Chúa Nhật III mùa vọng  - Năm A
SA MẠC NỞ HOA
Luca Maria, CRM

Chúa Nhật 3 của Mùa Vọng thường được gọi là ngày Chúa Nhật của niềm vui, vì Chúa sắp đến rồi. Khắp nơi người tín hữu đang vui vẻ hân hoan, rộn ràng chuẩn bị cho đón Chúa- vì Vị Đại Thượng Khách đầy tình thương sẽ đến với nhân loại.

Thời ấy, khi nhiều người đang buồn chán vì những đau khổ, và đang trông chờ Chúa đến để nâng đỡ họ, Tiên tri Isaia đã mời gọi mọi người hãy thắp lên ngọn đèn hy vọng: “Hỡi sa mạc cùng đất cạn khô, hãy hân hoan, hãy trổ hoa… Chúng sẽ thấy vinh quang của Giavê.”

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cũng nhắc chúng ta: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa, vì Chúa đã đến gần.”

Niềm vui thánh thiện chan chứa đang dâng lên khắp nơi trên địa cầu. Như vậy, ngôn sứ Isaia kêu mời những tâm hồn khô khan, cằn cỗi như sa mạc hoang vu, chai cứng vì tội lỗi, hãy nở hoa, hãy hy vọng. Họ cằn cỗi vì sống theo đam mê, vì sự thúc đẩy của bản năng tự nhiên. Tâm hồn họ khô cằn vì gặp những đau khổ, thử thách trong cuộc sống mà không được ai giải thoát.

Nhất là họ cằn cỗi, khô chồi vì chạy theo những thần tượng đời này, như mải mê với những thú vui mau qua, họ mê mải với những công nghệ hiện đại, mà thiếu vắng sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn họ. Có khi họ làm mồi cho những thú dữ là ma quỉ đến quậy phá, khiến họ sống không có bình an, cuộc đời họ trở nên vô nghĩa và thiếu vắng giá trị tâm linh.

Cũng vậy, Chúa mời gọi con người đừng bi quan, buồn sầu trước những thử thách, đừng chán nản thất vọng khi thấy sự dữ còn lan tràn, nhưng Ngài kêu gọi chúng ta hãy nở hoa yêu mến, tin tưởng vào Chúa là Đấng sẽ đến đem lại cho sa mạc tâm hồn họ một sự sống mới đầy tràn, phong phú như lời Chúa nói: “Người mù được sáng, kẻ què được đi, người cùi được lành sạch, người điếc được nghe, kẻ chết sống lại và người nghèo được nghe rao giảng Tin Mừng.”

Chúa là Cha đầy lòng nhân ái, yêu thương vô biên. Trước đây, Ngài đã khơi lên niềm hân hoan, phấn khởi cho dân Chúa, ngày nay Chúa cũng đến mở ra những trang sử mới cho loài người chúng ta.

Như thế, Chúa đến để giải thoát con người khỏi những sự dữ đang đè nặng nhân loại. Ngài giải cứu chúng ta khỏi ách thống trị của ma quỉ với nhiều dấu chỉ lớn lao tuyệt diệu, đó là: người mù về tâm linh được thấy ánh sáng của chân lý, ánh sáng đem lại sự phấn khởi hân hoan cho tâm hồn. Người què là bị những xiềng xích của đam mê trói buộc họ, sẽ được Chúa tháo cởi, họ được Chúa chữa khỏi. Người phong hủi là bị những nết xấu được Chúa chữa lành. Người chết là những người bị những tội lỗi nặng nề làm cho họ chết đi về linh hồn, mất sự sống sẽ được Chúa phục hồi, và đem lại cho họ sức sống mới dồi dào.

Như thế, cuộc sống của chúng ta từ đây không còn phải quá lo lắng, buồn phiền vì những gian nan, khó khăn trong cuộc sống vì đã có Chúa. Ngài sẽ đến làm vơi nhẹ những thử thách. Ngài làm bớt đi những gánh nặng chúng ta đang phải gánh vác, và gia tăng những niềm vui, để chúng ta sống an bình và hạnh phúc. Từ đó, chúng ta sẽ an tâm mà phụng thờ Chúa cách nhiệt thành, sốt sắng hơn và cuộc đời sẽ như sa mạc nở hoa.

Alphonso sinh 25.7.1532 ở Segovia, Tây Ban Nha, con của người buôn bán giầu có. Khi còn nhỏ, Alphonso thường gặp Cha thánh Phêrô Favre, và một cha dòng Tên. Khi 14 tuổi, Alphonso theo học với các cha dòng Tên, nhưng chưa được một năm sau, khi bố chết Ngài về nhà để giúp làm việc nhà. Lúc 23 tuổi, Alphonso trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi. Rồi ngài lập gia đình và được một trai, hai gái.

Khi kỹ nghệ tơ sợi suy tàn, nhiều thảm kịch xảy đến cho Anphôngsô: hai cô con gái, vợ và mẹ chết trong ba năm liên tiếp. Sau khi bán hết cơ sở thương mại, Alphonso ngưng hoạt động, về sống với hai cô em gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này Alphonso học cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và sống đời khổ hạnh.

Khi con trai từ trần, Alphonso, giờ gần 40, quyết định gia nhập dòng Tên ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu học vấn, nhưng Alphonso rất kiên nhẫn, ngài đi học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên nhận Alphonso làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường dòng Tên ở Majorca và giữ việc gác cửa. Ngài sống khổ hạnh.

Trong 45 năm, Ngài trung thành với nhiệm vụ của mình. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục, hãm mình, và sùng kính Ðức Mẹ. Một cha dòng Tên khen: “Thầy đó không phải là một người bình thường – thầy là một thiên thần!” Các giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người nghèo tìm đến ngài, để xin hướng dẫn tinh thần. Trong đó có Cha Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Ðồ của Người Nô Lệ Da Ðen. Lúc cuối đời, thầy Alphonso bị đau khổ vì bệnh tật và khô khan tinh thần.

Sau cùng, trước khi từ trần, ngài rước Mình Thánh và mọi đau khổ tâm thần cũng như thể xác tan biến. Ngài qua đời ngày 31.10.1617 tại Palma, Majorca. Tang lễ có nhiều người nghèo và bệnh tật. Có cả phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc và các giám mục. Ngài là sa mạc nở hoa rực rỡ. 

Đức Leo XII tôn phong Chân Phước năm 1825 và Đức Leo XIII nâng thầy Alphonsus Rodiguez lên hàng hiển thánh ngày 06.9.1887 cùng lúc với Thánh Peter Claver.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết hy vọng, tin tưởng vào Chúa để dọn mình đón Chúa đến. Nhờ đó, chúng con sẽ được mạnh mẽ, và cuộc đời chúng con sẽ nở hoa các nhân đức, để làm vinh danh Chúa. Amen.