Chúa Nhật III mùa vọng  - Năm A
GIỌNG NÓI CHÚA GIÊSU
Chú giải của William Barclay

Sứ vụ Gioan Tẩy Giả kết thúc trong nỗi đớn đau khốc liệt. Gioan chẳng có thói quen gia giảm chân lý cho vừa ý người khác, cũng không thể nào thấy điều gian ác mà không quở trách. Gioan đã nói rất mạnh dạn thẳng thắn đến luỵ cả bản thân.

Trong chuyến du lịch từ Galilê đến Rôma thăm em trai, vua Hêrôđê Antipa đã quyến rũ vợ của em mình. Khi trở về xứ, ông bỏ vợ chính thức để cưới em dâu mà ông đã dụ dỗ. Gioan công khai và nghiêm khắc quở trách Hêrôđê. Dám chỉ trích một vị vua phương Đông thì không bao giờ được yên thân. Hêrôđê đã trả thù: Gioan bị quăng vào ngục Machaerus, trong vùng núi gần Biển Chết.

Đối với người bình thường số phận đó là rất khủng khiếp; riêng đối với Gioan thì càng kinh khủng bội phần. Ông là đứa con của hoang địa, cả đời sống ngoài trời bao la, với gió thoảng mây ngàn, thế mà bây giờ phải chôn chân trong bốn bức tường chật hẹp dưới mặt đất. Với Gioan, một người có lẽ chưa hề sống tù túng dưới một mái nhà nào, điều này quả là một nỗi thống khổ không lường được.

Trong lâu đài Carlisle có một phòng giam nhỏ. Ngày xưa có lần người ta tống giam một sĩ quan biên phòng vào đó trong mấy năm liền. Phòng giam đó có một cửa sổ nhỏ trên cao, người đứng dưới đất không thể nhìn ra ngoài được. Sau này người ta thấy trên vách đá bên mép cửa sổ có hai dấu lõm vào. Đó là dấu tay của người sĩ quan biên phòng ngày ngày đu mình lên đó để được nhìn ra giải thung lũng xanh rờn, nơi ông ta không bao giờ còn hy vọng trở lại nữa.

Chắc Gioan cũng mang một tâm trạng như thế cho nên không có gì đáng ngạc nhiên hoặc đáng chỉ trích khi ta thấy những thắc mắc bắt đầu thành hình trong trí ông. Ông đã tin Chúa Giêsu là Đấng phải đến, là Đấng Mêsia mà dân Do Thái nóng lòng mong đợi (Mc 11,9; Lc 13,35; Dt 10,37; Tv 118,26). Một người sắp chết thì không thể nào để cho lòng mình vương vấn chút ngờ vực nào. Ông cần phải biết thật chắc nên ông sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng? Hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?”. Câu hỏi đó có thể có nhiều lý do:

1. Một số người cho rằng câu đó không phải là câu hỏi cho Gioan mà là cho các môn đệ của ông. Có thể khi Gioan đàm đạo với môn đệ mình trong tù, họ hỏi ông Chúa Giêsu có thất là Đấng phải đến không, Gioan bảo họ: “Nếu các ngươi nghi ngờ, chưa rõ Giêsu là ai thì hãy đi xem Ngài đang làm gì, và có thể làm được những gì, lúc đó các ngươi sẽ hết nghi ngờ ngay”. Nếu có ai cãi lý với chúng ta về Chúa Giêsu và thắc mắc về quyền năng tối thượng của Ngài, câu trả lời hay nhất không phải là dùng lý luận chống lại lý luận, nhưng là: “Anh đã giao phó đời sống anh cho Ngài thì sẽ thấy quyền năng hành động của Ngài”. Cách tranh biện tốt nhất cho Chúa không phải là dùng lý lẽ tri thức nhưng là đưa ra kinh nghiệm về quyền năng biến cải của Ngài.

2. Có thể câu hỏi của Gioan là do thiếu kiên nhẫn. Sứ điệp của Gioan là sứ điệp về nhận xét (Mt 3,7-12). Cái búa đã để kề gốc cây, việc sàng sảy đã khởi sự, lửa phán xét thanh tẩy của Chúa đã bắt đầu chay. Có thể lúc đó Gioan nghĩ rằng: “Khi nào Chúa Giêsu mới bắt đầu hành động? Khi nào Ngài mới bắt đầu tiêu diệt kẻ thù, thiêu huỷ cái ác? Khi nào ngày huỷ diệt thánh của Chúa mới khởi sự?”. Có thể Gioan đã mất kiên nhẫn vì Chúa Giêsu đã không hành động như ông mong đợi. Một điều chắc chắn là người nào chờ đợi Chúa Giêsu giáng cơn giận bạo tàn, sẽ luôn luôn bất mãn về Ngài, nhưng ai tìm kiếm tình yêu nơi Ngài sẽ không bao giờ thất vọng.

3. Một số người cho rằng câu hỏi của Gioan phát xuất từ niềm vui và hy vọng đang vươn lên. Ông đã thấy Chúa lúc Ngài chịu phép rửa, bây giờ ở trong tù ông càng nghĩ nhiều hơn về Ngài. Càng suy nghĩ, ông càng tin chắc Ngài là Đấng phải đến. Và bây giờ ông đặt tất cả hy vọng của mình vào câu hỏi trắc nghiệm này. Có thể đây không phải là câu hỏi của một người thất vọng và thiếu kiên nhẫn mà là câu hỏi của một người mà ánh mắt đang sáng ngời hy vọng, một người hỏi chỉ cốt để xác minh hy vọng của mình.

Chúa Giêsu trả lời câu hỏi đó với giọng đầy tin tưởng: “Hãy về đừng thuật lại cho Gioan những điều Ta nói, nhưng hãy thuật lại những điều Ta làm. Đừng thuật lạ cho Gioan những gì Ta cao rao, nhưng hãy thuật lại cho Gioan những điều xảy ra”. Chúa Giêsu bảo người ta hãy dùng những trắc nghiệm gay go nhất để thử Ngài, trắc nghiệm về hành động và kết quả. Chúa Giêsu là người duy nhất có thể thách thức người ta phê phán những việc Ngài làm không cần giới hạn, không cần điều kiện. Lời thách thức của Ngài vẫn không đổi thay. Ngài không kêu gào: “Hãy nghe những điều Ta phán đây”, nhưng Ngài nói: “Hãy nhìn xem những điều Ta có thể làm cho các ngươi cùng những điều Ta đã làm cho nhiều người khác”.

Những điều Chúa Giêsu làm ở xứ Galilê thì Ngài vẫn còn làm ngày nay. Trong Ngài, những ai đui mù không thấy được sự thật về chính mình, về người khác và về Thiên Chúa, đều được sáng mắt. Trong Ngài, những ai có đôi chân yếu ớt, không đủ sức đứng vững trong đường ngay nẻo chính đều được mạnh mẽ. Trong Ngài, những ai bị tì ố vì tội lỗi đều được thanh tẩy. Trong Ngài, ai không nghe được tiếng nói của lương tâm và của Chúa đều bắt đầu nghe được. Trong Ngài, những kẻ chết và bất lực trong tội lỗi đều bắt đầu sống lại cuộc đời mới và thánh thiện. Trong Ngài, những người nghèo được hưởng tình yêu sung mãn của Thiên Chúa.

Nhưng cuối cùng là lời cảnh cáo: “Phúc thay người người nào không vấp ngã vì Tôi”. Chúa phán điều này với Gioan vì Gioan chỉ nắm có phân nửa chân lý. Gioan rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện, với sự huỷ diệt từ trời, Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng về sự thánh thiện, với tình yêu từ trời. Vì vậy Chúa Giêsu nói với Gioan rằng: “Có thể Ta không làm điều ngươi trông đợi Ta, nhưng những quyền lực tà ác đang bị đánh bại, bị đánh bại không phải bởi sức mạnh vô địch mà bởi tình yêu vô hạn”. Đôi khi người ta bị vấp phạm vì Chúa Giêsu bởi Ngài cắt ngang quan điểm của họ về tôn giáo, Ngài không làm theo đúng suy diễn của họ về tôn giáo.

GIỌNG TÁN TỤNG (11,7-11)

Ít người được Chúa Giêsu ca ngợi nhiều như Gioan Tẩy Giả. Mở đầu cho câu chuyện, Ngài hỏi dân chúng là họ đi xem gì trong hoang địa khi họ đổ xô đi xem Gioan.

1. Có phải họ đi xem cây sậy trong gió rung không? Điều này có thể mang một trong hai ý nghĩa:

a. Dọc bờ sông Giođan có những cây sậy dài và cây sậy bị gió rung là một thành ngữ để chỉ những cảnh thông thường nhất. Khi dân chúng đổ xô đi xem Gioan, phải chăng họ đi xem một cái gì bình thường, bình thường như những cây sậy vẫn bị gió rung bên bờ sông Giođan?

b. Cây sậy bị gió rung có thể chỉ “một người mềm yếu” một người không thể đứng vững trước những ngọn gió thử thách hiểm nguy như cây sậy bên bờ sông không thể đứng thẳng khi gió thổi qua.

Dù dân có đổ vào hoang địa để xem gì đi nữa, chắc chắn họ cũng không đi tìm xem một người bình thường. Sự kiện dân chúng đổ xô đi xem, cho thấy Gioan là người hết sức khác thường, vì không ai lại băng ngàn lội suối vào tận hoang địa để xem một người bình thường như mọi người mình gặp hằng ngày. Dù có đi xem chăng nữa, họ cũng không xem một người chao đảo hèn yếu. Hạng người khom lòng cúi gập mình chẳng bao giờ có thể trở thành người tử đạo. Gioan không phải là một người bình thường cũng không phải là người hèn yếu như cây sậy bị xiêu đổ dưới cơn gió.

2. Có phải họ đi xem một người mặc áo đẹp chăng? Một người như thế phải ở trong cung điện nhà vua và chắc chắn Gioan không phải là một người trong cung điện. Ông không biết tí gì về nghệ thuật lấy lòng vua. Trái lại ông theo đuổi nghề bạc bẽo hiểm nguy của một kẻ can gián vua. Gioan sứ giả của Chúa chứ không phải là triều thần của vua Hêrôđê.

3. Có phải họ đi xem một ngôn sứ không? Ngôn sứ là người rao truyền chân lý của Chúa, là người được Chúa tin tưởng: “Cũng vậy, Chúa chẳng có làm việc gì mà Ngài chưa tỏ sự tín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài là các ngôn sứ” (Am 3,7). Có hai điều về ngôn sứ: đó là người mang sứ điệp của Chúa và là người can đảm nói ra sứ điệp đó. Ngôn sứ là người có sự khôn ngoan của Chúa trong tâm trí, có chân lý của Chúa trong miệng và có sự can đảm của Chúa trong lòng, đó là điều chắc chắn Gioan có.

4. Nhưng Gioan có điểm vượt xa hơn một ngôn sứ. Người Do Thái đã và vẫn tin rằng trước khi Đấng Mêsia đến, Êlia trở lại để loan báo việc Ngài đến. Cho đến ngày nay, khi cử hành Lễ Vượt Qua, người Do Thái vẫn còn chừa một ghế trống cho Êlia “Nầy Ta sẽ sai ngôn sứ Êlia đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Chúa sẽ đến” (Ml 4,5). Vì vậy Chúa Giêsu nói Gioan chính là vị sứ giả từ trời, là nhà tiên phong của Chúa, có nhiệm vụ và đặc quyền loan báo sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Gioan là một sứ giả của Chúa và không một người nào có công tác lớn hơn công tác đó.

5. Chúa Giêsu dành cho Gioan những lời ca ngợi chí tình như thế này, Ngài nói về con người đó bằng giọng tán tụng. Trong suốt lịch sử không hề có ai được tôn trọng hơn Gioan, nhưng tiếp đó là một câu bất ngờ “Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”.

Đây là một chân lý chung cho mọi đời. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu đem đến cho thế gian này một cái gì mới mẻ. Các ngôn sứ là những người vĩ đại và sứ điệp của họ rất quý báu, nhưng sự xuất hiện của Chúa Giêsu làm nổi bật lên một cái gì vĩ đại hơn, một sứ điệp tuyệt diệu hơn. Ông C.G. Monterfiore, một người Do Thái không tin Chúa, viết: “Kitô giáo đánh dấu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử tôn giáo và văn minh nhân loại. Những điều thế giới nhận được từ Chúa Giêsu và Phaolô thật lớn lao. Sự vật và tư tưởng con người không thể nào giữ y nguyên như trước khi hai vĩ nhân này xuất hiện”. Ngay cả một người không tin Chúa cũng phải vô tư thừa nhận rặng mọi việc bây giờ không thể nào giống như trước khi Chúa Giêsu đến.

Nhưng Gioan đã thiếu điều gì? Cái gì người Kitô hữu có nhưng Gioan không bao giờ có thể có? Câu trả lời rất đơn giản và cũng rất căn bản: Gioan chưa hề thấy Thập giá. Vì thế Gioan không thể nào biết được sự mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa. Ông có thể biết về sự thánh thiện của Chúa, có thể nói về sự công chính của Ngài, nhưng ông không bao giờ có thể biết về tình yêu đầy tràn của Thiên Chúa. Nghe sứ điệp của Gioan và đối chiếu với sứ điệp của Chúa Giêsu, không ai có thể gọi sứ điệp của Gioan là Phúc Âm, là Tin Mừng. Ta thấy cái ý trong sứ điệp của Gioan là đe doạ, huỷ diệt; còn Chúa Giêsu thì Thập Giá của Ngài bày tỏ cho người ta thấy chiều dài, chiều cao và chiều sâu của tình yêu Thiên Chúa. Điều ngạc nhiên là một Kitô hữu bình thường cũng có thể biết về Chúa nhiều hơn Đấng ngôn sứ thời Cựu Ước. Chúng ta có thể biết nhiều về tấm lòng của Chúa hơn ngôn sứ Isaia, Giêrêmia hoặc các ngôn sứ khác. Người nào thấy được Thập Giá là thấy được cả tấm lòng của Chúa, theo một cách mà không ai sống trước Thập Giá lại có thể thấy được. Chỉ trong Thập Giá của Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa. Như thế, quả thật kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời thì lớn hơn bất cứ người nào trước đó.

Gioan đã phải chịu một thân phận hẩm hiu như một số người là ông chỉ dẫn cho người ta đi đến một chân trời xán lạn mà chính mình lại chưa được đến. Một số người được dùng làm bảng chỉ đường của Chúa, họ chỉ cho người ta đến một lý tưởng mới, một tầm cao mới để người khác bước vào, còn họ thì chưa vào được. Những người đại cải cách có tên tuổi gắn liền với các cuộc cải cách trong lịch sử thường không phải là những người đầu tiên lao thân khổ trí vì những cuộc cải cách đó. Trước khi ông ta xuất hiện trên sân khấu lịch sử, đã có nhiều người đi trước. Những người này không nhìn thấy vinh quang của cuộc cải cách nhưng đã đổ công sức, đôi khi đã chết vì nó. Có một người kể lại quang cảnh mà ông ta thường thấy qua cửa sổ nhà ông ta mỗi tối. Đêm nào ông cũng chờ mong người thắp đèn đi dọc theo con đường để đốt những ngọn đèn, nhưng người đốt đèn lại là người mù. Ông ta mang ánh sáng đến cho mọi người mà chính ông ta lại không bao giờ thấy được.

Đừng ai thất vọng (dù trong Hội Thánh hay trong bất cử nẻo đường nào của cuộc đời), nếu những điều mơ ước và theo đuổi không thực hiện được trước buổi xế chiều của đời mình. Thiên Chúa cần Gioan, cần những người làm dấu chỉ đường để cho người khác biết đường, mặc dầu chính họ không đạt đến đích. Chỉ có người khác một mục tiêu, dù chính mình chưa đạt đến mục tiêu đó, là một phận sự lớn lao trong đời sống.