Lễ Thánh Gia : Chúa Giêsu - Đức Maria - Thánh Giuse
TỪ BÊLEM ĐẾN NAGIARÉT
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

I. Giải thích từ ngữ.

* c.13 Ai Cập: Ai Cập là nơi lánh nạn xưa nay của những người do thái bị bắt bớ (x. 1V 11,40; 2V 25,26). Từ thế kỷ 6 trước công nguyên ở Ai Cập đã có một diaspora Do Thái đông đảo. Có lẽ Giuse đã đến tạm trú tại Aris. Như thế là an toàn bởi vì từ năm 31 trước công nguyên xứ Ai Cập nằm dưới quyền cai trị trực tiếp của đế quốc Rôma. Từ Bêlem sang Ai Cập chỉ tốn chừng 5-6 ngày đi bộ.

* Vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi:

. Động từ "tìm giết" cũng là động từ được dùng trong Xh 2,15 khi nói về Môisen (Pharaon tìm giết Môisen).

. Động từ "chạy trốn" (anachôrein) cũng được dùng trong Xh 2,15 (Môisen chạy trốn).

. Chữ "Vì" có nhiều ý nghĩa: Đức Giêsu phải bỏ nơi này sang nơi khác chính vì người ta từ chối không tin Ngài. Mt hay dùng động từ anachôrein mỗi khi muốn nói ý tưởng Israel từ chối không tin Đức Giêsu (x. 4,12; 12,15; 14,13; 15,21).

* c.14 "Ngay giữa đêm khuya": chi tiết này cho thấy sự vâng lời mau mắn của Giuse. Còn một chi tiết đầy ý nghĩa nữa là Thiên sứ không chỉ rõ là phải đi đến đâu và ở đấy cho tới      ngày nào mà chỉ nói "cho tới ngày tôi lại báo tin": dù mù mờ vậy nhưng Giuse cũng vẫn vưng lời mau mắn.

* c.15 "Ta đã gọi con Ta từ Ai cập về": Mt trích dẫn Ôsê 11,1: "Từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta". Ôsê viết câu này với ngụ ý nói về    cuộc Xuất Hành. Mt trích dẫn lại với ngụ ý xem Đức Giêsu là Israel mới làm một một cuộc xuất hành mới.

* c.20 "Những người tìm giết Hài Nhi đã chết rồi": Những người là số nhiều, không tương ứng với vua Hêrôđê tìm giết Hài Nhi (số ít). Ở đây Mt trích dẫn cách mặc nhiên Xh 4,19 Lời Giavê nói với Môisen "Hãy trở về Ai cập vì những kẻ tìm hại mạng ngươi đã chết rồi". Sự không tương ứng này cho thấy Mt không muốn nói tới Hêrôđê mà muốn ám chỉ đến Môisen: xưa kia những người tìm giết Môisen là Pharaon và dân Ai cập còn nay những người tìm giết Đức Giêsu là Hêrôđê và dân Israel.

* c.22 Archélaus: ông này cai trị miền Giuđê từ năm 4 trước công nguyên đến năm 6 sau công nguyên. Ông này tuy không xảo quyệt bằng Hêrôđê Cả là cha ông, nhưng cũng tàn bạo không kém. Do đó Giuse không về Giuđê mà đi định cư ở vùng Galilê thuộc phạm vi của Hêrôđê Antipas.

* c.23 "Thiên hạ sẽ gọi Ngài là người Nazaret": Tất cả các nhà chuyên môn đều xem chi tiết này Mt ghi lại nhằm cho thấy Đức Giêsu làm ứng nghiệm lời các ngôn sứ. Nhưng lời ngôn sứ nào đây? Chữ Nazaret có gốc là nésèr nghĩa là "chồi non của một cây". Cựu Ước có nhiều chỗ nói tới "chồi non" như Is 4,2 Gier 23,5 33,15 và nhất là Is 11,1 "Một chồi sẽ xuất từ gốc Ysai".

II. Ý nghĩa thần học.

1) Những câu 2,13-23 gồm ba chuyện đều mang hình thức văn chương giống nhau: khởi sự là tường thuật rất ngắn gọn sự kiện đã xảy ra và kết thúc bằng một trích dẫn Cựu Ước. Điều này cho thấy chủ ý của Mt không phải là tường thuật cho bằng chứng minh rằng Đức Giêsu làm trọn lời tiên báo của các ngôn sứ. Qua ba câu chuyện này Mt cũng đưa ra luận đề chính sẽ được lặp lại nhiêu lần trong toàn tác phẩm, đó là: Kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện, không chỉ là bất chấp lòng dạ ác độc của loài người, mà còn bằng chính sự ác độc đó.

2) Với lối trích dẫn Cựu Ước khi thì minh nhiên khi thì mặc nhiên, Mt còn ngụ ý trình bày một cuôc xuất hành mới: cũng có một ông vua giết những hài nhi Do Thái, cũng có Môisen mới (Đức Giêsu) thoát khỏi tàn sát đó, và Môisen mới ấy cũng đã xuất hành khỏi xứ Ai Cập.

3) Câu chuyện thứ nhất (Trốn sang Ai cập 13,15): trọng điểm không phải là thuật lại cuôc chạy trốn mà là cuôc trở về từ Ai Cập. Điều này hiện rõ khi Mt trích Ôsê 11,1 "Từ Ai cập Ta gọi con Ta trở về". Có như thế mới lộ rõ ý tưởng về cuộc Xuất Hành mới.

4) Câu chuyện thứ hai (Tàn sát hài nhi 16-18): trọng điểm là so sánh Hêrôđê với Pharaon ngày xưa đã giết trẻ em Do Thái. Nhưng có vài khó khăn về sử tính:

(a) Cần gì phải giết hết các hài nhi vì vua Hêrôđê thừa phương tiện để tìm ra đúng căn nhà mà các đạo sĩ đã đến thăm? Nhưng lịch sử cũng ghi nhận rằng Hêrôđê (Cả) hay có những cơn điên bất ngờ phi lý như vậy, nhất là vào những năm cuối đời của ông, mà câu chuyện này xảy ra đúng vào những năm ấy.

(b) Một sự kiện quan trọng như vậy mà sao các sử gia (chẳng hạn Flavius Joseph) không ghi lại? Thực ra sự kiện này cũng chẳng quan trọng gì, vì một đàng số trẻ em bị giết cũng không nhiều: theo ước tính của Busy dựa vào dân số của Bêlem thời đó thì số trẻ em từ 2 tuổi trở xuống của làng này chỉ vào khoảng 20, và đàng khác Hêrôđê trong những cơn điên cũng đã từng giết chóc như vậy nhiều lần. Sử gia chỉ ghi tính khí hung hãn bất thường của ông chứ không cần ghi lại hết những nạn nhân của ông.

- Chi tiết tiếng khóc Rachel là Mt trích dẫn Gier 31,15 trong bối cảnh vương quốc phía Bắc bị đế quốc Assyria tàn phá và dân bị bắt đi đày: Bà Rachel, mẹ của Giuse (hai chi tộc Ephraim và Manassê) và Benjamin khi ấy đang ở trong mồ (đã chết) mà cũng chỗi dậy để khóc thương cho cảnh khổ của con cái mình. Nhưng muốn hiểu hết ý của Mt thì phải đọc Gier cho tới các câu sau nữa (Gier 31,16-17): Giavê an ủi Rachel "Thôi im đi tiếng khóc và mắt hãy ráo lệ vì... chúng sẽ từ xứ quân thù trở về", và tiếp đó nữa (Gier 31,31 tt) Giavê lại hứa sẽ ký với dân Ngài một giao ước mới. Như vậy ngụ ý của Mt qua câu trích dẫn này là Đức Giêsu từ Ai Cập về hoàn thành lời tiên tri này, Ngài sẽ thực hiện Giao Ước mới.

5. Câu chuyện thứ ba (Trở về Nazarét 19,23): trọng điểm là trình bày Đức Giêsu như một Môisen mới thực hiện một cuộc xuất hành mới. Vì nhắm ý tưởng so sánh này nên Mt mới trích dẫn cách mặc nhiên Xh 4,19 với thuật ngữ "những người tìm giết" ở số nhiều.

III. Kết luận

- Hãy nhìn lại bố cục chung của tác phẩm (trang 17): các chương 1-2 là phần tiền ngôn nhằm giới thiệu mầu nhiệm về nhân vật Giêsu.

- Phần tiền ngôn này gồm 4 tường thuật:

      . Gia phả.

      . Truyền tin cho Giuse.

      . Chuyện các đạo sĩ.

      . Từ Bêlem đến Nazarét (tường thuật chúng ta vừa phân tích trong bài này).

Qua bốn tường thuật Mt đã chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng mà các ngôn sứ tiên báo, Ngài châm rễ vào lịch sử Israel và đưa lịch sử ấy hoàn tất mặc dù gặp bao chống đối của dân mình, nhưng chính Thiên Chúa đã dùng những chống đối ấy để hoàn tất chương trình cứu rỗi của mình.

- Cách riêng tường thuật cuối (Từ Bêlem đến Nazaret) một lần nữa, làm lộ rõ so sánh Đức Giêsu với Môisen mới (các chi tiết về Xuất Hành) và Con Đavít (chi tiết thành Bêlem).