Chúa Nhật IV mùa vọng  - Năm A
EMMANUEL - THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà

Việc đặt tên cho đứa con là việc quan trọng đối với các đôi vợ chồng. Khi có con sắp chào đời, hai vợ chồng bàn bạc với nhau để chọn cho con mình một cái tên thật ý nghĩa, thật đẹp, thật hay.

Qua việc đặt tên, cha mẹ gửi gắm ước vọng của mình vào đó. Tỷ như khi đặt tên cho con là Phúc, Đức, Tài, Lộc… cha mẹ cầu mong cho con mình sau nầy đạt được những điều tốt đẹp y như tên gọi của các em.

Trích đoạn Tin Mừng trong Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng nầy đề cập đến tên gọi mà Thiên Chúa Cha đã chọn cho Ngôi Lời nhập thể trước khi Ngài đầu thai trong lòng Mẹ Maria. Tên gọi nầy đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ hơn bảy trăm năm trước: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."  (Mt 18,23)

Đây là một tên gọi thật ý nghĩa; tên gọi nầy nói lên ước vọng của Thiên Chúa là muốn ở mãi với loài người khắp mọi nơi, suốt mọi thời cho đến tận cùng thời gian.           

Liên quan đến ý tưởng nầy, Đức cha Gaillot có nhận định rất chí lý. Ngài viết:

“Sống rộng lượng là tốt, nhưng sống-với thì tốt hơn; công việc từ thiện là cần thiết, nhưng hiện-diện-bên-cạnh thì cần thiết hơn.”

Đúng thế, dù chúng ta có rộng lượng với người nghèo khổ bao nhiêu cũng không bằng đến sống-với họ, chia sẻ buồn vui cay đắng với họ. Dù chúng ta có làm bao nhiêu việc từ thiện để giúp cho người đau khổ cũng không bằng đến hiện-diện-bên-cạnh họ trong những lúc đau thương. 

Vì yêu thương loài người quá đỗi nên Thiên Chúa muốn sống-với con người, muốn hiện-diện-bên-cạnh con người mọi lúc mọi nơi. Danh hiệu Em-ma-mu-en gói trọn ước vọng của Thiên Chúa muốn ở mãi với loài người.

Ước vọng nầy cũng được Chúa Giê-su khẳng định lại khi Ngài sắp từ giã các môn đệ:

“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”  (Mt 28, 20) 

Để thực hiện ước muốn ở với loài người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách gần như vô tận giữa trời và đất để ở cùng chúng ta, mang thiên tính cao cả của Thiên Chúa hòa chung với nhân tính hèn yếu của con người, để chia sẻ thân phận đau thương của kiếp người. 

Ngay cả khi Chúa Giê-su được Chúa Cha vinh thăng trên các tầng trời, chấm dứt sự hiện diện hữu hình bị giới hạn bởi không gian và thời gian ở trên mặt đất, thì Ngài vẫn tiếp tục hiện diện cách thiêng liêng trong tâm hồn của các tín hữu và trong Hội Thánh.

Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta qua Lời của Ngài: chính Thiên Chúa ngỏ lời với ta khi Giáo Hội công bố Lời Chúa.

Chúa Giê-su tiếp tục ở với chúng ta khi chúng ta họp nhau nhân danh Người: “Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, Thầy sẽ ở giữa những người đó.” (Mt 18,20)

Chúa Giê-su cùng với Chúa Cha và Thánh Thần thường xuyên cư ngụ trong lòng những kẻ yêu mến và tuân giữ Lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. ” (Gioan 14, 23)

Thế nhưng bấy nhiêu cũng chưa thoả lòng yêu thương nên Chúa Giê-su còn lập nên bí tích Thánh Thể, hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được rước Chúa vào lòng, để chúng ta được trở nên đồng huyết nhục với Chúa, được sống trong Chúa và Chúa sống trong chúng ta. 

Nguyện vọng tha thiết nhất của Thiên Chúa là ở với loài người mọi ngày cho đến tận thế. Và điều đau lòng nhất của Thiên Chúa là bị nhân loại từ khước như thánh Gioan nhận định trong Tin Mừng thứ tư : “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Gioan 1, 10-11) 

Lạy Chúa Giê-su,

Để thể hiện ước vọng muốn sống với chúng con, hiện diện bên cạnh chúng con, mỗi ngày Chúa đều đến với chúng con qua nhiều hạng người mà chúng con gặp mặt.

Tiếc thay, chúng con thường lãng quên họ là hiện thân của Chúa nên đã có thái độ lạnh lùng, xa cách. Xin cho chúng con biết mở rộng trái tim để đón tiếp mọi người và dành cho họ một chỗ đứng quan trọng trong lòng chúng con, vì khi tiếp đón họ là chúng con đang tiếp rước Chúa.