Lễ Thánh Gia : Chúa Giêsu - Đức Maria - Thánh Giuse
NGƯỜI ĐẠO ĐỨC
Sưu tầm

Tại miền bắc nước Pháp, người ta thường kể lại một câu chuyện cổ tích sau đây: có một gia đình nọ gồm cha mẹ và một đứa con sống rất hiệp nhất yêu thương nhau. Nhưng một đêm kia, đang lúc mọi người ngủ say, một trận giông bão chưa từng xảy ra bao giờ, chỉ trong mấy giờ đồng hồ cả vùng đều lụt lớn, nhà cửa sập cả, thây người và vật trôi bồng bềnh. Người cha của gia đình cõng vợ trên vai mình và bà vợ tay bế đứa con. Nước càng lúc càng dâng lên cao, chẳng bao lâu ngập đầu cả hai vợ chồng. Dù ngộp thở và vô cùng mệt mỏi, bà mẹ cố giơ cao hai cánh tay nâng cao đứa con lên khỏi mặt nước để đứa bé khỏi chết ngộp. Hai vợ chồng sẵn sàng chờ chết, nhưng chỉ mong có ai cứu được đứa bé khỏi chết. Vừa lúc đó, có một thiên thần bay ngang qua, trông thấy cái đầu bé tí nhô khỏi mặt nước, vội cầm lấy kéo lên và dính chùm theo là cả cha mẹ đứa bé. Thế là nhờ yêu thương hiệp nhất mà cả gia đình được thoát nạn.

Có lẽ chưa bao giờ gia đình lại khủng hoảng trầm trọng trong thế giới như chúng ta đang sống hiện nay. Rất nhiều gia đình trong xã hội là những gia đình què quặt, tan nát, nạn ly thân, ly dị và phá thai, và những gia đình chia ly vì chiến tranh, bạo lực, áp bức của các chế độ vô nhân. Những gia đình bất hòa vì nạn thất nghiệp, vì nạn kinh tế khó khăn, eo hẹp hay vì nạn cờ bạc rượu chè, ma túy, thuốc xái và ham mê buông thả trong lạc thú. Vì thế, những người phải trả giá mắc mỏ nhất cho hậu quả của các cuộc khủng hoảng này là con cái, là trẻ em và giới trẻ. Làm sao con người có thể hạnh phúc tươi vui khi phải sống trong gia đình như thế? Làm sao thế giới có thể an bình thịnh vượng khi các tế bào nòng cốt của xã hội bị bệnh hoạn như vậy? Qua ngày lễ Thánh Gia, Mẹ Giáo Hội kêu mời chúng ta suy tư nghiêm chỉnh trở lại ý nghĩa cuộc sống gia đình và đề nghị với chúng ta một mẫu gương, đó là mẫu gương của tổ ấm gia đình Naxareth xưa, gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse. Chương ba sách Đức Huấn Ca là một bài quảng diễn điều răn thứ tư của mười giới luật, dạy con cái phải thảo hiếu cha mẹ. Ngoài những lý do luân lý tự nhiên như câu ca dao Việt Nam nêu lên:

“Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Tác giả sách Đức Huấn Ca còn nhấn mạnh đến lý do tôn giáo nữa. Đó là thái độ sống thảo hiếu với cha mẹ, với những người đã dày công mang nặng đẻ đau sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Thiên Chúa sẽ nghe lời những người con hiếu thảo khi họ kêu khấn lên Ngài.

Suy tư trên đây là một thí dụ điển hình cho thấy người sống đạo, người đạo đức như tác giả sách Đức Huấn Ca, biết nhìn ra ý nghĩa sâu thẳm siêu việt nằm trong chính cái nhân loại tầm thường của cuộc sống mỗi ngày. Thiên Chúa không xa vời đối với Chúa Giêsu nhưng Ngài luôn hiện diện ngay trong cái tầm thường nhất của mỗi ngày sống chúng ta. Bởi vì Ngài đã đến sống giữa con cái loài người, đồng hành với con người, chia sẻ mọi buồn vui, mọi âu lo khó nhọc của cuộc sống con người. Khi biết nhìn thực tại bằng đôi mắt của lòng tin thì mọi sự trong thế giới hữủ hình này đều được biến đổi và nói lên được sứ điệp mà Thiên Chúa muốn nhắn gởi chúng ta: Một gia đình trong đó mọi thành phần biết kính sợ Thiên Chúa, biết yêu thương tôn trọng lẫn nhau, hy sinh cho nhau, sống cho nhau và sống vì nhau thì sẽ là một gia đình được tràn đầy phúc lành và sức sống thiên linh của Thiên Chúa.