Chúa Nhật III mùa vọng  - Năm A
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG - A
Lm Giuse Đinh tất Quý

Thiếu nhi chúng con yêu quí.

1. Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, mùa chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh.

Cha hỏi chúng con. Hôm nay chúng con có thấy cái gì khác thường đặc biệt không?

- Có..

+ Có cái gì nào?

- Chúng con thấy cha mặc áo mầu hồng.

+ Rất đúng. Nhưng còn có điều gì khác thường nữa không?

- Chúng con thấy các bài sách thánh hôm nay nói nhiều đến niềm vui.

+ Rất chính xác. Cha khen chúng con.  

Đúng Chúa nhật hôm nay được gọi là Chúa nhật của niềm vui. Các bài đọc Kinh thánh đều nói về vấn đề này.

          Nói đây cha chợt nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện có tựa đề là Niềm Vui Cho Mọi Người. Chuyện kể rằng:

Mỗi ngày, cứ vào buổi trưa, cụ già Thomas lại vào ngôi nhà nguyện nhỏ bé, ở lại đó nhiều nhất là 2 phút, vâng, chỉ 2 phút thôi, rồi trở ra. Người giữ phòng thánh lấy làm thắc mắc, và một ngày kia đã chặn cụ Thomas lại để hỏi cho ra lẽ:

- Này ông Thomas, tại sao ông lại đến đây mỗi ngày?

Cụ Thomas điềm đạm trả lời:

- Tôi đến để cầu nguyện.

Người bạn già nhăn mặt:

- Không thể tin được! Thế ông đọc kinh gì mà lại chỉ trong có mấy phút đã xong?

Cụ Thomas vẫn từ tốn giải thích:

- Tôi chỉ là một lão già dốt nát, tôi cầu nguyện với Chúa theo một cách thức riêng của tôi, tôi nói: ”Lạy Chúa Giêsu, này con đây, chính con là Thomas đây!” Thế thôi, rồi tôi đi ra..

Nhiều năm trôi qua, cụ Thomas ngày một trở nên quá già yếu và bệnh tật, phải vào bệnh viện, ở khu dành cho người nghèo. Khi cụ sắp qua đời, một linh mục và một chị nữ tu y tá đến bên giường cụ, nhỏ nhẹ hỏi han:

- Cụ ơi, cụ hãy nói cho chúng tôi biết, vì sao kể từ khi cụ nhập viện tế bần này, mọi sự bỗng trở nên tốt đẹp hơn, mọi người đều như cảm thấy hài lòng, hạnh phúc và thân thiện với nhau hơn?.

Cụ Thomas nhoẻn miệng cười móm mém, thố lộ:

- Tôi cũng không biết nữa. Khi còn đi lại được, tôi cứ đi chỗ này chỗ kia để thăm mọi người, chào hỏi trò chuyện đôi chút. Đến khi liệt giường, tôi mời mấy mọi người lại, kể chuyện tếu, chọc cho họ cười vui. Với Thomas thì mọi người phải luôn được hạnh phúc!

Vị linh mục vẫn chưa thôi thắc mắc:

- Nhưng còn phần cụ, nhờ đâu cụ có được hạnh phúc?

Cụ Thomas hỏi ngược lại:

- Thế thưa cha và thưa xơ, quý vị không cảm thấy hạnh phúc khi được người khác thăm viếng mỗi ngày sao?.

Vị linh mục ngẫm nghĩ rồi gật gù đồng ý:

- Cụ nói phải! Thế nhưng ai đã đến thăm cụ mỗi ngày?

Cụ Thomas tươi hẳn nét mặt trả lời:

- Thưa cha, khi tôi bắt đầu vào bệnh viện này, tôi đã xin hai cái ghế, một cái dành cho cha hoặc cho xơ, còn cái kia dành cho Đức Giêsu. Trước đây, tôi đến viếng Ngài ở nhà thờ, nhưng nay tôi đã phải nằm liệt giường thì chính Đức Giêsu đã đến thăm tôi mỗi buổi trưa.

Vị linh mục tròi xoe mắt kinh ngạc:

- Thế Đức Giêsu nói gì với cụ?

Cụ Thomas hãnh diện trả lời:

- Này Thomas, chính Thầy đây, Giêsu của con đây!.

Và, những ngày cuối cùng của cuộc đời qua đi, trước khi cụ Thomas qua đời, ai cũng nhìn thấy cụ luôn mỉm cười hạnh phúc...

          Đó chúng con thấy: Được Chúa viếng thăm là một niềm vui thật lớn. Ước gì chúng ta nhận được niềm vui thất lớn mỗi khi chúng ta được Chúa đến với chúng ta.   2. Nhưng làm thế nào để có thể có được niềm tin như vậy?

Đọc bài Tin Mừng hôm nay cha có cảm tưởng là ông Gioan chưa có được niềm tin như thế. Bởi vì chưa có được niềm tin như ý Chúa muốn nên ông cảm thấy bức xúc, ông cảm thấy hình như Chúa Giêsu mà ông đã loan báo không biết có đúng hay không. Chính vì thế mà ông đã sai môn đệ của ông đích thân đến gặp và hỏi Chúa: "Thưa Thầy, Thầy có thật là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?"(Mt 3,3)

Tại sao ông Gioan lại hỏi như thế?

Ông hỏi như thế vì ông thấy Chúa Giêsu Đấng Thiên Sai không giống với hình ảnh mà ông đã rao giảng cho mọi người. Cha thấy trong đầu của ông vẫn còn mang nặng cái ý nghĩ về Đấng Cứu thế, Đấng Thiên Sai của những người Do thái. Đấng Cứu thế, Đấng Thiên Sai đối với người Do thái phải là Đấng oai hùng, phải là Đấng thống trị muôn dân muôn nước, phải là Vua các Vua, chúa các chúa chứ không phải là một con người xem ra có vẻ chẳng có quyền uy gì như Chúa đang sống.

Chúa đã trả lời cho ông Gioan. Chúa bảo ông hãy nhìn vào các dấu chỉ mà các ngôn sứ đã loan báo về thời đại Đấng Thiên sai mà biết Chúa là ai và có đúng với những điều đã được loan báo hay không.

Cha chắc các môn đệ của Gioan đã làm như Chúa nói và cha tin chắc ông Gioan cũng thấy điều đó. Cha tin chắc như vậy. Cha tin Chúa cũng biết điều đó cho nên sau khi các môn đệ của ông Gioan ra đi, Chúa đã công khai khen ngợi Gioan Tẩy Giả trước mặt mọi người. Chúa khen ngợi bằng những lời lẽ tốt đẹp chưa từng thấy. Đây cha xin nhắc lại cho chúng con:Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt long mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.(Mt 3,11).

Tại sao thế? Thưa vì ông xứng đáng được ca tụng như vậy.

Ông cao trọng bởi vì ông dám lãnh nhận một sứ mệnh cao cả – Sứ mệnh dọn đường cho Chúa Cứu thế và ông đã dám can đảm sống hết mình để chu toàn sứ mệnh ấy dù khi sống như vậy ông đã phải trả một cái giá thật đắt.

Chúng con hãy nghe Chúa nói tiếp:

 “Các người vào sa mạc đi xem gì?” Xem cây sậy bị lung lay trong gió ư? Không! Gioan không là cây sậy, mà là cây lim cây sến. Nói như Đức Cha Timer Toth người ta có thể bẻ cong được cây sậy nhưng  người ta không có thể bẻ cong được cây lim cây sến, người ta chỉ có thể chặt chúng đi. Gioan là như thế. Ông không phải là con người dễ uốn cong. Để khỏi thấy mặt con người gây nhiều phiền toái cho mình, Hêrôđê chỉ còn cách chặt đầu ông mà thôi.

“Các ngươi đi để xem gì?” “Một người ăn mặc mịn màng ư! Ta bảo thật những kẻ ăn mặc xa hoa và sống vui thú...họ ở trong cung điện các vua chúa. Gioan không phải như thế. Ông không phải là hạng người mà cuộc đời chỉ có ăn với mặc! Ông đả tự nguyện sống siêu thoát để tự rèn luyện mình và cũng là để ông được hoàn toàn tự do khi thi hành sứ mệnh.

Vậy các ngươi xem gì? Một tiên tri ư?

Và Chúa tự trả lời ngay: Phải! Ta bảo cho các ngươi hay: Ông là một tiên tri và còn hơn một tiên tri nữa vì ông mà có lời Kinh Thánh chép rằng: “Ta sai Thần Khí của Ta đi trước để dọn đường cho con”.

Thánh Hêrômimô thuật lại:

Hôm đó vào một buổi tối tháng 3 năm 29 tại Machironte người ta tưng bừng náo nhiệt tổ chức mừng vạn thọ cho vua Hêrôđê.

Vào lúc bữa tiệc đã gần kết thúc, trong cơn đảo điên vì hơi men, lại bị kích động thêm bởi những vũ điệu cuồng loạn, xác thịt, khiêu gợi, tình tứ, quyến rũ của Salômê, đứa con của Hêrôđiađê vợ của người anh là vua Philippê mà Hêrôđê đã cướp đem về làm vợ mình...Hêrôđê đã buông ra những lời rất ngọt ngào: “Này Salômê con, con muốn xin gì chăng?...Cô bé dừng lại, vân vê tà áo, mỉm cười duyên dáng khiến nhà vua khoái chí...và dù sự việc chẳng đến nỗi quá quan trọng nhưng nhà vua đã thề hễ cô xin gì dù là cả nửa nước, ông cũng sẽ ban cho...

Cô bé chưa dám quyết định ngay, cô vào hỏi mẹ- và Hêrôđiađê là con người quỷ quyệt. Cơ hội ngàn năm một thuở đã tới. Bà quyết phải tận dụng để trả thù cho kẻ đã dám công khai xỉ nhục bà. Bà nói với con xin ngay cái đầu của Gioan - lập tức cô ra nói với vua:

“ Xin cha ban cho con ngay tại đây, trên cái mâm này, đầu của Gioan Tẩy Giả”

Tin mừng Mt 14,9-12 ghi: “Nhà vua lấy làm buồn nhưng vì đã lỡ thề, lại thề trước khách dự tiệc nên truyền lệnh cho lính vào ngục lấy đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm đen trao cho cô và cô đem đến cho mẹ. Thánh Hêrôminô còn cho biết thêm khi nhận được đầu của Gioan Tẩy Giả, Hêrôđiađê đã lấy dao cạy miệng Ngài ra rồi dùng dao đâm thấu lưỡi của vị Thánh- Và các môn đệ đến lấy thi hài của Ngài đem đi chôn- rồi đi báo cho Đức Giêsu.

Và thế là kết thúc cuộc đời của một vị tiên tri

Vâng Gioan đã trở nên cao cả không phải vì ông nhiều tiền nhiều bạc, cũng không phải ông có những địa vị thật cao trong xã hội, nhưng là vì ông đã chu toàn được sứ mệnh Chúa trao cho mình.

          Mỗi người chúng ta cũng hãy chu toàn mọi bổn phận Chúa trao cho chúng ta để chúng ta cũng được gặp Chúa và được hưởng niềm vui của Người. Amen