Chúa Nhật III mùa vọng  - Năm A
HÃY THUẬT LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ NGHE
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:

1. Vào một khúc quanh quyết định, một cuộc đối thoại kỳ lạ:

Phúc âm Chúa nhặt vừa qua trích dẫn thời gian đầu của sứ vụ của Gioan Tiền Hô, chương thứ bốn Phúc âm thánh Matthêu. Ông loan báo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Đấng đến sau tôi thì quyển thế hơn tôi. Đốt giai đoạn, sách bài đọc hôm nay đưa chúng ta đến chương thứ 11 của thánh Matthêu, nơi diễn ra cuộc đối thoại kỳ lạ giữa vị tiên tri vùng hoang địa và Đức Giêsu. -Thực ra Gioan đang ở trong tù (xem 4,12). Trong khi chờ đợi trả giá sự can đảm bằng chính mạng sống mình, ông đành mất tự do vì đã tố cáo phẩm hạnh xấu của Hêrôđê Antipas, con của Hêrôđê Cả (ông ta sống với nàng Hêrôđiađê, là vợ của Philipphe, anh ông ta: 14,4-5). Về phương diện thể xác, ông từ từ tự xoá mình đi trước Đấng mà ông đã nhận lãnh sứ mạng loan báo đang đến. Còn Đức Giêsu, sau nhiệt tình ban đầu của cuộc đời công khai, Ngài đã có kinh nghiệm đau đớn về tính hay thay đổi của những đám đông xứ Galilê. Lời giảng dạy của Ngài, thôi thúc thính giả phải chọn lựa, phải quyết định, đã gây chia rẽ về con người của Ngài. "những công trình" của Ngài không phải là những việc mà cách chung người ta chờ đợi nơi Đấng Cứu Thế! Và sự đối lập căng thẳng sẽ buộc Ngài phải khôn ngoan rút lui. Chính ở khúc ngoặt quyết định này, đối với Đức Giêsu, cũng như với Gioan Tiền Hô, mà tác giả Phúc âm đã đặt cuộc đối thoại kỳ lạ, qua trung gian những người được sai đến.

2. Câu hỏi của một tiên tri bị hoang mang:

Như chúng ta thấy trong Chúa nhật vừa qua, Gioan Tiền Hô không ngừng loan báo việc Đấng Cứu Thế sẽ đến, "sức mạnh của Ngài giáng xuống" như sấm sét. Nhưng thái độ của Đức Giêsu rất không phù hợp với những lời khuyên bảo nghiêm khắc của ông. Không hề có ý định tiêu diệt những người tội lỗi, Ngài đi từ làng này sang làng khác, mở rộng đôi tay đón nhận tất cả những cảnh khốn khổ cùng quẫn của con người, chữa lành bệnh nhân (8 và 9), tha thứ tội lỗi (9,l-8), kêu gọi một người thu thuế bước theo Ngài (9,9), đồng bàn với những người tội lỗi (9,10). Khác xa với vị quan toà đáng sợ mà Gioan đã loan báo, Đức Giêsu xuất hiện như người tôi tớ kín đáo, người ta không nghe tiếng Ngài trên quảng trường, Ngài không bẻ gãy cây sậy bị giập nát và không làm tắt tim đèn còn bốc khói (12,19-20). Ở đây Gioan đối đầu với cớ vấp phạm (scadale), nghĩa là đối đầu với một chướng ngại có nguy cơ làm ông sụp ngả. Một Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, khiêm nhường và đau khổ, khác xa với Đấng mà ông đã loan báo. Đó là thử thách đức tin của ông: đang chờ đợi một sự biểu lộ công bình, thì ông lại gặp lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, từ trong tù ngục Machéronte, từ đáy sâu suy tư mà hoàn cảnh đã nhận chìm ông vào, Gioan, vị tiên tri bị hoang mang, đã sai các môn đệ đến đặt cho Đức Giêsu câu hỏi từ lâu thiêu đốt tâm hồn và môi miệng ông: ông có phải là Đấng phải đến (một sự chỉ định Kitô-giáo về Đấng Cứu Thế, lấy từ Thánh vịnh 118,26), hay chúng tôi còn phải chờ đợi "một Đấng khác?”

3. Câu trả lời của một Đấng Cứu Thế gây hoang mang.

Đức Giêsu trả lời trong hai hồi. Trước hết là nói với chính Gioan. Sau đó, là nói về Gioan. Trong hồi thứ nhất, Đức Giêsu gởi gắm một sứ điệp cho những người được Gioan phái đến: "Các anh cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được loan báo Tin mừng. Một sứ điệp diễn tả những hoạt động từ thiện của Đức Giêsu ưu ái dành cho đám đông. Một sứ điệp thực sự đưa Gioan Tiền Hô về lại với những lời loan báo tiên tri của sách Isaia; đặc biệt là Is.35 của bài đọc thứ nhất Chúa nhật hôm nay: "Bấy giờ "mắt người mù sẽ mở ra và tai người điếc..., và Is.61: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi Ngài sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó”. Như A.Marchadour giải thích điều đó rõ ràng trong một tác phẩm mới xuất bản: "Trong kinh nghiệm của dân Israel, phép lạ được định vị chủ yếu trong thời gian cuộc Xuất Hành... Dân Israel hy vọng rằng, những dấu lạ này sẽ lại đến trong thời gian sau hết, khi Thiên Chúa còn gần gũi với dân Ngài và sẽ bày tỏ điều đó ra bằng những dấu chỉ: "Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, và tai người điếc sẽ nghe được. Bấy giờ người què sẽ nhảy lên như nai, và lưỡi người câm sẽ kêu lên vui mừng! Bởi vì, nước sẽ chảy vọt ra trong hoang địa và thác sẽ trào dâng trong thảo nguyên (Is 35,5-6). Đó là điều mà Đức Giêsu và Giáo Hội kế tiếp Ngài sẽ hiểu (xem 7,18,23). Chỗ đứng quan trọng của các phép lạ thời Đức Giêsu (và cũng một phần trong thời Giáo Hội sơ khai) là sự hoàn thành của thời gian sau hết (Les Evangiles au feu de la critique", Bayard Editions, Centurion 1995, trang 120-121).

Như vậy thời gian viên mãn đã đến; Đấng Cứu Thế được mong đợi đã đến. Nhưng còn phải phân định những dấu chỉ của sự hiện diện của vương quốc, và, như vậy là, như J.Radermarkers dã viết: chấp nhận được kể vào số những người mù được nhìn thấy, người câm điếc được nghe, người nghèo được Phúc âm hoá (‘Au fil de l’évangile selon saint Mathieu’ trang 154). Sau cùng, Đức Giêsu nói với Gioan: "Phúc cho ai không vấp phạm vì Ta. Nói khác đi, phúc cho ai sẽ vượt qua chướng ngại, sẽ phá vỡ cạm bẫy được giương ra, sẽ không vấp ngã? Ngoài Gioan, một thứ phúc thật có thể được áp dụng cho tất cả các tín hữu, cho mỗi người chúng ta.

- Sau khi các sứ giả trở về trại giam (pháo đài) Machéronte, sang hồi thứ hai, Đức Giêsu, đối chiếu sứ vụ của Gioan với sự vụ của mình, đã khen ngợi Gioan Tẩy giả. Nếu những nhân chứng tuốn về phía con người của sa mạc.

+ Không phải là đến để xem "cây sậy phất phơ trước gió" trên bờ sông Giođan, một con người nhu nhược ngả nghiêng trước gió: can đảm trong việc giảng thuyết, Gioan đã tỏ ra không nao núng trong nghịch cảnh và cơn bách hại.

+ Cũng không phải là để đi xem. "một người mặc y phục sang trọng", một nhân vật trần thế: nhà khổ hạnh của sa mạc mặc y phục của tiên tri Êlia, vị tiên tri được mong đợi trong thời sau hết, kẻ phải đến trước Đấng Cứu Thế;

+ Chính là để đi đến với "một vị tiên tri", và Đức Giêsu khẳng định: "còn hơn một vị tiên tri nữa": ông là "vị sứ giả" cuối cùng, được tiên tri Malachia loan báo (3,1), "kẻ dọn đường", Đấng tiền hô. Theo nghĩa đó, ông là vi tiên tri lớn nhất trong các tiên tri, bởi vì ở nơi ông, tất cả sự trông đợi được diễn tả qua truyền thống các tiên tri đã đạt đến đích điểm: Đức Giêsu long trọng tuyên bố: "Giữa con cái loài người, không ai lớn hơn Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, ngay lập tức Ngài nói thêm một cách ngược đời: "người nhỏ nhất trong Nước Trời còn lớn hơn ông ta". Cl. Tassin diễn giải: "Theo lịch sử nhân loại, không có ai lớn hơn ông. Thế nhưng, người bé nhỏ nhất, trong các Kitô hữu lại vượt qua ông trong phẩm cách, với tư cách là thành viên của một vương quốc đảo ngược những tiêu chuẩn nhân loại và ưu đãi những người bé mọn" (“L'evangile de Matthieu, Centurion, trang l22).

BÀI ĐỌC THÊM

1.”Những dấu chỉ của sự hiện diện nước Thiên Chúa không có ly kỳ"

Người ta chờ đợi một người làm sáng tỏ công lý không biết thương xót và ở đây lại là một vị chuyên chữa thân xác, một lương y của các tâm hồn. Người ta đã loan báo sự báo oán của Thiên Chúa, thế mà ở đây lại là lòng thương xót được trao ban với sự dịu hiền và khiêm nhường. Một nhà giải phóng kỳ lạ và rất khác biệt với dung mạo được tiên báo!... "ông có phải là Đấng phải đến hay là chúng tôi còn phải đợi một người khác. Đấng tiền hô sẽ thoả mãn với những dấu chỉ và bằng chứng. Thế nhưng ở đây, không phải là vinh quang rực rỡ, cũng không phải là sự báo oán thẳng tay. Cũng không là một lời giải đáp cho những hy vọng chính trị, tôn giáo, ái quốc của một số đông. Đấng Cứu Thế đang ở đó sự giải phóng đã bắt đầu. Nước Thiên Chúa đã khai mào. Một cách khác. Bất thình lình. Không ngờ. Đức Kitô thực sự không đáp ứng dễ dàng những tiêu chuẩn tự nhiên, những cái nhìn quá chật hẹp và quá khô cứng bởi những lợi lộc vật chất trần tục của chúng ta. Nếu Gioan đã có thể hồ nghi, điều này cũng dễ hiểu, thì những người khác đã hiểu ngay tức khắc, dù Thiên Chúa thinh lặng: những người được chữa lành, những người được thanh tẩy, những người được biến đổi và đám đông những người nghèo hèn này sau cùng được nhìn với sự yêu thương, được xem như là những con người được hoàn toàn ưu ái, con cái của vương quốc, những người thừa kế thực sự. Có thể là họ không biết tất cả những sắc thái của các lời tiên tri, không biết đến cả ngàn thứ quy định của Lề Luật, dù là thuộc về giáo thuyết phụng vụ hay luân lý. Họ không có kiến thức khoa học, không quyền bính, không tiền bạc và không cả sự kính trọng. Phúc cho "những con người bé nhỏ này", nghèo túng rất nhiều thứ, nhưng lại giàu sự hiểu biết của con tim. Họ hiểu biết mà không xét nét, và đã trở nên bằng chứng sống động của sự thâm nhập của một thế giới khác. Những nhân chứng đầu tiên còn lớn hơn cả Đấng tiền hô nữa.

Những dấu chỉ sự hiện diện của Nước Thiên Chúa và của Đấng Cứu Tinh không cố gì là ly kỳ cả. Trái lại, kín đáo và ẩn giấu trong khối bột của đời sống thường ngày, chúng dễ dàng lướt qua, không ai để ý. Những bằng chứng về tính đích thực không bị đông cứng lại trong những tuyên bố những nguyên tắc, những đe doạ và những vạ tuyệt thông ầm ĩ, cũng không có trong sự rõ ràng của những tín điều được công bố. Chính Đức Giêsu từ chối trả lời cho đấng tiền hô qua việc giới thiệu những danh hiệu của Ngài, cho những thái độ khiêu khích gây kinh ngạc, đụng chạm và chia rẽ của Ngài. Những bằng chứng ư? Những cử chỉ yêu thương và tha thứ, bằng chứng của một tinh thần rộng mở và luôn luôn niềm nở, một trái tim không biên giới, một sự hoàn toàn kính trọng tất cả mọi người, một sự say mê chân lý và công bình, một sự trung thành không ngừng bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa và của con người. Thiên Chúa và con người không thể tách rời nhau.

2. “Mở mắt mở tai… tâm hồn”

Tìm kiếm sự phi thường, kỳ diệu luôn luôn là một cám dỗ; còn tế nhị hơn nữa, tìm kiếm sự thành công, sự kính trọng, lòng khao khát lôi cuốn sự chú ý, thủ đắc uy tín xã hội cho chúng ta hay cho Giáo Hội. Chúng ta muốn gây một ấn tượng tốt, nếu có thể gây nên cảm giác, muốn giới thiệu nhưng dấu chỉ như là những thư giới thiệu. Thế nhưng, những dấu chỉ đích thực của Đấng Thiên Sai lại chiếu cố đến những người bé mọn, những người bệnh tật, nhưng người nghèo. Vì thế, dấu chỉ của ơn cứu độ thường được giấu kín, không hiểu thấu được. Để có thể thấy được, phải tìm kiếm, phải chú ý, lắng nghe và nhìn xem: "Hãy đi báo cho Gioan những gì các ông nghe và thấy”. Đang ở trong tù, Gioan vẫn theo dõi những gì người ta nói về Đức Giêsu: ông sai các môn đệ đến với Đức Giêsu để phỏng vấn Ngài: Cũng phải mở rộng con tim để hiểu: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. Chính những dấu chỉ phải đương đầu với sự mâu thuẫn. Quả thật người ta có thể bỏ qua, quả thật người ta có thể thấy chúng "không có gì đáng kể", hay người ta có thể lầm lạc khi tìm kiếm những việc phi thường. Để nhận ra Đức Kitô, phải mở mắt, mở tai... và mở con tim nữa.

3. “Phép lạ, dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người"

"Không được cô lập phép lạ ra khỏi toàn bộ Phúc âm. Đó là phần chính yếu của sứ mạng Đức Giêsu. Có nghĩa là, ơn cứu độ do Đức Giêsu đem đến không phải chỉ là Tin Mừng suông, một sự hiểu biết giúp thoát khỏi sự tối tăm ngu dốt, và chuyền thông một kiến thức mới về Thiên Chúa; nhưng đó cũng là một sự giải phóng thân xác, một sự khôi phục toàn diện cho những người què quặt cho những người sống bên lề, cho những người bị đánh mất chính mình (bị ám ảnh bởi một người khác), cho những ngườibị loại trừ ra khỏi xã hội. Phép lạ tượng trưng cho một chương trình cứu độ, chịu trách nhiệm về những thực tại thân xác, vật lý, thiêng liêng và xã hội của con người. Phép lạ luôn luôn xuất hiện như một sự phản kháng, chống lại một trạng thái nào đó của những sự vật một sự từ chối chống lại tai ương, dù là sinh vật học, thiên nhiên hay xã hội. Người có ơn đoàn sủng là người vượt qua những ranh giới và giúp cho người khác vượt qua những ranh giới đó. Có thể chúng ta chạm ngón tay vào một nét lớn của phép lạ, là phải nắm giừ lại khi chúng ta tự hỏi về tính thời sự của phép lạ. Ngày nay, chúng ta ít thấy những phép lạ thuộc loại sinh vật học; tuy nhiên, phải tự hỏi về những vươn lên, những vượt qua các giới hạn mà chúng ta được mời gọi. Phép lạ giả thuyết hai người nghèo túng: người thứ nhất là Đức Giêsu, "Ngài là Đấng vốn giàu có đã tự trở nên nghèo hèn vì anh em" (2Cr 8,9). Người thứ hai là người đón nhận dấu chỉ của Đức Giêsu, là người khốn quẫn đến nỗi đã để cho sức mạnh của Đức Giêsu hành động trên chính mình và qua chính mình".