Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm B
HÃY TỈNH THỨC
 Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông

Không ồn ào, chỉ với một vài thay đổi nhỏ, như lễ phục màu tím, không hát hay đọc kinh Vinh Danh trong Thánh lễ Chúa Nhật… Giáo Hội nhắc cho chúng ta biết rằng Năm Phụng Vụ mới đã bắt đầu bằng Chúa Nhật I Mùa Vọng. Vọng hay đợi là hướng tới điều gì sẽ xảy đến trong tương lai. Quá khứ cũng có thể được nhắc tới để đảm bảo cho tính xác thực của niềm hy vọng. Ý nghĩa chính yếu của Mùa Vọng là hướng tới ngày công trình cứu độ của Chúa Giêsu được hoàn tất. Khi ấy, Người sẽ trở lại trong vinh quang để đưa tất cả về dâng cho Chúa Cha và bấy giờ sẽ là thiên đàng đời đời. Ngày đó chắc chắn sẽ đến, nhưng không ai biết khi nào sẽ xảy ra. Vì thế, Chúa Giêsu dạy chúng ta: Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức (Mc 13,33).

Tỉnh thức, theo đoạn sách ngôn sứ Isaia trích đọc hôm nay, là nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Sau thời lưu đầy tại Babylon, Dân Chúa hồi tưởng lại những năm tháng tủi nhục nơi đất khách quê người. Họ nhận ra duyên cớ đã làm cho họ phải trải qua giai đoạn lịch sử đáng quên ấy: tại chúng con lạc xa đường lối Ngài; lòng chúng con ra chai đá chẳng cònbiết kính sợ Ngài (63,17); không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấyNgài (64,6). Israen ý thức rằng chỉ vì tình thương vô bờ bến của Chúa nên họ mới được giải thoát. Bây giờ, khi đã hồi hương, những khó khăn mới lại nảy sinh, họ lại kêu xin Chúa xé trời mà ngự xuống giải cứu, vì bây giờ họ biết sám hối về mọi tội lỗi đã phạm và hy vọng khi mải đi theo các đường lối của Ngài, chúng con sẽ được cứu thoát (64,4).

Theo thánh Phaolô, thì tỉnh thức là hiệp thông với Đức Giêsu Kitô và lãnh nhận kho tàng phong phú các ân huệ về mọi phương diện. Với các ân huệ phong phú ấy, chúng ta phải sống để không ai có thể trách cứ được điều gì cho đến ngày Chúa quang lâm. Như thế, tỉnh thức đòi hỏi một đời sống chủ động và tích cực để làm cho chân lý Tin Mừng thấm nhập và biến đổi các thực tại trần gian cũng như toàn bộ đời sống con người. Nếu chúng ta không còn thiếu một ân huệ nào, thì đó không phải là những nén bạc để chúng ta đem chôn giấu dưới đất, trái lại chúng ta phải làm cho nó sinh lời cho Nước Chúa, đặc biệt là về lời Chúa và các mầu nhiệm của Người.

Chúa Giêsu dạy tỉnh thức vì tính chất bất ngờ của ngày Người trở lại, có thể là chập tối hay đêm khuya, lúc gà gáy hay tảng sáng. Vì ông chủ trao cho mỗi người một việc trước lúc đi xa, nên tỉnh thức còn là chu toàn bổn phận của mình trong lúc hiện tại, nghĩa là sống giây phút hiện tại với hết chiều kích của nó. Chúng ta không chờ thời cơ hay đòi hỏi điều kiện để thực hiện sứ mạng, nhưng phải tận dụng hoàn cảnh hiện tại để dấn thân mạnh mẽ và triệt để cho sứ vụ của mình. Chỉ lơ là một chút sẽ bị coi là ngủ mê, trong khi ông chủ sẽ trở về bất thần. Nếu ngủ mê là chìm đắm trong tội lỗi, thì tỉnh thức là sám hối tội lỗi. Nếu ngủ mê là lười biếng, thì tỉnh thức là chăm chỉ làm việc cho Nước Chúa. Nếu ngủ mê là xa rời Chúa, thì tỉnh thức là hiệp thông với Chúa. Nếu ngủ mê là bỏ bê nhiệm vụ, thì tỉnh thức là chu toàn sứ vụ Chúa trao phó.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con. Xin giúp chúng con tỉnh thức bằng việc sống giây phút hiện tại đẹp lòng Chúa, để đón Chúa mỗi ngày và xứng đáng đón Chúa trong ngày Người trở lại. Amen.