúng ta về thời niên thiếu của vị tiền hô, tất cả thời tuổi trẻ của vị này đều chìm trong im lặng và cô đơn. Trái lại, thời niên thiếu của Chúa Giêsu được kể lại trong ba trường hợp. Trường hợp thứ nhất là lễ cắt bì, chỉ được kể lại trong có một câu. Sự cốt yếu của lễ này là đặt tên Giêsu, tên đã được Thiên thần nói trước, tên này nêu rõ bản tính của Hài nhi trong những ngày sắp tới. Chính do danh hiệu đó mà Giáo Hội mừng kính bằng một lễ đặc biệt, cũng chính danh hiệu đó mà biết bao người không ngớt chiêm niệm và đã là nguồn hân hoan vui sướng cho các nhà Thần bí: danh hiệu mà theo kiểu nói của Thánh Phaolô, mọi gối phải quỳ lạy ở trên trời, lẫn dưới thế và cả dưới hoả ngục.

Đang khi đó thì Thánh Luca lại viết lại cho chúng ta về lễ dâng Chúa trong đền thờ với nhiều chi tiết hơn và khiến ta phải lưu ý tới hai điều sau:

1. Những biến cố.

Nhìn bên ngoài, chẳng thấy có gì đáng lưu tâm. Hàng năm có cả trăm đôi cha mẹ trẻ bước lên Đền thờ tiến vào cửa trước dành cho các phụ nữ để được thanh tẩy theo nghi lễ và chuộc lại đứa con mới sinh. Luật buộc thanh tẩy vì sự thụ thai và sinh con đã liên kết chặt chẽ với tội lỗi và với đam mê hỗn độn. Theo chương trình của Thiên Chúa, cả hai việc đó, phải là cái gì mang tính chất bí tích vì đã chuyển đời sống siêu nhiên đồng thời với đời sống tự nhiên. Nhưng tội đã làm nào loạn nguồn mạch và như vậy, tội lẫn vào việc lành, ‘nhân loại đầy trần tục’ với thần thiêng. Lễ tế được đặt ra đối với người mẹ là bà cần phải thanh tẩy để có thể bước vào đền thờ. Đức Maria không có tiền để mua một con chiên làm lễ tế và phải đành lòng như bao người mẹ nghèo nàn khác, dâng một ccặp chim câu để làm lễ vật. Việc chuộc lại đứa trẻ trai được đặt ra vì tất cả những của đầu mùa, nơi ruộng nương, nơi đoàn vật và nhất là nơi con người đều đặc biệt thuộc về Giavê. Như vậy cậu con trai phải chuộc lại để có thể sống đời sống của mình. Tất cả những điểm đó chẳng có chi đặc biệt và đáng lưu tâm.

Tuy nhiên, nội dung của sự việc mới có khác biệt. Đức Maria rõ ràng là người Mẹ chẳng có dính bén chút gì để phải thanh tẩy. Mẹ đâu thụ thai bởi phàm nhân, mà do phép Chúa Thánh Thần. Mẹ cũng chẳng có một ước muốn xấu xa gì, vì Mẹ ‘không biết đến người nam’. Vì thế, việc chuộc lại Hài nhi chỉ mang hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu xét là con đầu lòng của Chúa Cha, thì thuộc quyền sở hữu của Người. Nhưng Ngài sẽ chuộc lại những người khác và giá Ngài phải trả là giá máu của tim Ngài, chứ không phải bằng tiền bạc.

Như Đức Kitô tuân phục Lề luật Môisen hay sắc lệnh của Xêsarê, người Kitô hữu cũng phải phục tùng các quyền hành bên ngoài điều khiển nhân loại bằng ý muốn hay với phép của Thiên Chúa và tuân hành các quy luật như những người khác trong lãnh vực luật pháp. Bên ngoài chẳng có gì lạ kỳ đánh dấu sự hiện hữu và đời sống của người Kitô hữu. Vì không nhất thiết là sự biến đổi nội tâm trước nhan Chúa phải kéo theo sự cách mạng môi trường mình sống.

2. Những lời nói

Những biến cố này có thể qua đi mà ít được biết tới nếu không có một người đến gặp đôi vợ chồng trẻ để chào thăm Hài nhi với những ngôn từ lạ lùng. Ông này không phải là tư tế, mà chỉ là một người dân thường, một người thực công chính, đang chờ đợi ‘niềm an ủi của Israel’, chờ đợi Đấng Messia. Đầy Thần linh Thiên Chúa và nhờ ơn soi sáng, ông đã nhận ra Đấng Messia nơi Hài nhi do người Mẹ khiêm hạ này bồng trên tay.

Lời đầu tiên của ông là lời thân thưa với Thiên Chúa. ‘Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi’. Thiên Chúa là Chủ Tể, ai muốn phục vụ Ngài, là tôi tờ của Ngài. Đời sống của cụ già Simêon là một sự hiện hữu và là một công việc phục vụ Thiên Chúa, được kể như một cuộc phục dịch, nhưng bây giờ đã tới lúc nghỉ ngơi sau chuỗi ngày dài lao động. Sự chết là một cuộc nghỉ việc, một sự giải phóng trong an bình và về với an bình.

Hy vọng và ơn cứu độ là phần thưởng lúc trời chiều ngả bóng, đã nâng đỡ ông suốt thời gian thi hành nhiệm vụ khó khăn. Đấng Cứu độ đã đến, công việc đã có được ý nghĩa và đời sống dấn thân trên con đường cứu độ lời kinh ‘muôn lạy Chúa’ (Nunc dimittis) là lời kinh tối của Giáo Hội.

‘Mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ’. Cụ Simêon, con người ưu tư, suy nghĩ, hẳn phải đau khổ vì những cảnh vô đạo chung quanh. Chính đôi mắt này đã từng chứng kiến những cảnh tội lỗi và phản giáo, nay thấy Đấng mang lại ơn cứu độ và sự thánh thiện. Đức Kitô là thày thuốc sẽ chữa trị tất cả và là Đấng Thánh sẽ thánh hoá tất cả.

‘Chúa dọn ra trước mặt người trần’. Những chướng ngại hạn hẹp của Israel đã bị phá đổ, chiều kích của Giáo Hội phổ quát tỏ hiện. Israel ra đi mở rộng chân trời của Simêon và làm cho người ta nghĩ đến những khuôn khổ mới mẻ của tinh thần và con tim.

‘Ánh sáng rạng soi dân ngoại’. Những lời tiên tri của Isaia (đoạn 42 và 29) đã được nhắc lại ở đây. Dân ngoại không còn là người bị khinh khi, xua đuổi; không còn bị cái nhìn trịch thượng của những người đã được chọn ném xuống. Vì ánh sáng của Đức Kitô sẽ đâm thấu đêm đen, đuổi đi tất cả những bóng tối và đem đến một ngày mới không có chiều tà.

‘Còn Israel dân Chúa được vinh quang’. Nhờ Chúa Giêsu, cái cây của dân này sẽ triển nở sinh hoa kết quả. Israel xấu sẽ trở nên đối tượng của vấp phạm và tên nó sẽ bị nhiều người nhạo báng và ghét bỏ. Còn Israel chân thật sẽ là cánh đồng nơi các hoa mầu quý giá mọc lên, sẽ là núi đá vọt ra những dòng suối, sẽ là nền trời nơi mặt trời toả sáng; nên các tín hữu sẽ nhắc đến tên nó với lòng kính trọng và biết ơn.

Theo lời của Simêon, Israel đặt sự cao cả đã nhận được từ nơi Chúa, dưới chân Chúa nhập thể. Bài tang ca của Israel là một bài thánh thi cho Đức Kitô; Israel đã tàn lụi trong những tia sáng của luồng ánh sáng rạng rỡ hơn; Israel chết đi để được đưa vào một đời sống mới nhờ Đức Giêsu Đấng Thiên Sai.

Lời thứ hai của Simêon là lời nói với Đức Maria: ‘Hài nhi con bà sẽ được đặt lên để nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay chỗi dậy và làm dấu gợi lên chống đối’. Kitô giáo không cưỡng chế và cũng chẳng dùng sức mạnh để bắt buộc ai, trái lại chỉ là lời mời mọc và kêu gọi. Con người phải quyết định. Họ có thể nói nhận hay không. Nhờ lời ‘nhận’ họ sẽ đứng thẳng lên như người bị tê liệt được chữa khỏi, vì họ sẽ bước đi trên con đường của Thiên Chúa. Với tiếng ‘không’ họ tự mình chỗi dậy và tin rằng mình đã hoàn hảo: sự suy sụp của họ đã đến. Tất sẽ kết thúc bằng đổ vỡ và đồi bại.

Giữ một chỗ đối với Đức Kitô là quyết định số phận con người và nhân loại trước nhan Thiên Chúa. Đức Kitô đưa ra hai nẻo đường lớn dẫn tới cứu độ và sa ngã, dòng nước đôi ngả, sự nhận thức giữa chân và giả. Đối với Mẹ Ngài, việc biết được Đức Kitô, Đức Kitô đích thực, sẽ gặp chống đối và phản kháng hẳn phải là nỗi đau đớn ghê gớm trong đời Mẹ: ‘Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim chị’. Vì tiếng ‘nhận’ và ‘không’ sẽ làm lộ nhiều tâm hồn trong Israel. Cái bị che dấu sẽ đưa ra ánh sáng. Cứng lòng, ý tưởng bất chính, ích kỷ cá nhân, kiêu ngạo và ghen tương… tất cả những gì là xấu xa, kẻ thù của Thiên Chúa, đều tỏ lộ ra. Tất cả những gì là bỉ ổi, suy đồi và hôi thối đều bị thấy rõ. Nhìn thấy các tư tưởng con người hệ ở chỗ vạch trần những giả dối và mở toang những nấm mồ quét vôi trắng. Nhưng trên hết phải là sự dửng dưng không tiếp nhận tình yêu Nhập thể, đó mới chính là mũi gươm đâm sâu vào trái tim người mẹ giầu tình thương này. Như vậy, ngay từ đầu đời Chúa Giêsu, người ta đã nhìn thấy ‘ Bà mẹ đau khổ’ là chính Người đứng dưới chân thánh giá, vào những giây phút cuối cùng với con bị đâm thấu tim, hoàn tất lễ hiến tế mạnh mẽ hơn lòng ghét ghen của nhân loại.

Khi Tin mừng nói rằng, ‘Cha và Mẹ Ngài ngạc nhiên về những gì nói về Ngài’ đã chứng tỏ cho ta thấy chính các vị cũng phải lần bước trong ánh sáng đức tin, đang khi luôn nhận thức và xác quyết những chân lý mới.

Hợp với ông già Simêon, có bà già khả kính Anna, đại diện cho cả dân tộc, nam cũng như nữ, ca tụng Thiên Chúa và mang tới một sứ điệp ‘cho những người đang trông đợi phúc cứu chuộc Israel’.

Người ta không thấy nhắc gì tới cái chết của ông già bà cả này. Các cụ đã làm tròn sứ mạng của mình và đã sang thế giới bên kia với tâm hồn bình an và vui sướng trong cũng một cảm nghĩ rằng Israel chân chính mới mẻ là người luôn cởi mở trong Đấng Messia.